Vận hành hồ chứa mùa mưa lũ cần sự tự tin và lòng dũng cảm

 

 

Trong suy nghĩ của nhiều người, làm thủy lợi không có gì là khó. Hồ, đập đã được nhà nước xây dựng sẵn; mùa mưa, người có trách nhiệm vận hành chỉ việc tích nước, đến mùa nắng thì xả nước tưới cho cây trồng. Thế nhưng thực tế chẳng hề đơn giản như vậy.

Bình Định là tỉnh có địa hình chia cắt mạnh, để tạo nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ngay trong những ngày đầu đất nước thống nhất, tỉnh này đã dồn lực bắt tay vào công cuộc xây dựng hồ chứa nước.

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đến nay, trên địa bàn tỉnh này có 164 hồ chứa nước lớn nhỏ. Tổng dung tích các hồ chứa trên địa bàn Bình Định hiện đạt 582 triệu khối nước; cộng lượng nước được cung cấp từ các hồ thủy điện Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn C, Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom 1 nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, mỗi năm Bình Định được nhận thêm khoảng 300 triệu khối; thêm vào đó, thủy điện An Khê - Ka Nát (Gia Lai) mỗi năm bổ sung cho Bình Định khoảng 500 - 600 triệu khối nước nữa.

Mới nghe, có lẽ mọi người đều nghĩ bụng: “Bình Định là tỉnh giàu có về nước tưới, sử dụng sao cho hết”. Quả nhiên không sai, nhưng vấn đề là ngành chức năng tỉnh này phải làm thế nào để sử dụng thật hiệu quả lượng nước nói trên. Dồi dào nguồn nước mà không biết cách giữ thì vào mùa mưa nước cũng theo các dòng sông trôi tuột hết ra biển, đến lúc cần không còn nước để sử dụng; còn nếu giữ nước lại trong các hồ chứa thì nếu mưa lớn hoặc lũ xảy ra sẽ dẫn tới nguy cơ vỡ hồ.

Đứng trước bài toán khó nói trên, theo chia sẻ của ông Hồ Đắc Chương, những người có trách nhiệm quản lý, vận hành các công trình thủy lợi đòi hỏi phải toàn tâm toàn lực với công việc đến từng việc nhỏ nhất, đặc biệt là phải có kiến thức tổng hợp về chuyên môn để biến bất lợi thành lợi thế.

“Trong những mùa mưa lũ, người làm công tác thủy lợi “hao tâm tổn trí” không ít trong việc vận hành các công trình để vừa đảm bảo an toàn hồ đập, vừa cắt giảm lũ bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân sống dưới hạ du, đồng thời phải đảm bảo nước tích trữ trong các hồ chứa đủ để năm sau cung ứng cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và các ngành công nghiệp khác”, ông Chương chia sẻ.

Do đó, trước những mùa bão lũ, ngành chức năng Bình Định đã phải “mướt mồ hôi” với công tác bảo đảm an toàn hồ đập với 3 nhiệm vụ tích hợp như đã nói trên. Hàng năm, sau khi thúc mùa khô, ngành chức năng Bình Định phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra tất cả các hồ, đập trên địa bàn; đánh giá mức độ hư hỏng của từng công trình. Qua kết quả kiểm tra, trước mùa mưa lũ, ngành chức năng Bình Định đưa ra giải pháp tích nước ở mức độ nào, hoặc không tích nước cho từng hồ chứa, báo cáo UBND tỉnh để có chỉ đạo cụ thể.

Nhờ công tác kiểm tra sát sao, cùng sự tuân thủ của các chủ hồ, chủ thể khai thác, vận hành hồ chứa trên địa bàn Bình Định, trong những năm qua, công tác an toàn hồ đập được thực hiện tốt. Đến mùa mưa lũ, những người có trách nhiệm ở Bình Định đặc biệt quan tâm đến các hồ chứa lớn, như: Hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) có dung tích chứa 226 triệu khối nước, hồ Núi Một (thị xã An Nhơn) có dung tích chứa 110 triệu khối, hồ Đồng Mít (huyện An Lão) có dung tích chứa gần 90 triệu khối, hồ Hội Sơn (huyện Phù Cát) có dung tích chứa 45 triệu khối…

 

