Họ là các tổ chức trong nước và quốc tế - Đối tác giảm nhẹ rủi ro của thiên tai, luôn tận tâm và chung tay cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân Việt Nam nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai; tìm kiếm cứu nạn và vực dậy sau những mất mát.
Chiều cuối năm trời yên biển lặng, các thành viên Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai (với 27 thành viên) có dịp gặp mặt đông đủ để cùng nhìn lại hành trình hoạt động giúp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Mở đầu buổi gặp mặt, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam - Đồng Chủ tịch của Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong nhiệm kỳ 2023-2026, chia sẻ câu chuyện của cụ bà Trần Thị Tình, 73 tuổi ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cuộc sống của bà gắn liền với việc đồng áng và đánh cá. Cách đây vài tuần, mưa lớn ở sông Bồ và sông Hương đã vượt mức lịch sử, tràn bờ, cao nhất trong hơn thập kỷ vừa qua. Trận lũ đã gây thiệt mạng về người, làm hơn 17.000 ngôi nhà bị ngập, số lượng lớn gia súc và diện tích lúa bị thiệt hại.
Nhà của bà Tình đã bị ngập sâu dưới 1,5m nước trong trận lũ này, bắt buộc phải dùng thuyền nhỏ để di chuyển, chỉ với một ít mì gói để ăn, bà đã rất khó khăn khi vừa phải chăm sóc cho chồng bị liệt và đảm bảo an toàn cho cháu trai của mình.
Trên thực tế, công tác ứng phó thiên tai đã được triển khai ở các địa phương bị ảnh hưởng. Trong vòng 24 giờ, cơ chế hành động sớm đã được kích hoạt khi lượng mưa dự báo vượt quá 500mm. Kết quả là 31 hộ gia đình gồm 1.557 người, trong đó 65% là phụ nữ ở 7 xã của tỉnh Thừa Thiên Huế, bao gồm cả bà Tình, đã được sự hỗ trợ kịp thời bằng tiền mặt.
Điều này đã trở thành hiện thực nhờ vào các cơ chế phối hợp đã được thống nhất trước đó giữa Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ và Liên Hợp Quốc.
Theo và Pauline Tamesis, sự hỗ trợ kịp thời thông qua dự án hành động sớm đã trở thành tia hy vọng cho bà Trần Thị Tình và gia đình. Sự hỗ trợ bằng tiền mặt của dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp bách về thực phẩm và thuốc men, mà còn gieo mầm hy vọng trong quá trình khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Việc kích hoạt hành động sớm trong trận lũ ở Thừa Thiên Huế là minh chứng cho hiệu quả của phương pháp tiếp cận này trong việc giảm thiểu tác động của thiên tai đối với cộng đồng dễ bị tổn thương. Đây cũng là minh chứng cho năng lực ứng phó hiệu quả trước thiên tai của chúng ta.
“Bằng việc xác định nhu cầu của cộng đồng bị ảnh hưởng và sắp xếp nguồn lực trước, chúng ta có thể giảm đáng kể tác động của thiên tai và đẩy nhanh quá trình phục hồi. Điều này sẽ không thể thành hiện thực nếu không có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, sự hỗ trợ kỹ thuật từ cơ quan Liên Hợp Quốc và từ các đối tác quốc tế ở Việt Nam”, Đồng Chủ tịch Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai Pauline Tamesis, nhấn mạnh.
Là một trong những địa phương nhận được hỗ trợ thiết thực từ Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bà Trương Thị Kim Cúc - Chủ tịch xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, chia sẻ: Đa phần người dân ở xã Triệu Độ đều sống dựa vào nghề nông. Những người phụ nữ trong xã tôi đều rất kiên cường, mạnh mẽ, luôn vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bởi ở mảnh đất Quảng Trị không được thiên nhiên ưu đãi, lại xảy ra nhiều thiên tai, trong đó Triệu Độ là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Điển hình như trận mưa lũ lịch sử năm 2020 hay trận lũ vào tháng 11/2023 vừa qua. Bão, mưa lũ đã cuốn đi nhà cửa, tài sản, mùa màng và cả tính mạng của nhiều người.
