| Hotline: 0983.970.780

Bất cập giá thủy lợi, quản lý thủy nông khốn đốn

Thứ Tư 12/06/2024 , 13:26 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Mức giá thủy lợi hiện hành bằng mức cấp bù thủy lợi phí cách đây 12 năm, khiến đơn vị quản lý lẫn các địa phương đang vận hành hồ chứa đều khốn đốn…

Càng quản lý nhiều công trình, khó khăn càng chồng chất

Nghị định 96/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thay thế Nghị định 67/2012 về mức thu thủy lợi phí.

Theo đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất cây lương thực và tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tiêu, thoát nước khu vực nông thôn, đô thị, trừ vùng nội thị.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, để nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương, các địa phương phải xây dựng khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trình Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính xem xét, thẩm định, phê duyệt. Bất cập lộ ra khi Bộ Tài chính yêu cầu giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi bằng mức giá tối đa mức cấp bù thủy lợi phí đã áp dụng từ 12 năm trước theo Nghị định 67 năm 2012.

"Trong 12 năm qua, lương cán bộ nhân viên, giá vật tư, vật liệu, trang thiết bị, xăng, dầu, điện… phục vụ công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi đều tăng cao; thế nhưng giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi lại không thay đổi, khiến đơn vị quản lý công trình thủy lợi lâm vào cảnh khó khăn. Đơn vị nào quản lý càng nhiều công trình thì khó khăn càng chồng chất”, ông Hồ Đắc Chương chia sẻ.

Giàn công tác của đập Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: V.Đ.T.

Giàn công tác của đập Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: V.Đ.T.

Đơn cử như Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định, đơn vị đang quản lý, vận hành 63 hồ chứa nước vừa và lớn; đập dâng Văn Phong, 26 đập dâng lớn trên sông cùng hệ thống kênh mương dài 1.300km và trên 5.000 công trình trên kênh.

Như ông Hồ Đắc Chương đã nói: “Đơn vị nào quản lý càng nhiều công trình thì khó khăn càng chồng chất”, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định đang khốn khổ vì công trình quản lý quá nhiều, mà mức giá thủy lợi được hỗ trợ chẳng bao nhiêu nên khó khăn chồng chất.

Ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định chia sẻ: Do mức giá hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ thủy lợi quá thấp, nên số tiền Công ty được hỗ trợ không nhiều. Riêng năm 2023, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định được tỉnh giao đảm bảo tưới tiêu cho hơn 75.900 ha lúa, doanh thu từ sản phẩm dịch vụ thủy lợi và từ các dịch vụ khác được 66,113 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng chi phí cho công tác vận hành công trình thủy lợi theo quy định, như: tiền lương cán bộ, nhân viên; các khoản bảo hiểm chi trả cho cán bộ, nhân viên đã “ngốn” hết 45,988 tỷ đồng. Số tiền còn lại chỉ đủ để đầu tư tu sửa một số hạng mục công trình nhỏ mang tính cấp bách.

“Hiện nay, có rất nhiều công trình do Công ty quản lý đã bị xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Đáng quan ngại nhất là 47 hồ chứa nhỏ Công ty tiếp nhận từ các địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố, nhưng do không có kinh phí nên Công ty không thể nâng cấp, sửa chữa. Vì thế, mỗi mùa mưa lũ đến, chính đơn vị quản lý chúng tôi cũng thấp thỏm lo không kém người dân sống dưới hạ du, trong vùng chịu tác động của công trình”, ông Nguyễn Văn Tánh cho hay.

Theo ông Hồ Đắc Chương, trong bối cảnh trên, để đảm bảo an toàn hồ chứa, hàng năm, Sở NN-PTNT cùng Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định cân đối ngân sách, bố trí kinh phí để tu sửa các công trình thủy lợi đã bị hư hỏng, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Đập Lại Giang hư hỏng mà đơn vị quản lý không có tiền tu sửa. Ảnh: V.Đ.T.

Đập Lại Giang hư hỏng mà đơn vị quản lý không có tiền tu sửa. Ảnh: V.Đ.T.

Các HTX quản lý hồ chứa càng khốn đốn

Mức giá sản phẩm thủy lợi bất hợp lý không chỉ gây khó cho công tác quản lý, vận hành công trình của Công ty TNHH KTCTTL Bình Định; mà còn khiến cho các HTX Nông nghiệp, đơn vị đang quản lý, vận hành các hồ chứa nhỏ ở Bình Định cũng đang lâm cảnh khốn đốn không kém.

Ví như ở huyện Phù Mỹ, địa phương có nhiều hồ chứa nhỏ nhất tỉnh Bình Định. Theo ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, trước đây, trên địa bàn huyện này có đến 45 hồ chứa nước vừa và nhỏ. Sau khi bàn giao những hồ chứa vừa cho Công ty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý, huyện Phù Mỹ còn đang quản lý 26 hồ chứa nhỏ.

“Trong 26 hồ chứa nhỏ hiện do huyện quản lý, 1 số hồ được giao cho các HTX Nông nghiệp và 1 số hồ giao cho chính quyền xã quản lý, vận hành. Quản lý chung được giao trách nhiệm cho Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ”, ông Hồ Ngọc Chánh cho hay.

Cũng theo ông Chánh, các HTX Nông nghiệp ở Phù Mỹ nhận nhiệm vụ quản lý hồ chứa hầu như đang “chết đứng”, vì mức giá thủy lợi được hỗ trợ không 'thấm' vào đâu so với khối lượng công việc quản lý, vận hành bộn bề. Những hồ chứa nhỏ có dung tích chứa rất thấp, nguồn cấp bù giá thủy lợi cũng thấp theo, nên chi phí vận hành thôi đã không đủ thì làm sao có kinh phí sửa chữa nhỏ những hư hỏng. Trong khi các hồ chứa nhỏ ở Phù Mỹ hiện đã “quá già”, hầu hết đã xuống cấp trầm trọng.

Hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) có 6 cửa tràn xả mặt và 6 cửa tràn xả đáy, mỗi cửa tràn nặng từ 15-20 tấn. Ảnh: V.Đ.T.

Hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) có 6 cửa tràn xả mặt và 6 cửa tràn xả đáy, mỗi cửa tràn nặng từ 15-20 tấn. Ảnh: V.Đ.T.

“Dù biết hồ chứa đã hư hỏng, nhưng các HTX Nông nghiệp quản lý công trình không thể đầu tư sửa chữa vì không có kinh phí. Trong 26 hồ chứa nhỏ huyện Phù Mỹ đang quản lý có nhiều hồ đã xuống cấp nghiêm trọng; trong đó, mới chỉ có 3 hồ là Giàn Tranh, Nhà Hố và Đá Bàn đã được UBND tỉnh Bình Định đưa vào danh sách sửa chữa, nâng cấp trong giai đoạn 2021-2025, riêng hồ Giàn Tranh được nâng cấp, sửa chữa trong năm 2024”, ông Hồ Ngọc Chánh cho hay.

Nói đến câu chuyện quản lý, vận hành hồ chứa, gương mặt ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ, Bình Định) bỗng dưng tối sầm, giọng nói đượm buồn: “Công tác quản lý hồ chứa khiến HTX chúng tôi “chết lâm sàng” chứ được gì đâu”.

Theo ông Tân, HTX Nông nghiệp Mỹ Hòa đang quản lý 5 hồ chứa nhỏ, gồm các hồ Giàn Tranh, Ông Rồng, Gò Miếu, Đập Quang và hồ Đồng Phó. Hồ có dung chứa lớn nhất là hồ Giàn Tranh cũng chỉ 300.000 khối nước, hồ có dung tích chứa nhỏ là nhất hồ Ông Rồng với 50.000 khối.

“Ngoài hồ Giàn Tranh được nâng cấp, sửa chữa trong năm 2024, các hồ còn lại do HTX Nông nghiệp Mỹ Hòa quản lý hiện đã rệu rã. Ví như hồ Gò Miếu được xây dựng từ những ngày đầu giải phóng, hiện nay tràn xả lũ và ván phai đã xuống cấp nghiêm trọng, gây khó cho đơn vị quản lý trong vận hành. Lo ngại nhất là trong mùa mưa lũ, thao tác đóng mở hồ bằng ván phai tiềm ẩn nguy hiểm cho người vận hành và cho cư dân sống dưới hạ lưu hồ. Trong mùa nắng hạn, HTX hợp đồng lao động thực hiện việc dẫn nước, trong mùa mưa lũ thì cán bộ HTX thay phiên nhau trực để vận hành, bảo đảm an toàn cho từng hồ chứa”, ông Nguyễn Đức Tân chia sẻ.

Hồ chứa nước Đồng Mít (huyện An Lão, Bình Định) đang được Công ty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý, vận hành bằng công nghệ cao. Ảnh: V.Đ.T.

Hồ chứa nước Đồng Mít (huyện An Lão, Bình Định) đang được Công ty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý, vận hành bằng công nghệ cao. Ảnh: V.Đ.T.

Vấn đề nhức nhối nhất trong công tác quản lý, vận hành các hồ chứa của HTX Nông nghiệp Mỹ Hòa là bất cập về mức giá thủy lợi, đã khiến HTX không đủ kinh phí quản lý các hồ chứa trên địa bàn, đặc biệt là thiếu hụt trầm trọng kinh phí duy tu, sửa chữa nhỏ những hư hỏng các hồ thường xuyên.

Cũng theo ông Tân, sau khi bàn giao các hồ lớn cho Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, 5 hồ chứa còn lại do HTX Nông nghiệp Mỹ Hòa quản lý, vận hành, mỗi năm HTX được nhận khoản hỗ trợ giá thủy lợi khoảng gần 900 triệu đồng. Sau khi bị ảnh hưởng do thi công tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn, mức giá thủy lợi của 5 hồ chứa nhỏ ở xã Mỹ Hòa được nhận chỉ còn gần 860 triệu đồng.

“Trong khoản tiền 860 triệu đồng, HTX phải trích 30% cho phí quản lý, còn lại là chi thường xuyên. Ở Mỹ Hòa, phía sau 5 hồ chứa nhỏ còn có 12 đập dâng, đập bổi và công trình đầu mối nên có mức chi phí thường xuyên rất cao. Những khoản chi phí thường xuyên gần như “ngốn” hết khoản tiền hỗ trợ còn lại sau khi đã trích 30% cho phí quản lý, nên hầu như không có kinh phí sửa chữa những hư hỏng nhỏ của các hồ”, ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Hòa chia sẻ.

Xem thêm
Ra mắt cuốn sách mới về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cuốn sách mang tên 'Xây dựng 'thế trận lòng dân', huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch'.

Thủ tướng yêu cầu chủ tịch các tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Chủ tịch các tỉnh, thành phải trực tiếp chỉ đạo xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh...

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Để làng O2 không còn cách biệt với miền xuôi

BÌNH ĐỊNH Để ngôi làng trên đỉnh Konhlon không còn xa vời vợi, không gì khác hơn là phải làm con đường nối làng O2 với miền xuôi Vĩnh Kim. Bình Định đang tính toán chuyện ấy!

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm