Trò chuyện với chuyên gia hải sâm hàng đầu thế giới

Hoàng Anh - Phương Chi - Thứ Bảy, 10/02/2024 , 17:43 (GMT+7)

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá là chuyên gia hải sâm hàng đầu thế giới. Anh là người khai mở câu chuyện nuôi hải sâm tại Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy. Ảnh: Hoàng Anh.

Cuối năm 2023, có một sự kiện gây chú ý cộng đồng thủy sản Việt Nam, đó là Viet Long Capital quyết định đầu tư 5 triệu USD vào Công ty Hải sâm Việt Nam để phát triển ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu hải sâm cát quý hiếm. Khát vọng về một ngành hàng trăm triệu đô, giấc mơ xây dựng hải sâm Việt trở thành thương hiệu quốc gia đang trở thành hiện thực. Nhưng có lẽ không nhiều người biết, thành tựu của hải sâm Việt Nam hôm nay gắn liền với một người. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 (Viện 3, Bộ NN-PTNT). 

Người khai mở câu chuyện hải sâm Việt Nam

Có nhiều người gọi Nguyễn Đình Quang Duy là chuyên gia hải sâm giỏi nhất thế giới. Và xung quanh vị tiến sĩ gốc Quảng 46 tuổi với gần nửa thời gian gắn bó với nghiên cứu thủy hải sản này cũng có nhiều giai thoại, đặc biệt là những câu chuyện liên quan đến hải sâm. Chẳng hạn như chuyện Nguyễn Đình Quang Duy là chủ nhiệm của đề tài cấp Bộ về nghiên cứu hải sâm khi vừa mới ra trường được nhận vào công tác ở Viện 3. Sau đó trở thành người đầu tiên tại Việt Nam nhân giống thành công loài hải sâm cát và đưa vào nuôi thương phẩm. Hay chuyện Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) từng đặc cách để anh làm Tiến sĩ tại James Cook University (JCU) - Trường Đại học hàng đầu thế giới về ngành nuôi trồng thủy sản và sinh thái biển…

Nhắc lại những giai thoại đó, anh chỉ cười hiền: Tất cả dường như là cơ duyên, và điều mình cảm thấy hạnh phúc nhất những nghiên cứu, đóng góp của bản thân đang ngày càng khẳng định được giá trị đối với người dân và ngành hải sâm Việt Nam đang còn non trẻ. Lẽ tất nhiên tôi biết anh khiêm tốn. Bởi trước cuộc gặp gỡ này cũng đã nghe nhiều người nói, không chỉ giới khoa học trong nước mà cả nhiều nhà khoa học trên thế giới đều đánh giá, dấu ấn của hải sâm Việt Nam là dấu ấn của Tiến sĩ Duy. Cũng đã từ lâu, tên tuổi anh trong lĩnh vực nghiên cứu hải sâm đã giống như một sự đảm bảo trong các công trình nghiên cứu khoa học quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá là chuyên gia hải sâm hàng đầu thế giới. Ảnh: Phương Chi.

Trước hết có lẽ cần sơ qua đôi nét về hải sâm. Đó là loài sinh vật biển quý hiếm được ví như nhân sâm của biển cả. Theo thống kê trên thế giới có khoảng 1.400 loài, chủ yếu sống trong môi trường tự nhiên. Loài sinh vật thường được gọi là đỉa biển này quý hiếm, một số loài còn được đưa Sách đỏ, không chỉ bởi vì giá trị kinh tế cao, chưa thể nhân giống mà còn vì một giá trị nhân văn với môi trường biển. Nôm na ấy là loài có tập quán dạng như nhân viên môi trường của biển vậy. Thức ăn của chúng chủ yếu là phù du nên nhiều loài hải sâm có thể làm tơi xốp những thảm cỏ biển, bảo vệ sự sống của những rặng san hô, làm sạch cát…, giúp tái tạo môi trường và khôi phục hệ sinh thái biển.

