Ở đây mía ngọt đường nhiều
Tìm trai xứ Quảng mà yêu cho rồi
Do có được sự phù hợp về thung thổ, cây mía dần dần phát triển và trở thành cây trồng đặc chủng truyền thống của Quảng Ngãi. Ngay từ thời nhà Nguyễn, triều đình có lệ hằng năm đặt mua đường cát ở Quảng Ngãi. Điều đó cho thấy nghề trồng mía, làm đường ở Quảng Ngãi thuộc loại nổi bật nhất trong nước thời bấy giờ.
Trong bộ sách Đại Nam thực lục, do Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi theo lối biên niên sử, hầu như năm nào triều đình cũng ứng tiền đặt mua đường cát ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Chẳng hạn, năm 1836 (dưới triều vua Minh Mạng) triều đình đặt mua đường cát ở Quảng Ngãi 110 vạn cân, ở Quảng Nam 90 vạn cân; năm 1842 (dưới triều vua Thiệu Trị) đặt mua Quảng Ngãi 800.000 cân đường cát, Quảng Nam 600.000 cân đường cát. Tất nhiên số đường do triều đình đặt mua chỉ mới là một phần nhỏ sản lượng thực có, nhưng qua những số liệu này, có thể phỏng đoán Quảng Nam, Quảng Ngãi là hai tỉnh trồng mía làm đường nhiều nhất trong nước, trong đó Quảng Ngãi thịnh hơn hẳn.
Đồng nào rộng bằng đồng Thi Phổ
Thổ nào cao bằng thổ Ba Tơ
Em thương anh chín đợi, mười chờ
Mía kia lên ngọn trổ cờ đã lâu.
Việc trồng phổ biến cây mía và làm đường cát là một cách chọn lựa khá đúng đắn, trong điều kiện đất gò ở Quảng Ngãi khá nhiều và có rất nhiều chân đất không phù hợp cho trồng lúa, nhất là khi vấn đề giải quyết nước tưới rất khó khăn.
Nghề trồng mía và kỹ thuật chế biến mía đường không những đem lại nguồn lợi không nhỏ cho người nông dân Quảng Ngãi mà còn đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế đất nước, vì đường và các sản phẩm từ đường là một trong những nguồn hàng xuất khẩu quan trọng trong nhiều thế kỷ. Quảng Ngãi được mệnh danh là “đất mía quê đường” và là miền đất nhiều quyến rũ, gọi mời:
Ở đây mía ngọt đường nhiều
Tìm trai xứ Quảng mà yêu cho rồi.
Trồng dâu, nuôi tằm là một nghề thu hút khá nhiều lao động khu vực nông thôn, nhất là ở các vùng bãi bồi ven các sông như Trà Khúc, Phước Giang, sông Vệ. Từ tháng Giêng đến tháng 9, tháng nào cũng nuôi được tằm. Bước qua mùa đông (tháng 10 đến tháng Chạp) trời rét, lá dâu vàng rụng nên việc nuôi tằm thưa thớt. Xóm làng yên ả với những đồng lúa, bãi dâu, chòi mía trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương trong tâm thức bao người:
Ai về Quảng Ngãi mà xem
Bãi tơ vàng óng đồng ken lúa vàng
Xóm thôn sực nức mùi đàng
Nhắp chè Tam Bảo luận bàn văn chương.
Trồng đỗ phụng (lạc) và ép đỗ phụng lấy dầu cũng là nghề khá phát triển ở miền quê Quảng Ngãi. Cây đỗ phụng có thể được trồng xen canh, luân canh với các giống cây lương thực khác, vừa cải tạo đất, vừa mang lại nguồn lợi đáng kể cho người nông dân: hạt có thể được luộc, rang để ăn, làm nguyên liệu chế biến đường kẹo, hoặc ép lấy dầu; bã còn lại sau khi ép làm thức ăn cho gia súc; cây đậu là nguồn phân xanh rất tốt cho các loại cây trồng.
