| Hotline: 0983.970.780

Làng tôi là làng Mơ, Kẻ Mơ, thêm chữ Kẻ, cũng như các làng khác xung quanh, Kẻ Hàu, Kẻ Thơi, Kẻ Nồi.

----------

Đi đâu nghe giọng nói, dân tứ xứ liền bảo dân Kẻ Mơ đi chợ bán dơ. Dơ là nói trại chữ dưa, do nhại giọng Kẻ Mơ nhưng mà thực tế đúng là dân Kẻ Mơ gồng gánh dưa đi bán khắp thiên hạ. Làng tôi sinh sống trên bãi cát, trồng trọt đều dựa vào nguồn nước của trời.

Cấy lúa thì ngồi, cấy xong gánh nước ra tưới cho mạ khỏi chết, ruộng lúa chín chó chạy hở đuôi. Thế mà cũng chỉ được một vụ, vụ mười, còn thì trồng đủ thứ khác, khoai ngô lạc kê mạch vừng đậu và bông nữa, nhưng nhiều nhất là dưa hấu. Hợp thung thổ hay sao mà dưa hấu làng tôi, chu cha, to như con lợn, xanh đen nhưng nhức, đỏ thắm và ngọt rất đậm.

Làng Kẻ Mơ có hai đặc sản, đó là dưa và khoai, khoai có ba bốn giống, giống nào cũng ngon, nhưng ngon mấy cũng là khoai, ăn mắc ở cổ họng, không nuốt được. Nói về dưa trước.

Làng không có gì đặc biệt, hình thế thì dài, nối ngang từ biển đến sông Mơ, đông hải tây giang, nhưng rất nổi tiếng, đi đến đâu nói là người Kẻ Mơ thì đều nhận được nụ cười của thiên hạ, nụ cười không phải chế giễu, cũng không phải coi thường mà là nụ cười khó diễn tả lắm.

Dưa hấu làng Mơ đến mùa quả to đen trùng trục ngổn ngang trên đồng. Thời xưa chưa có ô tô hoặc xe máy chở dưa đi bán mà tất cả chỉ trên đôi vai nông dân. Bán chợ Mơ hoặc từng gánh từng đoàn các chị các bà chen chúc qua đò Mơ là tỏa đi các chợ như chợ Giát, chợ Chiền, chợ Ngò, chợ Nồi, người khỏe gánh vào tận phủ Diễn, vào tận Vinh bán. Sáng đi có khi tối mịt mới về đến làng.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Gánh dưa bán hết không được bao nhiêu đồng mà quà bánh cơm phở cầm bằng về không à? Nên dân bán dưa của làng thường mang theo khoai lang luộc khi hết mùa thì khoai khô xéo, vắt từng cục to như quả bưởi, ăn với cá mắm, ngon không quên được, đi mấy ngày không lo đói.

Dân các chợ, các phố thị, nhà hàng cơm phở, bún bánh thấy khách làng Mơ gánh dưa vất vả là chào mời săn đón, cười tươi như hoa, giọng ngọt như đường, mời, mời, xin mời các ông các bà các chị gánh nặng thế, mời vào nghỉ chân cho mát, ăn quà, uống nước đã. Vâng vâng cảm ơn bà chủ, ông chủ tiệm chứ bọn tui đã mang bữa trưa đầy đủ đây rồi ạ.

Bữa trưa bữa tối đầy đủ của dân Kẻ Mơ bán dưa hóa ra chỉ là mấy củ khoai lang luộc to đùng. Đến nỗi cái câu “Đố ai bán được cho dân Kẻ Mơ bát nước chè” được truyền khẩu từ đời này sang đời khác, vùng này sang vùng khác, làm cho làng Mơ “nổi tiếng” khủng khiếp.

Khổ quá, dân Kẻ Mơ đi ra khỏi nhà, đói thì có khoai mang theo, khát thì dưa ế bổ ra mà giải khát chứ việc gì phải vô quán mất tiền.

Nói thêm về sự “nổi tiếng”, bên cạnh dưa, Kẻ Mơ còn nổi tiếng về chơi độc. Ăn khoai lang uống nước lã nhưng thích chơi độc. Có đến hai người chơi của độc làm nức tiếng cả làng, cả huyện, cả vùng.