Cộng với những giá trị về mặt dinh dưỡng, y học nên suốt một thời gian dài các nhà khoa học trên thế giới đã dày công nghiên cứu để nhân giống hải sâm. Quyết liệt nhất là người Úc. Các nhà khoa học ở quốc gia hàng đầu về môi trường biển này đã dành sự quan tâm đặc biệt nghiên cứu nhân giống hải sâm để không chỉ thả vào vùng biển của họ mà còn hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực Thái Bình Dương, mục tiêu vừa phục hồi nguồn lợi biển, vừa lấy làm sinh kế bền vững giúp người dân giảm thiểu áp lực khai thác tự nhiên đối với các loài hải sâm.

Đặc biệt là hải sâm cát, một loài hải sâm được đánh giá có giá trị dinh dưỡng rất cao và cũng là “công nhân môi trường biển” tích cực nhất. Có biết bao công trình nghiên cứu khoa học đa quốc gia, biết bao nhiêu kinh phí tài trợ cho hải sâm nhưng vẫn chưa thành công, chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu thử nghiệm, chưa đem lại giá trị thương mại cho hải sâm nuôi.

Chuyên gia hải sâm Nguyễn Đình Quang Duy. Ảnh: Linh Linh.

Mãi cho đến năm 2001, khi Nguyễn Đình Quang Duy xuất hiện. Ban đầu chỉ là cậu sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang, chân ướt chân ráo về Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 được giao chân chạy việc ở Dự án sản xuất giống và nuôi hải sâm hợp tác với tổ chức ICLARM (nay là Worldfish Center).

Chẳng ngờ đó là lại là bước ngoặt lớn với kỹ sư trẻ tuổi và ngành hải sâm Việt Nam. Là kỹ sư mới ra trường, đối tượng nghiên cứu hoàn toàn mới, lại nghiên cứu lĩnh vực trên thế giới còn hạn chế, tài liệu tham khảo không có, vậy mà bằng cách thần kỳ nào đó anh lại thành công.

Trở thành hạt nhân dự án và sau đó là chủ nhiệm 2 đề tài nghiên cứu hải sâm cấp Bộ, Nguyễn Đình Quang Duy và cộng sự đã bắt hải sâm cát sản xuất giống thành công và sau đó chuyển giao người dân thực hiện các mô hình nuôi hải sâm cát.

Năm 2007, Bộ trưởng Bộ Thủy sản lúc đó là ông Tạ Quang Ngọc vào thăm Viện 3, sau khi hỏi “cậu nào làm thành công hải sâm đứng lên tôi coi thử” đã chỉ đạo trực tiếp Nguyễn Đình Quang Duy xây dựng đề tài phát triển hải sâm cát cho các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.

Đặc biệt, sau khi công bố một số tài liệu, kết quả về việc làm chủ công nghệ nuôi hải sâm của Viện 3 tại các cuộc hội thảo chuyên đề về nghề nuôi hải sâm ở châu Á - Thái Bình Dương, nhiều nhà khoa học quốc tế đã tìm gặp cử nhân trẻ Nguyễn Đình Quang Duy bày tỏ sự thán phục. Cử nhân trẻ của Viện 3 cũng trở thành chuyên gia hàng đầu trong cộng đồng hải sâm toàn cầu, được mời làm chuyên gia quốc tế tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đảo Tân Newcaledonia (Pháp), Philipines, Srilanka…

Năm 2013 kỹ sư Nguyễn Đình Quang Duy được đặc cách làm nghiên cứu sinh theo học bổng John Allwright tại Úc và tham gia các dự án hỗ trợ các quốc gia nghiên cứu về hải sâm.

Thành công khi còn rất trẻ, Nguyễn Đình Quang Duy nhận được nhiều lời mời gọi hấp dẫn từ nhiều dự án, tổ chức quốc tế, nhưng sâu thẳm anh luôn tâm niệm, danh dự và uy tín của một nhà khoa học không hẳn là có nhiều công trình nghiên cứu, vấn đề cốt lõi là những công trình nghiên cứu đó ứng dụng vào thực tiễn như thế nào, mang lại giá trị cho cộng đồng ra sao? Bởi thực tế như chính câu chuyện của hải sâm cát, kể từ khi nghiên cứu nhân giống thành công đến nuôi thương phẩm là cả một hành trình dài.

