Tái thiết Làng Nủ

Chiều muộn ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau một hành trình dài đi kiểm tra, thị sát các vùng thiên tai đã có mặt tại tâm lũ Làng Nủ. Người đứng đầu Chính phủ lội ủng, chống gậy thị sát hiện trường.

Với người dân vùng tâm lũ và hàng trăm người đang triển khai nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, sự có mặt của Thủ tướng là một động lực lớn giữa những bộn bề.

Thủ tướng chỉ thị: nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của chính quyền Lào Cai đối với vùng tâm lũ, đó là sớm ổn định đời sống người dân, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân. Và quan trọng nhất, là tái thiết lại cuộc sống người dân Làng Nủ sau lũ.

Chủ tịch tỉnh Lào Cai - ông Trịnh Xuân Trường thông tin, về lâu dài, tỉnh xác định dành quỹ đất khoảng 20ha và sẽ cho khảo sát, đánh giá lại mọi mặt xem ổn hay không để tái thiết cuộc sống cho người dân. Chiều 12/9, cán bộ kỹ thuật địa chính đã tiến hành đo đạc thực địa, cắm mốc định vị khảo sát khu đất dành cho dự án.

Đó là những hành động cụ thể, không phải là những “kế hoạch” trên giấy. Bởi, thực trạng Làng Nủ hiện tại thực sự bộn bề.

Ông Dương Công Uẩn (SN 1960, Chủ tịch Hội người cao tuổi thôn Nủ) được một thanh niên trao cho một khúc cây làm gậy chống khi dẫn tôi vào điểm đầu của vùng sạt lở. Ông muốn “chỉ tận tay” cho PV xem điểm đứt gãy của núi Voi - nơi “tuồn” ra hàng triệu m3 đất đá vùi lấp cả một bản làng gần 40 hộ dân.

Thôn Làng Nủ trước và sau khi thảm họa ập tới.

Thôn Làng Nủ trước và sau khi thảm họa ập tới.

Một người dân mà tôi không kịp hỏi tên dặn dò: cứ đi vào chỗ có nước chảy, đó là nơi ổn định, an toàn nhất!

Theo lời chỉ dẫn, tôi men theo những dòng nước giờ đây không còn xiết mạnh, chỉ là những khe nhỏ róc trên bề mặt để đặt chân. Quả thật, nơi đó bề mặt hầu hết là đá tảng - những vật nặng bị giữ lại nên khá chắc chắn, vững vàng. Không ai ngờ rằng, chỉ vài chục giờ đồng hồ trước đó, những mạch nước tưởng như vô hại này đã hợp lực, góp sức tạo nên một sức mạnh kinh hoàng kéo băng một nửa quả núi Voi vùi trằng một bản làng.

Những bùn đất nhẹ hơn được rửa trôi đã túa xuống cuối con suối, thành một bãi ngồn ngộn, bằng phẳng mênh mông.

Ông Dương Đức Huy, trước khi đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai đã có thời gian hơn 10 năm gắn bó với huyện Bảo Yên với vai trò Bí thư, Chủ tịch huyện Bảo Yên. Ông Huy xác nhận với Báo Nông nghiệp Việt Nam: tổng diện tích khu vực sạt lở tại Làng Nủ khoảng 24ha, chiều dài khoảng 1,3km tính từ điểm đầu đến điểm cuối vùng sạt lở; chỗ rộng nhất là 250 mét.

Xác nhận thông tin của Trưởng ban Tuyên giáo, ông Dương Công Uẩn đứng lên một xác cây to bị lũ cuốn đang vắt ngang đống sạt lở, chỉ tay ra phía xa “vẽ” bản đồ làng Nủ trước khi bị vùi lấp giúp tôi có thể hình dung bức tranh toàn cảnh.

“Thôn Nủ trước đây gồm hai thôn (thôn Nủ 1, thôn Nủ 2), năm 2022 sáp nhập lại thành một. Vùng bị sạt lở, vùi lấp là Nủ 2 với 37 hộ dân, số lượng 158 khẩu. Toàn thôn có 167 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày.

