Tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL hiện thực hóa Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ

Như một xu hướng tất yếu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ như đốm lửa được phả những làn gió từ xu hướng tiêu dùng, âm thầm lan rộng trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ.

Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên ở vùng đất “chín rồng” ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Sẽ cần thời gian để khẳng định được đề án thành công hay thất bại, nhưng, nếu không có khởi đầu thì chắc chắn sẽ không thể về đích.

Sóc Trăng không chỉ hô hào bà con sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên giấy, mà dành hẳn 67,7 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã triển khai các chương trình tập huấn, xây dựng các mô hình sản xuất, tiến tới chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ.

Những ruộng lúa bạc màu, năng suất thấp ở khóm 6, phường 7, TP Sóc Trăng khoảng 2 năm trở lại đây đã được thay bằng cánh đồng ngò gai hữu cơ.

Cùng chung chí hướng tạo ra sản phẩm an toàn, 7 hộ dân đã liên kết thành lập Tổ hợp tác ngò gai hữu cơ trên quy mô 2ha.

Tổ hợp tác được Ban quản lý Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ xây dựng quy trình kỹ thuật và tập huấn cho các thành viên phương pháp trồng ngò gai hữu cơ.

Từ đó, việc sản xuất mang lại lợi nhuận rõ nét hơn, nhờ giảm chi phí sản xuất, sử dụng phân hữu cơ với liều lượng cân đối, thay thế các loại phân bón hóa học, thuốc sinh học tạo độ màu mỡ cho đất, cải thiện năng suất và chất lượng nông sản.

Điều quan trọng, nông dân khi trồng ngò gai ý thức tuân thủ quy trình rất cao và có sự giám sát chặt chẽ lẫn nhau.

Hiện, toàn bộ quy trình sản xuất của tổ hợp tác đều sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ và chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học. Vật tư đầu vào trước khi sử dụng trong canh tác đều được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo đạt các yêu cầu về canh tác hữu cơ.

Ông Điền Lên, Tổ trưởng tổ hợp tác bộc bạch, thời điểm ban đầu chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, thành viên gặp rất nhiều khó khăn, do năng suất giảm, việc đầu tư cho sản xuất hữu cơ lại khá cao.

Tuy nhiên sau một thời gian, đất đai dần phục hồi, dinh dưỡng trong đất từng bước được nâng lên. Ngò gai phát triển tốt, kháng được dịch hại, năng suất từ đây dần ổn định.

“Làm ra sản phẩm hữu cơ đã khó, giữ được uy tín với khách hàng còn khó hơn. Điều chúng tôi tâm niệm, trước hết là vì chính sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng, sau đó là phù hợp với xu hướng thị trường. Hơn nữa, sự chênh lệch về giá giữa sản phẩm thông thường và sản phẩm hữu cơ giúp thành viên nâng cao thu nhập. Vì vậy, chúng tôi sẽ liên kết chặt chẽ và thực hiện tốt công tác quản lý để phát triển”, ông Điền Lên chia sẻ.

Nằm trong vùng đất ngập mặn thuộc bán đảo Cà Mau, huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) được biết đến với thế mạnh chăn nuôi. Địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống kênh rạch phủ đều khắp huyện là lợi thế để địa phương phát triển trồng trọt, nhất là cây lúa.

Ra đời từ tháng 11/2021, Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Lợi (ấp 15, xã Vĩnh Lợi), có 22 thành viên canh tác 97ha lúa.

 

Những nông dân trong hợp tác xã vốn có truyền thống hợp tác sản xuất lâu đời và nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa chất lượng cao như: RVT, ST20, ST24, ST25… Tuy nhiên, việc thâm canh trong thời gian dài, dùng phân thuốc hóa học quá nhiều, nguy cơ nhiễm độc cho những người trực tiếp là rất cao.

Dù đã nhận thấy sự độc hại này, nhưng thời gian trước các thành viên hợp tác xã chưa có phương án cụ thể để thay đổi.

Năm 2018, lần đầu tiên các thành viên bắt đầu tiếp cận và trồng thử nhiệm 5ha lúa theo quy trình hữu cơ. Toàn bộ quy trình canh tác từ bón phân, chăm sóc, bà con phải đảm bảo tuân thủ theo nhiều quy định. Nhất là, việc ghi chép sổ tay canh tác lúa hữu cơ; không được phun thuốc trừ cỏ bờ ruộng và quanh nhà; chống nhiễm bẩn cho lúa. Quá trình phun xịt, rải phân và thu hoạch, vận chuyển, mỗi hộ được cấp một sổ tay, sổ ghi chép và được tập huấn, hướng dẫn 3 lần/vụ.