Lẽ tất nhiên là có nhiều nguyên do về biến động thị trường, về xu thế tiêu dùng, nhưng mục tiêu của Nguyễn Đình Quang Duy và cộng sự là người nông dân Việt Nam phải là đối tượng thụ hưởng thành quả của những công trình nghiên cứu. Đó là lý do anh quyết định bỏ lại những lời mời gọi hấp dẫn từ các dự án và nhiều tổ chức quốc tế để trở về “cùng với người dân Việt Nam kể câu chuyện hải sâm Việt Nam”.

Nghề nuôi hải sâm ở Khánh Hòa. Ảnh: Phương Chi.

Câu chuyện đó cũng mang nhiều gam màu sáng tối, có vui, có buồn. Nguyễn Đình Quang Duy kể rằng, thời điểm anh về nước năm 2017, mặc dù đã có nhiều mô hình nuôi thương phẩm nhưng bức tranh hải sâm Việt Nam chưa có gì sáng sủa. Tình trạng đánh bắt hải sâm tự nhiên ngày càng cạn kiệt, cùng với đó là những xung đột môi trường biển cũng khiến một số nơi như Vịnh Cam Ranh trước đây hải sâm tự nhiên nhiều nhưng bây giờ không còn nữa.

Người ta lặn ra cả Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng đảo lớn để săn hải sâm tự nhiên nhưng “nhân sâm của biển” không còn sẵn như trước. Trong khi đó nghề nuôi hải sâm thương phẩm thời điểm đó cũng hết sức bấp bênh.

Công nghệ chế biến cũ kỹ, sản phẩm chủ yếu vẫn theo lối phơi nắng, khô muối truyền thống, giá trị thấp, chuỗi sản xuất đứt đoạn bởi đầu nậu, thương lái và bị động trong tìm kiếm thị trường. Bài học đau đớn về quy trình ngược là cứ sản xuất còn thị trường không biết bán cho ai dẫn đến tình trạng người nuôi lao đao. Cùng với đó là sự cạnh tranh với tôm thẻ, ốc hương khiến thành tựu nhân giống thành công bao nhiêu năm rồi vẫn còn lẹt đẹt. Cơn bão Con Voi cuối năm 2017 vào vùng Nam Trung Bộ cuốn đi sạch sẽ những mô hình hải sâm mà các nhà khoa học và người dân dày công gầy dựng trước đó.

Mình hiểu mong muốn của người dân - Nguyễn Đình Quang Duy tự sự. Nếu nói về lợi thế, tiềm năng, dù khiêm tốn mấy cũng phải khẳng định thế giới không ai hiểu về hải sâm bằng người Việt mình. Thứ bà con cần là đầu ra ổn định, nguồn giống chất lượng, thông tin thị trường và phổ biến kiến thức khoa học công nghệ.

Tất cả những thứ đó cần bàn tay nhà nước, nhà khoa học và cả những doanh nghiệp đủ tâm, đủ tầm để xây dựng chuỗi liên kết và cầm trịch chuỗi liên kết đó. Cần phải xác định không có chuỗi liên kết thì không thể làm được câu chuyện gì, không riêng hải sâm mà ngành hàng nào cũng vậy. Mang những cái hay, cái tiến bộ học được về Nguyễn Đình Quang Duy là người đặt nền móng và xây dựng chuỗi liên kết hải sâm ở Việt Nam.

Tìm kiếm thị trường rồi mới tổ chức sản xuất. Tìm đối tác, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật xây dựng vùng nuôi rồi mới nghiên cứu giải pháp chế biến, tạo ra những sản phẩm khác biệt, tăng lợi thế cạnh tranh. Hải sâm từ ao nuôi đưa lên lập tức phải vào nhà máy chế biến và sau đó trở thành sản phẩm giá trị cao chứ không phải theo kiểu cũ. Tất cả các khâu trong chuỗi liên kết phải được đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm bằng hợp đồng để đi cùng nhau một hành trình dài chứ không phải tư duy mùa vụ.

