Nguyễn Bá Ngọc mở biển

Hành trình của Nguyễn Bá Ngọc vốn tưởng như con dã tràng xe cát nhưng giờ đây có thể sẽ là cột mốc mở ra trang mới cho nghề nuôi biển ở Việt Nam.

Hai chiếc lồng nuôi biển, một cái hình vuông, cái kia hình tròn, tựa như những chiếc sà lan khổng lồ mang hình dáng đất trời lầm lì rẽ sóng tiến ra vùng biển C3, cửa biển xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ngoài đấy là vùng cửa gió, mùa đông gió bấc, mùa hạ gió nồm, biển luôn hung dữ, chỉ ngồi trên thuyền không thôi sóng đã đánh cho xây xẩm mặt mày, thành thử xưa nay chưa ai dám nghĩ đến chuyện ra đấy để mà nuôi biển cả. Nguyễn Bá Ngọc, chàng trai sinh năm 1988, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần mực nhảy Biển Đông, chính là người đầu tiên.

 

 

Cách đây độ vài năm, khá nhiều người có ấn tượng với Nguyễn Bá Ngọc từ một chương trình gọi vốn trên sóng đài truyền hình quốc gia. Hình ảnh chàng trai trẻ miền biển mang vẻ ngoài chân chất, mộc mạc dù còn khá nhiều hạn chế về kiến thức kinh tế, kinh nghiệm trên thương trường nhưng lại mang trong mình một ý chí, khát vọng cháy bỏng vì cộng đồng ngư dân đã thực sự lay động trái tim nhiều người. Đó là ý chí, khát vọng của một “đứa con của biển”, khởi nghiệp với mong muốn mang lại nhiều giá trị hơn cho người dân bám biển và xa hơn là khôi phục hệ sinh thái môi trường biển đang đứng trước nguy cơ “vài năm nữa biển sẽ không còn gì để đánh bắt”.

Dự án của Nguyễn Bá Ngọc thời điểm đó nhằm kêu gọi các nhà đầu tư đồng hành với người dân ở các ngư trường khai thác bền vững giá trị của biển, nhân giống và nuôi mực trong môi trường tự nhiên, từ đó giải quyết các bài toán vẫn còn đang nan giải ở những vùng biển miền Trung.

Lẽ tất nhiên, hành trình ấy quá nhiều sóng gió. Một số vị giám khảo chương trình đã từ chối anh rất thẳng thừng. Bởi trong mắt các nhà đầu tư lão luyện, lợi nhuận và khả năng ăn chắc của dự án là yếu tố tiên quyết. Dù đã không ít lần Ngọc khẳng định, nếu thành công, dự án của anh chắc chắn sẽ thay đổi số phận hàng vạn ngư dân và nghề nuôi biển, đó mới là điều mang ý nghĩa lớn lao hơn cả tiền.

Cuối cùng, anh hát một bài về biển, dùng hình ảnh ánh mắt mong mỏi của những ngư dân miền Trung đang ngày càng khó khăn do nguồn khai thác cạn kiệt, tàu thuyền phải nằm bờ và thuyết phục được một “cá mập” rót vốn 5 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần mực nhảy Biển Đông. Để đến hôm nay, Nguyễn Bá Ngọc đang dần hiện thực khát vọng của cả cuộc đời mình.

“Thằng gàn dở” Nguyễn Bá Ngọc sải bước trên những bãi cát dài tít tắp ven biển xã Thanh Hải. Kia là những làng chài lâu đời như Mỹ Hiệp, Mỹ Tân... Xa xa là Hòn Đỏ, Hòn Đen. Vài chiếc thuyền thúng, ghe lưới nhỏ của người dân vừa trở về bờ sau một chuyến vây lưới, câu mực đêm. Tiếng nói cười rôm rả, nhịp sống yên bình dưới ánh nắng mai và dẫu còn khó nhọc thì đó vẫn là những thay đổi tích cực lớn lao kể từ khi Nguyễn Bá Ngọc đến với nơi này.

"Tôi sinh ra từ biển", giọng Nguyễn Bá Ngọc đột nhiên chùng xuống. 4 đời làm ngư dân ở vùng biển Cửa Nhượng, vùng bãi ngang thuộc huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh dường như đã gom hết vị chát mặn của biển để hun đúc nên ý chí, khát vọng lớn đến mức bị ví như gàn dở của Nguyễn Bá Ngọc.

