Hà Nội hồi sinh sông 'chết': [Bài 2] Những dự án 'ngủ đông' hàng chục năm

Minh Phúc - Thứ Năm, 27/02/2025 , 08:45 (GMT+7)

Không chỉ riêng sông Tô Lịch, cách đây nhiều năm, Hà Nội đã có quy hoạch và dự án để xử lý ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy. Tuy nhiên, các dự án này đến nay vẫn… nằm trên giấy.

Dự án “hồi sinh” sông Tích chưa đạt kỳ vọng?

Theo kết quả nghiên cứu rà soát được 3 cơ quan là Viện Thủy công (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) và Hội Cơ học Hà Nội thực hiện, vùng phía Tây Thủ đô Hà Nội có 4 con sông chính là sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ và sông Tô Lịch. Từ năm 2002 không có dòng chảy, nước tù đọng, bốc mùi hôi thối nồng nặc khó chịu, gây ô nhiễm môi trường, làm ô nhiễm cả nguồn nước ngầm, gây bức xúc cho người dân sống bên cạnh và du khách qua lại.

Đặc biệt, nhiều người dân vẫn phải dùng nước bẩn này để tưới cho lúa, rau màu, cây trồng và đưa vào ao hồ để nuôi trồng thủy sản… Thành phố Hà Nội đã có quy hoạch và triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, có giải pháp đã hoàn thành nhưng hiệu quả không đạt được như mong muốn.

Cống Thuần Mỹ ở xã Thuần Mỹ (Ba Vì) nằm trên bờ hữu sông Đà, lấy nước vào sông Tích. Ảnh: Minh Phúc.

Bài liên quan

Cụ thể, sông Tích (dài 110km), bắt nguồn từ vùng núi Ba Vì, chảy qua các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và hợp lưu với sông Bùi (từ Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình chảy về) tại ngã ba Tân Trượng, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, sau đó nhập vào sông Đáy tại ngã ba Ba Thá, huyện Chương Mỹ.

Nhiều năm qua, do việc xây dựng một số hồ chứa cùng diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp và tác động của biến đổi khí hậu, nguồn sinh thủy của sông Tích trở nên cạn kiệt, đặc biệt vào mùa khô. Nhiều đoạn đã trở thành sông "chết", ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của 8 huyện phía Tây, Tây Nam Hà Nội.

Năm 2010, dự án tiếp nước, khôi phục sông Tích được Thành phố Hà Nội phê duyệt với tổng mức đầu tư 6.914 tỷ đồng. Mục tiêu là lấy nước từ sông Đà với lưu lượng 60m3/s tiếp nguồn cho sông Tích, tưới 16.000ha, cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cải tạo môi trường sinh thái, đảm bảo tiêu thoát nước phòng, chống lũ cho lưu vực, xây dựng đường giao thông hai bên bờ sông, tạo điều kiện thuận lợi khai thác tiềm năng quỹ đất dọc hai bờ sông Tích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.

Giai đoạn 1 của dự án được xây dựng từ 2011, đến 2023 cơ bản hoàn thành. Nhưng theo các chuyên gia của Viện Thủy công, VNCOLD, nhiều năm mực nước hồ thủy điện Hòa Bình bị thiếu hụt, điển hình như năm 2019 thiếu 1/3 dung tích thiết kế, Nhà máy nước sông Đà phải lắp đặt trạm bơm dã chiến để bơm cấp nước xử lý.

Mùa kiệt năm 2023, mực nước sông Đà tại cống Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) không đạt +5m, trong khi cao trình đáy cống thiết kế lấy nước mùa kiệt là +5,5m, mực nước thiết kế tại cống là +8,4m. Nếu không có giải pháp dâng mực nước vào mùa kiệt, cống Thuần Mỹ sẽ không chủ động được nguồn theo thời vụ và nhiều thời điểm cũng “đắp chiếu” như một số cống lấy nước sông Hồng vào sông Đáy, sông Nhuệ.

“Mổ xẻ” các phương án hồi sinh sông Nhuệ, sông Đáy của Hà Nội

Đối với sông Đáy, công trình cống Cẩm Đình, cống Hiệp Thuận và tuyến kênh dẫn Cẩm Đình - Hiệp Thuận dài 12km (với mục tiêu lấy nước tự chảy từ sông Hồng, cấp cho sông Đáy với lưu lượng mùa kiệt là 36,24m3/s, về mùa lũ là 70m3/s, phục vụ sản xuất, sinh hoạt, cải tạo môi trường sinh thái và khôi phục lại dòng chảy trên sông để vận tải thủy) được bàn giao từ năm 2008, nhưng từ đó đến nay, mực nước sông Hồng tại cống Cẩm Đình thấp hơn so với cao trình đáy cống (+3m) nên không có nước chảy vào, công trình vẫn đang phải “đắp chiếu”.