Từ khâu giống, xây dựng vùng nguyên liệu đến thị trường dần được hoàn thiện. Một cột mốc mới mở ra với câu chuyện về hành trình hải sâm Việt Nam từ đó.

Thủ phủ hải sâm đầu tiên trên thế giới

Cột mốc ấy bắt đầu bằng chuỗi liên kết. Viện 3 cùng với Công ty Cổ phần Hải sâm Việt Nam xây dựng các mô hình ở Phú Yên và Khánh Hòa. Hải sâm là đối tượng mới, người dân còn thiếu nhiều thông tin, chuỗi liên kết phải giải quyết bài toán đó - Nguyễn Đình Quang Duy tâm niệm.

Thông qua chương trình khuyến nông, liên kết hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp, 10 hộ dân ở Khánh Hòa và Phú Yên được lựa chọn để xây dựng vùng sản xuất hải sâm cát trên diện tích 10 ha. Bà con được hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật và cam kết thu mua sản phẩm. Từ mô hình điểm dần lan tỏa đến cộng đồng, trở thành nơi người dân học hỏi người dân, người này lan tỏa đến người khác. Bà con biết cách lựa chọn giống tốt, biết cách chăm sóc, biết thông tin thị trường và hơn hết là biết cách giữ chữ tín để cùng nhau làm ăn được lâu dài.

Những hạt nhân của các mô hình trở thành đại sứ của hải sâm, hết thời gian thực hiện lại lựa chọn những hộ khác xây dựng mô hình mới. Doanh nghiệp đổ vốn, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu. Các nhà khoa học ở Viện 3 hỗ trợ cung cấp giống, tư vấn kỹ thuật và không ngừng nghiên cứu công nghệ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật…

Tất cả cùng nhau hoàn thiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Và giống như vệt dầu loang trên biển. Sau một thời gian thực hiện đến nay đã có gần 100 ha vùng nguyên liệu nuôi hải sâm ở Phú Yên và Khánh Hòa.

Xây dựng các mô hình nuôi hải sâm theo chuỗi. Ảnh: Phương Chi.

Giá trị kinh tế là rất rõ. Mô hình nuôi hải sâm cát tại Khánh Hòa với quy mô 25.000 m2/mô hình, gồm 5 hộ/mô hình, sản lượng đạt 11,35 tấn. Mô hình tại Phú Yên đạt 12,5 tấn. Thực tiễn cũng cho thấy, những sản phẩm hải sâm chế biến khô có giá trị kinh tế cao ở Trung Quốc và các thị trường Đông Nam Á, với giá từ 200 - 400 USD/kg. Nuôi trồng hải sâm mở ra cơ hội sinh kế cho các cộng đồng ven biển cho toàn khu vực Đông Nam Á, phía Bắc Australia và Trung tâm Thái Bình Dương.

Cùng với đó là góp phần đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản, giúp cải thiện môi trường ao nuôi, mở ra một nghề nuôi mới bền vững và thân thiện với môi trường. Ông Phan Văn Tiến, một hộ nuôi hải sâm ở Vạn Ninh, Khánh Hòa tiết lộ: Nuôi hải sâm mỗi lứa từ 6 đến 8 tháng, đến thời điểm thu hoạch trên diện tích 2,5ha sẽ đạt lợi nhuận khoảng 360 triệu đồng. Hay nhất là cái dạo dịch dã hoành hành, trong khi nhiều hộ nuôi trồng thủy hải sản khác lao đao chuyện ngăn sông cấm chợ không bán được thì người nuôi hải sâm vẫn cứ ung dung. Loài nhân sâm biển này chẳng tốn công sức chăm sóc mấy, thức ăn chủ yếu là phù du, không phải đầu tư gì nhiều. Nôm na nó giống như “ngân hàng dưới ao”, chưa bán thì cứ để đấy, bao lâu cũng được.