Vừa mới lọt lòng, mẹ đã bế Ngọc lên bờ đi nhờ nhà người ta ở cữ, một tháng sau lại phải quay xuống thuyền. Đời dân biển ở vùng Cửa Nhượng ấy đa phần đều như thế. Lấy thuyền làm nhà, lấy biển mưu sinh. Ông bà ngoại ăn ở với nhau từ thuở mười chín hai mươi, sống cùng nhau đến gần cả trăm tuổi, sinh con đàn cháu đống nhưng chưa lên bờ lấy một ngày nào, đến lúc chết cũng là chết ở trên thuyền.

Biển cho cho người ta nhiều thứ nhưng cũng lấy đi không ít. Và ngược lại, con người với mẹ thiên nhiên cũng vậy. Thành thử khát vọng của Ngọc chính là biển, là số phận của ngư dân, là một tương lai khác với những người bám biển chứ không phải là những tháng ngày nổi nênh, bất định, như thế hệ cha ông tự bao đời.

Ngọc khởi nghiệp ban đầu với nghề thu mua và đưa mực nhảy ở vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh đi xa nhất có thể. Mục tiêu của anh là nâng cao giá trị và thu nhập cho những người đi biển, ban đầu ở Hà Tĩnh, sau đó sẽ mở rộng sang những vùng biển khác.

Gần chục năm qua, có thể nói, Ngọc đã đạt được nhiều thành tựu. Anh là người đầu tiên nghiên cứu thành công phương pháp đưa mực nhảy Biển Đông đến với các thành phố lớn. Người đầu tiên cùng với ngư dân ở Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Vũng Tàu… xây dựng các mô hình khai thác, bảo quản mực nhảy để sau khi đánh bắt, dù có đi đến thành phố lớn, sang Lào, Campuchia, chúng vẫn còn đang bơi lội.

Cũng chính Ngọc đã thay đổi tư duy của nhiều nhà khoa học và đặc biệt là người ngư dân rằng con mực hoàn toàn có thể sống sau khi đánh bắt; đồng thời, có thể bán với giá cao gấp đôi so với thông thường. Chỉ có điều, muốn làm được thế thì phải bỏ ngay kiểu đánh bắt tận diệt như lưới quét, nổ mìn, đánh giã cào, kích điện…

Mười năm ấy, Ngọc và Biển Đông đã xây dựng thành công nhiều mô hình liên kết, thay đổi tư duy ngư dân, giúp họ sinh sống hài hòa hơn với biển. Và cũng từ đó, một giấc mơ lớn với Nguyễn Bá Ngọc là phải nhân giống nuôi mực, bắt những con mực tự nhiên có thể đẻ, cung cấp nguồn giống để nuôi thương phẩm. Nếu làm được, Ngọc nghĩ, mỗi vùng biển Việt Nam sẽ là một hồ nuôi khổng lồ, ngư dân sẽ có sinh kế bền vững và giảm áp lực lên biển. Một hệ sinh thái biển hài hòa, bền vững sẽ hình thành.

Tất nhiên, sẽ lại là một hành trình gian nan, khó nhọc. Hành trình mà hôm nay, ngồi bên bờ biển Ninh Thuận nói chuyện với tôi, Ngọc chia sẻ rằng cuộc đời con người ta rất ít ai dám vượt quá giới hạn bản thân dù chỉ một đôi lần nhưng với anh đã ít nhất ba lần không màng đến cả sống chết để đánh đổi giấc mơ nuôi mực biển.

Giới hạn thứ nhất, khi Nguyễn Bá Ngọc nghĩ đến chuyện nhân giống và nuôi mực biển thương phẩm, gần như trên thế giới chưa ai làm. Các quốc gia như Nhật Bản, Oman, Qatar đã đổ rất nhiều tiền của nghiên cứu nhân giống, nuôi mực biển quy mô lớn nhưng chưa thành công. Còn trong nước, đã từng có một đề tài nghiên cứu lớn nhưng khi ứng dụng vào thực tiễn lại gặp khó bởi quá nhiều rào cản.

Khó nhất là lấy trứng làm con giống và nuôi thương phẩm. Trước giờ ở đâu đó cũng có nuôi mực rồi nhưng manh mún. Vẫn là câu chuyện đánh bắt mực tự nhiên xong “rọng” lại nuôi lớn chứ chưa nhân giống và nuôi thương phẩm quy mô lớn được. Nguyễn Bá Ngọc quyết tâm phải làm bằng được.

