Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở, hãy xem mỗi văn bản quy phạm pháp luật hay luật, thông tư như một sản phẩm để quảng bá và lắng nghe phản hồi từ xã hội.
Những người làm Luật phải lắng nghe phản hồi từ xã hội
Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở, hãy xem mỗi văn bản quy phạm pháp luật hay Luật, Thông tư như một sản phẩm để quảng bá và lắng nghe phản hồi từ xã hội.
Hiện, hệ thống văn bản quy phạm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo, ban hành, trình ban hành đang có hiệu lực thi hành là 446 văn bản. Các văn bản quy phạm pháp luật này, cùng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của quốc gia đã tạo khung pháp lý cơ bản đầy đủ trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN-PTNT được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành một Nghị định để quy định chi tiết Luật Đất đai vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, đây là một sức ép lớn do thời gian ngắn, gây khó khăn cho việc xin ý kiến các bên liên quan.
Ông NGUYỄN NHƯ CƯỜNG - Cục trưởng Cục trồng trọt
Nghị định có những điều mà chưa bao giờ được quy định mà có tác động cực kỳ lớn. Đó là được phép xây dựng công trình trên đất trồng lúa hoặc đất chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa. Đây là 1 vấn đề cực kỳ mới và cực kỳ có tác động tới xã hội, người dân. Chúng ta quản lý thế nào nếu không rõ thì người dân sẽ tưng bừng chỗ nào cũng xây dựng nhà, nhà kho mà vẫn tính là đất nông nghiệp thì sẽ như thế nào. Nhưng nếu chúng ta quản lý quá chặt thì người ta bảo chúng ta gây khó khăn. Đấy là tôi chỉ nêu 1 ví dụ cực kỳ mới, cực kỳ khó nhưng trong thời gian chỉ có như vậy.
Phát biểu tại Hội nghị Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế pháp luật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, việc căn chỉnh, sửa đổi luật là điều tất yếu và cần thiết để thích ứng với các thách thức kinh tế, xã hội, môi trường ngày một phức tạp.
Ông LÊ THÀNH LONG - Bộ trưởng Bộ Tư pháp
Có những hướng quy định và chỉ đạo gấp thì chúng ta sẽ dần dung hòa, cái gì đưa được vào, cái gì khó. Bây giờ có khoảng trên dưới chục vấn đề mà mấy năm không ra được nghị định thì phải tính toán câu chuyện chưa đưa vào, hoặc là tính toán luật có hiệu lực từng phần xong lùi lại 1 chút. Đương nhiên chúng ta thiết kế được một cái khoảng cách. Tuy nhiên trong mọi trường hợp xây dựng pháp luật đều phải có chủ thuyết. Những cái gì có thể linh hoạt được nhưng cũng có chủ thuyết chúng ta phải có bản lĩnh để bảo vệ.
Đóng góp ý kiến với Bộ Tư pháp cũng như các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, quá trình đề xuất ý tưởng lập pháp và xây dựng, hoàn thiện văn bản cần chủ động truyền thông đến những đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo chính sách để văn bản khi được ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đồng thuận cao trong nhận thức và tổ chức thực thi. Đồng thời, cũng cần thay đổi tư duy của những người làm luật.
Ông LÊ MINH HOAN - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tôi hay nói với anh em ‘Tư duy kinh tế là tư duy thị trường’, mỗi văn bản quy phạm pháp luật hay luật, thông tư hãy xem nó như một sản phẩm. Mình phải đưa nó tới thị trường, đưa tới xã hội, tới người dân, phải biết tiếp thị, quảng bá, lắng nghe sự phản hồi. Tại sao người ta phải mang sản phẩm mẫu ra người ta trưng bày để người ta góp ý. Chúng ta hãy trân quý những góp ý của xã hội và kích hoạt nó. Chứ chúng ta ngồi trong phòng ta không hiểu được hết đâu. Mà vốn dĩ nông nghiệp quá phức tạp, nó quá rộng.
Có thể nói, với sự chuyển đổi năng động của ngành NN-PTNT, việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đứng trước nhiều thách thức. Nhiều quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị. Một số lĩnh vực mới chưa có đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh như: thương hiệu nông sản quốc gia; hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế liên kết, khuyến nông gắn với du lịch, văn hóa cộng đồng; các chính sách, pháp luật về nông nghiệp để thích ứng biến đổi khí hậu…/.