“Bản thân tôi làm Chủ tịch xã, từng chứng kiến nhiều gia đình mà người phụ nữ mất đi chồng, con. Họ rơi vào tuyệt vọng. Người miền Trung chúng tôi thường có tâm lý “vào Nam ra Bắc”, một phần cũng bởi lý do thiên tai”, bà Cúc xúc động.
Tuy nhiên, nữ Chủ tịch xã cũng khẳng định, chính quyền xã không bao giờ buông xuôi trước sự phá hoại của thiên tai. “Chúng tôi đã không làm vậy. Bởi vì chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức quốc tế. Nhiều dự án trong vài năm gần đây thực sự đã rất hiệu quả trong việc hỗ trợ cho người dân. Cụ thể, các dự án đã giúp nhiều người dân ở xã Triệu Độ nâng cao năng lực, tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai. Người dân ở xã tôi đã được học cách sử dụng các thiết bị cảnh báo, cách di tản an toàn, cách tái canh tác sau lũ. Ngoài ra, rất nhiều hộ cũng đã được cung cấp các gói hỗ trợ về tài chính, y tế, giáo dục cho con em của mình. Sau mỗi đợt thiên tai luôn cố gắng khôi phục lại cuộc sống bình thường. Chúng tôi cố gắng bám đất, bám làng để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn”, bà Cúc nói.
Ông Shantanu Chakraborty – Giám đốc quốc gia của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), đánh giá: Kể từ khi thành lập, Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cho các nỗ lực về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bao gồm nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai, đánh giá rủi ro thiên tai và cứu trợ nhân đạo. Đặc biệt, Đối tác đã cùng Chính phủ Việt Nam giải quyết tác động của hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019-2020, các trận bão, lũ do Linfa, Nangka gây ra ở miền Trung năm 2020.
“ADB coi hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai là một phần tích hợp trong ứng phó với biến đổi khí hậu, một trong 7 ưu tiên thực hiện trong Chiến lược ADB 2030 và là một trong hai trụ cột trong Chiến lược Đối tác Quốc gia với Việt Nam giai đoạn 2023-2026”, ông Shantanu Chakraborty cam kết.
Thông qua đối thoại chính sách, hỗ trợ kỹ thuật (TA) và các dự án vốn vay, ADB đã hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai, cứu trợ nhân đạo, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và tăng cường khả năng phục hồi sau thảm họa.
Chẳng hạn, dự án viện trợ không hoàn lại 2,5 triệu USD của ADB hỗ trợ nhân đạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung năm 2020, ADB cung cấp hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại trị giá 3 triệu USD cho các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam, nhằm tăng cường quản lý rủi ro lũ tổng hợp vào năm 2021 (TA 9634 REG).
Thông qua dự án vay 100 triệu USD dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán, ADB hỗ trợ khả năng chống chịu hạn hán cho các tỉnh bị ảnh hưởng là Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Thuận (dự án đang được thực hiện).
Gần đây, ADB đang làm việc với Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT để chuẩn bị dự án vốn vay trị giá 200 triệu USD mang tên Quản lý rủi ro lũ tổng hợp nhằm hỗ trợ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt cho đồng bằng sông Hồng và khả năng chống chịu lũ cho đồng bằng sông Hồng và sông Mã.
“Để đầu tư hiệu quả và kịp thời giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt cũng như hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội trong khu vực, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT để được Chính phủ phê duyệt và dự án có thể bắt đầu triển khai vào năm 2024”, Giám đốc quốc gia ADB đề xuất.
Rémi Nono Womdim - Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, cho biết, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu COP 28 vừa qua, FAO đã công bố một báo cáo hàng đầu có tiêu đề “Tác động của thiên tai đối với nông nghiệp và An ninh lương thực: Cần tránh và giảm thiểu thiệt hại thông qua đầu tư vào khả năng chống chịu”.
Theo bản báo cáo, trong 30 năm qua, ước tính khoảng 3,8 nghìn tỷ USD giá trị cây trồng và vật nuôi đã bị thiệt hại do khí hậu và các loại hình thiên tai khác, tương đương với thiệt hại trung bình là 123 tỷ USD mỗi năm.
FAO, với sự cộng tác của các đối tác quốc tế (UN Women, Save the Children, Care International, Plan International, World Vision và Red Cross) đã hỗ trợ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, các tỉnh thường xuyên bị thiên tai xây dựng Quy trình hành động sớm đối với thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2017 và đối với đợt mưa bão ở khu vực miền Trung năm 2021.