Nói chuyện định hướng phát triển, từ nay đến năm 2028, đại diện Công ty Cổ phần Hải sâm Việt Nam muốn tạo thu nhập và công ăn việc làm ổn định cho 3.500 hộ ngư dân nuôi hải sâm. Cùng với đó, xây dựng “thủ phủ” hải sâm cát đầu tiên trên thế giới.

Công ty Cổ phần Hải sâm Việt Nam cũng đã xây dựng xong nhà máy chế biến hải sâm hiện đại nhất Đông Nam Á vào 7/2022 với vốn đầu tư 5 triệu USD, công suất 900 tấn thương phẩm/năm. Đến năm 2025 - 2026, Công ty sẽ xây dựng thương hiệu quốc gia về mặt hàng hải sâm. Cùng với đó, phát triển dòng sản phẩm hải sâm ăn liền, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.

Đồng thời đến năm 2025, Công ty sẽ tạo 70 triệu cá thể hải sâm, với 3.500ha vùng nuôi, 90 triệu con giống, 45ha trại giống và tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.500 hộ gia đình...

Người xây dựng chuỗi liên kết hải sâm Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

Hơn ai hết Nguyễn Đình Quang Duy là người vui nhất với những thành tựu đó. Khát vọng của ông Tiến sĩ Viện 3, cơ duyên gặp gỡ, đồng hành với doanh nghiệp, người nông dân gặp nhau, cộng hưởng và lan tỏa.

Anh bảo: Tiềm năng của hải sâm Việt Nam còn rất lớn và chuỗi liên kết chính là hành trang để chúng ta hướng tới ngành hàng trăm triệu đô la. Từ thực tiễn thành công của các mô hình ở Phú Yên, Khánh Hòa, thành công của chuỗi liên kết có thể chứng minh nếu chúng ta xây dựng được nguồn nguyên liệu ổn định, sẽ không có quốc gia nào bằng.

Người Trung Quốc có hải sâm gai nhưng thời gian nuôi lâu và kích cỡ nhỏ hơn hải sâm cát của Việt Nam. Người Úc có một số trang trại nuôi biển nhưng chủ yếu họ phục vụ công tác nghiên cứu và chú trọng mục tiêu cải tạo môi trường biển.

Philipines, quốc gia lúc đó đang truyền thông mạnh mẽ trên các tờ báo, tạp chí quốc tế về hải sâm của họ nhưng hóa ra chính Nguyễn Đình Quang Duy là thầy dạy họ làm về hải sâm trong nhiều năm và đa phần các công trình nghiên cứu về hải sâm cát trên các tạp chí quốc tế về hải sâm cát có tên chủ của Tiến sĩ Duy. Thành thử Việt Nam mình chỉ cần làm tốt khâu thị trường, bảo đảm đầu ra ổn định thì tự động người dân sẽ theo và một hệ sinh thái ngành hàng hải sâm sẽ được hình thành.

Bây giờ ở Phú Yên và Khánh Hòa, chuỗi liên kết phát triển hải sâm của Tiến sĩ Duy và cộng sự đang hướng dẫn người dân nuôi ghép hải sâm với tôm hoặc ốc hương để làm cân bằng môi trường sinh thái và cải thiện môi trường. Tiến sĩ hải sâm cũng vừa hướng dẫn một nghiên cứu sinh người Úc qua nghiên cứu kết hợp nuôi hải sâm với ốc hương và đã thành công. Làm chủ nghiên cứu khoa học về giống, tổ chức liên kết và sản xuất thương mại thành công, chuỗi liên kết hải sâm của Tiến sĩ Duy gầy dựng trở thành hình mẫu của nhiều quốc gia quan tâm đến ngành hàng mới mẻ này. Như buổi sáng hôm chúng tôi gặp anh, một đoàn chuyên gia của Singapore đến làm việc ở Viện 3, cả về trình độ khoa học đến xây dựng chuỗi liên kết và sản phẩm, họ đều thực sự ngỡ ngàng.

