Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cùng nhau điểm lại những kết quả nổi bật của năm 2023 và chia sẻ định hướng hoạt động năm 2024.
Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai là một sáng kiến của Bộ NN-PTNT. Qua 4 năm hoạt động, với sự góp sức của các thành viên, nhóm đối tác đã và đang là lá cờ đầu trong công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam.
Năm nay cũng đánh dấu Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai có tân Đồng Chủ tịch với nhiệm kỳ từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2026, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, bà Tamesis cho biết, “Hành động sớm để tăng cường khả năng chống chịu” là chủ đề được Liên hợp quốc phát động và định hướng xuyên suốt trong những năm vừa qua, nhằm nâng cao nhận thức của các quốc gia trong công tác cảnh báo, dự báo và chuẩn bị trước thiên tai. Chính sách chiến lược của Liên hợp quốc đã được Việt Nam hưởng ứng và tích cực triển khai trong nhiều hoạt động, trên nhiều lĩnh vực ở cả trung ương và địa phương.
Theo bà Tamesis, trên thực tế, công tác ứng phó với thiên tai đã được triển khai ở các địa phương bị ảnh hưởng. Trong vòng 24 giờ, cơ chế hành động sớm đã được kích hoạt khi lượng mưa dự báo vượt quá 500mm. Kết quả là 31 hộ gia đình gồm 1.557 người, trong đó 65% là phụ nữ, ở 7 xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế, bao gồm cả bà Tỉnh, đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời bằng tiền mặt. Điều này đã trở thành hiện thực nhờ vào các cơ chế phối hợp đã được thống nhất trước đó giữa Cục Quản lý đê điều , cơ quan phòng chống thiên tai, chính quyền địa phương, Chữ thập đỏ và Liên hợp quốc.
“Việc kích hoạt hành động sớm trong trận lũ ở Thừa Thiên - Huế là minh chứng cho hiệu quả của phương pháp tiếp cận này trong việc giảm thiểu tác động của thiên tai đối với cộng đồng dễ bị tổn thương”, đại diện đối tác nói.
Bà Tamesis cho rằng, cần có những biện pháp sáng tạo để tăng cường sự hợp tác và hiệu quả trong công tác ứng phó với thiên tai, bên cạnh sáng kiến hành động sớm. Do vậy, cần có hệ thống dữ liệu phân tách theo giới tính kịp thời và hiệu quả để có thể giúp các bên ra quyết định kịp thời ứng phó với thiên tai, hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên của đối tác, các đối tác trong và ngoài nước đóng vai trò quan trọng trong tận dụng nguồn lực và chuyên môn, giúp xây dựng một tương lai an toàn trước thiên tai cho mọi người dân.
Tiến sĩ Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam dẫn báo cáo ‘Tác động của thiên tai đối với nông nghiệp và An ninh lương thực: Cần tránh và giảm thiểu thiệt hại thông qua đầu tư vào khả năng chống chịu” của FAO cho thấy, trong 30 năm qua, ước tính khoảng 3,8 nghìn tỷ USD giá trị cây trồng và vật nuôi đã bị thiệt hại do khí hậu và các loại hình thiên tai khác, tương đương với thiệt hại trung bình là 123 tỷ USD mỗi năm.
Có nhiều giải pháp khác nhau để hạn chế tổn thất và thiệt hại, bao gồm tăng cường tài chính khí hậu và hành động sớm. Trong hành động sớm, các đối tượng dễ bị tổn thương chính là những người đi đầu trong phát triển và là tác nhân tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống và cộng đồng của chính họ.
Theo ông Womdim, các phân tích tác động của FAO cho thấy lợi ích về mặt đầu tư của hành động sớm trong trung và dài hạn là con số dương. Cứ 1 USD đầu tư vào hành động sớm trước bão Noru năm 2023, sẽ có 0,46 USD được hoàn lại trong ngắn hạn (1 năm), 1,38 USD trong trung hạn (3 năm), 4,6 USD trong dài hạn (10 năm).
“Dựa trên những kết quả tích cực của hành động sớm ở cấp độ toàn cầu, khu vực và địa phương, FAO sẽ vẫn cam kết tiếp tục hỗ trợ và ủng hộ cách tiếp cận rất hiệu quả này”, đại diện FAO cho biết.
Kết thúc buổi họp mặt, “người thuyền trưởng” - đồng Chủ tịch của Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng sự “đỏng đảnh” của thời tiết như hiện nay đòi hỏi sự chủ động quan tâm nhiều hơn, cần phải sẵn sàng hơn với những nguy cơ về sự thay đổi.
Với sự thống nhất rằng hành động sớm trước thiên tai không chỉ là định hướng của toàn cầu, hay tuyên bố của ASEAN về giảm nhẹ rủi to thiên tai, Thứ trưởng cho rằng đây còn là mục tiêu thực hiện trong tương lai gần của các tổ chức, cơ quan ban ngành trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
“Mỗi một thành viên của đối tác, với nguồn lực của mình, với thế mạnh của tổ chức, sẽ cùng nhau đồng hành với người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, chủ động nhất có thể trước các sự kiện thiên tai”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT bày tỏ tin tưởng.