| Hotline: 0983.970.780

Vận hành hồ chứa mùa mưa lũ: Nhảy trước khi nước đến chân

Thứ Năm 19/10/2023 , 10:29 (GMT+7)

Công tác đảm bảo an toàn hồ chứa trước mùa mưa lũ không để ‘nước đến chân mới nhảy’.

Sẵn sàng “4 tại chỗ” mùa mưa lũ

Trên địa bàn Bình Định hiện có hơn 163 hồ chứa nước có dung tích trữ khoảng 500-600 triệu m3. Riêng Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định chịu trách nhiệm quản lý 67 hồ có dung tích chứa từ 3 triệu m3 trở lên, cùng 24 đập dâng lớn trên các hệ thống sông Kôn, Hà Thanh, La Tinh và Lại Giang.

Với số lượng hồ chứa nhiều, ngành chức năng Bình Định luôn đặt công tác an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ làm nhiệm vụ hàng đầu và chuẩn bị chu đáo đến những chi tiết nhỏ nhất, đặc biệt là đối với những hồ chứa lớn như hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh), hồ Đồng Mít (huyện An Lão), hồ Núi Một (thị xã An Nhơn), hồ Thuận Ninh (huyện Tây Sơn), hồ Hội Sơn (huyện Phù Cát), hồ Vạn Hội (huyện Hoài Ân)...

Trước mùa mưa lũ năm 2023, cách đây 3 tháng, Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Định đã kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai (BCH PCTT) của công ty, đồng thời, lãnh đạo của công ty còn tham gia các BCH PCTT của Sở NN-PTNT và UBND tỉnh Bình Định.

Ban chỉ huy PCTT của Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Định phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các trưởng phòng chuyên môn và các giám đốc xí nghiệp thủy lợi trực thuộc được công ty cũng phân công nhiệm vụ cụ thể.

Hồ chứa nước Núi Một (thị xã An Nhơn), hồ chứa nước lớn được xây dựng đầu tiên tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Hồ chứa nước Núi Một (thị xã An Nhơn), hồ chứa nước lớn được xây dựng đầu tiên tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Đặc biệt, từng công trình hồ chứa trên địa bàn Bình Định đều có phương án PCTT cụ thể. Riêng phương án PCTT các hồ chứa lớn do Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Định lập phương án, trình Sở NN-PTNT thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt. Những hồ chứa nhỏ hơn giao cho các xí nghiệp thủy lợi trực tiếp quản lý lập phương án PCTT, trình UBND huyện phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Định, phương châm “4 tại chỗ” được áp dụng cho từng hồ chứa. Riêng lực lượng tại chỗ trong phương án PCTT được phân công cụ thể cho từng thành viên. Ví như Trưởng BCH PCTT hồ chứa nước Định Bình do ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đảm nhiệm, Phó ban là Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, Ủy viên là ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Định. Hoặc như hồ Núi Một, Trưởng BCH PCTT là ông Lê ThanhTùng, Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, Phó ban là Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Định, các Chủ tịch xã lân cận hồ Núi Một là Ủy viên.

“Chiều 13/10 vừa qua, UBND thị xã An Nhơn họp BCH PCTT hồ Núi Một, thành phần gồm chủ tịch các xã lân cận, ngành điện, ngành viễn thông có mặt đầy đủ, vì trong công tác phòng chống thiên tai rất cần điện và liên lạc thông suốt. Mục đích cuộc họp là để rà soát lại công tác chuẩn bị ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” đã đầy đủ chưa, vấn đề gì còn khiếm khuyết thì bổ sung. Sáng 13/10 UBND huyện Hoài Ân cũng đã tổ chức họp BCH PCTT hồ Vạn Hội”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Định, cho hay.

Đơn vị quản lý kiểm tra công trình đầu mối hồ Núi Một (thị xã An Nhơn, Bình Định) trước mùa mưa lũ. Ảnh: V.Đ.T.

Đơn vị quản lý kiểm tra công trình đầu mối hồ Núi Một (thị xã An Nhơn, Bình Định) trước mùa mưa lũ. Ảnh: V.Đ.T.

Riêng các hồ chứa lớn do Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Định quản lý, về mặt nhân sự đã được phân công theo phương án PCTT của từng công trình, đơn vị này cũng đã chủ động chuẩn bị các loại vật tư, vật liệu như đá, sạn, cát, bao, rọ sắt… để sẵn sàng ứng phó giờ đầu nếu công trình xảy ra sự cố.

“Trong “4 tại chỗ” thì “chỉ huy tại chỗ” là quan trọng hàng đầu. Bởi, khi hồ đập xảy ra sự cố thì người chỉ huy công trình cần có mặt tại hiện trường ngay từ đầu để chọn phương án xử lý, điều động phương tiện, vật tư, vật liệu xử lý giờ đầu, sau đó báo cáo lên cấp trên để xin chỉ thị phương án xử lý bước tiếp theo. Công trình bị sự cố nếu được phát hiện sớm sẽ kịp xử lý giờ đầu, nếu để sự cố xảy ra nghiêm trọng mới phát hiện thì khó lòng xử lý”, ông Phú chia sẻ.

An toàn hồ chứa đảm bảo 3 mục tiêu

Cũng theo ông Phú, hiện nay, các hồ chứa lớn trên địa bàn Bình Định đã sẵn sàng đón lũ, mực nước trong các hồ đã được đưa về mức quy định. Ví như hồ Định Bình trong thời gian này mực nước hồ đã đưa về dưới cao trình 72, dung tích chứa trống trong lòng hồ dành để đón lũ khi lũ về, nhằm làm giảm ngập lũ cho phía hạ du. Các hồ khác cũng đã được đưa về mực nước chết để đón lũ.

