Doanh nhân Phạm Quốc Liêm: Ước mơ thuở thiếu thời đến trăn trở nông nghiệp, nông dân

Lê Thiếu Nhơn - Thứ Tư, 14/02/2024 , 10:28 (GMT+7)

'Để hiện thức hóa giấc mơ nâng tầm nông nghiệp Việt Nam sánh vai cùng những cường quốc về nông nghiệp trên thế giới, việc đầu tiên là phải học cách làm nông nghiệp từ chính các quốc gia này', Phạm Quốc Liêm.

Phú Giáo - Bình Dương, một buổi sáng Giáp Tết

Cơn gió se lạnh làm nhẹ lay những khóm hoa dã quỳ còn sót lại từ mùa Đông trước dọc theo con đường đất đỏ thẳng tắp, đan xuyên qua cánh đồng chuối bạt ngàn màu xanh đang phơi mình trong nắng sớm. Đây đó, từng tốp người đang say sưa với công việc đồng áng.

Tiếng nói cười hòa lẫn tiếng máy cơ giới ngân vang. Một không gian sống động với nguồn năng lượng chữa lành, tất cả vừa đủ cho một cuộc gặp mặt được mong đợi sẽ thú vị với doanh nhân Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Công ty Unifarm tại trang trại công nghệ cao An Thái.

Phạm Quốc Liêm thảo luận với các chuyên gia nông nghiệp thế giới tại Hoa Kỳ, 2014

Phạm Quốc Liêm thảo luận với các chuyên gia nông nghiệp thế giới tại Hoa Kỳ, 2014

Khác với cách ăn mặc chỉn chu khi xuất hiện trên các diễn đàn nông nghiệp, Liêm bình dị trong bộ đồ làm nông, tiếp chuyện với tôi trong khu nhà kính trồng chuối hữu cơ của mình. Trông anh lúc này giống một nông dân hơn là một doanh nhân đang điều hành một doanh nghiệp nông nghiệp lớn tại Việt Nam. Có chăng, vầng trán rộng với mái tóc đã thưa dần, ánh mắt sắc bén, cách nói chuyện chân phương cùng nụ cười hiền nhưng vẫn toát lên một phong thái tự tin thì không lẫn vào đâu được.

Nghe Liêm kể câu chuyện về chính anh nhằm phác họa chân dung của một doanh nhân, một nhà nông, đồng thời là một người luôn nặng lòng với nông nghiệp và nông dân, là chủ đề của cuộc gặp gỡ lần này.

Ước mơ người trò giỏi nơi ấp nghèo

Liêm sinh vào đầu thập niên 80 tại Phú Hưng, một ấp nghèo thuộc xã An Sơn, huyện Thuận An, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương), ba là thợ sửa ô tô còn mẹ là giáo viên tiểu học, một gia đình trí thức hiếm hoi trong vùng. Được chia cách bởi con sông hiền hòa có tên Bà Lụa - vốn chưa có nổi một cây cầu bắc ngang, bên kia bờ là phường Phú Thọ thuộc thị xã Thủ Dầu Một với những “lò” thủ công mỹ nghệ nổi tiếng như lò guốc, lò chén hay lò mộc, ban đêm sáng choang ánh điện, bên đây bờ là ấp Phú Hưng thuần nông với nghề trồng lúa và rau trái, tối về làm bạn với ngọn đèn dầu tù mù.

Thời niên thiếu của Liêm, ngoài thời gian đi học là những buổi theo chân ông bà ngoại, ba mẹ và các anh xuống đồng cắt lúa, đêm về quây quần quanh bếp củi nghe kể chuyện đời xưa và hát ca vọng cổ, một nét sinh hoạt đặc trưng của người Nam bộ xưa.

Phạm Quốc Liêm: 'Nếu có thể góp sức để nâng tầm nông nghiệp và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nông dân Việt Nam, tôi sẽ không bao giờ ngần ngại'.

Phạm Quốc Liêm: "Nếu có thể góp sức để nâng tầm nông nghiệp và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nông dân Việt Nam, tôi sẽ không bao giờ ngần ngại".

Qua sông phải lụy con đò. Hôm nước sông cạn, Liêm lội bùn sang sông rồi đi bộ suốt quãng đường dài đến lớp. Ngày nước đầy, có hôm bạn bè lại thấy Liêm đem tập sách ra phơi giữa sân trường do ngã xuống sông trong lúc sang đò. Hoàn cảnh trui rèn ý chí. Suốt thời phổ thông, Liêm là một lớp trưởng tài hoa học giỏi đều tất cả các môn (nhất là môn văn), lại ca vọng cổ hay và đam mê võ thuật.