Năm 46 thế kỉ trước, Vinh tiêu thổ kháng chiến, người Kẻ Mơ đổ xô vào Vinh mua đồ gỗ ùn ùn chở về làng bằng đường biển, đường sông, cả đường bộ suốt ngày đêm. Tủ chè, tủ chùa, sập gụ, tủ ba buồng năm buồng, nhà cổ, nhà tây, dân Kẻ Mơ mua hết, khuân hết, bốc hết không loại gì không mua. Cả gạch hoa lát nền cạy lên, cũng mua.

Riêng ông Chắt Hòe, hiệu thuốc Bắc, là hơi khác người. Nhà ông ở cửa chợ Mơ, gần cái lò rèn ông Hào Kiệt, cạnh tiệm may ông Nhu Linh, xế nữa là quán gò hàn ông Đại Du. Lò rèn ông Hào Kiệt làm cho tụi học trò sơ học yếu lược bọn tui bị thầy phạt quì, vì mỗi ngày tan học về qua chợ thế nào cũng có một đứa hô to lên “cùng kiệt, cùng kiệt” thế là mấy đứa khác hô theo, vừa hô vừa chạy.

Cái âm búa đập vào đe cục cạch cục cạch trong cái lò rèn ấy như khêu gợi cho mấy thằng học trò ranh muốn chọc tức người lớn cái gì mà chưa có cớ. Chắc nhiều lần nghe lắm cũng tức, ông Hào Kiệt lên mách với thày giáo. Thế là ba đứa phải quì nửa buổi học, đứa nào đứa nấy hết hồn.

Cách cái lò rèn của bậc Hào Kiệt ấy bởi một quán nước bán nước vối với kẹo vừng là hiệu thuốc bắc to của ông Chắt Hòe, án ngự ngay cửa chợ Mơ từ thời nào. Thời tiêu thổ kháng chiến, tiêu thổ thành phố Vinh mà ông Chắt Hòe không thèm mua gỗ phá hoại, đồng hồ ODO, mua hẳn chiếc ô tô và thuê thuyền chở từ Vinh về một chiếc xe jeep đen bóng, ông làm cái gara cho nó ngay trước nhà.

Dân Kẻ Mơ ngơ ngác, ông bảo để đi mua hàng cho tiện. Khi dân Kẻ Mơ còn đi chân đất mặc quần đùi mà ông Chắt Hòe đã có ngay cái ô tô đậu ngay trước sân thì ấy là một chuyện lạ. Nhà ông bây giờ đông khách, sáng trưa chiều tối, khách bốc thuốc, người đi chợ, người đi làm đồng, nhiều nhất là bọn lau nhau sơ học yếu lược, đứng như mọc rễ xuống đất để ngắm cái ô tô nó như thế nào.

Ai bẻ lái cho ông Chắt đi hè? Hay là ông tự bẻ lái lấy mới ghê? Ông hãy đi thử xem nó chạy có nhanh không ông? Ồn ào bình luận nhưng chủ nhân của chiếc xe chỉ cười cười. Chắc hôm nào ông cho dân Kẻ Mơ chạy thử một phát cho thành phú ông cũng nên.

Hết dân trong làng lại đến dân ngoài làng, tới xem cái ô tô nó ra răng, xuýt xoa sờ mó, ngưỡng mộ hết cả một vùng. Thế nhưng, lâu lắm, chẳng thấy ông Chắt Hòe động tĩnh gì, không thấy ông ngồi lên ô tô bẻ lái chạy để dân hít hà cái mùi ét xăng, cũng không thấy ông sửa chữa gì, chỉ thấy ông lau chùi cái xe bóng loáng lên soi gương được.

Dân buôn tứ xứ đi chợ Mơ về bảo nhau, dân Kẻ Mơ giàu thật, có nhà tậu được ô tô đi bán dưa. Một đồn mười, mười đồn trăm kháo nhau loang ra hàng huyện hàng tỉnh. Sau này có người bảo, ông chỉ mua cái vỏ xe về chứ không có máy, không biết thực hư thế nào.

Thế nhưng làng tôi vẫn được tiếng là làng có ô tô riêng từ thời đầu Cách mạng, chuyện ấy cả xứ Nghệ ai cũng biết.

Người chơi của độc thứ hai cả vùng cũng không ai có. Là ông Hoe Nụ. Sau ông Chắt Hòe vài năm, ông Hoe Nụ mua ở đâu về cái radio, chính ông bảo thế, chạy bằng dầu hỏa. Cái radio ấy trông lạ lắm, dĩ nhiên, vì cả làng chưa ai nghe đến cái tên radio chứ đừng nói thấy mặt mũi nó ra sao.

