Người xem cỏ dại là bạn

 

 

Vợ chồng anh Lê Phú Thanh và chị Nguyễn Thị Hảo tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp năm 2011. Sau gần chục năm sống và làm việc tại thành phố Nam Định, hai vợ chồng quyết định bỏ phố về quê để làm nông nghiệp tại Thanh Hóa.

Quyết định khi ấy của anh Thanh vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình. “Cả đời bố mẹ tôi gắn bó với nghề nông nên thấu hiểu nổi vất vả, cực nhọc của nông dân. Bởi vậy, đấng sinh thành luôn mong con cái học hành nên người và có công việc ổn định. Có thời gian bố mẹ tôi phản ứng gay gắt vì quyết định trên. Đến bây giờ các cụ thi thoảng vẫn khuyên con cái tìm kiếm việc làm khác cho đỡ vất vả”, anh Thanh chia sẻ.

Áp lực trên đòi hỏi anh Thanh phải nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để chứng minh quyết định của bản thân là đúng đắn. Nói về ý tưởng làm nông nghiệp, anh Thanh cho biết, bản thân luôn cảm thấy tò mò và có hứng thú với đồng ruộng. 

“Tôi mong muốn sống trong không gian riêng do mình tạo lập và thực hiện những điều ấp ủ bấy lâu. Bởi vậy, bản thân quyết định khởi nghiệp từ những thứ gần gũi, đơn giản nhất”, anh Thanh chia sẻ.

 

Sau khi nghỉ việc, anh bắt đầu tìm kiếm, học hỏi cách làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ từ các mô hình trong và ngoài tỉnh.

“Tôi xuất phát điểm từ nông thôn nên khá quen với tập quán canh tác của bà con. Nông dân từ xưa tới nay có thói quen lạm dụng phân bón, thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp. Điều này không chỉ khiến môi trường bị ô nhiễm mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người và cây trồng”, anh Thanh tâm sự.

Ngoài ra, lý do khiến vợ chồng anh từ bỏ phố thị về quê lập nghiệp một phần cũng vì sức khỏe con gái anh không tốt lúc mới sinh. “Em bé sinh non nên phải nằm viện thời gian dài, chi phí rất tốn kém. Nay cháu đã lớn và khỏe mạnh, nhưng không thể chủ quan việc ăn uống. Cũng từ đây, vợ chồng tôi quyết tâm xây dựng một không gian xanh, giúp các con có nguồn thực phẩm an toàn, cải thiện sức khỏe và tạo ra môi trường sống an toàn”, anh Thanh chia sẻ.

 

 

Suốt mấy tháng trời, cả gia đình không biết anh Thanh bỏ việc, đi học cách làm nông nghiệp. Chỉ đến khi tích lũy được kinh nghiệm, anh Thanh mới thông báo cho vợ về ý định của mình. Vợ anh không những không phản đối mà còn động viên và cùng chồng bắt tay khởi nghiệp.

Ngoài những trải nghiệm thực tế, anh Thanh còn trang bị cho mình kiến thức làm nông nghiệp hữu cơ thông qua sách vở và các lớp học online. “Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, tôi tham gia một lớp học về nông nghiệp hữu cơ do một tổ chức phi chính phủ tổ chức. Ở đó, tôi được tiếp cận cách thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất và những giá trị sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ mang lại cho người tiêu dùng”, anh Thanh cho biết.

Ban đầu, do vốn hạn hẹp, anh Thanh thuê lại vài trăm m2 nhà màng bỏ trống tại phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) để trồng thử nghiệm rau sạch. Khi mọi việc bắt đầu vận hành trơn tru, chủ sở hữu đòi lại mảnh đất mà anh đã thuê để sử dụng vào việc khác. Vụ đó, anh Thanh mất trắng số hoa lợi chưa thu hoạch và toàn bộ vốn liếng đã bỏ ra. Sau đó không lâu, anh được một người quen cho mượn nhà màng để trồng dưa, nhưng cũng thất bại vì sâu bệnh, mất mùa, khiến số nợ lại nhiều thêm.

Năm 2019, anh Thanh trở về quê, thuê thầu hơn 7.000m2 đất tại xã Hoằng Đạo (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) để làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Khu đất của vợ chồng anh thuê hễ mưa thì ngập úng, nắng thì khô hạn nên nông dân trong làng bỏ hoang nhiều vụ, cỏ mọc quá nửa thân người.