Dòng nước sông Đáy ô nhiễm có màu đen, nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Phúc.

Về quy hoạch, theo Quyết định số 4673/QĐ-UBND ngày 18/10/2012, UBND thành phố Hà Nội có giải pháp cải tạo, nâng cấp đấu nối 2 tuyến kênh trạm bơm tiêu Săn và kênh trạm bơm tiêu Thụy Đức để chuyển nước từ sông Tích sang bổ sung vào sông Đáy với lưu lượng 20m3/s. Nhưng, theo phân tích của các chuyên gia Viện Thủy công và VNCOLD, "thực tế sẽ không hiệu quả", vì từ cống Lương Phú về đến trạm bơm Săn và 2 tuyến kênh trạm bơm Săn, Thụy Đức ra sông Đáy tổng chiều dài gần 70km. Sông Tích có độ dốc lớn, dòng chảy bị gấp khúc, tổn thất nhiều với mực nước thiết kế tại cống Lương Phú +8,3m, sẽ không đủ nước tự chảy ra sông Đáy được. Thế nên, quy hoạch này đã có hơn 12 năm nhưng vẫn chỉ… nằm trên giấy.

Đối với sông Nhuệ, nhiều năm nay, việc lấy nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ qua cống Liên Mạc rất khó khăn, nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm trước đến các tháng 1, 2, 3 của năm sau. Nguyên nhân là do cống Liên Mạc được thiết kế lấy nước sông Hồng vào sông Nhuệ ở cao trình 3,77m, trong khi mực nước cao nhất tại các đợt điều tiết nước từ hồ thủy điện, mực nước sông Hồng, đoạn cống Liên Mạc thấp hơn khả năng lấy nước của cống.

Kết quả quan trắc được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố hồi tháng 8/2020, sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội có 7 điểm cho chỉ số chất lượng nước (WQI) ở mức 10-25, tức ô nhiễm nặng đến rất nặng. Hai điểm cầu Tó (Thanh Trì) và Cự Đà (Tả Thanh Oai) ô nhiễm nặng nhất với chỉ số là 10.

Để làm “sống lại” sông Nhuệ, dự án xây dựng trạm bơm Liên Mạc với nhiệm vụ tưới, tiêu kết hợp, công suất 170m3/s để đưa nước sông Hồng và sông Nhuệ, nhằm pha loãng nước bị ô nhiễm, tạo dòng chảy thau rửa sông Nhuệ, giảm ô nhiễm môi trường đã hình thành.

Giai đoạn 1 của dự án có công suất 70m3/s, đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1902/QĐ-UBND ngày 28/2/2013, tổng mức đầu tư của dự án này là 4.242 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.716 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 855 tỷ đồng...

Tại thời điểm phê duyệt lần đầu, tiến độ dự án thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2015, nhưng đến nay hơn 10 năm vẫn chưa được khởi công xây dựng. Theo phân tích của các chuyên gia thủy lợi thuộc Viện Thủy công và VNCOLD, có nhiều nguyên nhân, trong đó có giải pháp kỹ thuật và hiệu quả sau đầu tư. Nếu bơm nước tạo dòng chảy cho sông Nhuệ, mỗi ngày đêm sẽ tiêu tốn khoảng 1 tỷ đồng tiền điện. Chưa tính chi phí xây dựng, chi phí quản lý vận hành và các chi phí khác, đầu tư lớn nhưng chưa chắc hiệu quả đã cao.

Còn đối với sông Tô Lịch, nguồn cấp cho sông Tô Lịch để tạo ra dòng chảy là Hồ Tây, nhưng Hồ Tây chỉ là kho chứa nước mưa, khi không có mưa, hồ phải trữ nước theo cao trình thiết kế nên không có nguồn cấp thường xuyên cho sông Tô Lịch.

Dự án xử lý nước thải Yên Xá, công suất 270m3/ngày đêm sẽ thu gom toàn bộ nước thải ra sông Tô Lịch và sông Lừ vào hệ thống đường ống đưa về trạm xử lý, sau đó tiêu ra sông Nhuệ. Khi dự án hoàn thành, không còn nước thải ra sông, lúc đó sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét không có nguồn cấp sẽ trơ đáy, trở thành sông “chết”.

Theo Quyết định số 4673/QĐ-UBND ngày 18/10/2012 của UBND thành phố Hà Nội, trạm bơm Liên Mạc sẽ cấp 5m3/s về sông Tô Lịch. Nhưng mực nước bể xả trạm bơm Liên Mạc khi quay đầu tưới thấp, không tự chảy về sông Tô Lịch được, vì vậy, phải bơm 2 cấp và phải đầu tư thêm nhiều tuyến kênh dẫn dài hơn 4km từ sông Nhuệ sang sông Tô Lịch chi phí lớn và chưa có nguồn bổ sung nước cho Hồ Tây.