Nhưng khi ông đổ dầu hỏa vào, đốt cái đèn to trong đó lên chờ độ lâu lâu rồi ông chỉnh đi chỉnh lại cũng lâu lâu nữa thì chợt có tiếng ọt ẹt rồi một giọng nói con gái hơi khẹt khẹt vang lên như tiên hiện. Cả làng trố mắt lên tìm xem cô gái ấy ngồi ở đâu trong đó. Rồi hò reo, xuýt xoa.

Buổi tối nào, người lớn con nít cũng cứ tập trung ở sân nhà ông Hoe Nụ chờ nghe ca hát trên cái máy chạy bằng dầu hỏa ấy. Xem ra cái đài của ông Hoe Nụ dân thích hơn cái ô tô của ông Chắt Hòe, dù cả hai thứ đều làm xôn xao cả huyện. Nhưng nó cũng chỉ được ít lâu thì tịt, làng hết chuyện để bàn tán.

Làng tôi không còn chuyện lạ nữa.

Làng tôi có hai thôn Văn Trúc, Văn Lân vừa làm ruộng vừa đánh cá, thôn Văn Công bên tả ngạn sông Mơ làm muối, còn thôn Văn Thơ, Văn Phú giữa làng hoàn toàn làm ruộng. Nói thêm về cái tên thôn hay giáp gì đó. Văn Thơ, Văn Phú, Văn Trúc, Văn Lân, Văn Công… các cụ xưa chọn chữ Văn đầu tôi đã phục nhưng Thơ Phú Trúc Lân thì càng thấy phục hơn, nghe biết các cụ coi trọng cái gì.

Tôi hỏi thày tôi khi sinh thời, cụ bảo tên giáp, tên làng có từ xa xưa lắm rồi. Tôi hỏi thầy giáo Trần Mĩ Dung, chú họ tôi về hai chữ thơ phú địa danh viết thế nào trong Gia phả, chú bảo, là thi phú, phú này không phải giàu có mà là một thể loại văn học. Cũng kì lạ. Chú tôi nói thêm, các làng vùng ta đều có tên Phú như Phú Minh, Phú Thanh, Phú Lương, Phú Nghĩa Thượng, Phú Nghĩa Hạ, Phú Đa, Phú này thì lại khác, là phú giàu có, giàu thiện lương, giàu nghĩa, giàu thanh liêm, minh bạch. Làng ta xa xưa trong Gia phả ghi là Minh Cảo thôn, trong dân gian vẫn còn câu Muốn mặc áo lụa áo the / Thì về Minh Cảo mà ve áo hồng. Vì làng ta xưa nổi tiếng về dệt lụa, con gái đàn bà hay mặc váy đen và áo lụa hồng. Cảo này là sách, như trong Truyện Kiều Cảo thơm lần giở trước đèn, trong nhà thờ còn có câu đối “Minh Cảo minh tâm giang hải khoát – Trần Gia học đạo tử tôn trường”.

Cũng gió Lào cát trắng như cả xứ Nghệ nhưng Kẻ Mơ không có nước nông giang Bara Đô Lương hoặc hồ Vực Mấu nên vụ lúa chẳng được bao nhiêu thóc, dân ăn khoai lang quanh năm. Khoai chất từng đống trong nhà, ngoài sân, phải thái phơi khô ăn cả năm. Dân ăn khoai trường kì, ăn các kiểu. Tươi luộc, khô hấp cơm, hoặc nấu với đậu, với lạc, với kê… Nấu với gì thì cũng là khoai, ăn phát ngán. Nhưng đời đời đã ăn như thế, như định mệnh, chẳng thấy ai kêu ca gì. Được cái vùng Mơ nhiều tôm cua cá, lại rẻ, ăn khoai với cá, người già con nít cứ béo nung núc, đen như cột nhà cháy, không biết chữ suy dinh dưỡng là gì.