Củ lang Đồng Ngỗ
Đỗ phụng Hà Nhung
Chàng bòn thiếp mót đổ chung một gùi
Chẳng qua duyên nợ sụt sùi
Phải hay cớ sự, bỏ cái gùi ta đi.
Ngoài các loại cây lương thực chủ lực (lúa, bắp, khoai, đậu) các giống cây nguyên liệu thủ công nghiệp (mía, dâu tằm), người nông dân Quảng Ngãi còn trồng cây chè (ở vùng trung du), thuốc lá, đặc biệt là trồng rau và chế biến giá đỗ. Vùng đất đồi Minh Long, Nghĩa Hành, vùng trung du các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn nổi tiếng với nhiều giống chè xanh, nước thơm, vị đậm:
Bình Khương sánh với Bình An
Bên em chè đậm, bên anh khoai nhiều.
Những vùng đất soi phì nhiêu ven sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ trồng nhiều thuốc lá và rau xanh. Hạ lưu sông Trà Khúc, cả bên tả ngạn lẫn hữu ngạn, do ưu thế về đất đai, nguồn nước, đặc biệt là nơi tiêu thụ (gần tỉnh lỵ Quảng Ngãi, phố buôn bán Thu Xà, cửa Sa Kỳ, cửa Đại (vận chuyển ra đảo Lý Sơn và những nơi khác bằng đường biển), từ lâu đã hình thành nhiều vùng rau xanh có tiếng như Thanh Khiết (Nghĩa Hoà, Tư Nghĩa), Ba La (Nghĩa Dõng, thành phố Quảng Ngãi), Sung Tích (Tịnh Long, SơnTịnh), Thọ Lộc, Ngân Giang (Tịnh Hà, Sơn Tịnh)...
Cũng vất vả sớm chiều như cấy lúa, trồng mía, nhưng đời sống những người trồng rau xanh có phần dễ xoay xở hơn vì thường xuyên có đồng tiền mặt từ việc bán rau hàng ngày, vả lại lao động trồng rau cũng không quá nặng nhọc như trồng lúa, làm mía. Phải chăng vì thế mà tính tình người vùng rau có phần dí dỏm, xởi lởi, thích trêu đùa, cười cợt lẫn nhau? Trong ca dao Quảng Ngãi, có khá nhiều những câu gắn với làng nghề trồng rau, cây rau mang ý vị khôi hài, tinh nghịch:
Chanh chua thì khế cũng chua
Chanh bán có mùa, khế bán đồng niên
Không ai san sẻ chút duyên
Tui đi tới muộn hò xiên rồi về.
Hay
Ba La đất tốt trồng hành
Đã xinh con gái lại lành con trai
Vạn Tượng những chông những gai
Con gái mốc thích, con trai đen sì.
Là đùa nghịch vậy thôi, Ba La, Vạn Tượng (nay đều thuộc thành phố Quảng Ngãi) là những làng ven sông, cùng nổi tiếng với nghề trồng rau xanh từ nhiều thế kỷ.
Nói đến nghề trồng trọt, sẽ là rất thiếu sót nếu chưa nhắc đến Lý Sơn, mảnh đất được mệnh danh là vương quốc tỏi, được cả nước biết đến với nghề trồng hành tỏi, làm nên những sản phẩm mà nay đã được công nhận là thương hiệu quốc gia:
Chiều chiều nước cạn bày gò
Để em xách mủng ra mò rau đông
Anh đi đội đất trồng hành
Nuôi con nuôi cái, sắm sanh cửa nhà.
Sống tận ngoài lao, vây quanh bốn bề là biển cả mà lại dựa vào việc trồng hành để «nuôi con nuôi cái, sắm sanh cửa nhà», đủ biết nghề nông quan trọng với đời sống người dân Quảng Ngãi biết nhường nào.
[1] Lê Hồng Khánh. “Ca dao Quảng Ngãi- sưu tầm, chọn lọc, chú giải, bình luận”, NXB Thông tin và Truyền thông, HN, 2014. (Những câu ca dao sử dụng trong bài viết đều trích từ cuốn sách này).