Thử tìm giải pháp giảm thiểu bất lợi cho kênh đào Funan Techo đến an ninh nguồn nước về Việt Nam

TÔ VĂN TRƯỜNG - Thứ Tư, 12/06/2024 , 10:24 (GMT+7)

Việt Nam có thể tiếp cận theo hướng chia sẻ các kinh nghiệm để hỗ trợ thiết kế kỹ thuật cho tuyến kênh với hiệu quả cao nhất, giảm thiểu tác động bất lợi đến ĐBSCL.

Sau những lùm xùm thông tin xung quanh tuyến kênh giao thông thủy Funan Techo của Campuchia đầu tháng 5 vừa qua từ báo chí ở cả 2 quốc gia Việt Nam và Campuchia, tôi đã có bài viết trên báo Nông nghiệp Việt Nam với tựa đề ‘Kênh đào Funan Techo Campuchia và bài học hợp tác khai thác sông Mê Kông’ và bài báo ‘Kênh đào Funan Techo – Cùng hợp tác để phát triển’ trên Vietnamnet.vn.

Với những kết quả chuyên môn phân tích, đánh giá khá tin cậy về những tác động không đáng kể của tuyến kênh Funan dự kiến đến an ninh nguồn nước về đồng bằng cũng như thay đổi xâm nhập mặn, cùng với những kiến nghị mang tính xây dựng góp phần tăng cường và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công nói chung và hợp tác hai nước láng giềng Việt Nam – Campuchia đoàn kết, hữu nghị và hợp tác phát triển nói riêng. Mặc dù vậy, thời gian qua vẫn còn một số bài báo với những hoài nghi về mối lo ngại các tác động bất lợi của tuyến kênh trên.

Để làm rõ hơn những quan ngại như là chưa đủ cơ sở tin cậy, hoặc các giả thiết thổi phồng không thực tế là kênh đào Funan Techo sẽ lấy mất 50% lượng nước về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bài viết này sẽ làm sáng tỏ hơn kết quả đánh giá trước đó và giải pháp ưu tiên nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi về phía Việt Nam.

Thông tin chính về tuyến giao thông thủy nội địa Funan Techo

Ngày 8/8/2023, Campuchia gửi thông báo đến Ban thư kí Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) về Dự án đường thủy nội địa Funan Techo theo thủ tục PNPCA (Thủ tục thông báo trước, tham vấn và thỏa thuận).

Một số thông tin về tuyến kênh:

  • Tuyến kênh: [Dài] x [Rộng đáy] x [Sâu], Lk x Bđáy x Hk = 180km x 50m x 4,7m;

  • 3 âu kiểm soát mực nước và lưu lượng qua tuyến kênh (La x Ba x Ha): 135m x 18m x 5,8m;

  • Lưu lượng lớn nhất bình quân ngày qua âu: 3,6 m3/s.

Hình 1: Minh họa vị trí tuyến giao thông thủy Funal Techo và vị trí 3 khóa âu.

Sơ bộ tác động bất lợi của tuyến giao thông thủy nội địa Funal Techo đến an ninh nước về đồng bằng

Trường hợp có kiểm soát lưu lượng qua tuyến kênh với bình quân ngày lớn nhất theo thiết kế sơ bộ ban đầu là 3,6 m3/s (theo thông báo của Campuchia ngày 8/8/2023 đến Ủy hội quốc tế sông Mê Công) – được xem là lượng nước mất đi do kênh trong trường hợp này. Xin lưu ý đây là lưu lượng vận hành âu thuyền để đưa tàu vào khoang chức năng chứa nước so với tiềm năng nguồn nước sông Mê Công về đồng bằng qua Tân Châu và Châu Đốc là 12.450 m3/s thì tác động của dự án đến ĐBSCL của Việt Nam là không đáng kể.  

Trong trường hợp bất lợi, giả thiết các âu mở tự do liên tục cả mùa lũ lẫn mùa kiệt (không kiểm soát lưu lượng qua âu, vượt ra ngoài thông báo của Campuchia), kết quả cho thấy: lượng nước mất đi với lưu lượng bình quân các tháng mùa khô từ nhánh Bassac qua tuyến kênh ra biển là 71,4 m3/s (dao động 52 m3/s – 110 m3/s). Tổng lượng từ tháng 12 đến tháng 5 vào khoảng 1,12 tỷ m3; Lưu lượng bình quân dòng chảy mùa lũ ra biển từ tuyến kênh từ tháng 6 đến tháng 11 là 241,6 m3/s (dao động 76 đến 365 m3/s), với tổng lượng cả mùa lũ vào khoảng 3,8 tỷ m3.  