Con suối Nủ như một vạch kẻ giữa chia xóm Nủ 2 thành hai phần, hai bên là hai con đường chạy song song: đường nội bộ thôn Nủ 2 nằm giữa thung lũng, với bề mặt bằng phẳng hình thành nên cánh đồng màu mỡ. Một con đường liên thôn ở vị trí cao hơn.

Làng Nủ là thôn cuối của xã Phúc Khánh. Điểm cuối là núi Voi - điểm tiếp giáp phân mốc của hai tỉnh Lào Cai - Yên Bái, bên này là huyện Bảo Yên, bên kia là huyện Lục Yên.

Cả hai địa danh đều đứng chung một chữ “Yên”, nhưng thiên tai, địch họa không giống như chiết tự!

Làng Nủ 2 quần cư đông đúc nhất lại là khu vực giáp với núi Voi - nơi đầu nguồn vùng sạt lở. Càng xuôi theo suối, nhà cửa càng thưa thớt hơn.

Khi hàng triệu m3 đất đá núi Voi kéo xuống vùi lấp, cả thung lũng bình yên này đã bị xóa sổ, bây giờ chỉ còn trong trí nhớ.

Ông Uẩn là người địa phương nên vẫn nhớ mồn một từng vị trí, địa điểm. Đến vị trí hai ngôi nhà duy nhất còn tồn tại trong đống đổ nát, ông Uẩn chỉ tay: “Đây là nhà của anh Nguyễn Văn Cai. Cái còn lại là nhà anh Nguyễn Tiến An”.

Tiến sát lại gần sàn tầng 2 của ngôi nhà sàn gỗ, ông Uẩn bảo: Chỗ tôi và anh đang đứng cách con đường nội bộ của thôn khoảng vài mét. Từ đây ra con suối Nủ khoảng vài chục mét.

Khi lũ đất tràn qua, lấy con suối làm tâm, đất dạt ra hai bên nên sức công phá đã giảm đi mấy phần. Nhà của anh Cai bị cả dòng lũ đất xê đi vài mét.

“Khi đó chắc bùn đất lấp hết sàn nhà tạo thành bệ đỡ nên cả ngôi nhà mới trụ vững. Thực chất, bùn đất hiện tại đang làm đế cho ngôi nhà nên nó mới đứng được như bây giờ, nhưng phải hiểu là nó đang bồng bềnh, không có chân giữ” - ông Uẩn phán đoán.

Bước qua hai ván gỗ ngập ngụa bùn đất được bắc làm cầu, tôi theo ông Duẩn bước vào trong ngôi nhà. Bùn đất nhão nhoét, trơn trượt phủ kín sàn, dày vài chục cm. Đồ đạc ngợp trong bùn non.

Chủ ngôi nhà sàn, anh Nguyễn Văn Cai đang mò mẫm lần tay vạch những bao tải. Đây là kho chứa thóc của gia đình. Vụ gặt vừa mới thu hoạch vài tháng trước. Kế bên, gian bếp vẫn còn nguyên nồi niêu bát đũa. Cách vài mét nữa là khu công trình phụ xây hai tầng. Tầng một đã ngợp trong bùn đất, tầng hai vẫn nguyên vẹn khối bê-tông xây chắc chắn. Công trình phụ này quay lưng lại với núi Voi, chịu tác động xuôi theo lực đẩy, và có những cây cổ thụ đứng ra che chắn nên lũ đất bị giảm lực, đổi hướng, không tác động trực diện… nên vẫn còn nguyên vẹn.

Thế nhưng, chiếc xe ô-tô tải của anh Cai thì không may mắn như thế. Dù đã được chủ nhân đưa vào nơi chắc chắn nhất là khoảng sân xi-măng giữa hai ngôi nhà sàn (tiếp giáp với nhà sàn của anh Nguyễn Tiến An) để tránh lũ, nó vẫn bị xê dịch gần chục mét, hiện đang dúm dó trong đống bùn đất, sở dĩ nhận diện được vì nóc cabin xe vẫn nhô lên trên đống bùn đất.