Có thể thấy, Hà Nội đã đưa ra nhiều phương án/dự án/quy hoạch để hồi sinh các dòng sông nội đô phía Tây, tuy nhiên, các dự án đã triển khai hiện vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi và một số quy hoạch và phương án còn nhiều dấu hỏi về hiệu quả đầu tư.

Minh Phúc
Tin khác
Giải pháp sạ cụm với canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL
Giải pháp sạ cụm với canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL

Sạ cụm, đặc biệt là sạ cụm kết hợp bón vùi phân là giải pháp cơ giới hóa khâu xuống giống hiệu quả, thúc đẩy canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Con sâu tai trên bó rau và câu chuyện an sinh
Con sâu tai trên bó rau và câu chuyện an sinh

Nông nghiệp sạch cần sạch trước hết từ tâm trí và hiểu biết. Không có một nền nông nghiệp an toàn, bền vững thì con người sớm muộn cũng phải dừng lại cuộc hành trình của mình.

Bên trong Thái y viện triều Nguyễn
Bên trong Thái y viện triều Nguyễn

Những ai từng học nghề thuốc và hành nghề thầy lang giỏi, bất kể nguồn gốc xã hội đều có thể sát hạch vào Thái y viện. Cứ 2 năm triều Nguyễn lại định kỳ kiểm tra chất lượng và năng lực của các y quan.

Chuyện đất đai luôn nóng bỏng trong lịch sử nhân loại
Chuyện đất đai luôn nóng bỏng trong lịch sử nhân loại

Câu chuyện đất đai không đơn thuần là bất động sản mà liên quan đến các quan hệ cộng đồng, được nhà nghiên cứu Simon Winchester trình bày qua cuốn sách ‘Đất đai’.

Đẩy lùi nỗi lo về tuyến trùng và vàng lá thối rễ trên cây trồng
Đẩy lùi nỗi lo về tuyến trùng và vàng lá thối rễ trên cây trồng

Trước mối nguy thầm lặng của tuyến trùng và bệnh vàng lá thối rễ do Fusarium sp. gây ra, hàng trăm nhà khoa học đã cùng thảo luận các biện pháp phòng trừ bệnh hại nguy hiểm này.

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má
Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 ra mắt cuốn sách mới có tên gọi 'Bạc đầu nhớ má' ghi lại kỷ niệm về những vùng đất đi qua, những con người tương phùng.

Tây Ban Nha: Doanh thu ngành công nghiệp thịt đạt 34,2 tỷ euro năm 2024
Tây Ban Nha: Doanh thu ngành công nghiệp thịt đạt 34,2 tỷ euro năm 2024

Xét theo toàn bộ chuỗi giá trị, bao gồm chăn nuôi và bán lẻ, Tây Ban Nha có ngành công nghiệp thịt đang tạo ra khoảng 700.000 việc làm...

Định hướng chiến lược để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và phát triển bền vững
Định hướng chiến lược để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và phát triển bền vững

Trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kinh ngạc trong tăng trưởng kinh tế, với GDP tăng trưởng trung bình khoảng 6-7% mỗi năm, đưa quốc gia từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình thấp.

AGRITECHNICA ASIA Vietnam 2025 – Cơ hội kết nối và bứt phá trong nông nghiệp
AGRITECHNICA ASIA Vietnam 2025 – Cơ hội kết nối và bứt phá trong nông nghiệp

TP.HCM Triển lãm máy móc nông nghiệp lớn nhất châu Á sẽ mở cửa miễn phí cho công chúng từ ngày 12-14/3 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn.

Quy hoạch tốt, nuôi biển bền vững, giảm tác động đến đa dạng sinh học
Quy hoạch tốt, nuôi biển bền vững, giảm tác động đến đa dạng sinh học

Với quy hoạch cẩn thận, có thể mở rộng nuôi biển để cung cấp thực phẩm cho hàng tỷ người nhưng vẫn giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học biển.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt cuốn sách ‘Tiếng gọi chân trời’ viết về những cuộc đi về nhân gian, qua góc nhìn đa cảm của một phụ nữ.

Yến sào Việt Nam: Xu hướng phát triển sản phẩm quốc tế
Yến sào Việt Nam: Xu hướng phát triển sản phẩm quốc tế

Yến sào Việt Nam đang thu hút sự chú ý lớn từ các nhà mua hàng quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, mở ra nhiều cơ hội phát triển sản phẩm từ yến.