Trong trường hợp bất lợi hơn, giả thiết các âu mở liên tục kết hợp cấp nước nông nghiệp ở các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep (vượt ra ngoài thông báo của Campuchia, để xác định khả năng chuyển nước lớn nhất của tuyến giao thông thủy khi vừa không kiểm soát lưu lượng lại kết hợp mục đích phát triển nông nghiệp tưới). Giả thiết, lưu lượng nước tưới cho nông nghiệp theo tuyến kênh vào khoảng 50 m3/s (tương đương với gia tăng diện tích vài chục ngàn ha nông nghiệp trong vùng). Kết quả cho thấy, lượng nước mất đi với lưu lượng bình quân các tháng mùa khô từ nhánh Bassac vào tuyến kênh Funan tăng, bình quân dòng chảy là 93,8 m3/s (dao động 77-138 m3/s). Ngược lại, lưu lượng chảy ra biển ở cuối tuyến kênh Funan giảm, bình quân là 44,5 m3/s (dao động 25-84 m3/s). Tổng lượng từ tháng 12 đến tháng 5 ra biển vào khoảng 0,7 tỷ m3.

Trường hợp kênh để mở liên tục và tiếp tục gia tăng lưu lượng bơm hút từ tuyến kênh này lên đến 100 m3/s, khi đó nước không chỉ được hút vào từ phía sông Bassac mà còn bắt đầu bị hút vào từ phía Biển Kep. Điều đó có nghĩa là với kích thước thiết kế như thông báo của Campuchia thì khả năng gia tăng cấp nước tưới cũng không quá 100.000 ha. Và ngay cả khi điều đó xảy ra thì ảnh hưởng đến giảm mực nước trên sông Hậu tại Châu Đốc chỉ vào khoảng 2-5 cm được xem là tác động không lớn.

Như vậy, ngay cả trong các trường hợp bất lợi hơn thì ảnh hưởng do tuyến kênh giao thông thủy Funan Techo đến nguồn nước và xâm nhập mặn trên đồng bằng được xem là tác động không lớn, với những thay đổi như vậy đã được tính đến trong qui hoạch thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Quan điểm của Việt Nam về tuyến kênh giao thông thủy Funan Techo hiện nay

Quan điểm chính thức của Việt nam đã thể hiện rất rõ trước đó qua Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt ngày 11/4/2024, nêu rõ:

Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các nước ven sông Mekong, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong vì sự phát triển bền vững của lưu vực, lợi ích của các cộng đồng người dân trên lưu vực, tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông.

Việt Nam tái khẳng định quan điểm trên trong phát ngôn của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 5/5/2024, bà Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam mong muốn phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và tài nguyên nước sông Mekong, vì sự phát triển bền vững của lưu vực, tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông và tương lai của các thế hệ mai sau.

Cơ sở đề xuất giải pháp giảm thiểu bất lợi tuyến kênh giao thông thủy Funan Techo

Những năm gần đây, các phát triển nông nghiệp và thủy điện ở thượng nguồn đã và đang gây ra những tác động bất lợi xuống hạ lưu như: xu thế lũ giảm làm mất phù sa và giảm nguồn lợi thủy sản; lượng nước chảy vào hồ Tonle Sap giảm; gia tăng xói lở; và đặc biệt dòng chảy mùa kiệt trái qui luật làm xâm nhập mặn khó lường.

Khi xem xét vấn đề an ninh nguồn nước về ĐBSCL thì bất cứ ảnh hưởng ở đâu làm giảm nguồn nước xuống hạ lưu đều được xem là có nguy cơ. Như vậy, những tác động bất lợi hiện hữu được xem là lớn hơn rất nhiều so với các tác động có thể tăng thêm do ảnh hưởng của tuyến kênh Funan Techo. Trong khi đó, trong trường hợp bất lợi hơn ở kênh giao thông Funan Techo khi mở tự do kết hợp gia tăng tưới nông nghiệp 50 m3/s thì bình quân dòng chảy mất đi trong mùa kiệt từ hệ thống sông Mê Công chỉ vào khoảng 93,8 m3/s. Thêm vào đó, theo thông báo ban đầu của Campuchia, mục đích chính của tuyến kênh Funan Techo là giao thông thủy nội địa và vận tải hàng hóa.

Với mục đích này thì để tuyến kênh hoạt động hiệu quả nhất, yêu cầu về thiết kế kỹ thuật có thể nhận thấy:

  • Dòng chảy trên kênh cần nhỏ để tàu thuyền di chuyển ngược xuôi đều thuận lợi, ít tổn hao năng lượng khi phải chạy ngược dòng và an toàn hơn.

  • Mực nước trên kênh cần ổn định và đảm bảo độ sâu để tàu thuyền di chuyển ngược xuôi đều thuận lợi, an toàn.

  • Ưu tiên chiều sâu giao thông thủy và bề rộng hợp lý để đảm bảo di chuyển 2 chiều thuận lợi, an toàn, tránh bồi lắng kênh.

  • Rất cần thiết kiểm soát phù sa vào tuyến kênh có thể gây bồi lắng làm hạn chế năng lực vận tải hàng hóa của tuyến kênh cũng như giảm chi phí nạo vét.

  • Lựa chọn vị trí và hướng tuyến kênh để dòng chảy tự nhiên qua kênh là nhỏ nhất để đảm bảo an toàn cho giao thông thủy trên tuyến kênh cũng như giảm chi phí vận hành các khóa âu.

Với những tiêu chí thiết kế yêu cầu có lợi nhất phục vụ cho giao thông thủy như đã hình dung ra ở trên có thể thấy, các kết quả đánh giá bất lợi về gia tăng dòng chảy qua tuyến kênh do mở tự do như giả thiết là rất khó có thể xảy ra do không đem lại hiệu quả cho giao thông thủy. Tương tự, việc kết hợp gia tăng phát triển tưới nông nghiệp cũng sẽ có giới hạn, vì có thể làm gia tăng bồi lắng tuyến kênh, làm nước mặn xâm nhập vào tuyến kênh gây ra những tác động bất lợi đến mục tiêu của dự án mà Campuchia sẽ phải xem xét.

Mặt khác, trong chiến lược phát triển nông nghiệp đến 2030 của Campuchia vẫn chưa rõ ràng việc có hay không ưu tiên phát triển cây trồng lúa. Đặc biệt, kế hoạch gia tăng diện tích lúa giai đoạn 2016 đến 2030 của Campuchia chỉ đạt 77.000 ha. Thực tế cho thấy, theo thông báo của phía Campuchia, tuyến kênh dự kiến đã thiết kế 3 âu chứng tỏ nhằm mục đích hoạt động hiệu quả nhất cho tuyến giao thông thủy.

Từ các luận cứ trên cho thấy, nếu đứng trên quan điểm của nhà đầu tư và là nhà tư vấn thiết kế kỹ thuật cho tuyến giao thông thủy Funan Techo thì người ta sẽ thiết kế tuyến kênh có lợi nhất cho giao thông thủy, đồng nghĩa lưu lượng nước tải qua tuyến kênh là nhỏ nhất có thể, mục đích khác có chăng là gia tăng cấp nước cho công nghiệp, cho dân sinh và một phần cho nông nghiệp và khả năng là nhỏ hơn những giả thiết bất lợi trên.

Chính vì vậy, các trường hợp vận hành bất lợi là khó có thể xảy ra, đồng nghĩa các giả thiết sẽ thiên về hướng tác động ít gây bất lợi thêm đến an ninh nguồn nước cho Việt Nam so với các tác động đã và đang hiện hữu. Do đó, giải pháp để giảm thiểu các tác động bất lợi do tuyến kênh giao thông thủy Funan Techo gây ra đối với Việt Nam bây giờ không phải là đứng ngoài cuộc, yêu cầu cung cấp thêm thông tin, mà hoàn toàn có thể tư vấn giúp cho Campuchia về quản lý, khai thác vận hành nhằm đảm bảo cho tuyến kênh có lợi nhất cho giao thông thủy, vừa đảm bảo an toàn, giảm chi phí vận hành và chi phí nạo vét cho tuyến kênh, khi đó các tác động về đồng bằng sẽ là nhỏ nhất.

Hình 2: Minh họa ảnh hưởng của kênh Funan Techo theo các kịch bản tính toán.

Thay cho lời kết

Tuyến giao thông thủy nội địa Funan Techo của Campuchia nằm hoàn toàn trên đất Campuchia được xem là quyền lợi khai thác phát triển, phù hợp với lợi ích hợp tác và phát triển của nước bạn. Campuchia đã thực hiện thông báo trước, thông tin về dự án theo Hiệp định Mê Công 1995, mặc dù lưu lượng mà họ dự kiến qua tuyến kênh là rất nhỏ.