Không nói không rằng, anh Cai ậm ừ xã giao khi tôi hỏi thăm, rồi nhặt một chiếc gậy xăm xăm bước về vùng sạt lở. Chiếc gậy này là một công cụ thăm tìm những người đang vùi lấp dưới đất bùn.

“Tôi có 12 người thân bị mất tích trong trận lũ quét, mới tìm được 11 người, hiện vẫn còn một người chưa tìm thấy” - người đàn ông đầy mạnh mẽ này nói.

Ở Làng Nủ, người đàn ông 48 tuổi có tên Nguyễn Văn Cai là một trong số ít những hộ làm kinh tế giỏi. Anh đã sắm được xe tải làm dịch vụ kinh doanh vận tải, dựng được nhà sàn, làm được công trình phụ kiên cố cả trăm triệu đồng. Nhưng bây giờ, tất cả là bùn đất!

 

 

Hoàng Văn Voi - 35 tuổi là một người đàn ông cao to, khỏe mạnh. Voi là em ruột của Trưởng bản Hoàng Ngọc Diệp, người mà 4 ngày hôm nay luôn vắng mặt bởi anh là thành phần không thể thiếu trong việc phối hợp với lực lượng chức năng để nhận diện danh tính các nạn nhân tìm thấy trong lũ; tái vẽ sơ đồ làng Nủ để phục vụ công tác tìm kiếm người mất tích.

12h30’ trưa ngày 12/9, tôi gặp Voi tại điểm trường mầm non thôn Nủ, cách điểm sạt lở chừng gần 1km. Voi khi đó quần cộc, áo hôi mù vì dầm mưa mấy ngày liên tục, và đang lả đi vì đói. Đau xót nhất, anh vừa tự tay đi chôn cất đứa con trai 12 tuổi -  H.V.T., vừa tìm thấy thi thể hai giờ trước đó.

Nhà có 4 người. Vợ Voi, chị H.T.L. (34 tuổi) được tìm thấy xác ngày 11/9. Chị L. được tìm thấy trong tình trạng bị cửa đè, vùi lấp toàn thân trong đống đổ nát. Mẹ anh Voi - bà H.T.D. (64 tuổi) và con gái H.T.L. (15 tuổi) may mắn được người dân cứu được, hiện đang cấp cứu tại bệnh viện. Từ hôm hai bà cháu nằm viện tới nay anh Voi chưa thể tới thăm được vì mải lo tìm kiếm con trai mất tích.

Trước hôm xảy ra lũ quét, anh Voi có việc đi ra khỏi làng Nủ, sang thôn Chí Hoài ở xã bên, ngủ lại nên không thành nạn nhân của trận lũ sáng 10/9.

Trong cơn cùng cực, anh Voi chia sẻ, không biết tới đây anh phải làm gì để lo cho 2 bà cháu khi nhà mất, không còn một tài sản gì đáng giá trong tay.

Chung câu chuyện như anh Voi, chị Hoàng Thị Bóng (47 tuổi) đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể của chồng. Chị Bóng cho biết, sau bao nhiêu năm làm ăn tích cóp, vợ chồng chị phải chạy vạy vay mượn khắp nơi mới xây dựng được mấy gian nhà đàng hoàng để ở. 

Sau khi xây được ngôi nhà khang trang, để có tiền trả nợ chị Bóng phải lên TP. Yên Bái làm giúp việc, còn chồng chị ở nhà làm nương rẫy để có thêm thu nhập. Thế nhưng trận lũ đã cuốn trôi mọi thứ, từ ngôi nhà mới xây cho đến người chồng đầu gối tay ấp bao nhiêu năm của chị Bóng.

Anh Nguyễn Văn Thịnh (36 tuổi) là người mất đi nhiều người thân nhất. Cả nhà anh có 8 người gồm bố mẹ vợ, vợ chồng anh Thịnh, 2 đứa con và 2 em trai, nhưng giờ đây đã mất 7 người, chỉ còn mình anh sống sót dù bị thương khắp người. Đến nay, đã tìm thấy thi thể 6 người, còn 1 người em của anh Thịnh vẫn mất tích…

Sau trận lũ quét, những người còn sống sót trong thôn Nủ đang phải đối diện với những mất mát và đau thương quá lớn. Trước mắt, họ rất cần được giúp đỡ để có thể sớm ổn định, trở lại cuộc sống bình thường.

