| Hotline: 0983.970.780

Vụ sạt lở kinh hoàng tại Làng Nủ: Tang thương khắp một vùng quê

Thứ Sáu 13/09/2024 , 18:05 (GMT+7)

LÀO CAI Đã 4 ngày sau trận sạt lở đất kinh hoàng cuốn phăng 37 nhà dân làm 48 người chết và 39 mất tích, người thân đang ngóng trông tìm thấy thân nhân còn mất tích.

Làng Nủ trước thảm họa

Làng Nủ từng là một nơi an bình, với những cánh đồng lúa bạt ngàn, ngôi làng của người Tày, người Dao sống đoàn kết, gắn bó. Dưới chân núi Voi, thiên nhiên ban tặng nơi này một vẻ hiền hòa. Người dân ở đây sinh sống từ nhiều thế hệ dựa vào nông nghiệp, với niềm tin rằng nơi đây là nơi che chở an toàn giữa thiên nhiên bao la.

Tuy nhiên, trận lũ quét xảy ra đã thay đổi tất cả. Lũ cuốn qua, đất đá trên núi đổ xuống, cuốn theo không chỉ tài sản mà cả tính mạng của nhiều người dân. Sự bình yên, hạnh phúc vốn là nét đặc trưng của ngôi làng nhỏ bé này đã tan thành mây khói, để lại một vùng đất hoang tàn, với những nỗi đau dai dẳng không thể phai nhòa.

Làng Nủ trước và sau khi thảm họa ập tới.

Làng Nủ trước và sau khi thảm họa ập tới.

Ông Nông Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai) đau xót chia sẻ rằng, trước khi thảm họa xảy ra, nơi đây từng là một cánh đồng trù phú, êm đềm với dòng suối Nủi chảy qua, bao quanh là những khu rừng xanh mướt. Người dân sống rất ấm no, hạnh phúc và yên tâm với cuộc sống bình yên bên thiên nhiên. Nhưng trận lũ quét vừa qua đã gây ra hậu quả khủng khiếp, xóa sổ hoàn toàn Làng Nủ, mang theo tất cả những gì từng là cuộc sống của người dân nơi đây. Ông Mạnh nghẹn ngào nói không nên lời.. “Chúng tôi rất đau xót”.

Nỗi đau không nói nên lời

Khi tiếp cận làng Nủ, không gian tĩnh lặng và yên bình vẫn khiến chúng tôi khó lòng tin rằng nơi đây vừa xảy ra thảm họa. Tiến gần hơn đến khu vực xảy ra trận lũ quét, cảnh tượng trước mắt khiến mọi người đều lặng đi. Ngôi làng nhỏ bé, nơi người dân từng sống hạnh phúc dưới chân núi Voi giờ đây chỉ còn là một bãi bùn mênh mông hoang tàn. Khung cảnh tan hoang không thể hình dung được, tất cả dấu tích của sự sống đã bị cuốn đi trong trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng.

Ngôi làng nhỏ bé, nơi người Tày, người Dao từng chung sống hạnh phúc dưới chân núi Voi giờ đây chỉ còn là một bãi bùn mênh mông hoang tàn. Ảnh: Tạ Thành.

Ngôi làng nhỏ bé, nơi người Tày, người Dao từng chung sống hạnh phúc dưới chân núi Voi giờ đây chỉ còn là một bãi bùn mênh mông hoang tàn. Ảnh: Tạ Thành.

Khung cảnh tan hoang không thể hình dung được, tất cả dấu tích của sự sống đã bị cuốn đi trong trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng. Ảnh: Tạ Thành.

Khung cảnh tan hoang không thể hình dung được, tất cả dấu tích của sự sống đã bị cuốn đi trong trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng. Ảnh: Tạ Thành.

Bất giác, ai nấy trong chúng tôi đều thắc mắc về một mùi khó chịu sộc qua theo cơn gió. Có thể là mùi của cây cối, hoa màu bị vùi trong bùn đất, hoặc cũng có thể là mùi xác động vật, vật nuôi. Nhưng nỗi ám ảnh nhất chính là mùi “tử khí” của những thi thể còn chưa tìm thấy, nằm rải rác dưới lớp bùn đất nặng trĩu. Đến đây, chúng tôi đều cảm thấy sự nghẹt thở, nỗi đau đè nặng trong lòng. Mọi người không ai nói gì, chỉ lặng lẽ nhìn về phía trước, đôi mắt đỏ hoe và nghẹn ngào trước cảnh tượng tang thương đến tột cùng.

