Xây dựng năng lực phòng chống thiên tai quốc gia
Mức độ thiệt hại bởi thiên tai cũng phụ thuộc vào năng lực phòng chống thiên tai của từng nước. Nhật Bản tuy phải chịu sự tàn phá của cơn siêu bão Hagibis trong tháng 10/2019 nhưng chỉ có 86 người chết, 936.000 người bị ảnh hưởng. Trong khi đó cơn bão Idai hồi tháng 3/2019 tuy không phải là siêu bão nhưng là trận thiên tai gây nhiều thương vong nhất năm đó, với hơn 1.000 người, chủ yếu tại Mozambique và Zimbabwe.
Nhưng con số này vẫn khiêm tốn nếu so sánh với gần 5.000 người chết vì động đất ở tỉnh Trung Sulawesi, miền Trung Indonesia, hồi tháng 9/2018.
Từ các số liệu cụ thể có thể nhận thấy năng lực phòng chống thiên tai quốc gia là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất có khả năng quyết định về mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nhận thức được vai trò của xây dựng năng lực phòng chống thiên tai quốc gia, những năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đã tăng cường hợp tác quốc tế; ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống và quản lý rủi ro thiên tai.
Điển hình như tháng 10/2019, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký quyết định số 3922 thành lập Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai với sự tham gia của 18 tổ chức quốc tế và các Bộ liên quan. Chủ trì Đối tác là Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp và đồng chủ trì là Giám đốc Ngân hàng Châu Á tại Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập, trước diễn biến phức tạp của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khu vực Nam Trung bộ, Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (Đối tác) đã cung cấp, cập nhật thông tin liên tục đến các thành viên; tổ chức các đoàn công tác thực địa đến các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và xâm nhập mặn để đánh giá tác động và đề xuất các phương án hỗ trợ; tổ chức các cuộc họp với các thành viên Đối tác để vận động hỗ trợ. Kết quả đã vận động được hơn 927.000 USD hỗ trợ cho các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và 147.000 USD hỗ trợ các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
Điển hình như Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cung cấp khoản tài trợ trị giá 195.000USD để hỗ trợ các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng thông qua các hoạt động cung cấp 1.139 bồn chứa nước loại 1m3, 1.139 bình gốm lọc nước, hơn 5.500 bánh xà phòng và các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.
Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) hỗ trợ 185.000 USD từ Quỹ khẩn cấp toàn cầu để hỗ trợ các tỉnh Bến Tre và Cà Mau thông qua các hoạt động cung cấp 385 bồn chứa nước, hỗ trợ sinh kế cho 176 hộ dân ở Cà Mau, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Ngoài ra, UNDP còn vận động đại sứ quán Nhật Bản hỗ trợ kinh phí 4,9 tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Cà Mau ứng phó với hạn hán trong bối cảnh Covid-19 thông qua việc cung cấp 1.500 bồn chứa nước inox loại 1m3, 3.000 hộp khẩu trang và 22.500 bánh xà phòng.
Các tổ chức quốc tế đã tham gia tích cực trong việc vận động, huy động nguồn lực để hỗ trợ các tỉnh khu vực ĐBSCL và các tỉnh Nam Trung bộ ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Đây là nguồn lực rất quan trọng giúp người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Những dự án điển hình
Hàng loạt các dự án liên quan đến phòng chống thiên tai cũng đã được triển khai trong giai đoạn vừa qua, điển hình như dự án “Tăng cường năng lực chống chịu với những tác động của Biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh - Chính phủ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc hỗ trợ.
Tính đến cuối năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và các trận bão, lụt ở Miền Trung, với sự hỗ trợ của dự án trên, đã có hơn 3.500 căn nhà an toàn chống chịu bão, lụt được xây dựng tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa.
Đồng thời, dự án cũng triển khai thành công 24 mô hình sinh kế giúp mang lại thu nhập cho các hộ gia đình nghèo ven biển và hơn 39.000 cán bộ và người dân được tập huấn về lập kế hoạch và đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Mục tiêu của dự án đến năm 2021 là xây 4.000 ngôi nhà an toàn chống chịu bão, lụt.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy rằng những ngôi nhà an toàn của dự án đã giúp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Và điều quan trọng là phải nhân rộng và mở rộng quy mô các mô hình nhà an toàn ở Việt Nam, đặc biệt là cho người nghèo và cận nghèo ở 28 tỉnh ven biển".
Thời gian qua, dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại tỉnh Kiên Giang và Cà Mau” đã được Bộ NN-PTNT khởi động, thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2022. Tổng nguồn vốn dự án là 24 triệu Euro, trong đó, vốn vay ưu đãi của Chính phủ Đức thông qua ngân hàng tái thiết Đức (KFW) là 18 triệu Euro và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 6 triệu Euro.
Đây là dự án đầu tiên trong khu vực sẽ áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm đạt được các mục tiêu phòng chống thiên tai, chống sạt lở, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ vùng ven biển, cải thiện mức sống của người dân vùng ven biển.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ có khoảng gần 3 ngàn ha diện tích rừng ngập mặn được phát triển và bảo vệ, cùng với 19km đê biển, kè chắn sóng được đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Qua đó, góp phần bảo vệ tuyến đê biển, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ hàng trăm ngàn ha đất trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.
Đây là dự án được triển khai theo nguyên tắc thuận thiên và là một trong những nguồn lực để địa phương thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng phối hợp với các chuyên gia JICA đề xuất và xây dựng dự án “Lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại một số vị trí có nguy cơ cao” sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản…
Các chuyên gia Nhật Bản còn giúp Việt Nam nghiên cứu, chuyển giao, giới thiệu công nghệ đập Sabo của Nhật Bản cho các tỉnh miền núi có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét gây ra. Sau hàng loạt các hội nghị hội thảo giới thiệu, hầu hết các địa phương miền núi đều đã được biết về công nghệ này.
TS Akihiko Wakai, chuyên gia Địa kỹ thuật thuộc khoa Kỹ thuật Môi trường (Đại học Gumma - Nhật Bản), cho biết: Thiệt hại bởi lũ quét và sạt lở đất gây ra do bão và mưa lũ tại các tỉnh miền Trung của Việt Nam vẫn đang gia tăng. Năm 2019, nhóm nghiên cứu chung giữa Việt Nam và Nhật Bản đã bắt đầu điều tra một số khu vực xảy ra thiên tai nhằm thiết lập hệ thống dự báo và giám sát trượt đất, từ đó kiểm soát các thảm họa trong tương lai ở miền Trung của Việt Nam.