| Hotline: 0983.970.780

Tăng sức khỏe cho đất dốc

Cỏ dại là bạn, chỉ quản lý chứ không tiêu diệt

Thứ Ba 13/08/2024 , 07:00 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Nhìn trang trại 3.000 cây sầu riêng cỏ mọc um tùm, chúng tôi nghĩ bụng chủ nhà vườn này lười quá, nào ngờ cỏ ở đây được 'nuôi' để bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Cỏ mọc dày trong vườn sầu riêng của ông Cẩn. Ảnh: V.Đ.T.

Cỏ mọc dày trong vườn sầu riêng của ông Cẩn. Ảnh: V.Đ.T.

Nuôi cỏ để cỏ nuôi cây

Bài liên quan

Ông Hồ Nhất Cẩn (sinh năm 1966) quê ở phường Hoài Tân (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), rong ruổi kiếm kế sinh nhai ở TP.HCM đã lâu. Về cuối đời, ông bỗng nhớ quê hương, nhớ đồng đất nơi mình sinh ra nên quay về quê thuê của chính quyền địa phương 6ha đất gò đồi tại phường Hoài Tân và mua thêm 6ha khác liên vùng để làm nông nghiệp.

Giai đoạn đầu, ông Cẩn trồng dừa xiêm và bơ. Khi dừa xiêm và bơ cho thu hoạch, ông thấy hiệu quả không cao so với chi phí đã đổ ra trên vùng đất gò đồi nên năm 2019, ông quyết định phá bỏ hết những cây trồng cũ để trồng 3.000 cây sầu riêng chia thành 3 đợt. 700 cây sầu riêng ông Cẩn trồng đợt đầu đến năm nay đã cho quả năm thứ 3, hơn 1.000 cây đang giai đoạn trưởng thành và 1.000 cây mới trồng.

“Hiện tôi đang thu hoạch lứa quả năm thứ 3 của 700 cây sầu riêng trồng đợt đầu. Đến nay, tôi đã thu hoạch được hơn 30 tấn, từ nay đến cuối vụ, khả năng sẽ thu hoạch thêm khoảng 20 tấn nữa. Đó là chưa kể cơn gió lớn bất ngờ đã “vặt” mất của tôi hơn 1.100 quả đã to bằng cái ly uống nước. Gió to đến thốc bay cả mái ngói thì quả sầu riêng treo lúc lỉu trên cây sao mà trụ được”, ông Hồ Nhất Cẩn chia sẻ.

Trong vườn sầu riêng của ông Hồ Nhất Cẩn cỏ mọc thoải mái, ông không diệt mà chỉ quản lý cỏ dại. Ảnh:V.Đ.T.

Trong vườn sầu riêng của ông Hồ Nhất Cẩn cỏ mọc thoải mái, ông không diệt mà chỉ quản lý cỏ dại. Ảnh:V.Đ.T.

Bài liên quan

Theo tính toán của ông Cẩn, giá sầu riêng năm nay nhỉnh hơn năm ngoái, thương lái mua trụm tại vườn với giá 80.000đ/kg. Tính hết vụ ông Cẩn dự kiến thu được khoảng trên 50 tấn. Vị chi năm nay ông sẽ bỏ túi khoảng 4 tỷ đồng từ vườn sầu riêng mới chỉ cho quả chưa tới 1/3 tổng số cây trong vườn.

“Chất lượng quả năm nay cũng khác xa 2 năm trước, cây càng ngày càng sung sức, lại được chăm sóc theo hướng hữu cơ nên cho quả ngày càng chuẩn, vỏ mỏng hơn và múi tăng độ béo, độ thơm nên người tiêu dùng rất thích”, ông Cẩn cho biết thêm.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn sầu riêng, ông Cẩn tâm sự: Đất gò đồi là đất dốc, mà đất dốc ngoài bị thiếu dinh dưỡng còn khó giữ được độ ẩm vì nếu có mưa xuống nước cũng nhanh chóng trôi tuột đi hết. Do đó, để giữ ẩm cho đất, cỏ trong trang trại ông Cẩn cho mọc thoải mái, ông chỉ dọn sạch cỏ quanh những cây sầu riêng cỡ bằng cái nong, còn trong vườn cỏ phát triển ngút ngàn.