Đó là những hồ chứa lớn có khả năng điều tiết nước lũ ở thượng nguồn nhằm làm giảm ngập cho hạ du. Trên lưu vực sông Kôn thì đã có quy trình vận hành liên hồ chứa do Chính phủ ban hành. Vào thời điểm nào trong mùa mưa lũ, hồ nào sẽ phải xả với lưu lượng bao nhiêu, vào thời điểm nào được giữ lại trong hồ mực nước bao nhiêu được thể hiện cụ thể quy trình vận hành liên hồ chứa, những sự cố vượt quá thẩm quyền thì ngành chức năng sẽ báo UBND tỉnh để có ý kiến chỉ đạo, ngành chức năng cứ thế thực hiện nghiêm cẩn sẽ đạt độ an toàn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình mưa lũ diễn biến rất bất thường, mang tính cực đoan. Có những năm, khi vùng đồng bằng đã ngập lụt thì bỗng dưng có mưa từ ngoài biển vào đất liền. Nếu “nhát gan”, những người có trách nhiệm sẽ không dám tích nước trong các hồ chứa, bởi, sợ nếu hồ tích đầy nước mà mưa lớn vẫn kéo dài thì sẽ mất an toàn công trình. Khi ấy, ngành chức năng Bình Định phải “vắt óc” tính toán, trình UBND tỉnh xin được giữ nước lại trong các hồ chứa để giảm ngập cho hạ du. Đến khi thấy ở hạ du đã giảm ngập thì mới xả nước trong các hồ chứa để tiếp tục đón đợt lũ mới. Nhờ đó, những năm vừa qua, ngành chức năng hết nghe người dân vùng hạ du ca thán vì ngập lụt.

 “Qua theo dõi thông tin từ cán bộ địa phương và nhân dân ở những vùng hạ du các hồ chứa nước lớn trong tỉnh, chúng tôi nhận được phản hồi là những năm gần đây, công tác điều tiết lũ của những hồ chứa lớn trong tỉnh cho thấy hiệu quả rõ rệt, người dân đã không còn chịu cảnh ngập ngụa kinh hoàng như trước đây. Chính điều này đã gây dựng được niềm tin trong lòng người dân về công tác vận hành các hồ chứa của ngành chức năng, qua đó điều tiết lũ hợp lý, giúp giảm nhẹ rủi ro thiên tai vùng hạ du”, ông Hồ Đắc Chương phấn khởi cho hay.

 

 

Những năm gần đây, Bình Định đã đầu tư chiều sâu vào công tác phòng, chống thiên tai cho các công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quan trắc cảnh báo thiên tai tại địa phương ngày càng hoàn chỉnh. Mạng lưới quan trắc khí trượng thủy văn đã được thiết lập ở các lưu vực sông hồ, hồ chứa nước lớn. Các bản đồ rủi ro từng loại hình thiên tai được xây dựng ngày càng chi tiết, đảm bảo cung cấp kịp thời thông tin tham mưu phục vụ lãnh đạo các cấp chỉ đạo điều hành.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên diễn biến của thời tiết ngày càng thất thường. Nên vào những mùa mưa lũ, ngành chức năng Bình Định đã phải “hao tâm tổn trí” không ít trong công tác vận hành hồ đập.

Ông Hồ Đắc Chương nêu ví dụ gần nhất vào năm 2023 vừa qua: Theo dự báo, lượng mưa xảy ra trong mùa mưa năm 2023 sẽ đạt thấp. Nhưng không có nghĩa ít mưa là không có lũ. Với suy nghĩ này, ngành chức năng Bình Định do dự giữa việc đóng cửa tràn để tích nước, hay không đóng cửa tràn để nước thoát đi giữ an toàn cho hồ, đập. Lại nghĩ, nếu không đóng các cửa tràn thì lượng mưa đã ít, lại sẽ tuôn hết ra biển. Còn nếu đóng cửa tràn thì lỡ lũ xảy ra thì biết phải xử lý như thế nào để bảo đảm an toàn cho hồ, đập. Đây là bài toán cực khó cho những người làm công tác thủy lợi, nhất là những người quản lý, vận hành các hồ chứa nước.

Đứng trước bối cảnh trên, những người có trách nhiệm trong ngành thủy lợi ở Bình Định vừa dựa vào thông tin thu thập được từ dự báo thời tiết, căn cứ vào lượng nước đang tích trong các hồ chứa, kiến nghị với UBND tỉnh là mặc dù cơn mưa xuất phát từ biển vẫn đang tiếp diễn, nhưng các hồ chứa chưa tích đầy nước, nên xin được đóng các cửa tràn các hồ chứa để giữ nước. Sau khi UBND tỉnh Bình Định xem xét kiến nghị của ngành chức năng hợp lý, nên đã cho phép đóng cửa tràn các hồ chứa.