Cũng theo ông Rémi Nono Womdim, các phân tích tác động của FAO cho thấy lợi ích về mặt đầu tư của hành động sớm trong trung và dài hạn là con số dương. Cứ 1 USD đầu tư vào hành động sớm trước bão Noru năm 2023, sẽ có 0,46 USD được hoàn lại trong ngắn hạn (1 năm), 1,38 USD trong trung hạn (3 năm), 4,6 USD trong dài hạn (10 năm).
“Sẽ rất đáng hoan nghênh nếu chúng ta có thể thể chế hóa hành động sớm và lồng ghép hành động sớm vào hệ thống phòng chống thiên tai của Chính phủ”, ông Rémi Nono Womdim lưu ý.
Tại buổi gặp mặt Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai chiều ngày 8/12, bà Đào Thị Hồng – Trưởng đại diện của Tổ chức cứu trợ nhân đạo CRS chia sẻ, hơn 20 năm qua, CRS tập trung nâng cao năng lực về cách tổ chức cũng như kỹ thuật trong việc thực hiện hành động sớm trước thiên tai, cứu trợ khẩn cấp, đặc biệt là Chương trình Cứu trợ bằng tiền mặt trên quy mô lớn.
Cụ thể, năm 2019 CRS đã hợp tác với UBND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam triển khai dự án giúp tăng cường công tác dự báo hạn hán và cảnh báo sớm, hành động sớm nhằm giúp cộng đồng ứng phó với hạn hán một cách hiệu quả.
Trong năm 2023 – 2024, CRS hợp tác với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam triển khai dự án Tăng cường hành động sớm để phòng ngừa thiên tai hiệu quả ở miền Trung Việt Nam.
Cùng quan điểm với bà Đào Thị Hồng, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nêu ví dụ về hành động sớm mà tổ chức này đã thực hiện hàng năm cùng với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai. Đặc biệt trong năm 2023, UNICEF và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã cung cấp các bộ lọc nước sử dụng màng lọc 340 UF cho các cộng đồng khi họ vẫn còn ảnh hưởng bởi lũ lụt và ngập ở Thừa thiên Huế chỉ vài tuần trước.
Những bộ lọc này đã được đưa đến các trường học, trung tâm y tế và trung tâm sơ tán trên khắp 9 huyện ở Thừa Thiên Huế vào thời điểm xảy ra một trong những trận lụt tồi tệ nhất của tỉnh trong nhiều thập kỷ qua. Bộ lọc này hoạt động không cần điện, có thể loại bỏ vi khuẩn, tạp chất, nấm mốc và cặn ra khỏi nước một cách hiệu quả mà không cần dùng hóa chất. Sáng kiến này đã giúp khoảng 85.000 phụ nữ, trẻ em và nam giới dễ bị tổn thương nhất được tiếp cận với nước sạch.
Bà Rana Flowers cho biết, trong 2 năm tới, hoạt động hợp tác của UNICEF với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính. Thứ nhất là rà soát và đánh giá các trung tâm sơ tán nhằm thiết lập các tiêu chuẩn quốc gia cho các loại trung tâm sơ tán thiên tai khác nhau (nhà riêng, trụ sở công, trường học hoặc trung tâm y tế, nhà thờ hoặc chùa), để đảm bảo đủ không gian, nước sạch, vệ sinh, an toàn và phẩm giá - những yếu tố mà hiện đang chưa có. Ngoài ra, việc xây dựng các mô hình mẫu trung tâm sơ tán tiêu chuẩn sẽ giúp các tỉnh nhân rộng các tiêu chuẩn này.
Thứ hai là, đánh giá hệ thống kho hàng cấp trợ khẩn cấp của Việt Nam, rà soát và các thiếu hụt và hỗ trợ thành lập một kho cấp trợ thiên tai hiện đại. Thứ ba, UNICEF cũng đang phối hợp với các tổ chức tài chính, đơn vị liên quan xây dựng một Chương trình hỗ trợ tiền mặt. Bắt đầu từ năm 2024, chương trình này sẽ cung cấp hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp (là một trong những biện pháp cứu trợ khẩn cấp) cho trẻ em, các hộ gia đình và cộng đồng khi thiên tai xảy ra.