Ông Cẩn phân tích, cỏ trong vườn sầu riêng ông không diệt, mà chỉ quản lý nó, khi cỏ lên cao quá thì cắt, giữ gốc lại để cỏ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên vào mùa mưa, cỏ phải thường xuyên được cắt để nước dễ thoát nhằm giữ ẩm độ trong đất không tăng quá cao. Còn vào mùa nắng thì để cỏ mọc dày sẽ rất có lợi cho cây trồng, vì cỏ giữ được độ ẩm, giảm được lượng nước tưới.

Sầu riêng trồng ở Bình Định nghịch vụ với tất cả những vùng sầu riêng trong cả nước nên có lợi thế cạnh tranh rất lớn. Ảnh: V.Đ.T.

Sầu riêng trồng ở Bình Định nghịch vụ với tất cả những vùng sầu riêng trong cả nước nên có lợi thế cạnh tranh rất lớn. Ảnh: V.Đ.T.

“Rễ cỏ len lỏi trong đất làm đất có độ hở, cây sầu riêng có tầng oxy để thở. Nông dân thường dọn sạch cỏ trong vườn vì nghĩ cỏ sẽ “ăn” hết phân bón của cây. Thật ra cỏ có “ăn ké” của cây một ít phân bón, nhưng sau đó chính nó sẽ tạo nguồn phân hữu cơ rất lớn bổ sung dinh dưỡng cho cây. Bởi cắt cỏ xong, tôi phun vào cỏ nấm đối kháng Trichoderma để cỏ phân hủy thành phân hữu cơ. Cỏ “ăn” phân có 1 nhưng trả dinh dưỡng đến 10”, ông Hồ Nhất Cẩn khẳng định.

Ưu điểm của vùng sầu riêng trái vụ

Bài liên quan

Theo ngành chức năng, hiện nay, trên địa bàn Bình Định có khoảng 159.276ha đất gò đồi, tiếp giáp giữa miền núi phía Tây và đồng bằng phía Đông, chiếm khoảng 10% tổng diện tích đất nông nghiệp. Đất gò đồi ở Bình Định có độ cao dưới 100m, độ dốc tương đối lớn từ 10 - 15 độ, phân bố ở huyện miền núi An Lão với 5.058ha, huyện miền núi Vân Canh 7.924ha và nhiều nhất là tại thị xã Hoài Nhơn với 15.089ha.

Anh Trần Ngọc Viễn (41 tuổi) quê ở phường Hoài Đức (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) hiện đang làm việc tại Siêu thị cây giống Welofarm ở Chợ Lách (Bến Tre). Trong quá trình làm việc, anh Viễn đã được tiếp cận rất nhiều vùng trồng sầu riêng ở miền Tây, miền Đông, Tây Nguyên. Miền Trung thì anh Viễn đã đến vùng sầu riêng ở Khánh Vĩnh, Khánh Sơn (Khánh Hòa) và Sông Hinh (Phú Yên). Khi về thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), anh Viễn nhận thấy đất gò đồi ở đây rất phù hợp với cây sầu riêng.

“Khí hậu, thổ nhưỡng ở Hoài Nhơn phù hợp với 3 giống sầu riêng Ri6, Thái và Musanking. Đất ở đây dễ thoát nước, mưa xuống không bị úng, trong khi cây sầu riêng sợ nhất là bị úng. Hàm lượng kali và lân trong đất khá bình ổn, độ pH chuẩn, không bị phèn”, anh Viễn phân tích.

Chỉ xung quanh gốc sầu riêng ông Cẩn mới dọn sạch cỏ, cỏ mọc trong vườn sẽ giữ ẩm cho đất, nhất là trong mùa nắng nóng. Ảnh: V.Đ.T.