Do các cửa tràn được đóng, nên sau khi kết thúc mùa mưa, dung tích các hồ chứa trên địa bàn tăng từ 75% lên 93% so với dung tích thiết kế. Nhờ đó, trong năm 2024, dù thời tiết diễn biến phức tạp, ngay từ vụ đông xuân đã xảy ra nắng nóng gay gắt kéo dài đến vụ hè thu, nhưng nước trong các hồ chứa không chỉ phục vụ đủ cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, mà còn tạo nguồn nước sinh hoạt phục vụ dân sinh và cung cấp cho các ngành công nghiệp.

“Nếu không quyết định đóng cửa tràn, mực nước trong các hồ chứa mới chỉ đạt 75%, năm 2024 Bình Định không biết phải xoay sở như thế nào trước tình hình nắng nóng khắc nghiệt”, ông Hồ Đắc Chương chia sẻ.

 

 

Là người “cầm trịch” ngành thủy lợi của tỉnh Bình Định, ông Chương nhớ lại đã có lần ông đề xuất với UBND tỉnh về việc cho đóng các cửa đập để tích nước, hay đề xuất mở cửa đập để nước thoát đi nhằm giữ an toàn cho công trình, ông đã phải trải qua những thời khắc “cân não”. Để UBND tỉnh chấp thuận đề xuất, ông đã phải giải trình cụ thể về lượng nước trong các hồ chứa hiện tại và dự báo của khí tượng thủy văn trong thời gian sắp tới.

“Có nhiều trường hợp sau khi đề xuất với UBND tỉnh cách ứng phó với diễn biến của thời tiết đối với các hồ chứa, tôi lập tức sống thấp thỏm với nỗi lo. Bởi, đề xuất là theo chủ quan của ngành chuyên môn, nhưng không thể nào lường hết diễn biến của thời tiết, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Nếu thời tiết diễn biến bất thường, có thể những lập luận trong đề xuất của mình sẽ bị “phá sản”. Lo thì lo, nhưng tôi tin tưởng vào nhận định của mình và tự tin đề xuất”, ông Chương nói.

Ông Chương nêu thêm ví dụ: Vào mùa mưa năm 2022, căn cứ vào lượng mưa thực tế, ngành nông nghiệp Bình Định đề xuất UBND tỉnh cho phép giữ lại nước trong hồ Định Bình. Sau khi đề xuất bằng văn bản, ngành chức năng Bình Định liền nặng lòng với nỗi lo là nếu hồ Định Bình đã được phép giữ lại nước mà trời vẫn tiếp tục mưa lớn, vào thời điểm đó dưới hạ lưu đã úng ngập, thì làm sao dám xả nước để giữ an toàn cho hồ.

“Sau khi được UBND tỉnh cho phép đóng các cửa đập của hồ Định Bình để giữ nước, tôi lập tức “mất ăn mất ngủ” bởi lo lắng. Năm ấy, khi hồ Định Bình tích đến mực nước mà ngành chức năng Bình Định xin được phép giữ lại, đến khi ấy thì trời quang mây tạnh, không còn mưa xảy ra, tôi thở phào nhẹ nhõm”, ông Chương nhớ lại.

Ông Chương khẳng định, người làm công tác thủy lợi trước tiên phải có kiến thức vững vàng về chuyên môn, thứ đến là phải biết nghe ngóng, biết nhìn trời, nhìn đất.

“Dù đã nghe dự báo thời tiết là trong thời gian tới sẽ có mưa lớn, dự báo thời tiết bây giờ rất đáng tin. Tuy nhiên, tôi vẫn phải theo dõi xem trên tường nhà mình kiến có kéo nhau chạy thành từng đàn hay không, bởi kiến là loài có dự cảm về mưa lũ rất tốt. Hoặc đi về những vùng nông thôn nhìn xem cua dưới ruộng có bò lên bờ với vẻ hốt hoảng để tránh lũ hay không, để củng cố thông tin mình nghe về dự báo thời tiết mà yên tâm vận hành các công trình thủy lợi phù hợp”, ông Chương chia sẻ.

 

 

Đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã lắp đặt gần 100 trạm đo mưa tự động, trong đó 30 trạm đo mưa tự động chuyên dùng phục vụ phòng chống thiên tai; 600 điểm quan trắc lũ cộng đồng; các trạm quan trắc mực nước ở các hồ chứa.