Ước mơ âm ỉ trong lòng cậu học trò nhỏ là có thể làm được điều gì đó cho chốn vườn ruộng quê mình để cuộc sống của ông bà, cha mẹ và người thân thương được tốt hơn. Tựa hồ như có một hạt giống mang tên nông nghiệp đã được gieo xuống cánh đồng tâm trí của cậu học trò nơi ấp nghèo. Dù sau này không học ngành nông nghiệp ở cấp đại học, giấc mơ thiếu thời vẫn chưa bao giờ tắt trong Liêm.

Tốt nghiệp đại học lần lượt các ngành Hải quan, Ngôn ngữ Anh và Quản trị kinh doanh, Liêm trải qua một vài vị trí công tác trước khi giữ chức danh Giám đốc nhân sự tại Tập đoàn U&I của doanh nhân Mai Hữu Tín. Đến cuối năm 2008, Liêm đã thuyết phục lãnh đạo Tập đoàn cho anh được điều hành dự án mới với quy mô gần 500 ha về nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Bình Dương kèm theo lời cam kết: nếu không thành công sẽ không quay lại Tập đoàn. Năm ấy, Liêm vừa 28 tuổi.

Mười lăm năm gian khổ biến giấc mơ thành hiện thực

“Để hiện thức hóa giấc mơ nâng tầm nông nghiệp Việt Nam sánh vai cùng những cường quốc về nông nghiệp trên thế giới, việc đầu tiên là phải học cách làm nông nghiệp từ chính các quốc gia này”.

Nghĩ là làm, Liêm đã lên đường tầm sư học đạo qua nhiều quốc gia, học và làm việc với các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu thế giới từ Mỹ, Israel, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Không chỉ tìm hiểu về công nghệ và kỹ thuật trồng trọt, Liêm còn chú trọng nắm bắt hệ thống quản trị trang trại trên quy mô lớn, các mô hình liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân và kinh nghiệm bán hàng quốc tế. Quá trình “du học bụi” theo cách nói vui của Liêm đã giúp anh trở thành một chuyên gia giỏi về kỹ thuật, điều hành lẫn khai thác thị trường sau này.

Học là một chuyện, quá trình triển khai các dự án nông nghiệp của Liêm và những người thầy - chuyên gia nước ngoài của mình tại Unifarm lại vấp phải muôn vàn những thách thức, từ khó khăn do thiếu hụt nguồn nhân sự chất lượng cao, điều kiện thổ nhưỡng cho đến thị trường tiêu thụ.

Thời điểm đó, có những mô hình thành công về mặt kỹ thuật canh tác như cà chua, ớt chuông, măng tây… thì lại khó khăn ở khâu tiêu thụ do các mặt hàng này chủ yếu chỉ được bán tại thị trường trong nước với số lượng nhỏ lẻ và giá không bù đắp nổi chi phí sản xuất. Có những loại nông sản có thị trường tốt như cà tím, đậu bắp xuất khẩu sang Nhật Bản thì cây trồng lại không thích nghi tốt với điều kiện nóng, ẩm và mưa nhiều tại An Thái.

Ngay cả với dự án trồng dưa lưới và chuối đã làm nên thương hiệu của Unifarm trên thị trường quốc tế hiện nay thì bài toán ban đầu về con người, kỹ thuật canh tác và thị trường tiêu thụ cũng chưa bao giờ là dễ dàng. Có thời điểm Liêm và các chuyên gia của mình đã phải làm việc gần như 24 giờ mỗi ngày để “nói chuyện với cây trồng” nhằm tìm ra phương thức canh tác phù hợp với thổ nhưỡng và các điều kiện đặc thù của vùng đất.

Cùng lúc đó, bản thân Liêm phải vất vả ngược xuôi để đưa sản phẩm đi tiêu thụ, từ việc đích thân giao dưa lưới đến các siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ban đêm để hiểu rõ cách vận hành của ngành hàng, cho đến những ngày tháng ăn dầm nằm dề ở Seoul - Hàn Quốc hay Tokyo - Nhật Bản để tiếp thị trái chuối già hương Việt Nam.

Trong khoảng thời gian này, Liêm luôn trăn trở về chiến lược và triết lý trong sản xuất và kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Anh đề xướng nguyên tắc: “Một tiêu chuẩn sản phẩm cao nhất cho tất cả thị trường” để qua đó, các mặt hàng nông sản của Unifarm luôn được chấp nhận bởi tất cả thị trường lớn ở Châu Á, dù đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Trung Đông.