Giấc mơ lớn của hải sâm Việt Nam

Hệ sinh thái ngành hàng hải sâm, liệu đó có phải là giấc mơ lớn của anh? Tôi hỏi Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy. Anh nói: Mong muốn lớn nhất là ngành hàng phát triển để người dân cả nước đều nuôi được hải sâm, người dân tham gia vào chuỗi liên kết.

Giá trị kinh tế, xã hội, môi trường của hải sâm đến nay cũng đã rõ. Hải sâm Việt Nam giờ đây mang giá trị kinh tế cao như các mặt hàng cao cấp khác tại Việt Nam như yến sào, nhân sâm... Giá trị môi trường đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới. Các công trình nghiên cứu khoa học cũng đang chứng minh hải sâm không còn là sản phẩm bình thường mà còn là dược liệu. Những sản phẩm bột nano từ hải sâm và các thành phần ngăn ngừa tế sự phát triển tế bào ung thư cũng đang được khẳng định. Nhìn sang Trung Quốc bây giờ, những người làm hải sâm là những người siêu giàu. Nhìn sang Đài Loan, Singapore và nhiều thị trường tiềm năng khác, sản phẩm hải sâm của Việt Nam ngày càng khẳng định được giá trị, thương hiệu. Tôi mơ ước và tin tưởng Việt Nam mình cũng sẽ có nhiều người giàu lên nhờ hải sâm. Tiến sĩ Duy tâm sự.

Giấc mơ lớn của hải sâm Việt Nam. Ảnh: Linh Linh.

Giấc mơ ấy bắt đầu từ đam mê nghiên cứu, cơ sở khoa học và cả thực tiễn sản xuất. Sau thành công của hải sâm cát, Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy cũng đã nhân giống thành công hải sâm vú trắng và mới đây hải sâm đen. Đó là những thành tựu mà nếu xét về mặt khoa học còn khó khăn hơn so với nhân giống hải sâm cát nhiều lần. Anh Duy cũng nói, việc nghiên cứu sản xuất đa đối tượng, đa dạng sinh thái và vùng nuôi sẽ tạo điều kiện cân bằng cho hệ sinh thái, tạo ính kế cho người nuôi. Tuy nhiên, nghiên cứu sản xuất giống và nuôi thương phẩm ở quy mô thương mại vẫn đang cần thời gian để hoàn thiện. Cái gì thật chắc chắn mới chuyển giao đến nười dân, bởi nuôi trồng thủy sản không phải như trồng lúa, trồng khoai, mỗi một lần đầu tư bà con đổ rất nhiều tiền của, mình sơ sẩy chút ít bà con chịu ảnh hưởng nặng nề ngay.

Và một giấc mơ lớn của Tiến sĩ Duy với hải sâm Việt, đó là hiện nay chúng ta đang có khoảng 10 loài hải sâm có giá trị kinh tế cao, có thể nghiên cứu nhân giống được. Nghĩa là tiềm năng của ngành hàng hải sâm rất lớn. Xu thế tiêu dùng của thế giới hiện nay là những sản phẩm hữu cơ, những sản phẩm vì cộng đồng, không chỉ là câu chuyện truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi mà sẽ đánh giá theo cả chuỗi sản xuất, trong đó có cả yếu tố người sản xuất có hạnh phúc hay không? Câu chuyện của hải sâm Việt Nam đang làm sẽ đáp ứng được cả những tiêu chuẩn khắt khen nhất. Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy chia sẻ về tương lai của nghiên cứu phát triển nuôi trồng hải sâm tại Việt Nam.

Giấc mơ lớn ấy hoàn toàn có cơ sở, có niềm tin sẽ thành hiện thực. Giống như cái cách Tiến sĩ Duy từng chứng minh với cộng đồng quốc tế về trí tuệ, trình độ nghiên cứu khoa học của người Việt vậy.