“Đến giờ này chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm tra các bộ phận cơ khí, bộ phận đóng mở các cửa tràn, xi lanh thủy lực, điện tại các công trình đầu mối để chuẩn bị vận hành. Cửa tràn tại các hồ cũng đã được treo lên để thông thoáng dòng chảy. Khi được ngành chức năng cho phép tích nước, các đơn vị quản lý hồ mới hạ cửa tràn xuống, mức hạ cửa tràn tùy thuộc vào dòng chảy của lũ, làm sao để vừa giảm lũ cho hạ du vừa an toàn công trình”, ông Phú cho hay.

Hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) đã sẵn sàng đón lũ năm 2023. Ảnh: V.Đ.T.

Hồ chứa nước Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) đã sẵn sàng đón lũ năm 2023. Ảnh: V.Đ.T.

“Quan trọng nhất trong vận hành hồ chứa là phải đảm bảo đồng thời 3 điều kiện, vừa an toàn công trình, vừa đảm bảo tích đủ nước để phục vụ tưới cho năm sau và vừa giảm lũ cho hạ du. 3 điều kiện ấy phải đảm bảo đồng thời, không thể nặng cái này bỏ cái kia, đơn vị quản lý công trình phải căn cứ vào tần suất lũ thực tế, tính toán chặt chẽ từng khối nước đến từng khối nước đi mới hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Định, chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Cẩn, Tổ trưởng Tổ Quản lý công trình đầu mối hồ Núi Một (thị xã An Nhơn, Bình Định), trước mùa bão lũ, 9 nhân viên của tổ đầu mối phải kiểm tra lại toàn bộ công trình, kiểm tra kỹ nhất là những thiết bị quan trọng như cống, tràn, đập. Nhất là kiểm tra đập để xem có phát sinh bất thường hay không, đặc biệt là những điểm có nguy cơ sạt lở, dễ thẩm thấu.

Cũng theo ông Cẩn, khi có mưa lũ lớn, 9 nhân viên trong tổ đầu mối hồ Núi Một phải trực 100%. Cứ 15 phút tổ đầu mối phải báo cáo hiện trạng của hồ. Ngoài 9 nhân viên trong tổ đầu mối, nếu hồ xảy ra sự cố thì cán bộ xí nghiệp và công ty sẽ hỗ trợ và tăng cường thêm 2 tổ khoảng 10 thành viên để cùng nhau xử lý.

“Nếu mưa lớn, nước lũ qua tràn thì ít nhất sẽ có 20 nhân viên của công ty lập tức có mặt để sẵn sàng xử lý sự cố, đó là chưa kể lực lượng hỗ trợ của địa phương. Trong những trường hợp đặc biệt, các lực lượng quân đội, công an, dân quân các xã lân cận hồ Núi Một tăng cường rất mạnh. Vật tư, vật liệu phòng chống thiên tai cho hồ Núi Một chúng tôi đã chuẩn bị chu tất, giờ chỉ nghe ngóng thời tiết để đề ra phương cách ứng phó”.

Ngành thủy lợi Bình Định chuẩn bị vật tư, vật liệu cho công tác phòng chống thiên tai. Ảnh: V.Đ.T.

Ngành thủy lợi Bình Định chuẩn bị vật tư, vật liệu cho công tác phòng chống thiên tai. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Cẩn chia sẻ: Tại công trình đầu mối hồ Núi Một đã có hệ thống quan trắc, nhờ hệ thống này mà tổ đầu mối hồ Núi Một đỡ tốn thời gian trực trên nền đập. Thế nhưng khi có mưa lũ xảy ra, tổ đầu mối sẽ không ỷ lại vào máy móc, mà cứ cách 2 tiếng đồng hồ phải bố trí 4 người đi kiểm tra hiện trạng của đập, xem có hiện tượng gì không, nếu phát hiện có sự cố phải báo ngay về công ty và đồng thời xử lý ngay giờ đầu, chứ để sự cố nghiêm trọng là hết đường.

“Vào năm 1998, lớp đất bảo vệ đập hồ Núi Một dày 30cm để trồng cỏ bị những tổ mối, tổ kiến, hang chuột làm nước thấm qua, cũng may là nhờ phát hiện sớn nên xử lý kịp thời. Sự cố này làm chúng tôi hoảng hồn trong mùa mưa lũ năm ấy. Sau đó Bộ NN-PTNT cho kinh phí sửa chữa nên giờ đã ổn”, ông Trần Văn Cẩn, Tổ trưởng Tổ Quản lý công trình đầu mối hồ Núi Một, chia sẻ.

“Trước mùa mưa lũ năm 2023, ngành chức năng đã kiểm tra toàn bộ hệ thống hồ chứa trên địa bàn tỉnh, hầu hết các hồ lớn đã an toàn, chỉ còn 10 hồ chứa nhỏ không an toàn sẽ hạn chế tích nước, còn lại 13 hồ nằm trong danh sách qua năm 2024 sẽ được sửa chữa, trong mùa mưa lũ năm nay chỉ tích nước đủ để phục vụ tưới cho vụ đông xuân 2023-2024, tháng 4 sang năm 13 hồ này sẽ được tiến hành sửa chữa”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.