Chiều ngày 12/9, anh Voi là một trong số những người dân Làng Nủ được trò chuyện với Thủ tướng Phạm Minh Chính, thay bà con Làng Nủ nói lên tâm nguyện, đó là mong muốn sớm ổn định cuộc sống, tái thiết lại làng bản sau cơn lũ quét.

Nói với Thủ tướng, Hoàng Văn Voi cho biết, sau trận lũ quét, bà con đã được chính quyền địa phương hỗ trợ thức ăn, quần áo đầy đủ và lo hậu sự cho các nạn nhân. Nhưng hiện giờ nhiều gia đình không còn gì nữa, mong Nhà nước giúp đỡ về đất đai, nhà cửa ở nơi an toàn.

Chứng kiến những mất mát của người dân làng Nủ, người đứng đầu Chính phủ đã bật khóc. Ngay lập tức, ông ra mệnh lệnh, đó là sớm tái thiết cuộc sống, ổn định cuộc sống người dân sau lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường xác nhận “vụ việc rất khủng khiếp, chưa bao giờ xảy ra lũ ống, lũ quét mà thiệt hại về người lớn như vậy".

Trong tổng số 37 hộ dân, hai hộ vẫn còn nhà (gia đình anh Nguyễn Văn Cai, Nguyễn Tiến An), 35 hộ còn lại đã bị xóa sổ, đang đi ở nhờ và chờ đợi tìm kiếm người thân mất tích.

Ông Trường khẳng định: Về lâu dài, tỉnh xác định dành quỹ đất khoảng 20ha để tái thiết cuộc sống cho người dân. Ngay tại thời điểm công tác cứu hộ, cứu nạn tìm kiếm người mất tích đang diễn ra, một nhóm cán bộ chuyên môn phụ trách đo đạc, địa chính đã tiến hành đo đạc thực địa, cắm mốc định vị khu đất để khảo sát dành cho việc tái thiết Làng Nủ sau lũ.

Ngoài việc yêu cầu các lực lượng chức năng phải tiếp tục tập trung tìm kiếm người mất tích, đồng thời yêu cầu thay đổi phương thức tìm kiếm để đảm bảo hiệu quả tốt nhất trong thời gian ngắn, Thủ tướng nhấn mạnh việc chăm sóc kịp thời cho những người bị thương, tránh để tình trạng sức khỏe của họ trở nên xấu đi. Bên cạnh công tác cứu nạn, Thủ tướng yêu cầu địa phương nhanh chóng triển khai dọn dẹp vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh, khôi phục lại giao thông nhằm đảm bảo việc liên lạc và tiếp tế cho người dân vùng lũ.

Thủ tướng lệnh cho chính quyền tỉnh Lào Cai khẩn trương khảo sát, quy hoạch lại Làng Nủ. Các cơ quan chuyên môn phải đánh giá vị trí an toàn để tái định cư cho người dân, với hạn định hoàn thành trước ngày 31/12. Mục tiêu là tạo ra một nơi ở mới an toàn, tiện nghi cho người dân với đầy đủ điều kiện sinh hoạt như điện, nước… và môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Đây là nhiệm vụ cấp bách nhằm đảm bảo cuộc sống lâu dài và an toàn cho người dân sau thảm họa thiên tai.

Rõ ràng, việc tìm kiếm người mất tích trong lũ là việc cần kíp. Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng không kém, đó là tái thiết, ổn định cuộc sống.

Giữa mênh mông bùn đất bủa vây, ông Dương Công Uẩn nói: “Con suối cũ nằm dưới nơi tôi và anh đang đứng. Khi chưa bị vùi lấp, nó nằm ở độ sâu khoảng chục mét. Hai bên con suối là cánh đồng màu mỡ, và một bản làng bình yên. Nhưng, giờ nó chỉ là hoài niệm!”.

Kiên Trung - Tạ Thành
Tiến Thành