Bên cạnh đó, để bảo đảm thành viên không vi phạm quy trình canh tác, mỗi nông dân phải kiểm tra chéo các nông hộ khác. Doanh nghiệp đồng hành sẽ lấy mẫu đất, nước và lúa khi trỗ để phân tích dư lượng hóa chất trong sản phẩm.

Năng suất trong những năm đầu canh tác hữu cơ, hầu như rất thấp, chỉ khoảng 4,5 tấn/ha, sau đó tăng dần lên theo từng năm. Riêng vụ đông xuân 2023 – 2024 năng suất lúa đạt 6 tấn/ha, trừ chi phí đầu tư, bà con có lãi khoảng 30 triệu/ha, ai ai cũng phấn khởi.

Hiện nay, diện tích canh tác lúa hữu cơ tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Lợi đã được mở rộng lên 70ha. Trong đó, 50ha đã được chứng nhận hữu cơ, diện tích còn lại dự kiến tiếp tục được chứng nhận vào cuối năm 2025.

Trước đó, năm 2021, được sự giới thiệu của nhóm Mekong Organics (Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Nông thôn thuộc Đại học An Giang), Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Lợi đã xây dựng thành công mô hình 30ha sản xuất và thương mại lúa gạo hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA/EU. Sản phẩm từ mô hình được Công ty TNHH MTV Lương thực Hồng Tân liên kết tiêu thụ.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, tỉnh Sóc Trăng được xem là địa phương đầu tiên ở khu vực ĐBSCL hiện thực hóa quyết định này.

Tháng 5/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng ra Nghị Quyết số 26/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Đến tháng 6/2022, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 1560/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh Sóc Trăng đã dành gần 67,7 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã triển khai các chương trình tập huấn, xây dựng các mô hình sản xuất, tiến tới chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ.

Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có 32 điểm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ trong nước hoặc quốc tế. Diện tích sản xuất hữu cơ đạt trên 210ha (kể cả đất trồng cỏ). Trong đó, diện tích được chứng nhận hữu cơ đạt 180ha và 100% sản phẩm được quảng bá và bao tiêu. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,2 - 1,4 lần so với sản xuất thông thường. 100% nông dân tham gia mô hình am hiểu về tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, có khả năng tự sản xuất hữu cơ khi kết thúc đề án.

Đến năm 2030, diện tích sản xuất hữu cơ được mở rộng, đạt 400ha, trong đó, có 370ha được chứng nhận hữu cơ.

Qua 2 năm triển khai, đề án đã thực hiện xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ cho 32 mô hình, tập trung chủ yếu trên cây ăn trái, lúa, rau củ. Đặc biệt, trong năm 2023, đã thực hiện 14 mô hình sản xuất hữu cơ, được tư vấn để đánh giá chứng nhận, với tổng quy mô hơn 161ha.

Bao gồm: mô hình lúa tôm (huyện Mỹ Xuyên); lúa 2 vụ (huyện Thạnh Trị); dừa, nhãn (huyện Cù Lao Dung); ổi, mãng cầu gai (thị xã Ngã Năm); vú sữa tím, bưởi, sầu riêng (huyện Kế Sách); nhãn xuồng (thị xã Vĩnh Châu); chanh không hạt (huyện Châu Thành)…

Ngoài ra, 2 mô hình được hỗ trợ xây dựng quy trình nhập liệu canh tác và truy xuất nguồn gốc. 3 mô hình đã xây dựng được câu chuyện sản phẩm.

Nhìn thấy được tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ của địa phương, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc thực hiện đề án hướng đến đa mục tiêu. Nhưng đích đến cuối cùng là sản phẩm phải được chứng nhận hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Song song đó là đảm bảo môi trường sinh thái, cải tạo dinh dưỡng cho đất, do nhiều năm bạc màu.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nhìn nhận, sản phẩm hữu cơ những bước đầu khi gia nhập thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng giá trị sẽ tăng dần lên.

Qua 2 năm triển khai, các mô hình được đề án lựa chọn hỗ trợ, xây dựng đã có bước phát triển tốt hơn và có khả năng xem xét, chứng nhận là sản phẩm hữu cơ.

“Đây là những mô hình bước đầu, là cơ sở để nhân rộng. Nếu đề án triển khai mà không có sản phẩm nào được chứng nhận thật sự, thì xem như phá sản. Tôi không mong muốn tất cả các mô hình đều được chứng nhận, nhưng ít nhất phải có khoảng 50%. Như vậy mới chứng minh được hiệu quả và duy trì kết quả đầu ra ở những giai đoạn sau”, ông Vương Quốc Nam nhấn mạnh mục tiêu mà tỉnh Sóc Trăng hướng đến khi triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Tính chủ động của nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc bắt nhịp tín hiệu thị trường, đưa ra sản phẩm, nhân rộng mô hình rất quan trọng khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Kế đến là doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và liên kết tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm hữu cơ một cách bền vững.