Tăng cường khả năng chống chịu là một nội dung hoạt động quan trọng và cốt lõi trong chiến lược của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP). Do đó, bà Ramla Al Khalidi (Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam) cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và Bộ NN-PTNT triển khai các hoạt động cần thiết để đạt được mục tiêu này.
Trong những năm qua, Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng và UNDP đã xây dựng hơn 4.000 ngôi nhà, trồng và khôi phục 4.000 ha rừng ngập mặn, thực hiện 550 khóa đào tạo về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và cung cấp các thông tin khí hậu cho hơn 62.000 hộ gia đình ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Một khi Dự án GCF1 được kéo dài, UNDP cùng Bộ NN-PTNT và Bộ Xây dựng sẽ có thể xây thêm 1.000 ngôi nhà ở chống chịu bão lũ.
Về cảnh báo sớm, bà Khalidi cho biết, UNDP và Bộ NN-PTNT đã hoàn thành việc xây dựng và lắp đặt 24 trạm cảnh báo sớm thiên tai tại các xã ven biển có rủi ro thiên tai cao ở 7 tỉnh và chúng tôi sẽ hỗ trợ công tác vận hành vào quý 1 năm 2024.
Đặc biệt, UNDP và Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đã hoàn thành khóa đào tạo cho 7 tỉnh miền Trung về sử dụng máy bay không người lái để đánh giá rủi ro, thiệt hại và xác các tuyến đường/địa điểm sơ tán.
“Trong những năm tới, chúng tôi tăng cường khả năng chống chịu hạn hán cho 200.000 hộ gia đình mục tiêu trong 5 năm với những kết quả rõ ràng. Cùng với Bộ NN-PTNT, chúng tôi sẽ xây dựng 1.500 ao nuôi thích ứng khí hậu, đào tạo cho 16.000 hộ gia đình; tư vấn nông nghiệp cho các hộ nông dân nhằm giúp tăng cường khả năng chống chịu của cây trồng nhằm đối phó với hạn hán ở khu vực Tây Nguyên”, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam nêu dự định.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt cuối năm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Đồng Chủ tịch Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai giai đoạn 2023 – 2026, chia sẻ: Năm 2023 là năm khá bình yên về thời tiết khí hậu so với các năm khác. Trong năm nay chưa có một cơn bão nào thực sự đổ bộ vào đất liền và 2023 cũng là năm thiệt hại do thiên tai gây ra ở mức độ khá thấp, khoảng 8.000 tỷ đồng trong khi bình quân hàng năm thiệt hại do thiên tai gây ra lên tới 2-3 tỷ USD.
Tuy nhiên, một điều đáng e ngại, rằng năm sau, là năm Giáp Thìn, trong lịch sử thiên tai Việt Nam, có những năm Giáp Thìn đầy đau đớn, như năm 1904 lũ lịch sử ở khu vực Gò Công và nhiều tỉnh thuộc Nam Kỳ thời bấy giờ đã gây ra cái chết của 5000 người; hay năm 1964 trận lũ lịch sử tại Quảng Nam cũng đã cướp đi gần 10.000 mạng sống và cuốn 1.200 nhà bị trôi, hàng chục nghìn ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Chúng ta, lại càng không thể chủ quan cho năm 2024, năm Giáp Thìn sắp đến.
“Cũng thật may mắn, chúng ta đều đã thống nhất cao với nhau rằng: hành động sớm trước thiên tai không chỉ là định hướng của toàn cầu, không chỉ là tuyên bố của ASEAN về giảm nhẹ rủi to thiên tai, mà nó còn là mục tiêu thực hiện trong tương lai gần của các tổ chức, cơ quan ban ngành trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Mỗi một thành viên của đối tác, với nguồn lực của mình, với thế mạnh của tổ chức, sẽ cùng nhau đồng hành với người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, chủ động nhất có thể trước các sự kiện thiên tai”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.
Với sự đồng dẫn dắt của bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bằng sự thấu hiểu và kinh nghiệm dày dạn hỗ trợ người dân các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương cũng như các bài học thực tế tại quê nhà Philipines về phòng tránh và ứng phó với thiên tai, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tin tưởng rằng, Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai ngày càng đoàn kết hơn để mạnh mẽ hơn.