Bằng Phúc là xã miền núi của huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), nơi đây khí hậu mát mẻ quanh năm. Dọc những triền núi ở xã Bằng Phúc có giống chè shan tuyết nổi tiếng với hương vị làm say đắm lòng người.
Giống chè shan tuyết Bằng Phúc có đặc điểm lá xanh đậm, rễ ăn sâu vào lòng đất, tán rộng và dày nên khả năng che phủ đất tốt. Chè shan tuyết là cây trồng quý, nằm trong danh mục những cây trồng cấm xuất khẩu.
Trước đây, chè shan tuyết ở Bằng Phúc hầu như chỗ nào cũng có, phân bố đồng đều ở các thôn, nhưng theo thời gian, số lượng cây chè shan tuyết cổ thụ ngày càng ít dần. Thống kê sơ bộ cho thấy, toàn xã giờ chỉ còn hơn 500 cây chè cổ thụ.
Nguyên nhân là trong một thời gian dài, giới cây cảnh đến săn lùng mua những gốc chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm để thỏa mãn thú chơi. Do đó việc bảo tồn những gốc chè cổ thụ rất cần thiết nhằm lưu giữ nguồn gen quý, cũng như phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch của địa phương.
Trước nguy cơ cạn kiệt cây chè shan tuyết cổ thụ, cuối năm 2022, huyện Chợ Đồn đã ban hành phương án “Bảo tồn cây chè shan tuyết cổ thụ xã Bằng Phúc giai đoạn 2023 - 2025” với mục tiêu bảo tồn 433 cây chè shan tuyết cổ thụ, lưu giữ nguồn gen quý, phục vụ du lịch sinh thái trải nghiệm, phát triển nông nghiệp bền vững.
Hiện nay cơ quan chuyên môn đã đánh số từng cây, lập sổ theo dõi, hỗ trợ các nông hộ quy trình kỹ thuật về đốn tỉa, tạo tán cân đối, bón phân, chăm sóc cho những cây chè cổ thụ.
Ông Đặng Đình Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết: Để bảo tồn những cây chè shan tuyết cổ thụ, huyện đã nhiều lần kiểm tra, khảo sát, di chuyển kịp thời gần 100 cây nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng thi công tuyến đường TP Bắc Kạn - hồ Ba Bể đến chỗ khác để tiếp tục chăm sóc. Huyện cũng đã giao xã Bằng Phúc tuyên truyền sâu rộng đến người dân lợi ích của việc bảo tồn những cây chè shan tuyết cổ thụ để lưu giữ nguồn gen và phục vụ du lịch trong thời gian tới.
Ông Hoàng Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bằng Phúc (huyện Chợ Đồn) thông tin thêm, sắp tới, khi trục đường từ TP Bắc Kạn đi hồ Ba Bể hoàn thành, xã sẽ nằm trong vùng trọng điểm về du lịch. Do đó việc bảo tồn những cây chè shan tuyết cổ thụ có vai trò quan trọng phục vụ phát triển du lịch. Hiện nay, xã đã ban hành quy định cấm buôn bán cây chè shan tuyết cổ thụ ra khỏi địa phương, nếu phát hiện hành vi chặt hạ, khai thác sẽ xử lý nghiêm. Xã cũng đã đến từng hộ vận động người dân tham gia bảo vệ những cây chè quý giá này.
“Đối với những diện tích chè shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm, địa phương sẽ tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất để hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, cải tạo, giúp người dân có thêm thu nhập”, ông Thái chia sẻ.
Bên cạnh việc bảo vệ, hiện nay chính quyền và ngành chuyên môn cũng xây dựng nhiều mô hình trồng chè shan tuyết nhằm tăng thu nhập cho người dân. Khi người dân có thu nhập ổn định sẽ cùng với chính quyền chung tay bảo tồn giống chè quý này.
Từ năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn cũng đã triển khai dự án chăm sóc, chế biến và tiêu thụ chè shan tuyết tại xã Bằng Phúc. Theo đó, xây dựng hơn 20ha chè shan tuyết theo hướng hữu cơ, 10ha chè theo hướng VietGAP, ngoài ra còn hỗ trợ liên kết chăm sóc, cải tạo thâm canh cây chè shan tuyết với người dân địa phương. Tất cả sản phẩm chè của dự án được các hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua với giá từ 15 đến 20.000 đồng/kg chè tươi.
Năm 2022, diện tích chè shan tuyết của huyện Chợ Đồn gần 500ha, mục tiêu đến năm 2025 sẽ mở rộng lên khoảng 600ha. Huyện Chợ Đồn sẽ tập trung phát triển vùng chè shan tuyết đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến chè shan tuyết để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước, hướng tới xuất khẩu.