Riêng tại hồ Định Bình, hồ chứa có dung tích lớn nhất tỉnh Bình Định với 226 triệu m3 nước đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát 12 cửa tràn và 4 trạm đo mưa tự động lưu vực hồ. Tất cả hình ảnh, dữ liệu tổng quan công trình, cao trình mặt nước, mực nước trong hồ chứa và việc đóng mở các cửa tràn… được cập nhật liên tục và truyền về Trung tâm Công nghệ phần mềm thủy lợi (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ NN-PTNT), Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định để nắm bắt kịp thời, chỉ đạo chính xác.

Theo quy định, cứ 5 năm hồ Định Bình phải được kiểm định an toàn một lần; kiểm định các yếu tố về khí tượng thủy văn, về mưa lũ và về công trình. Hàng năm, Sở NN-PTNT đã cùng Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định trực tiếp theo dõi các biến dạng của hồ Định Bình và nhận thấy các chỉ số ít biến động.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phòng, chống thiên tai và quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong giai đoạn 2026-2030, hồ chứa nước Định Bình sẽ được nâng cấp. Theo đó, dung tích chứa của hồ sẽ được nâng thêm 116 triệu khối.

“Dung tích tăng thêm của hồ Định Bình có 2 nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất là tăng dung tích phòng lũ, khi cần thiết, dung tích tăng thêm này sẽ giữ lũ lại để giảm ngập cho hạ du. Đồng thời, với dung tích nước tăng thêm trong hồ Định Bình, trong mùa khô, ngành chức năng sẽ chuyển nước về lưu vực sông La Tinh ở huyện Phù Cát thông qua hồ Hội Sơn nằm trên địa bàn xã Cát Sơn và hồ Hội Khánh ở huyện Phù Mỹ để tiếp nước cho phía Bắc huyện Phù Mỹ, đây là vùng khó khăn về nước tưới nhất Bình Định”, ông Chương cho hay.

Bình Định đã cận kề với mùa mưa lũ năm 2024, ngành chức năng tỉnh này đang lo lắng cực độ với diễn biến bất thường của thời tiết. Theo ông Hồ Đắc Chương, trong thời gian vừa qua, nhiều tỉnh phía Bắc đã “thất thủ” trước những cơn mưa lớn bất thường. Ông Chương nhớ lại, cách đây 2 năm, người dân phường Gềnh Ráng (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) cũng đã phải gánh chịu đợt mưa 77mm/giờ, khiến nhà cửa đường sá ngập lút.

“Biến đổi khí hậu khiến thời tiết bất thường, nên dẫu dự báo có chính xác đến mấy con người vẫn khó lòng chống đỡ. Bây giờ không còn mưa dàn trải diện rộng như ngày xưa, mà mưa tập trung như trút nước. Mùa mưa đã cận kề, ngành chức năng Bình Định đang nặng lòng lo cả bão, lũ, lũ quét và sạt lở đất”, ông Hồ Đắc Chương cho hay.

Hiện nay, Bình Định đã xây dựng và áp dụng phần mềm quản lý thiên tai từ cấp xã đến cấp tỉnh. Phần mềm này tích hợp mọi thông tin phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai. Qua phần mềm, ngành chức năng có thể biết cụ thể hộ ông A. ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân đang ở trong ngôi nhà như thế nào, có bao nhiêu nhân khẩu, trong đó có bao nhiêu người dễ bị tổn thương, địa phương ấy có công trình hạ tầng như thế nào…

Dựa trên phầm mềm quản lý thiên tai nói trên, khi thiên tai xảy ra, nếu dự báo bão cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 12 đổ bộ vào địa phương nào đó, ngành chức năng sẽ xác định được vùng ảnh bị ảnh hưởng trực tiếp, vùng nào bị ảnh hưởng gián tiếp và phần mềm sẽ cho ra ngay các thông số về sơ tán dân, những hộ nào phải sơ tán, xen ghép với hộ nào. Phần mềm còn cụ thể công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện vận chuyển người dân di dời đến nơi an toàn; cơ số lương thực, thực phẩm cần dự trữ để phục vụ dân di dời; lực lượng hỗ trợ cho các công tác nói trên cũng được phần mềm phòng chống thiên tai cho ra kết quả, dựa vào đó, các địa phương cứ thế thực hiện.

“Năm 2024, UBND tỉnh Bình Định giao cho ngành nông nghiệp trong tháng 10 tới đây tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai cấp tỉnh tại xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước)”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Đình Thung
Trương Khánh Thiện
Đình Thung
Phương Chi