Khởi nghiệp lận đận, thành quả công việc chưa có, vợ chồng anh Thanh không thuê người làm mà tự tay làm hết hàng trăm công việc có tên lẫn không tên từ làm đất, gieo giống, đến chăm sóc cây trồng.

Về với đồng ruộng, về với nông dân, khuôn mặt anh Thanh trở nên đen nhẻm, chân tay chai sần vì dãi nắng dầm mưa.

 

 

Để có đất sản xuất, vợ chồng anh mất cả năm trời be bờ, đắp thửa, ủ phân, bón ruộng. Trên đám ruộng đã cải tạo, vợ chồng anh sản xuất rau, củ, quả theo mùa vụ, chủ yếu là những thực phẩm bình dân như các loại rau màu, hành, tỏi, dưa chuột… Trải nghiệm đầu tiên sau 1 năm gắn bó với nghề nông khiến anh Thanh sụt mấy kg chỉ vì tham công tiếc việc.

 

 

Đến nay, anh Thanh đã thuê thầu được hơn 1 ha đất tại xã Hoằng Đạo (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), đồng thời đầu tư khoảng 300 triệu đồng để xây nhà màng, mua máy móc và thuê thêm nhân công mở rộng sản xuất, thành lập nông trại Tây Đô Green farm.

Theo đuổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thuận theo tự nhiên, an toàn cho sức khỏe con người, nông trại Tây Đô Green farm của vợ chồng anh Thanh không sử dụng phân bón hóa học cũng như thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ. Thay vào đó, anh sử dụng phân trùn quế, phân chuồng ủ mục để cải tạo đất, bón cho cây trồng.

Bao quanh khu vực sản xuất của vợ chồng anh Thanh là “hàng rào sinh học”, chủ yếu là cây cỏ và cây dây leo. Riêng khu vực trồng rau anh trồng thêm chuối và cây dại để nâng cao độ che chắn. Theo anh, hàng rào này có tác dụng ngăn chặn các tác nhân có hại từ môi trường (thuốc trừ sâu, phân hóa học) ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. 

 

 

Ngoài ra, điểm đặc biệt của nông trại Tây Đô Green farm là thay vì diệt trừ tận gốc các loại cỏ dại trong vườn, anh Thanh để cỏ sống chung để bảo vệ cây trồng. Để minh chứng, anh dẫn chúng tôi tới ruộng dưa hấu còn nguyên tàn dư của cây dưa đã hoai mục, đang được ủ để làm phân bón hữu cơ.

Năm ngoái, ruộng dưa hấu của vợ chồng anh Thanh “dị” nhất làng. Cả khu vườn đến độ thu hoạch phủ kín màu xanh của cỏ, không phân biệt được đâu là thân cỏ đâu là dưa. Nhiều người lầm tưởng anh chị mất trắng vụ dưa nên khuyên chủ vườn quay lại dùng thuốc trừ cỏ để bảo vệ cây trồng, ổn định năng suất. Nhưng đến khi thu hoạch, ai cũng bất ngờ vì dưa sai trĩu quả, nằm khuất dưới lớp cỏ xanh mướt cao quá đầu gối người lớn. Dưa thu hoạch không bị nhiễm bệnh, mẫu mã đẹp, được thương lái rất ưa chuộng.

Sau nhiều vụ thử nghiệm trồng cỏ, anh Thanh nhận ra rằng, cỏ dại không phải kẻ thù mà là bạn của nhà nông. Nếu coi cỏ dại là kẻ thù, từ đó lạm dụng thuốc diệt cỏ thì sức đề kháng của cây trồng sẽ yếu đi. Khi gặp mưa, cây dễ bị dập thân, nhiễm nấm bệnh, quả rất dễ bị thối.

“Nhiều người nghĩ để cỏ trong vườn sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng, nhưng bản chất không phải như vậy. Cỏ và cây cần dinh dưỡng nhưng cơ chế hấp thụ khác nhau. Nuôi cỏ giúp bảo vệ đất, thu hút thiên địch nhờ có hoa và xua đuổi côn trùng, giúp đất giữ ẩm tốt hơn, hạn chế sự bốc hơi nước khi nắng nóng. Khi cỏ chết đi sẽ tạo ra sinh khối hữu cơ cho đất, có lợi cho sự phát triển của cây trồng”, anh Thanh chia sẻ.