Năm 2021, sau khi nghiên cứu và nuôi được những con mực đầu tiên ở vịnh Vĩnh Hy, anh lập tức nhìn thấy lý do thất bại. Mực biển là loài đặc thù, mỗi khi nhận tín hiệu lạ sẽ lập tức lủi xuống tầng đáy. Môi trường sống của chúng phải hoàn toàn tự nhiên nên muốn thuần hóa phải làm ra những chiếc lồng nuôi có quy mô đủ lớn và đáy của lồng chính là đáy biển.

Khó khăn ở chỗ, trong môi trường biển, cái gì càng lớn càng chịu nhiều tác động của sóng gió, có lẽ đó là nguyên nhân từ trước đến nay chưa ai dám đầu tư. Giỏi giang như người Nhật Bản cũng chỉ làm được vài mô hình quy mô nhỏ. Ngọc đặt mục tiêu, sẽ là người đầu tiên trên thế giới nhân giống và nuôi mực biển quy mô lớn.

Thứ hai chính là tiền. Lựa chọn biển Ninh Hải để nghiên cứu, thử nghiệm lồng nuôi, Nguyễn Bá Ngọc hệt như con dã tràng xe cát Biển Đông, thất bại hết lần này đến lần khác. Ban đầu, anh thiết kế 6 cái lồng bằng sắt, diện tích 240m2 được phủ lưới xung quanh và đánh chìm xuống đáy biển để tạo môi trường nuôi mực tự nhiên nhất. Mỗi lần cho ăn lại phải đeo bình ôxy lặn xuống, có những ngày ở liền 6-7 tiếng đồng hồ dưới đáy biển.

Cuối cùng, việc nuôi và nhân giống thành công nhưng tuổi thọ của lồng là vấn đề lớn. 3 chiếc lồng sắt dù được neo bằng bê tông dưới đáy biển nhưng vẫn bị sóng đánh cho tan tác. 18 tỷ đồng tiền đầu tư trôi theo bọt biển. Tiền hết, các nhà đầu tư cũng dần nản chí. Có những hôm vừa lặn dưới đáy biển, đối mặt giữa lằn ranh sự sống và cái chết, giữa thất bại và thành công, Ngọc vừa mày mò nghiên cứu vừa vắt óc nghĩ xem tý nữa khi ngoi lên mặt nước sẽ bốc điện thoại gọi ai để mượn tiền.

Nợ nần đến mức phải bán hết nhà cửa vợ chồng bao năm tích cóp, bán luôn cả nhà cửa bố mẹ, ông bà hai bên, họ hàng cũng dần xa lánh. Chỉ có niềm tin và ánh mắt kỳ vọng của những ngư dân miền biển là thứ thôi thúc anh không được phép bỏ cuộc.

Đó cũng là động lực lớn nhất giúp Nguyễn Bá Ngọc vượt qua giới hạn sống chết để đeo đuổi giấc mơ nuôi biển. Giữa sóng nước trùng trùng, sự sống và cái chết cách nhau tích tắc. Để lặn xuống đáy biển 6-7 giờ đồng hồ liền, Nguyễn Bá Ngọc phải thuê hai thợ lặn ở Sài Gòn chuyên đi lặn ngoài Hoàng Sa, Trường Sa về dạy, mỗi ngày trả công tới 4 triệu đồng. Mỗi lần xuống biển, chân đeo dây chì nặng hơn 2 yến, không biết cách điều chỉnh nhịp thở, không biết xả áp rất có thể thủng màng nhĩ, vỡ phổi như chơi.

Có những hôm mùa đông, các thợ lặn lão luyện địa phương sợ không dám ra biển, chỉ một mình Nguyễn Bá Ngọc cùng ông bố từ quê vào cưỡi sóng ra vùng cửa gió. Con lặn xuống đáy, bố cầm dây đứng trên thuyền. Sóng biển quần như có bão. Hãi quá, lại lo cho tính mạng thằng con, ông bố kéo dây lên, giọng miền biển Hà Tĩnh nói như quát: "Về thôi. Mi là thằng gàn dở. Không nuôi mực nữa thì làm nghề khác, tau chỉ có mi là con trai, lỡ không may có chuyện chi thì mất nòi à".