Có thể nói, mỗi một thị trường xuất khẩu được mở ra là một niềm vui lớn lao bù đắp lại những nỗ lực không biết mệt mỏi, không chỉ cho Liêm và các cộng sự của mình mà còn cho ngành nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam khi ấy.

Nguyên tắc 'Một tiêu chuẩn sản phẩm cao nhất cho tất cả thị trường' để nông sản của Unifarm luôn được chấp nhận bởi tất cả thị trường lớn ở Châu Á, dù đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Trung Đông.

Nguyên tắc “Một tiêu chuẩn sản phẩm cao nhất cho tất cả thị trường” để nông sản của Unifarm luôn được chấp nhận bởi tất cả thị trường lớn ở Châu Á, dù đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Trung Đông.

Sau một số thành công bước đầu tại Unifarm, Liêm đã triển khai các chương trình chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam. Trong đó có không ít doanh nghiệp được nhận chuyển giao đã vươn lên trở thành đơn vị lớn và có uy tín trong ngành hàng của mình. Có nhiều người, vì thế, đã gọi Liêm bằng danh xưng vui: thầy của những ông vua nông sản.

“Tôi xác định làm nông nghiệp không bao giờ là để cạnh tranh hay thay thế vai trò của người nông dân mà phải tạo ra những mô hình và nền tảng về sản phẩm và chuỗi cung ứng phù hợp, từ đó chuyển giao, nhân rộng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các nông hộ. Mục đích cao nhất là nâng tầm nông nghiệp Việt Nam, giúp người nông dân có được cuộc sống ấm no từ mảnh ruộng, thửa vườn của mình. Đó là cách mà tôi hiện thực hóa ước mơ từ thuở thiếu thời của mình”. Liêm đúc kết.

Trăn trở với nông nghiệp, nông dân

Với nhiều người, Liêm không hẳn là một người hoạt bát, thậm chí còn có phần kiệm lời và không muốn thể hiện giữa đám đông. Tuy nhiên, khi cần chia sẻ về nông nghiệp, Liêm trở thành một con người hoàn toàn khác với những thông tin và lập luận được chuẩn bị chi tiết và chặt chẽ cùng cách diễn đạt không khác một diễn giả hoặc một cây bút chuyên nghiệp. Cứ mỗi lần gặp Liêm, lại thấy anh trăn trở về một chủ đề khác nhau.

Phạm Quốc Liêm không ngừng bàn về các giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào nông nghiệp.

Phạm Quốc Liêm không ngừng bàn về các giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào nông nghiệp.

Một dạo thấy Liêm lo lắng về bệnh héo rũ Panama trên cây chuối vốn đã hủy hoại các vùng trồng chuối lớn trên thế giới và đã lan rộng sang các vùng trồng chuối ở Việt Nam. Để rồi ít năm sau, lại thấy anh vui mừng “khoe” đã tự tuyển chọn thành công được giống chuối có khả năng chống chịu loại bệnh nguy hiểm này với tỉ lệ lên đến 95% mà vẫn giữ được phẩm chất thương mại tốt.

Có khi Liêm lại trăn trở về tình hình phát triển ào ạt về số lượng nhưng chưa kiểm soát được chất lượng của một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, kèm theo những bài học và giải pháp mà anh dày công tham khảo tại các quốc gia đi trước.

Gần đây, lại nghe Liêm không ngừng bàn về các giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực quản lý, trang bị công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học và số hóa đồng ruộng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, trong thời đại bùng nổ về công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI).

Tôi thoạt nghĩ, phải chăng bởi tình yêu về nông nghiệp và ý thức trách nhiệm với người nông dân được ươm mầm từ thuở thiếu thời, trải quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, cộng với sức mạnh về thể lực, tâm lực và trí lực của một người tập Vovinam đã khiến cho gã trai tuổi 44 này có một nguồn năng lượng dường như bất tận đối với các vấn đề trong ngành nông nghiệp Việt Nam.

“Không có cuộc cách mạng có giá trị nào lại dễ dàng thực hiện mà không đổ nhiều công sức, tiền của lẫn thời gian. Trong khả năng của mình, nếu có thể góp sức để nâng tầm nông nghiệp và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nông dân Việt Nam, tôi sẽ không bao giờ ngần ngại”, Liêm đúc kết.

Lời người viết

Có nhiều cách để một con người thể hiện tình yêu với đất nước, quê hương và đồng bào mình. Cách mà những người trẻ như Liêm đã và đang làm mang lại niềm tin mãnh liệt về một nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển phồn thịnh trong một tương lai gần. Và đó cũng chính là yêu nước!

Lê Thiếu Nhơn
5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An
5 giải pháp cho vụ hè thu đặc biệt khó khăn ở Nghệ An

Vụ hè thu năm nay của Nghệ An đang đứng trước những khó khăn lớn do thời tiết gây ra, nhất là nắng nóng, hạn hán.

Hướng dẫn chăn nuôi tuần hoàn quy mô nông hộ
Hướng dẫn chăn nuôi tuần hoàn quy mô nông hộ

‘Không bỏ đi thứ gì’, nhiều nông hộ áp dụng chăn nuôi tuần hoàn, tận thu phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Syngenta ra mắt thuốc diệt rầy mới nhất: Pexena 20WG dạng cốm
Syngenta ra mắt thuốc diệt rầy mới nhất: Pexena 20WG dạng cốm

Sản phẩm mới không chỉ an toàn với sức khỏe của người phun thuốc và pha thuốc mà với đặc tính hòa tan tốt, thuốc dạng cốm này còn an toàn hơn cho môi trường, giảm thất thoát thuốc và giảm lượng thuốc đưa xuống đồng ruộng.

Chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên hướng dẫn nuôi vịt trên chuồng sàn
Chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên hướng dẫn nuôi vịt trên chuồng sàn

Nuôi vịt chuồng sàn tăng được mật độ nuôi, dễ chăm sóc, vệ sinh phòng bệnh đảm bảo, hiệu quả kinh tế cao.

Đào tạo giảng viên nguồn tiếp cận kỹ thuật sử dụng phân bón đúng
Đào tạo giảng viên nguồn tiếp cận kỹ thuật sử dụng phân bón đúng

Khóa tập huấn giảng viên nguồn đầu tiên cho Dự án Sử dụng phân bón đúng chính thức khai giảng, truyền tải kiến thức, kỹ thuật về sử dụng phân bón đúng trong nông nghiệp.

Công nghệ mới giải tỏa nỗi lo rầy nâu
Công nghệ mới giải tỏa nỗi lo rầy nâu1

Diệt rầy nhanh, hiệu quả cao kéo dài là điểm mạnh vượt trội của Pexena cốm so với các thuốc trừ rầy hiện nay. Pexena cốm cũng đặc biệt an toàn cho hầu hết các loại thiên địch.

Robot diệt cỏ, giảm ốc bươu vàng, giảm khí metan nhưng không giảm năng suất lúa
Robot diệt cỏ, giảm ốc bươu vàng, giảm khí metan nhưng không giảm năng suất lúa

Aigamorobo được Công ty New Green của Nhật Bản giới thiệu có khả năng diệt cỏ, đẩy lùi ốc bươu vàng không cần thuốc hóa học, không sử dụng pin, thân thiện với môi trường.

Hướng dẫn quản lý dịch hại tổng hợp trên cây nhãn
Hướng dẫn quản lý dịch hại tổng hợp trên cây nhãn

'Quy trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây nhãn'. Áp dụng tốt quy trình này, giảm được 3-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nuôi cua biển trong hệ thống xử lý nước tuần hoàn quy mô nông hộ
Nuôi cua biển trong hệ thống xử lý nước tuần hoàn quy mô nông hộ

Nuôi cua biển trong hệ thống xử lý nước tuần hoàn quy mô nông hộ là giải pháp giúp nông dân nâng cao năng suất, lợi nhuận cho nghề nuôi cua biển so với các phương pháp nuôi truyền thống.

Hiểu đúng về Cadimi
Hiểu đúng về Cadimi1

TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam: So với thế giới, Việt Nam hiện quy định hàm lượng Cadimi khá chi tiết, trong đó có thực phẩm và phân bón chứa lân, vì vậy cần hiểu cho đúng về Cadimi.

Hướng dẫn nuôi tôm tít trong hệ thống xử lý nước tuần hoàn
Hướng dẫn nuôi tôm tít trong hệ thống xử lý nước tuần hoàn

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 đã xây dựng 'Quy trình nuôi tôm tít trong hệ thống xử lý nước tuần hoàn quy mô nông hộ'. Đây là giải pháp công nghệ mới, chủ động trong việc nuôi, kiểm soát được số lượng và chất lượng.

Nghề nông trong ca dao, dân ca Quảng Ngãi: [Bài 2] Xứ sở của trăm nghề
Nghề nông trong ca dao, dân ca Quảng Ngãi: [Bài 2] Xứ sở của trăm nghề

Trong ca dao Quảng Ngãi, có khá nhiều những câu gắn với làng nghề trồng rau, cây rau mang ý vị khôi hài, tinh nghịch.