Hoàng Anh - Phương Chi
Tin khác
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 5] Đặt trụ hướng nắng, thu nhập cao từ thanh long trái vụ
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 5] Đặt trụ hướng nắng, thu nhập cao từ thanh long trái vụ

Chăm sóc thanh long trái vụ tốn công hơn nhưng bù lại, giá bán cao hơn hẳn và sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 4] Trồng chuối theo nanh sấu để hạn chế xói mòn
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 4] Trồng chuối theo nanh sấu để hạn chế xói mòn

Nhiệt độ thích hợp nhất để chuối sinh trưởng là khoảng 27 độ C, nếu xuống quá thấp (dưới 6 độ C), cây sẽ yếu và dễ bị chết nếu không có phương án phòng, chống.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 3] Chú ý cắt tỉa khi nhãn vừa đậu quả non
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 3] Chú ý cắt tỉa khi nhãn vừa đậu quả non

Để quả nhãn đủ chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu, người dân cắt tỉa đợt 1 khi đậu quả non và giai đoạn 2 khi quả nhãn to bằng đầu đũa.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 2] Sử dụng bao trái, nâng cao chất lượng xoài
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 2] Sử dụng bao trái, nâng cao chất lượng xoài

Cây xoài đặc biệt phù hợp với những vùng có hai mùa mưa và khô rõ rệt, trong đó mùa khô ít nhất kéo dài 4 tháng, mùa mưa không quá 7 tháng. 

Mong về chuỗi giá trị rong biển ‘5 sao’
Mong về chuỗi giá trị rong biển ‘5 sao’

Khi các bên cùng hợp tác và tham gia, chuỗi giá trị sẽ trở nên toàn diện và phát triển bền vững, góp phần đưa ngành rong biển Việt Nam vươn xa.

Rong biển - 'yến sào' của đại dương xanh
Rong biển - 'yến sào' của đại dương xanh

Rong biển được ví như một 'kho báu' trong thời đại chuyển đổi xanh, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.

Kinh nghiệm nuôi trồng rong sụn từ doanh nghiệp tiên phong ở miền Bắc
Kinh nghiệm nuôi trồng rong sụn từ doanh nghiệp tiên phong ở miền Bắc

STP Group là doanh nghiệp đầu tiên ở phía Bắc nghiên cứu và triển khai thành công mô hình nuôi trồng rong sụn tại huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 1] Bảo đảm độ ẩm, luân canh các loại cây trên đất trồng chanh leo
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 1] Bảo đảm độ ẩm, luân canh các loại cây trên đất trồng chanh leo

Cây chanh leo rất dễ trồng, có thể sống được trên đất sỏi đá hoặc đất cát và đang định hướng phát triển vùng nguyên liệu quy mô 5.000ha tại Sơn La.

Bí kíp tạo tác những siêu cây nghệ thuật tiền tỷ
Bí kíp tạo tác những siêu cây nghệ thuật tiền tỷ

Dù là thú chơi, thế nhưng, có những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật có giá trị hàng chục tỷ đồng và có rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để sở hữu.

Nghệ nhân ra sách chia sẻ kỹ năng tạo tác cây cảnh nghệ thuật
Nghệ nhân ra sách chia sẻ kỹ năng tạo tác cây cảnh nghệ thuật

Lê Đức Nam, nghệ nhân nổi tiếng trong làng cây cảnh Việt Nam viết sách chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm tạo tác cây cảnh nghệ thuật cho những người yêu cây.

Thôi đốt đồng, nhà nông thêm tiền, bớt ưu phiền sức khỏe
Thôi đốt đồng, nhà nông thêm tiền, bớt ưu phiền sức khỏe

Nhiều nông dân trồng lúa đã từ bỏ thói quen đốt đồng sau khi được hướng dẫn cách xử lý rơm rạ mang lại hiệu quả kinh tế cao và cải thiện sức khỏe.

Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 5] Ưu tiên tạo tín chỉ carbon, quản lý rừng bền vững
Net Zero - Đích xa sắp đến gần: [Bài 5] Ưu tiên tạo tín chỉ carbon, quản lý rừng bền vững

Muốn thích ứng một cách nhanh chóng, bền vững với những quy định mới như CBAM, EUDR…, chủ rừng buộc phải chuẩn hóa ngay từ khâu giống và trồng cây xuống đất.