Chỉ xung quanh gốc sầu riêng ông Cẩn mới dọn sạch cỏ, cỏ mọc trong vườn sẽ giữ ẩm cho đất, nhất là trong mùa nắng nóng. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Một ưu điểm lớn của sầu riêng trồng ở Bình Định, theo phân tích của Viễn là trong năm, sầu riêng ở miền Tây cho quả đầu tiên, sau đó mới đến sầu riêng ở miền Đông, Tây Nguyên rồi đến Khánh Vĩnh (Khánh Sơn, Khánh Hòa) và cuối cùng mới đến Bình Định. Vậy nên vụ thu hoạch sầu riêng ở Bình Định nghịch vụ với tất cả những vùng sầu riêng trong cả nước nên có lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Trong quá trình chăm sóc cây sầu riêng, ông Hồ Nhất Cẩn vừa học hỏi từ các chuyên gia, vừa tìm hiểu thêm qua sách vở, báo chí. Ông Cẩn nhận thấy cây sầu riêng thường bị bệnh vàng lá, thối rễ do nấm Phytophthora tấn công. Thế nhưng trên đất gò đồi, do có độ dốc cao, thoát nước tốt nên cây sầu riêng khó dính bệnh vàng lá và thối rễ.

Sầu riêng cũng thường bị rầy xanh tấn công khi cây ra đọt non, thế nhưng lũ rầy cũng dễ trị. Ông Cẩn dùng nước rửa chén phun lên lá non, độ trơn của nước rửa chén khiến lũ rầy không bám được trên lá để gây hại. Những bệnh thông thường khác thì ông sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý.

“Sử dụng hoạt chất hóa học xử lý thì chỉ chữa trị được ngay vết bệnh. Với chế phẩm sinh học, do lưu dẫn 2 chiều nên nó truy tìm được vết bệnh, tạo nội sinh cho cây. Cây phải có nội sinh thì mới có khả năng kháng bệnh.

Trang trại sầu riêng của tôi do được chăm sóc theo hướng hữu cơ nên cây cho lá rất dày. Những trang trại sầu riêng áp dụng canh tác vô cơ, sử dụng đa lượng thì đọt ra nhiều nhưng lá mỏng và cây sẽ bị nứt thân, chỉ cho quả trong quãng thời gian khoảng 15 năm, sau đó dù cây vẫn sống đến 20 - 30 năm nhưng tàn dần, cây không còn cho quả”, ông Hồ Nhất Cẩn phân tích.

Hiện ông Cẩn đã thu hoạch được 30 tấn sầu riêng, đến cuối vụ dự kiến có thể thu hoạch thêm khoảng 20 tấn nữa. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện ông Cẩn đã thu hoạch được 30 tấn sầu riêng, đến cuối vụ dự kiến có thể thu hoạch thêm khoảng 20 tấn nữa. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Cẩn, nếu chăm sóc sầu riêng theo quy trình hữu cơ, chủ nhà vườn tiết kiệm được 40 - 50% lượng phân bón. 1 cây sầu riêng chăm sóc theo hướng hữu cơ từ khi trồng đến 5 năm tuổi, chủ nhà vườn chỉ tốn dưới 1,5 triệu đồng tiền phân bón/cây, bán chục quả sầu riêng là đủ bù vào tiền phân.

"Cây sầu riêng được chăm sóc theo hướng hữu cơ sẽ duy trì sức cho quả đến hơn 30 năm. Sầu riêng chăm sóc theo hướng hữu cơ chất lượng quả rất ngon, đầu ra cũng rộng hơn so với những vườn sầu riêng chăm sóc theo kiểu truyền thống”, ông Hồ Nhất Cẩn chia sẻ.

Xem thêm
Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Kiểm soát dịch bệnh gặp khó do vắng thú y cơ sở

ĐBSCL Thiếu vắng hệ thống thú y cơ sở khiến công tác phòng chống dịch, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y gặp nhiều khó khăn.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất