Tùy bút Trần Huy Quang: Bên này xứ Nghệ

Trần Huy Quang - Chủ Nhật, 30/10/2022 , 09:25 (GMT+7)

Khe Nước Lạnh chảy qua hai vách núi, giống một cánh cửa. Cũng lạ thật, chỉ cách cái khe nhỏ ấy thôi, mà hai bên Thanh ra Thanh, Nghệ ra Nghệ, không có độ nhòe.

Nhà văn Trần Huy Quang.

Khe Nước Lạnh bắt nguồn từ dãy núi đá vôi Ngọc Sơn của đất Thanh Hóa, nó có tên Nước Lạnh là bởi nước khe lạnh buốt bốn mùa. Có người bảo không phải, nó chỉ là một cái khe nhỏ, nước lúc có lúc không, chẳng ai để ý nên nó không có tên. Cũng có thể. Nhưng từ núi Huông, một ngọn núi đá vôi sừng sững chạy dọc theo đường cái quan, con khe ấy khi ẩn khi hiện, khi dào dạt khi lặng yên, đổ về cái chỗ hết sức ngặt nghèo là, một bên núi Huông kéo một vệt dài như thành và một bên là núi Xước, chạy từ đấy ra biển, chỉ trừ một khoảnh đất rộng độ chục mét, chỗ ấy khe Nước Lạnh chảy qua, để đổ về con kênh Nhà Lê rồi hòa vào sông Mai xuôi mãi ra biển bằng hai cửa, hoặc cửa Càn hoặc cửa Quèn.

Khe Nước Lạnh chảy qua hai vách núi, giống như một cánh cửa, ra Bắc vô Nam đều phải đi qua cánh cửa ấy. Có lẽ vì thế mà người ta từ xa xưa đã lấy vị trí ấy để làm ranh giới phân ra giữa Thanh và Nghệ. Bùi Dương Lịch trong “Nghệ An ký” viết: "Khe Nước Lạnh chảy từ núi Ung Sơn qua kênh Xước ra biển, là giới hạn phía bắc tỉnh Nghệ An".

Lãn Ông Lê Hữu Trác đã có hai bài thơ về mảnh đất này. Một bài ông làm khi đang làm quan, chỉ huy một đạo quân đi dẹp loạn ở Nghệ An, năm 1760, hiện được khắc trên đá ở lèn Bổ Bóng, qua cầu Sòi. Một bài khác khi ông đã về ẩn ở Nầm, núi Hương Sơn, Hà Tĩnh, chúa Trịnh Sâm vời ông ra chữa bệnh cho Trịnh Cán vừa mới được phong làm Thế tử. Trịnh Cán là con của chúa Trịnh Sâm và thị nữ Đặng Thị Huệ. Đặng Thị Huệ sinh được Trịnh Cán thì được chúa yêu chiều phong làm Tuyên phi. Nhưng Trịnh Cán mắc bệnh từ khi còn bế ẵm, cơ thể ốm yếu, tốn bao nhiêu thuốc thang chữa trị vẫn không khỏi.

Trịnh Sâm phải vời danh y Hải Thượng Lãn Ông thượng kinh chữa bệnh cho Thế tử. Lần thượng kinh này, Hải Thượng Lãn Ông đi qua khe Nước Lạnh có làm bài thơ chữ Hán như sau: “Hoan, Ái phân cương địa/ Quần sơn hỗ tống nghinh/ Tiều ca, vân lộ xuất/ Điểu ngữ, cốc phong sinh/ Phục thạch đương đồ lập/ Giao thiên đoạn bích hoành/ Hành nhân thuyết hương tứ/ Duy ngã thướng thần kinh”. Nhà Hán học Phan Võ người Yên Thành, Nghệ An, đỗ Phó bảng năm 1910 đã dịch ra lục bát như sau: “Nghệ, Thanh phân giới từ đây/ Đón đưa, núi nọ, non này gần xa/ Đường mây văng vẳng tiểu ca/ Líu lo chim nói, gió hòa hiu hiu/ Nhấp nhô, đá dựng giữa đèo/ Trời Nam mảnh biếc một chiều giăng ngang/ Người ta nói chuyện về làng/ Riêng mình còn phải dặm trường lên kinh”.