Không thể phủ nhận những kết quả mà sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại cho nông dân. Tính đến cuối năm 2023, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 đã triển khai đồng bộ 5 hợp phần.

Bao gồm: hoạt động triển khai, điều phối đề án; nâng cao năng lực cho các tác nhân tham gia mô hình; hỗ trợ các hoạt động tư vấn để xây dựng mô hình, đánh giá chứng nhận; xây dựng các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ.

Mặc dù hiệu quả và tác động của đề án chưa tạo ra nhiều mô hình sản xuất hữu cơ và giá trị mang lại từ các sản phẩm chưa cao. Tuy nhiên bước đầu đã chuyển đổi được nhận thức của người dân tham gia các mô hình sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế nông nghiệp vùng nông thôn.

Tuy nhiên, theo Ban quản lý đề án, một số vật tư đầu vào phục vụ sản xuất hữu cơ rất khó tìm nguồn cung ứng. Trong đó, nhiều loại phân bón hữu cơ được chứng nhận ở Việt Nam chưa có hoặc không rõ nguồn gốc hoặc chỉ được chứng nhận quốc tế. Dẫn đến giá vật tư đầu vào tăng, “đội” chi phí sản xuất của bà con.

Ngoài ra, chi phí nhân công lao động trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng cao hơn so với sản xuất thông thường. Do người sản xuất chỉ được phép sử dụng một số loại phân bón nhất định, khâu phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công nên mất nhiều thời gian và công lao động.

Bên cạnh đó, mặc dù các địa phương, ngành nông nghiệp và Ban quản lý rất nỗ lực, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ để tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm hữu cơ, nhưng do hầu hết các mô hình hữu cơ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang trong giai đoạn triển khai với quy mô nhỏ, sản xuất chuyển đổi, nên sản lượng sản phẩm còn ít so với nhu cầu thu mua của doanh nghiệp. Điều này đang tạo ra thách thức cho các tổ hợp tác, hợp tác xã trong quá trình ký kết tiêu thụ.

Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cũng còn khó khăn, chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Đặc biệt, theo phản ánh của một số bà con nông dân tham gia mô hình chuyển đổi sản xuất hữu cơ, chất lượng số ít thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên thị trường, dù đã qua kiểm duyệt, thẩm định, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý, tiêu diệt các mầm sâu bệnh, cỏ dại… Dẫn đến tâm lý so sánh về chất lượng, hiệu quả và e ngại sử dụng các sản phẩm hữu cơ trong nông dân. Vấn đề này tạo thành rào cản cho công tác vận động, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ.

Trước những thách thức này, trong giai đoạn 2024 – 2025, tỉnh Sóc Trăng sẽ hỗ trợ tư vấn về sản xuất hữu cơ cho 14 mô hình đáp ứng yêu cầu của tổ chức đánh giá theo các tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam hoặc nước ngoài.

Đồng thời, thuê tư vấn điều tra, phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của việc thực hiện đề án sau 2 năm để đánh giá chính xác, khách quan kết quả đạt được và đề ra phương hướng giai đoạn tiếp theo (2026 – 2030).

Bên cạnh đó, đề án sẽ hỗ trợ các nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp theo quy trình hữu cơ hoàn toàn, để đạt TCVN hoặc TCNN sau tối đa 3 năm.

Mời gọi doanh nghiệp đã từng tham gia thu mua nông sản của nông dân tại địa phương để kết nối tham gia đề án. Ký kết bao tiêu sản phẩm với tổ chức nông dân trong thời gian chuyển đổi đến khi đạt chứng nhận hữu cơ.

Tiếp tục hỗ trợ 50% vật tư đầu vào cho các mô hình sản xuất hữu cơ trong quá trình chuyển đổi. Lựa chọn và tìm kiếm nguồn cung nhóm vật liệu đầu vào đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu cung cấp cho nông dân. Ưu tiên các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng tiêu chí: vừa cung cấp đầu tư vật tư, vừa liên kết bao tiêu sản phẩm.

Nhất là tổ chức các cuộc đánh giá nội bộ theo tiêu chuẩn hữu cơ; đăng ký cấp chứng nhận sản phẩm an toàn cho các nông sản trong thời gian chuyển đổi hữu cơ. Tiến tới đăng ký đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ và quảng bá nhân rộng mô hình.

Kim Anh
Trọng Toàn
Kim Anh
Văn Vũ