Sự chú ý của chúng tôi lại đổ dồn về đoàn xe đang chầm chậm lăn bánh qua lớp bùn đất dày cộm, mang theo những chiếc áo quan lạnh lẽo dành cho những người xấu số trong thảm họa lũ quét kinh hoàng.

Những chiếc xe tải chất đầy quan tài với chất liệu gỗ đơn sơ. Được xếp gọn gàng trên xe, từng chiếc một như thể chuẩn bị cho một hành trình cuối cùng - hành trình đưa nạn nhân tại Làng Nủ về cõi vĩnh hằng. Khung cảnh này không chỉ tạo nên một bức tranh lạnh lẽo, mà còn là dấu ấn sâu đậm của những mất mát không thể diễn tả bằng lời.

Quan tài và các vật dụng phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.

Quan tài và các vật dụng phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.

Nhìn những chiếc quan tài, chúng tôi không khỏi xót xa. Mỗi quan tài là một cuộc đời, một gia đình, một người cha, người mẹ, người con đã mãi mãi ra đi. Đó không chỉ là vật chứa đựng xác thân, mà còn là cầu nối cuối cùng giữa người sống và người đã khuất.

Những nạn nhân còn sống sót, bị thương đã được chính quyền và người dân đưa ra cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện. Khuôn mặt hoảng hốt, đôi mắt vô hồn của những người dân chứng kiến trận lũ quét đã cho chúng tôi có dự cảm chẳng lành.

Gương mặt thất thần của anh Hoàng Văn Thới sau nỗi đau mất người thân. Sau trận lũ quét, anh Thới đã mất mẹ, vợ và ba người con.

Gương mặt thất thần của anh Hoàng Văn Thới sau nỗi đau mất người thân. Sau trận lũ quét, anh Thới đã mất mẹ, vợ và ba người con.

Câu chuyện của anh Hoàng Văn Thới là một minh chứng điển hình cho nỗi đau không lời ở Làng Nủ. Trước hôm xảy ra lũ, anh đưa vợ và ba con nhỏ sang nhà người em chú ở bên kia suối để tránh bão. Bản thân anh quay về nhà để trông nhà. Nhưng sáng sớm ngày 10/9, một tiếng nổ lớn xé toạc không gian tĩnh mịch, đất đá và bùn ập xuống, chôn vùi toàn bộ ngôi nhà nơi vợ con anh trú ngụ. Người thân anh đã bị vùi sâu dưới lớp bùn đất, không còn một dấu vết nào sót lại.

“Còn gì nữa đâu, cả nhà chết hết rồi, còn đứa con út 1 tuổi chưa tìm được”, đôi mắt anh đỏ hoe, giọng nghẹn ngào, sự đau đớn hằn lên khuôn mặt anh Thới khi kể lại.

Anh Hoàng Văn Thới khóc ngất bên thi thể con mà không thể nhìn mặt lần cuối. Ảnh: H.Đ.

Anh Hoàng Văn Thới khóc ngất bên thi thể con mà không thể nhìn mặt lần cuối. Ảnh: H.Đ.

Không chỉ riêng anh Thới, bà Hoàng Thị Bóng cũng chịu cảnh đau đớn khi người chồng của bà bị mất tích trong trận lũ. Mỗi ngày, bà đi dọc theo con suối, nơi lực lượng cứu hộ đang làm việc với hi vọng tìm được thi thể chồng mình. Đầu tiên, bà còn sợ hãi khi tiếp cận những thi thể, nhưng nỗi đau quá lớn đã khiến bà trở nên chai sạn. Mỗi lần tìm thấy một thi thể, bà chạm vào với hi vọng đó là người thân của mình. Mắt bà đỏ hoe vì khóc quá nhiều, giọng bà khàn đặc vì không ngừng kêu gào trong vô vọng.

Không còn gì ngoài những đống bùn lầy trải dài, không còn tiếng cười, không còn tiếng người gọi nhau trên cánh đồng. Làng Nủ, một nơi từng yên bình và trù phú, giờ chỉ còn là ký ức đau thương. Những ngôi nhà từng đứng vững giờ đây chỉ còn lại những mảnh vỡ của ký ức, nhấn chìm trong nỗi đau và sự mất mát không thể đong đếm.

Bà Hoàng Thị Bóng (bên trái) đau đớn khi người chồng của bà bị mất tích trong trận lũ đến nay vẫn chưa được tìm thấy. 

Bà Hoàng Thị Bóng (bên trái) đau đớn khi người chồng của bà bị mất tích trong trận lũ đến nay vẫn chưa được tìm thấy. 