Dòng họ Trần về vùng này gia phả ghi năm xưa, hai cụ, cụ cha và cụ con, không một ghi chép thêm nào từ đâu đến. Từ bấy cũng không có ghi chép gì về thăng quan tiến chức trong triều đình. Tri phủ, huyện lệnh, thầy đề, thư lại thì có, bát phẩm cửu phẩm thì có, vì giỗ họ tôi loáng thoáng nghe vậy và cả câu Vạn đại chi dân gì gì nữa… Mà cũng phải, tên làng thì các cụ “định hướng” những Phú Minh, Phú Lương, Phú Nghĩa, sông thì sông Mơ, sông Ngọc, núi thì Long Ly Quy Phượng (Long Sơn, Phượng Hoàng, Kì Lân, Quy Lĩnh), giáp, thôn thì những Trúc Lân Thơ Phú, chưa có Văn Hịch, Văn Cáo, Văn Thệ, Văn Từ, Văn Sớ, chắc các cụ để giành cho đời sau. Ru con ru cháu thì hát ru hết cả Truyện Kiều, hát xuôi hết lại hát ngược. Hát đò đưa thì Răng là đục là trong, những gừng cay muối mặn, hát Phường Vải thì toàn những an bần lạc đạo, thanh bần chi lạc, vạn đại chi dân, độc thư cao phẩm, hòa ái vi tiên… Chữ nho một chữ cắn đôi không biết nhưng các bà lớp mẹ tôi về trước thuộc làu làu Tam tự kinh vì các cụ ngồi dệt vải nghe trẻ học bài mà thấm vào đầu lúc nào không biết.

Phong thái ấy ngấm sâu trong tâm thế nhiều đời, sau này cũng có biến đổi theo thời cuộc nhưng chỉ biến đổi trên bề nổi, trong tầng sâu cốt cách vẫn vậy. Đất nước chiến tranh, bảo con cháu bỏ học ra trận, người còn về, người mất. Có người tìm mãi không thấy hài cốt, cũng đành. Có người mất tích từ trận Điện Biên Phủ, không có quyền lợi gì, mãi cũng thôi. Có người tuổi còn trẻ, chiến công đầy mình, thiếu tướng trung tướng không xa, có người trong diện qui hoạch cấp huyện cấp tỉnh… nhưng vì con thơ vợ dại ở quê không ai chỉ bảo, liền xin về. Về trồng rau đỡ vợ dạy con, làm người lương dân vui thú điền viên. Phút chốc thành “phó thường dân” mà vui vẻ, bằng lòng an nhiên tự tại. Hình như cái phẩm cách lương dân từ ngày xưa ngấm ngầm chảy trong máu vậy, không nghĩ là kém cỏi hay thua thiệt vì không cầu thì không mất, biết được lẽ sinh diệt, tụ tán, được quyền thì mất mình, chọn lấy một, vả lại, có người làm quan thì phải có người làm dân, mỗi người một nghề, miễn là sống cho đẹp, hơn nữa, hết quan thì hoàn dân, lại cày cấy nương tựa nhau, nuôi dạy con cháu bồi đức gây phúc, giữ gia phong nhân nghĩa.

Ngày nay nhìn lại những con em có học hành ở làng chỉ toàn bác sĩ và giáo viên. Cái làng thật lạ, đi đâu dù chức sắc, có nhiều triển vọng này khác, vẫn cứ muốn về, về bắc chõng nằm ngủ trưa dưới bóng tre nghe sáo diều vi vu tháng hạ. Học trò học rất giỏi, chỉ một hai thi vào trường Y, trường Dược và trường Sư phạm. Ra ngõ không gặp thầy thuốc thì gặp thày giáo. Có năm được mùa, làng có mươi đứa trúng tuyển vào Đại học Y, Đại học Dược Hà Nội, Sư phạm cũng chừng ấy. Gặp đứa trượt hỏi, sang năm mi thi trường Y nữa hay thôi? Thì vưỡn! Hắn nhại “Thì vưỡn” rồi cười phớ lớ.

Trong làng, nhà có cha con ông cháu anh em đều làm thày giáo cũng nhiều. Có nhà ba bốn đời, anh em ruột đều theo nghề thày lang bốc thuốc Bắc, đến cháu cũng là bác sĩ Đông Y, cũng không ít.

Làng tôi xanh bóng tre… câu hát ấy cứ lung linh trong hồn tôi, một vùng kí ức xanh thẳm yên bình. 

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Tin liên quan

Tùy bút nhà văn Trần Huy Quang: Đò cũ sông Mơ

Tùy bút nhà văn Trần Huy Quang: Đò cũ sông Mơ

Mưa rét thế này. Nhưng thôi, khi nào cậu về, cậu gọi to và bảo, cháu học trò đây thì mấy giờ tôi cũng sang. Nhớ phải hét to là học trò, cậu nhớ chưa?

Tùy bút Trần Huy Quang: Bên này xứ Nghệ

Tùy bút Trần Huy Quang: Bên này xứ Nghệ

Khe Nước Lạnh chảy qua hai vách núi, giống một cánh cửa. Cũng lạ thật, chỉ cách cái khe nhỏ ấy thôi, mà hai bên Thanh ra Thanh, Nghệ ra Nghệ, không có độ nhòe.