Và chính nhờ những lần gàn dở vượt qua giới hạn ấy đã giúp Nguyễn Bá Ngọc tính toán được con nước, tính toán được đỉnh sóng và chu kỳ của những con sóng lừa như những quả lắc từng phá nát lồng sắt của anh.

Với mức đầu tư và học phí đổ xuống biển xấp xỉ 100 tỷ đồng, Ngọc đã nghiên cứu thành công hệ thống lồng nuôi mực bằng công nghệ nhựa HDPE với thiết kế độc đáo bậc nhất thế giới, chi phí chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng/m2. Cũng chính anh là người đầu tiên làm hệ thống lưới vây xuyên suốt từ mặt nước xuống đáy, tự tay mày mò, nghiên cứu và đặt hàng riêng cho một doanh nghiệp để làm mô hình này.

Đợt rồi, ra thăm mô hình của Ngọc, chứng kiến những gì CEO của mực nhảy Biển Đông đã làm được, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cảm khái: Chú Ngọc quả là "thần đèn" dưới biển.

 

 

Tháng trước, Công ty Cổ phần mực nhảy Biển Đông vừa hạ thủy những chiếc lồng nuôi mực bán tự nhiên bằng công nghệ HDPE. Những chiếc lồng nuôi mực biển lớn nhất Việt Nam hiện nay, thậm chí là lớn nhất thế giới. Một hệ sinh thái nuôi mực biển đã thành hình hài nơi cửa gió, giấc mơ biển của Nguyễn Bá Ngọc đang thành hiện thực.

Hôm hạ thủy những chiếc lồng, Nguyễn Bá Ngọc sung sướng quay video khoe với mọi người. Nhìn từ trên cao xuống trông giống như người ta đang kéo cả cái sân vận động Mỹ Đình đi ra biển. CEO của mực nhảy Biển Đông chia sẻ: Toàn bộ những chiếc lồng nuôi khổng lồ này đều được anh nghiên cứu, thiết kế với công nghệ độc quyền trên thế giới chưa ai làm. Về tiêu chuẩn, giống với công nghệ nuôi biển bên Na Uy nhưng chi phí chỉ bằng 1/3 và quan trọng là hệ thống lưới vây xuyên suốt từ trên mặt nước xuống đáy, cùng với hệ thống dây neo có thể chống chọi được với sóng biển cấp 9, hệ thống sàn bằng mặt gỗ rộng 1,5m làm lối đi lại như thể đi ở trên bờ.

3 chiếc lồng nuôi, một chiếc hình vuông, hai chiếc hình tròn sẽ hình thành nên hồ nuôi rộng gần 1ha giữa biển cả mênh mông. Một chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản xác tín rằng, mô hình của Nguyễn Bá Ngọc là lần đầu tiên người Việt mang lồng lớn như thế ra vùng biển hở để nuôi mực.

Trên những chiếc lồng rộng gần 1ha đó, Nguyễn Bá Ngọc chia thành lồng nuôi mực bố mẹ, lồng nuôi con giống và lồng nuôi thương phẩm. Mục tiêu ngay trong năm 2024 này sẽ thu khoảng từ 50 – 100 tấn mực thương phẩm, 10 – 20 triệu mực giống. Đề án thuê mặt nước rộng khoảng 100ha để nuôi biển cũng đã được đặt lên bàn lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Điều đó có nghĩa giấc mơ Nguyễn Bá Ngọc giờ đây không còn là câu chuyện nhân giống nữa mà sẽ là một hệ sinh thái nuôi biển mà ở đó chính những người ngư dân bản địa sẽ là chủ thể.

Chúng tôi vật vã trên thuyền cùng Ngọc ra vùng biển C3 cách bờ biển Thanh Hải tầm 7 cây số. Sóng ngây ngất. CEO mực nhảy Biển Đông vẫn cười tươi nói: Rồi đây, vùng biển nơi này sẽ là ngư trường của dân biển mình nhưng không chỉ đánh bắt mà sinh kế chính sẽ từ nuôi biển. Ngư dân có thể nuôi giống, nuôi mực thương phẩm, sẽ có công ăn việc làm ổn định từ đó giảm áp lực đánh bắt lên biển. Tôi cố hình dung bằng cách nào mà Nguyễn Bá Ngọc có thể làm được những điều kỳ vĩ như vậy? Anh không phải nhà khoa học, không có nhiều công trình nghiên cứu này nọ nhưng lại có thể làm ra những thứ khiến giới chuyên môn ngỡ ngàng. Cũng ngay giữa biển cả mênh mông này, năm nay, Ngọc sẽ kêu gọi đầu tư một diện tích tầm khoảng 1ha để xây dựng mô hình nuôi biển hoàn toàn tự nhiên. Ở đó, trong một lồng nuôi khổng lồ sẽ thả mực bố mẹ và để chúng tự sinh sôi. Mục tiêu là khôi phục hệ sinh thái biển. Để chứng minh cho ngư dân thấy con người hoàn toàn có thể sinh sống hài hòa với biển. Và khi đó, biển sẽ mang lại cho con người những giá trị vô bờ bến.

"Ông toàn nói chuyện tầm quốc gia", tôi gắng gượng đùa trong cơn say sóng. Ngọc cũng cười nhưng đột nhiên nghiêm túc: "Đây là thời cơ vàng để chúng ta thay đổi vấn nạn đánh bắt tận diệt. Thực ra, người nông dân trên bờ hiểu đất đai như thế nào thì ngư dân hiểu biển như thế. Không phải họ không biết đánh bắt tận diệt tôm cá sẽ hết dần. Vấn đề là có giải pháp nào để họ thay đổi hay không anh ạ".

Nói rồi, anh dẫn tôi qua những làng chài Mỹ Tân, Mỹ Hiệp. Ngọc kể thêm rằng, ngày mới đến bãi biển, làng chài rác ngập lên đầu gối, dân làng không đi lặn biển thì cũng đánh giã cào, kích điện. Không phải họ không biết đấy là sai nhưng thử hỏi không làm thế thì vợ con họ sống bằng gì. Ròng rã mấy tháng trời, anh cùng với chính quyền xã, biên phòng vận động người dân dọn rác, chuyển sang đánh bắt bằng lưới, bằng câu và thu mua sản phẩm với giá cao hơn, dần dà họ thay đổi được thật.

Ngoài nuôi mực, Ngọc còn làm mô hình nuôi tôm thẻ ngoài vùng biển hở. Cũng để chứng minh cho người dân thấy nếu chinh phục được biển bằng trí tuệ, sức lực, biển sẽ trả lại cho con người thành quả, thay vì vấn nạn ô nhiễm môi trường, chi phí đầu tư cao như nuôi ở trong vịnh. Sóng gió có thể nhiều hơn, giông bão có thể khắc nghiệt hơn, nhưng nếu con người có thể chinh phục, chế ngự được thiên nhiên mới là giấc mơ lớn. Có thể hình dung Nguyễn Bá Ngọc đang mở một con đường mới trên biển và con đường đó mỗi ngày lại có thêm người đồng hành.

Anh Lê Văn Hoan, một ngư dân người làng Mỹ Hiệp hiện đang làm công cho Ngọc vui vẻ nói: Giờ đây người làng chài thấy một cọng rác trên biển đều nhặt gom về một chỗ. Không còn ai đi đánh giã cào, kích điện. Bất cứ ai trong làng cũng hiểu, mỗi con mực, con cá nhỏ mình để lại biển sẽ là nguồn sống lâu dài. Và từ biển Thanh Hải, cộng đồng ngư dân liên kết với mực nhảy Biển Đông sinh sống hài hòa với biển đang ngày càng đông đảo. Họ yêu biển hơn, vì biết rằng tình yêu đó đang bảo vệ cuộc sống của mình.

Với cá nhân Nguyễn Bá Ngọc, mô hình khởi nghiệp nuôi mực biển của anh đã đạt vô số danh hiệu như: Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc, Giải thưởng Lương Định Của, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo ngành Khai thác và chế biến hải sản… Nhưng CEO của Công ty Cổ phần mực nhảy Biển Đông chia sẻ, điều anh tự hào nhất chính là góp phần nhỏ bé cùng với người ngư dân thay đổi mỗi ngày. “Thú thực là đến giờ em cũng chưa thể biết mình thành công đến đâu, nhưng nếu em có thất bại mà vẫn giúp người dân thay đổi để phát triển bền vững, em không có gì hối tiếc”, Ngọc nói lớn, át tiếng sóng biển đang gầm gào.