Trong ánh mắt của những người còn sống sót, không chỉ có nỗi đau mất người thân, mà còn là nỗi hoang mang không biết phải bắt đầu lại từ đâu. Những bàn tay run rẩy đào bới từng lớp bùn tìm kiếm những gì còn lại của cuộc đời trước kia, nhưng tất cả dường như đã bị dòng nước dữ cuốn trôi. Làng Nủ giờ đây chỉ còn là một vùng đất chết, nơi mà nỗi đau khắc sâu vào lòng người ở lại, vĩnh viễn không bao giờ phai.

Nỗ lực không ngừng của lực lượng cứu hộ

Ngay sau thảm họa, lực lượng cứu hộ nhanh chóng có mặt để tìm kiếm những người mất tích và cứu trợ. Hàng trăm người từ lực lượng quân đội, công an, cùng với các tình nguyện viên đã lao vào cuộc chiến với thiên nhiên để cứu giúp những người bị mắc kẹt và tìm kiếm các nạn nhân. Dù địa hình hiểm trở và thời tiết bất lợi, họ không ngừng nghỉ làm việc, đào bới từng lớp bùn đất dày để tìm kiếm các thi thể. Mồ hôi, nước mắt hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh bi tráng của sự nỗ lực và tinh thần kiên cường.

Hàng trăm người cùng tham gia vào cuộc chiến giành lại từng sinh mạng. Ảnh: Tạ Thành.

Hàng trăm người cùng tham gia vào cuộc chiến giành lại từng sinh mạng. Ảnh: Tạ Thành.

Mỗi khi tìm thấy một thi thể, nỗi đau lại càng thêm khắc sâu. Nhưng những chiến sĩ cứu hộ không dừng lại, vì biết rằng mỗi gia đình còn chờ đợi, hi vọng trong tuyệt vọng. Những nỗ lực này đã phần nào làm dịu đi nỗi đau, nhưng cũng không thể làm vơi đi nỗi mất mát khổng lồ mà làng Nủ phải chịu đựng.

Ngay sau khi thảm họa xảy ra, lực lượng cứu hộ, gồm các cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 316, Trung đoàn 98 (Quân khu 2) và cảnh sát cơ động nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Dù gặp khó khăn do địa hình đồi núi hiểm trở và thời tiết xấu, công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn được triển khai khẩn trương. Hàng trăm người đã cùng tham gia vào cuộc chiến giành lại từng sinh mạng.

Hàng trăm người từ lực lượng quân đội, công an, cùng với người dân đã lao vào cuộc chiến với thiên nhiên để tìm kiếm các nạn nhân. Ảnh: Tạ Thành.

Hàng trăm người từ lực lượng quân đội, công an, cùng với người dân đã lao vào cuộc chiến với thiên nhiên để tìm kiếm các nạn nhân. Ảnh: Tạ Thành.

Bước sang ngày 13/9, công tác tìm kiếm cứu nạn tiếp tục được triển khai. Dù gặp vô vàn trở ngại thời tiết thay đổi thất thường, nhưng lực lượng cứu hộ vẫn không ngừng nghỉ. Họ làm việc dưới lớp bùn đất dày, người lấm lem, mồ hôi ướt sũng.

Ông Lý Văn Hải, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lào Cai, Trưởng Ban cứu trợ tỉnh Lào Cai cho biết: Những ngày qua, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Lào Cai đã huy động khoảng 600 người từ lực lượng Quân khu 2, lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh tham gia tìm kiếm cứu nạn. Đến nay, qua trao đổi với lực lượng Công an tỉnh cho biết đã tìm kiếm được thi thể của 48 người, còn lại vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, tiếp tục rà soát những người mất tích vì có thể là đi làm ăn xa hoặc tránh trú chưa liên hệ được, xấu hơn là bị lũ cuốn trôi.

Theo Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lào Cai, quá trình tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ phải nắm chắc địa điểm để đảm bảo công tác tìm kiếm cứu nạn được hiệu quả, nhanh chóng, vừa đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ. Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai và huyện Bảo Yên, các lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh cũng chỉ đạo, có phương án bố trí nơi ở, cung ứng nhu yếu phẩm để phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.

Ông Lý Văn Hải, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lào Cai thăm hỏi, động viên và chuyển hỗ trợ đến thân nhân của các nạn nhân xấu số.

Ông Lý Văn Hải, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lào Cai thăm hỏi, động viên và chuyển hỗ trợ đến thân nhân của các nạn nhân xấu số.