Với những kết quả do các giới chuyên môn đánh giá có thể thấy, tác động của tuyến giao thông thủy Funan Techo trong trường hợp thiết kế với lưu lượng xả bình quân 3,6 m3/s hoặc ở trong trường hợp bất lợi hơn đã được tính đến khi mở tự do, hoặc có kết hợp gia tăng tưới cho phát triển nông nghiệp thì tác động vẫn nằm trong vùng đã được tính đến trong qui hoạch thủy lợi vùng ĐBSCL.

Với mục đích chính là giao thông thủy nội địa và vận tải hàng hóa, kênh sẽ phát huy hiệu quả nhất khi dòng chảy qua kênh nhỏ, hạn chế phù sa vào tuyến kênh để giảm khả năng gây bồi lắng. Về mặt chuyên môn kỹ thuật, hoàn toàn có thể suy luận rằng việc mở tự do liên tục ở tuyến kênh là rất khó có thể xảy ra. Vì vậy, các tác động bất lợi về đồng bằng sẽ càng thiên về gần hơn so với thông báo ban đầu của Campuchia là tác động nhỏ.

Chính vì vậy, thay vì quá lo lắng với việc thiếu thông tin, hoặc những tác động chưa lường tới khác, Việt Nam có thể tiếp cận theo hướng chia sẻ các kinh nghiệm để hỗ trợ việc thiết kế kỹ thuật cho tuyến kênh với hiệu quả cao nhất cho giao thông thủy sẽ góp phần giảm thiểu các tác động bất lợi đến an ninh nguồn nước về đồng bằng sông Cửu Long. 

Tô Văn Trường, Chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường

TÔ VĂN TRƯỜNG
Tin khác
Ra mắt câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền'
Ra mắt câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền'

Câu lạc bộ 'Doanh nông xanh ba miền' chính thức ra mắt, đánh dấu bước ngoặt phát triển nông nghiệp bền vững. 18 thành viên Ban chủ nhiệm là những doanh nông tiêu biểu.

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Lợi nhuận ‘khủng’, giảm ô nhiễm nhờ đệm lót sinh học
Lợi nhuận ‘khủng’, giảm ô nhiễm nhờ đệm lót sinh học

Bà Rịa - Vũng Tàu Nhờ làm phân hữu cơ từ đệm lót sinh học, Công ty Trang Linh đang chứng minh được hiệu quả kinh tế và sự đúng đắn trong triết lý nông nghiệp tuần hoàn.

Từ phụ phẩm dừa thành hàng xuất khẩu triệu đô
Từ phụ phẩm dừa thành hàng xuất khẩu triệu đô

Than dừa được làm chủ yếu từ gáo dừa - một phụ phẩm của ngành dừa. Xuất khẩu than dừa nói chung đang ngày càng tăng, mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước.

Xơ mướp thành hàng xuất khẩu cao cấp đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao
Xơ mướp thành hàng xuất khẩu cao cấp đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao

Từ xơ mướp, những bạn trẻ Đồng Tháp đã sáng tạo thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao, được thị trường đón nhận, đã xuất khẩu đi nhiều nước như Nhật, Hàn, Mỹ, EU...

Bã sắn cứu cánh ngành chế biến tinh bột
Bã sắn cứu cánh ngành chế biến tinh bột

Từ một phế phẩm tưởng chừng vô giá trị, bã sắn tại Tây Ninh đã trở thành nguồn thu quan trọng cho các doanh nghiệp chế biến tinh bột.

Câu chuyện thứ mười hai: Câu chuyện cây cam hạnh phúc
Câu chuyện thứ mười hai: Câu chuyện cây cam hạnh phúc

'Cây cam của tôi', 'Cây xoài nhà tôi', 'Cây dừa vườn tôi', 'Gạo ruộng nhà mình', v.v là những câu chuyện sáng tạo mang nhiều ý nghĩa.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 5] Đặt trụ hướng nắng, thu nhập cao từ thanh long trái vụ
Trái cây Sơn La vươn mình ra biển lớn: [Bài 5] Đặt trụ hướng nắng, thu nhập cao từ thanh long trái vụ

Chăm sóc thanh long trái vụ tốn công hơn nhưng bù lại, giá bán cao hơn hẳn và sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục
Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục

Ngày nay, sản xuất không chỉ dựa vào kinh nghiệm, từ những mô hình thành công ở địa phương cho thấy tri thức hóa nông dân đang là nhiệm vụ hàng đầu.

Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức
Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức

ĐBSCL Việc tham gia của nông dân vào các tổ chức kinh tế tập thể còn thấp và công tác đào tạo chưa đồng đều khiến hành trình tri thức hóa nông dân gặp khó khăn.