Cũng lạ thật, chỉ cách một cái khe nhỏ ấy thôi, mà hai bên Thanh ra Thanh, Nghệ ra Nghệ, không có độ nhòe.

Từ khe Nước Lạnh, chạy một thôi đường cái quan nữa thì gặp sông Mai. Chỗ này sông Mai uốn lượn như rồng trước khi cắt qua đường số Một, nước xanh như pha mực. Chợ Chiền họp phía tả ngạn sông Mai, một tháng sáu phiên. Gần chợ có bến Chiền, bến đò dọc và cầu Hoàng Mai. Bến đò dọc đưa khách đi chợ, khách từ mạn Phủ Quỳ, Đông Hiếu, Tây Hiếu hoặc từ mạn Bến Nghè, đi chợ bán sắn, củ dong riềng, củ nâu, măng khô, chè xanh, lá dong, cả thuốc nam của người Thái, người Mường. Chợ Chiền vào phiên chính đông không thua gì chợ Giát. Thịt trâu bán ê hề. Con gái làng Càn lên bán cá, nhiều nhất là cá trích nướng.

Vùng biển Quỳnh Lưu đánh được không thiếu gì loại cá, từ thu, chim, nục, đến các loại ốc, cua, ghẹ nhưng dân vẫn thích cá trích kho. Người ta bán cá trích tươi, cá trích nướng đã đành, người ta còn bán cả cá trích kho. Cá kho vào nồi đất, bán cả nồi cả cá. Các bà ăn cá trích kho với bún. Bún làng Quỳnh làm bằng gạo lứt, sợi to như chiếc đũa. Nông phu nhắm rượu với cá trích nướng, bánh đa thì tốn rượu lắm, như mưa đổ vào ruộng hạn, bao nhiêu vò cũng chưa đủ say.

Thời cụ Nguyễn Du đi qua cầu Hoàng Mai để lại bài thơ "Hoàng Mai kiều vãn diểu” (Chiều đứng trên cầu Hoàng Mai ngắm cảnh) cái cầu không biết to rộng như thế nào nhưng khi tôi lớn lên, cầu Hoàng Mai là một cái cầu gỗ bắc bằng những tấm lim dày mỗi khi ô tô chạy qua kêu ầm ầm. Rồi qua những cuộc chiến tranh, cái cầu đã qua nhiều lần sinh tử, nay là cái cầu bằng xi măng cốt thép được xây bằng công nghệ đúc hẫng hiện đại. Ngày tôi học trung học, dịp nghỉ hè, tôi đã đến bến đò dọc Hoàng Mai để đi thăm bà con ở Bến Nghè.

Đò dọc. Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Đã đi đò dọc thì đừng mong đi nhanh, hoặc đi với người tình, hoặc rượu say thì mới mong quên đi sự sốt ruột. Từ Hoàng Mai lên Bến Nghè độ hơn ba chục cây số, đường sông thì dài hơn. Thế mà lên đò từ lúc ba bốn giờ chiều, đò chạy suốt một đêm, sáng hôm sau mới cặp bến Nghè. Con đò cũ kỹ cắm ở bến sông, ai đi thì lên nhưng phải chờ cho đến khi chợ Chiền vãn, tức là lúc mặt trời gác núi, những bà những cô vùng dốc Lụi, truông Ách, truông Hẻo... mua vải vóc, xà phòng, kim chỉ, giấy viết thư, bút mực, cá khô, nước mắm rồi ăn quà, hỏi thăm nhau chán chê mới xuống đò.