Anh Hà Huy Hoàng, thuộc lực lượng Sư đoàn 316, Trung đoàn 98 (Quân khu 2) tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ chia sẻ: “Chúng tôi không thể dừng lại, còn nhiều người vẫn đang bị chôn vùi. Công việc cực kỳ khó khăn, chúng tôi phải đào bới từng lớp bùn đất, lật từng mảnh vỡ của những ngôi nhà. Có những lúc mọi người đều kiệt sức nhưng không ai muốn dừng lại.”

Một chiến sĩ khác chia sẻ: “Mỗi khi tìm thấy một thi thể, chúng tôi đều cảm thấy đau lòng, nhưng không thể dừng lại. Nhiều gia đình vẫn đang chờ tin tức từ chúng tôi. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục".

Một chiến sĩ trong quá trình tìm kiếm cứu nạn bị thương do dẫm vào đinh.

Một chiến sĩ trong quá trình tìm kiếm cứu nạn bị thương do dẫm vào đinh.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chánh Văn phòng HĐND – UBND huyện Bảo Yên cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc đau lòng tại làng Nủ, huyện Bảo Yên đã chỉ đạo, huy động tất cả các lực lượng, đặc biệt có sự hỗ trợ của Quân khu 2, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và lực lượng của các xã, các địa phương khác để hỗ trợ công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại khu vực làng Nủ, xã Phúc Khánh.

Văn phòng HĐND – UBND huyện Bảo Yên phối hợp với các lực lượng đảm bảo công tác hậu cần, cung cấp bữa ăn hàng ngày cho các lực lượng tìm kiếm cũng như các lực lượng hỗ trợ, kể cả các vật dụng như găng tay, quần áo, ủng… để hỗ trợ công tác tìm kiếm.

Ngoài ra, Văn phòng HĐND - UBND huyện Bảo Yên cũng có kế hoạch huy động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ. Triển khai đăng ký ủng hộ các suất ăn hàng ngày, sắp xếp lịch để các nhà hảo tâm đăng ký theo ngày khi hỗ trợ, tránh lãng phí.

Các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đăng ký ủng hộ các suất ăn theo ngày.

Các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đăng ký ủng hộ các suất ăn theo ngày.

Lực lượng cứu hộ cũng đã phối hợp với các đơn vị y tế để đảm bảo an toàn cho người dân và những người tham gia cứu hộ. Đội ngũ y bác sĩ đã có mặt tại hiện trường, sẵn sàng ứng cứu kịp thời những trường hợp bị thương hoặc gặp nguy hiểm.

Tương lai mờ mịt

Sau khi thảm họa đi qua, điều khiến mọi người đau đớn nhất chính là tương lai mờ mịt của những người sống sót. Họ không còn nhà cửa, không còn đất đai canh tác, không còn tài sản và thậm chí không còn cả người thân. Những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tái thiết, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trước mắt chỉ là bước đầu của một chặng đường dài đầy gian nan.

Làng Nủ, từ một nơi trù phú và yên bình, nay chỉ còn là một vùng đất chết. Những gì còn sót lại chỉ là ký ức về một cuộc sống đã mất. Những người dân sống sót giờ đây phải đối mặt với tương lai không chắc chắn, với một con đường dài đầy khó khăn để hồi phục. Những vết thương tâm hồn mà thảm họa để lại sẽ mãi khắc sâu trong lòng họ, là nỗi đau không bao giờ phai nhòa.

Dù thời gian có trôi qua, dù sự tái thiết có thành công đến đâu, làng Nủ mãi mãi là nơi gắn liền với nỗi tang thương và sự mất mát vô tận. Những người ở lại sẽ sống với nỗi đau đó, như một vết sẹo không bao giờ lành.

Xem thêm
Bà Đặng Bích Hà - Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời

0 giờ 50 phút ngày 17/9, cụ bà Đặng Bích Hà - Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 96 tuổi.

Trà Vinh khắc phục 3 vị trí sụp lún kè biển

Sở NN-PTNT Trà Vinh phối hợp với địa phương tiến hành khắc phục tạm 3 vị trí sụp lún trên kè biển Hiệp Thạnh để tránh lan rộng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Lớp học 'Pi Toong':  Đón Trung thu trong lều sơ tán

SƠN LA Phải di dời khỏi ngôi trường thân yêu, Trung thu năm nay của các em học sinh trường tiểu học xã Pi Toong, huyện Mường La thật giản dị nhưng vẫn đầy ấm áp.

Bình luận mới nhất