 

 

 

 

Từ mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, anh Thanh mong muốn người dân trong vùng thay đổi tập quán canh tác truyền thống. Tuy nhiên, việc thuyết phục, vận động nông dân thay đổi tư duy là điều không dễ dàng. Năm ngoái, anh Thanh liên kết với một hộ dân trong xã trồng dưa hấu theo hướng hữu cơ, thế nhưng chỉ được thời gian ngắn, chủ hộ quyết định phá bỏ toàn bộ vườn tược.

“Người dân thường có thói quen lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi côn trùng, sâu bệnh gây hại. Tuy nhiên, nhiều loại sâu có khả năng kháng thuốc nếu sử dụng quá nhiều. Điều này không chỉ gây hại tới sức khỏe cây trồng mà còn ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe của đất và con người.

Trị bệnh cho cây trồng không khó, nhưng nông dân phải kiên trì mới thành công. Bởi vậy, khi thấy sâu bọ phá hại ruộng dưa, họ quyết định phá cả vườn vì cho rằng năng suất không cao và sản phẩm không đạt chất lượng. Nếu áp dụng nguyên lý canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sâu bệnh và côn trùng gây hại cho cây trồng sẽ giảm mà không cần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Hàng rào sinh học là môi trường để rắn, chim, bọ phát triển. Chúng là những thiên địch để diệt sâu bọ. Do vậy thay vì tiêu diệt, chúng ta phải tìm cách biến nó thành công cụ bảo vệ mùa màng” anh Thanh chia sẻ.

Đặc biệt, đối với cây trồng theo mùa vụ (chủ yếu là rau ăn lá), anh Thanh để cây trồng phát triển tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học. 

Theo anh, nếu rau màu bị rệp phá hoại ở mức bình thường, anh thuê nhân công bắt sâu, nhổ tỉa. Nếu sâu bệnh phá hoại mạnh thì chấp nhận phá cả ruộng rau để làm luống khác chứ tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học. Rau màu bị thiệt hại do sâu bệnh có thể không sử dụng để làm thực phẩm, nhưng sẽ tận dụng để ủ thành phân, tái thiết sản xuất cho vụ sau.

Ngoài ra, tại khu ruộng, vợ chồng anh Thanh áp dụng phương pháp trồng xen canh các loại rau để phòng ngừa sâu bệnh. Theo anh, một số loại rau có tác dụng ngăn ngừa côn trùng rất đặc hiệu. Ví dụ trồng cần tây xen bắp cải thì mùi của rau cần sẽ xua đuổi một số loại sâu hại cho cây trồng. Cây đậu được trồng theo hàng để dẫn dụ côn trùng, bảo vệ rau màu không bị nhện đỏ và côn trùng gây hại tấn công. Với cách làm này, nông dân vừa đỡ tốn chi phí xử lý sâu bệnh, vừa khai thác hiệu quả lợi thế đất đai.

Xác định canh tác thuận tự nhiên, đa dạng sinh học, mùa nào thức nấy nên nông trại của anh Thanh luân phiên rau, quả trồng theo 4 mùa. Mùa hè trồng các loại rau, dưa (dưa hấu, dưa lê), mùa đông trồng các loại rau màu, xen kẽ các loại cây dược liệu, thảo mộc.

Theo anh, canh tác an toàn theo hướng thuận tự nhiên sản lượng đương nhiên sẽ thấp, nhưng đổi lại sản phẩm an toàn với người sử dụng.

Ngoài giá trị kinh tế, Tây Đô Green farm mong muốn tạo ra một không gian nông trại an lành thực sự, mang đến cho người tiêu dùng những bó rau, thức quả trọn vị ngon của thiên nhiên, đáp ứng tiêu chí sạch và lành.

Hiện nay, mỗi năm Tây Đô Green farm cung cấp ra thị trường hàng tấn rau, củ quả được sản xuất theo hướng hữu cơ. Dù thu nhập mới ở mức khiêm tốn nhưng mô hình sản xuất của vợ chồng anh Thanh ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ đam mê làm nông nghiệp sạch.

 

 

 

 

Làm nông nghiệp sạch đã khó, tìm kiếm thị trường tiêu thụ còn khó hơn. Ban đầu, anh Thanh liên hệ với các nhà phân phối lớn và siêu thị trong, ngoài tỉnh để cung cấp rau sạch, nhưng dự định trên gặp khó khăn do vùng trồng chưa thể đáp ứng sản lượng cung cấp theo kế hoạch.

Thời gian đầu, do khó khăn về thị trường, vợ chồng anh Thanh phải thay nhau mang rau ra chợ tiêu thụ. Tuy nhiên, do thói quen tiêu dùng của người dân cùng với việc sản phẩm có giá cao hơn so với các sản phẩm cùng loại nên các mặt hàng rau, củ, quả của vợ chồng anh rất ít người quan tâm.

Mắt thường, nhiều người không phân biệt được đâu là sản phẩm sạch, an toàn. Khách hàng chưa hiểu được thế nào là sản phẩm canh tác theo hướng hữu cơ nên còn hoài nghi. Một vài vụ đầu tiên, anh phải bán giảm giá để cắt lỗ.

Rút kinh nghiệm từ những lần tiếp thị không thành, đồng thời để tạo niềm tin với khách hàng, vợ chồng anh quyết định mở cửa Tây Đô Green farm đón khách tới tham quan với mong muốn chia sẻ cách làm nông nghiệp sạch và để khách hàng chứng kiến tận mắt quy trình sản xuất rau theo hướng hữu cơ.

 

 

 

 

Bên cạnh đó, anh Thanh công bố chỉ số đánh giá tiêu chuẩn và chất lượng các loại rau sạch đã được cơ quan kiểm định chứng nhận để chứng minh về chất lượng sản phẩm do Tây Đô Green farm sản xuất. Khi khách hàng hiểu và tin tưởng, các sản phẩm của trang trại đã nhanh chóng được người dân biết đến.

Vậy nhưng cũng phải mất 3 năm kể từ thời điểm khởi nghiệp, thương hiệu sản phẩm rau, củ, quả sạch của Tây Đô Green farm mới được nhiều người quan tâm, đón nhận. Hiện nay, ngoài việc là chủ sở hữu của Tây Đô Green farm, anh Thanh còn là thành viên của nhóm “Chợ sớm bình yên” - nơi quy tụ những người trẻ làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ tại Thanh Hóa và các tỉnh thành lân cận.

Anh Thanh cho biết, khi tham gia nhóm những người trẻ làm nông nghiệp, anh được tham quan, học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ, cách tiếp thị, quảng bá sản phẩm trên nền tảng số.

Cứ đều đặn mỗi tháng, vợ chồng anh Thanh lại đưa các sản phẩm nông nghiệp do nông trại sản xuất đến phiên chợ “Chợ sớm bình yên” tại TP Thanh Hóa để giới thiệu và trực tiếp bán sản phẩm.

Tại phiên chợ này, anh Thanh vừa là ông chủ, kiêm nhiệm người bán hàng. “Nhà sản xuất phải có mặt trực tiếp để tham gia bán hàng và lắng nghe phản hồi từ thượng đế về chính sản phẩm do mình làm ra. Ai có gì bán nấy, miễn là sản phẩm sạch, nhưng chỉ được phép bán sản phẩm do mình sản xuất ra. Có hôm hàng không đủ để bán vì nhu cầu khách hàng quá lớn. Qua những phiên chợ như vậy, tôi rút ra được nhiều bài học về việc nắm bắt nhu cầu, thị hiếu khách hàng để cải thiện chất lượng sản phẩm”, anh Thanh chia sẻ

Cũng theo anh Thanh, khi đưa các sản phẩm của Tây Đô Green farm đến phiên chợ bày bán, anh và các thành viên chưa đặt nặng vấn đề lợi nhuận.

Các gian hàng, sản phẩm được trưng bày và bán là câu chuyện về niềm đam mê, nghị lực của những người trẻ sản xuất nông nghiệp sạch, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. Không chỉ riêng vợ chồng anh Thanh mà mọi người tham gia phiên chợ đều mong muốn cống hiến vì một cộng đồng an toàn. 

Quốc Toản
Trương Khánh Thiện
Quốc Toản
Quốc Toản