Tôi có lẽ là người khách xuống đò sớm nhất. Trên sạp trong lòng thuyền có hai người đàn bà đang nằm chuyện trò rúc rích, thấy khách liền ngước nhìn mà không hỏi gì. Một già một trẻ, chắc là hai mẹ con. Tôi định ngồi trên mui thuyền, nơi để che mưa che nắng nhưng cũng có thể để hàng, nhưng ánh nắng cuối ngày của vùng Nghệ còn chói chang. Cô gái đã chui ra ngoài chải tóc. Tôi hỏi cô lái đò đã đón khách chưa, cô cười với nụ cười như giễu cợt. “Rồi, đón cả ngày”. Ra là một cô gái khá xinh. Gương mặt vừa phải, không đến nỗi làm con trai phải rụng rời chân tay nhưng cái dáng thì mê hồn. Cứ như không phải là cô lái đò dọc, không phải là dân giang hồ sông nước. Mảnh mai mà khỏe mạnh, những đường cong thật tài hoa.

Tôi chui vào sạp đò nằm, định làm một giấc nhưng nghĩ tối nay tha hồ ngủ, ngủ để cho quên chặng đường sông nước, mà nhất định sẽ rất vắng lặng và đìu hiu. Con đò đang neo đậu dưới chân cầu Hoàng Mai. Cầu Hoàng Mai ba trăm năm trước cụ Nguyễn Du đã từng đi qua, từng đứng trên cầu vào một buổi vãn chiều mà nghĩ về mảnh đất Quỳnh Lưu này bằng những câu tráng thi: “Hoàng Mai kiều thượng, tịch dương hồng/ Hoàng Mai kiều hạ, thủy lưu đông/ Nguyên khí phù trầm thương hải ngoại/ Tình lam thôn thổ loạn lưu trung/ Đoản thoa ngư chẩm cô chu nguyệt/ Trường địch đồng xuy cổ kính phong/ Đại địa văn chương tùy xứ kiến/ Quân tâm hà sự thái thông thông”. (Dịch nghĩa: Trên cầu Hoàng Mai bóng chiều nhuộn đỏ/ Dưới cầu Hoàng Mai nước miên man chảy/ Nguyên khí nổi chìm ở ngoài biển rộng/ Giữa lòng sông khí núi từng đợt tỏa xuống/ Trong con thuyền lẻ loi, ông chài nằm gối áo tơi ngắm trăng/ Em bé thổi sáo trên đường về, tiếng sáo bay trong gió/ Đất này ở đâu cũng có cảnh đẹp/ Vậy thì làm sao anh phải vội vàng).

Quỳnh Lưu cũng từng là chiến địa từ thời đại Đông A, Trần Nhật Duật và Toa Đô đã có một trận kịch chiến tại đây, cả hai đều tổn thất, thây chất thành đống máu chảy thành sông. Cái câu “Quỳnh Lưu chiến địa, Mai giang huyết hồng” là nói về trận chiến ấy.

Khi dòng sông Mai nhuộm một màu đỏ như máu suốt một dải dài trước mặt thì con đò dọc như mộng như mơ của cô gái nhổ neo, mở đầu một cuộc hành trình đưa lữ khách đến tận chốn thâm sơn. Khách lên đò đã chật, toàn những khách đi chợ Chiền. Trong sạp thuyền dần dần kín chỗ. Vài người đàn ông, dăm cô sơn cước và bảy, tám người đàn bà trung tuổi, dường như quen biết nhau cả nên vừa ăn trầu nhổ phèn phẹt xuống sông vừa nói với nhau đã chửi cho những ông khách lật lọng những gì. Ba cô gái cũng là dân chạy chợ nhưng không táo tợn như các bà, câu chuyện của họ chỉ đủ họ nghe, chỉ thỉnh thoảng cười ré lên.

Không ai ngồi để thấm thía cảnh sông nước như tôi, ai lên đò cũng vội kiếm một chỗ để kềnh. Dường như họ bán hàng hoặc mua hàng của một ngày đã mệt, hoặc là cảnh đò giang sông dài đêm vắng quá quen thuộc. Chỗ nằm không phân biệt giữa đàn ông và đàn bà. Ai thích nằm đâu thì nằm đó. Cũng không thấy ai cố tình tìm đến để nằm cạnh nhau, mà cũng không thấy ai phải tránh xa nhau. Bắt đầu câu chuyện hơi rời rạc rồi dần dần câu chuyện rôm rả hẳn lên.

Ánh hoàng hôn đã tắt hẳn, những con thuyền đậu san sát dọc bờ sông đã đỏ đèn. Chỉ một thoáng sau khúc sông đổi màu, chỉ còn nhìn thấy những ánh đèn leo lét như rất xa trong vô định. Cô gái đã đẩy con thuyền nặng ra giữa dòng. Cô làm một mình mà không cần đến sự trợ giúp của bà mẹ. Cánh buồm nhỏ trông rất mơ hồ được kéo lên một cách chơi vơi. Tiếng cót két của bánh lái từ tay cô gái ngồi phía sau sẽ đưa thuyền ngược dòng vào miền thượng nguồn. Con thuyền ngược nước như không chạy, tiếng mái chèo gạt nước nhẹ tênh pha vào tiếng sóng vỗ nhè nhẹ mạn thuyền như không có.

Con đò chạy được độ một tiếng đồng hồ thì trên sông không còn nhìn thấy bất kỳ một ngọn đèn dầu leo lét nào, hai bên bờ sông thẫm đen thăm thẳm. Lúc này tiếng nói chuyện đã thưa thớt. Con đò ngược mãi vào đêm đen, cuộc hành trình vào chốn hoang sơn mở đầu là như vậy.

Trần Huy Quang
Tin khác
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc
Ký ức không phai một thời học sinh miền Nam trên đất Bắc

‘Ký ức không phai’ là cuốn sách ghi lại kỷ niệm gắn bó với Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève.

Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện
Tâm sự nghề nghiệp của một nhà giáo trường huyện

Tâm sự nghề nghiệp của những người đã và đang đứng trên bục giảng với nhiều kỷ niệm khó quên, càng trở nên ấm áp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò
Cô giáo Nùng khơi chuyện văn chương cùng học trò

Cô giáo người Nùng Lý Thị Thủy đang dạy văn ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên, vừa ra mắt cuốn sách lý luận phê bình có tên gọi ‘Khơi chuyện’.

Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc
Tủ sách Văn Hóa Việt ra mắt độc giả Trung Quốc

Tủ sách Văn Hóa Việt của Chibooks chính thức ra mắt độc giả đất nước tỷ dân tại Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 tại thành phố Nam Ninh.

Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?
Ai chém đầu nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến?

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới cho ra mắt cuốn sách 'Nguyễn An Ninh – Không ăn mày tự do' (2024) của tác giả Trần Viết Nghĩa. Sách mới mà quá nhiều lỗi sai hết sức sơ đẳng.

Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ
Sứ mệnh người thầy gửi gắm từng trang sách nhỏ

Sứ mệnh người thầy luôn gắn liền với sách, được các diễn giả đề cao tại talk show diễn ra ở Đường sách TP.HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’
Họa sĩ Xu Man trở thành ‘Con thiêng của rừng’

Họa sĩ Xu Man được nhà văn Trung Trung Đỉnh lấy làm cảm hứng sáng tác truyện dài ‘Con thiêng của rừng’ dày 124 trang, do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành.

Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’
Nhà thơ Mai Thìn lắng nghe ‘tiếng của thiên lương’

Nhà thơ Mai Thìn gây ấn tượng cho người đọc, bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình.

Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn
Hoa hậu H’Hen Niê đưa thư viện thân thiện về nông thôn

Từ khi đăng quang đến nay, Hoa hậu H’Hen Niê đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó có chương trình đưa ‘Thư viện thân thiện’ về nông thôn.

Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.