Cam là một loại trái cây rất quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của người dân bang Florida, Mỹ. Chỉ cần lái xe quanh tiểu bang sẽ dễ dàng trông thấy hình ảnh loại quả này trên biển số xe của người dân địa phương.
Tuy nhiên, sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của thiên tai và tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn của biến đổi khí hậu, ngành cam Florida phải đối mặt với những thách thức lớn. Một trong số đó là bệnh héo cam - một bệnh nhiễm khuẩn, lây lan qua loài côn trùng psyllid, làm hư hại hàng triệu mẫu trồng cam. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố ngày 10/12, sản lượng cam của vùng tiểu bang này giảm mạnh tới 74%.
Gần đây nhất, vào tháng 10/2024, cơn bão Milton đã gây ra tổn thất khủng khiếp, làm rụng quả và ngập úng vườn trồng, tàn phá gần 70% diện tích đất trồng cam năng suất cao nhất của bang Florida. Điều này xảy ra ngay khi các chủ vườn cam vừa khắc phục xong những thiệt hại từ các cơn bão trước đó và đối mặt thêm mối đe dọa từ bệnh hại.
Ông Matt Joyner, Giám đốc điều hành Florida Citrus Mutual, chia sẻ: "Việc ổn định lại tình hình là một thách thức lớn đối với các nông hộ trồng cam, khi họ vừa phải đối phó với dịch bệnh, vừa phải gánh chịu hậu quả từ cơn bão. Những yếu tố này có thể khiến cây trồng mất nhiều năm để phục hồi".
Tại Mỹ, bệnh héo cam được phát hiện lần đầu tiên ở Florida vào năm 2005, sau đó lan sang các bang như Georgia, Alabama, California, Louisiana, South Carolina và Texas. Florida là bang ghi nhận bệnh héo cam ở mọi quận tham gia hoạt động trồng cam thương mại.
Cuộc đua tìm ra phương thuốc chữa bệnh héo cam
Vào năm 2023, một trong những giải pháp đầy triển vọng là nghiên cứu của các nhà khoa học từ Dịch vụ Nghiên cứu Nông nghiệp (USDA), với phương pháp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của cây. Các cây trồng được chỉnh sửa gen để sản xuất những protein có thể nhận diện các mầm bệnh và kích hoạt phản ứng miễn dịch của cây, giúp chống lại bệnh héo cam mà không cần sử dụng thuốc trừ sâu. Mặc dù phương pháp này chỉ có thể kéo dài tuổi thọ cây một thời gian ngắn, nhưng vẫn mang lại hy vọng cho người trồng cam.
Bên cạnh đó, nhiều người trồng cam và các nhà nghiên cứu cũng tập trung vào việc sử dụng các chất điều hòa tăng trưởng cây trồng như một cách để thúc đẩy sức khỏe cây và phòng ngừa mất mùa. Các hóa chất như acid gibberellic và 2,4-D đã được phát hiện có thể giúp cây khỏe mạnh hơn, giảm rụng quả, tăng sản lượng.
Kết quả ban đầu cho thấy, cây được điều trị bằng các chất điều hòa tăng trưởng trên giữ được nhiều quả hơn, ngay cả mùa mưa bão. Cây được điều trị cũng có khả năng giữ quả tốt hơn kể cả trong điều kiện nhiệt độ lạnh, tăng khả năng chống chọi của cam trước các thách thức của biến đổi khí hậu.
Ông Joyner cho biết: "Nhiều chỉ số mà chúng tôi tìm kiếm trong cuộc chiến chống lại bệnh héo cam thực sự đã cho thấy những dấu hiệu tích cực".
Dùng cà ri làm "cây bẫy" đối phó với sâu bệnh
Một hướng nghiên cứu khác do nhà khoa học người Argentina, María Victoria Coll Aráoz, dẫn đầu là phương pháp quản lý sâu bệnh "đẩy và kéo", một chiến lược sử dụng các kích thích để xua đuổi sâu bệnh ra khỏi cây trồng và thu hút chúng đến những khu vực khác. Tại đó, nghiên cứu sử dụng cây cà ri như một "cây bẫy" để thu hút psyllid gây bệnh héo cam.
Cho đến nay, các cây cà ri kết hợp với các hormone thực vật giúp đẩy lùi sâu bệnh đã cho kết quả đầy hứa hẹn, giảm 91% sự xuất hiện của côn trùng truyền bệnh và giảm 100% số trứng psyllid được đẻ trên cây, nhóm nghiên cứu của nhà khoa học María báo cáo.
Kết quả này mang lại hy vọng cho các người trồng cam, đặc biệt khi họ gần như đã kiệt sức vì những thiệt hại không ngừng về sản lượng. Các thí nghiệm của bà Coll Aráoz có thể giúp đẩy mạnh các nỗ lực tìm ra giải pháp trước khi các sự kiện thời tiết cực đoan tiếp theo ập đến.
"Thật khó chấp nhận thấy những cây cam bị tàn phá bởi một cơn bão lớn, và khi quá nhiều cam bị rụng”, ông Joyner nói. "Nhưng chúng tôi vẫn có thể lạc quan... Vì trong 18-24 tháng qua đã có các phương pháp tiên tiến để ngành cam được liên tục phục hồi".