 

 

Trở lại với vùng dự án đầu tiên ở khu vực biển hở, Ngọc nói, ngay sau lễ hạ thủy lồng nuôi, Tập đoàn Đại Thuận tiếp tục rót vốn kèm điều khoản thu mua toàn bộ sản phẩm. Câu chuyện nuôi mực vùng biển hở đến nay đã rất rõ ràng và đang dần hoàn thiện chuỗi. Chiến lược tới đây sẽ xây dựng các vùng nuôi và Ngọc tin rằng Ninh Thuận hoàn toàn có thể ngồi một chỗ xuất khẩu mực biển chất lượng cao, cùng với đó là nhiều sản phẩm khác từ mực.

Bởi vì so sánh lợi thế về điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế cũng như trình độ nuôi mực biển với các quốc gia trong vùng và thế giới, Việt Nam đang vượt trội. Vùng biển Ninh Thuận mấy chục năm nay không có bão, quỹ nước còn mênh mông, chiến lược nuôi biển cũng đang được xây dựng, nhân lực nuôi biển đang phát triển…

Sau khi hình thành vùng nguyên liệu thì tới đây sẽ là nhà máy chế biến, là những công trình khoa học nghiên cứu nang mực, túi mực để làm thực phẩm, làm thuốc, tạo thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong ngành hàng mực biển. Hiện nhiều nhà khoa học đã khẳng định, nang mực, túi mực có thể nghiên cứu thành các sản phẩm thuốc giúp giảm cholesterol trong máu, ngăn ngừa phát triển tế bào ung thư và nhiều bài thuốc đông y khác. Vấn đề là phải đủ số lượng và bảo quản. Mực nhảy Biển Đông với quy mô và lợi thế mực đang bơi đã làm được câu chuyện đó.

Rồi đây, người Nhật, người Hàn Quốc và nhiều quốc gia, doanh nghiệp khác sẽ đến. Còn trước mắt, nhiều nhà đầu tư trong nước, trong đó có cả những nhà đầu tư từng từ chối dự án khởi nghiệp của anh hiện cũng đang đặt vấn đề sẵn sàng rót vốn, bất cứ bao nhiêu. Nhưng Nguyễn Bá Ngọc nói rằng, kể cả lúc bĩ cực nhất thì giấc mơ biển của anh luôn mang giá trị cốt lõi vì người ngư dân chứ không chỉ là tiền. Bây giờ vẫn vậy.

Có người thắc mắc tại sao Ngọc không đưa công nghệ cho ăn hiện đại vào sản xuất, sao không liên kết với các tập đoàn lớn để đỡ nhọc nhằn? Anh quan niệm rằng, mục tiêu xuyên suốt của anh và cộng sự là kéo ngư dân đi chung con đường với mình. Bởi chỉ khi nào người ngư dân hết bấp bênh, yên tâm bám biển thì khi đó họ sẽ mang lại những giá trị còn lớn lao hơn cả tiền. Không ai hiểu biển, nuôi biển và bảo vệ chủ quyền biển hơn người ngư dân. Thêm một sinh kế, một đồng bạc cho bà con nghĩa là đang góp phần cùng với bà con giữ biển vậy.

"Tiềm năng nuôi biển của Việt Nam quá lớn và tôi tin mình sẽ thành công", Ngọc nói và mở bản đồ nuôi biển mà anh và cộng sự dày công nghiên cứu. Trong đó, từng vùng, từng điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế được phân tích chi tiết.

Giai đoạn 1 sẽ là Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… Giai đoạn 2 là Quảng Ninh, Hải Phòng… Sau đó là vịnh Thái Lan và nhiều vùng biển khác trên thế giới. Đại sứ Angola nhiều lần mời gọi Nguyễn Bá Ngọc sang bàn về dự án đầu tư nuôi biển. Người Qatar cũng mong muốn hợp tác với Nguyễn Bá Ngọc và sẵn sàng rót tiền để Công tư Cổ phần mực nhảy Biển Đông đầu tư sang bên đó. Không gian mở ra mênh mông như biển. Nhưng Ngọc bảo, đó sẽ là những câu chuyện sau này.

Có thể đó sẽ lại là một giấc mơ lớn hơn nữa của Nguyễn Bá Ngọc – người mở biển. Giấc mơ của đứa con biển cả và hàng triệu con dân đất Việt đang ngày đêm gắn bó với biển quê hương. 

Hoàng Anh
Trương Khánh Thiện
Hoàng Anh