Trần Tuấn Anh được nhiều người xưng tụng là “vua lan” bởi thâm niên chơi 45 năm. Ông mê lan đến nỗi băng rừng sâu, núi thẳm để sưu tầm, qua đó phát hiện ra 4 loại lan quý của thế giới, được thế giới đặt tên cho 3 loài gồm: Paph.trantuanhii; Den.trantuanii, Vanda tuananhii và 1 loài cho tên nước Việt Nam: Den.vietnamica.
Ông bắt đầu câu chuyện bằng một sự chiêm nghiệm rằng: “Tôi rất thích câu nói của người xưa: “Đôi khi phải nhìn lại chính đoạn đường mình đi xem có bị chệch hướng hay chưa”. Đường đời ai cũng ham muốn thú vui, vật chất. Như tôi có ham muốn có thật nhiều loại lan. Các cụ bảo: “Vua chơi lan, quan chơi trà”. Lan được coi là “vương giả hương” tức vua của các loài hương. Lan đấy chính là địa lan.
Tôi chỉ muốn là một gạch nối giữa thế hệ chơi lan xưa và nay. Có những nét văn hóa xưa cần phải lưu giữ nhưng cũng phải tiếp cận những thứ mới mẻ hơn, đừng có cổ hủ.
Để phát hiện ra cái nào là cổ hủ, cái nào là phù hợp cho cuộc sống ngày hôm nay thì không dễ. Bây giờ người ta chơi lan lắm kiểu, có thể hơn nhau một đường chỉ, sắc độ màu hay thân, củ, lá nhưng giá trị kinh tế đã lệch nhau một cách kinh khủng.
Giá lan đột biến ở ta bắt đầu sốt từ bao giờ thưa ông?
Tôi còn nhớ một sự kiện toàn số 6 và 8, ngày 6 tháng 8 năm 2018 giao dịch lan 5 cánh trắng giữa một nhà vườn tại La Gi (Bình Thuận) và CLB Hoa lan sông Hàn với giá 6,8 tỉ. Lúc đó tôi đang ở trong Tây Nguyên, vẫn làm Chủ tịch Hội Hoa lan Việt Nam nên có rất nhiều báo đến hỏi.
Tuy nhiên do một số tờ đã cắt gọt bài phỏng vấn nên khiến cho cả cộng đồng chơi lan tưởng tôi kỳ thị lan var nhưng thực tế không phải thế. Cho đến bây giờ có lẽ nhiều người vẫn không hiểu thế nào là cây lan var chứ tôi chơi lâu rồi, tại sao lại kỳ thị nó?
Tôi chỉ khuyên là hãy chơi sao cho tỉnh táo chứ đừng để "cây trong tủ" cứ ra đi mãi bởi cây ngoài vườn. "Cây trong tủ" chính là cây vàng đấy.
Vậy kiểu người Việt Nam chơi lan hiện nay có tiệm cận với thú chơi lan của thế giới hay là khác biệt thưa ông?
Thế giới họ cũng chơi lan nhưng không đến mức Thị Nở với hoa hậu như ở ta. Cái đó mới là văn hóa. Người Tây họ chơi lan thiên về màu sắc sặc sỡ còn người Á Đông chơi trầm hơn, kín hơn nhưng hương phải thực sự đẳng cấp.
Theo kiểu giới trẻ là nói vuông ấy, mình mà hô chỉ bằng một phần giá lan đột biến đang bán ở Việt Nam thôi là thế giới người ta đã cười rồi. Tôi có rất nhiều bạn bè là người chơi lan của nước ngoài nhưng họ nhận xét rằng: “Người Việt chúng mày chơi ngông quá!”.
Ta chơi một kiểu, hoàn toàn ao làng chẳng giống ai cả. Ví dụ những cây đột biến đang giao dịch tiền tỉ ở ta họ có khi chỉ định giá cỡ 1.000 USD tức hơn 20 triệu mà thôi. Nói giá tiền tỉ họ cười, không tin.
Ngay cả Việt kiều chơi lan bên Mỹ, có thu nhập gấp nhiều lần chúng ta cũng nói: “Tôi không bị điên để mua lan với giá ấy”. Tôi thừa nhận một điều rằng chúng ta đang chơi là để thể hiện, kiểu con gà tức nhau tiếng gáy, người này có thì người kia phải có và đè nhau để trấn áp cuộc chơi. Cũng như cả hội bạn bè một loạt đi ô tô đẹp mà mình đi cái rẻ tiền là dễ bị kỳ thị lắm!
Nói thật, tôi nghĩ rằng trong thị trường lan đột biến này không phải người ta bỏ một mớ tiền ra để mà chơi không đâu. Chơi là phải để thấy mặt hoa chứ đằng này chỉ chăm chăm cắt ki, nhân giống.
Có lẽ là đất nước ta còn nghèo nên chúng ta lúc mua lan về thì hi vọng hôm nay nó thế này, một thời gian sau nó ra được thế nọ. Đó chính là lợi nhuận người ta “tính cua trong hang” và chờ đón nó.
Tôi hoặc ai đó dù có ra sức ngăn cản cũng không thể cản được cơn lũ ống, lũ quét này của thị trường.
Chúng ta cũng có thể thấy dễ dàng một bà bán thịt lợn ở chợ giờ mở miệng ra là: “Hôm nay 5 cánh trắng Phú Thọ bao nhiêu nhỉ? Hôm nay Bạch Tuyết bao nhiêu nhỉ?”.
Nó gây ảnh hưởng lớn đến thị trường khiến tất cả các cây lan khác với phi điệp 5 cánh trắng đều bị ngừng trệ, tê liệt hết. Những cây phi điệp thường, hoa tím cách đây 2-3 năm bán tiền triệu giờ bán giá hơn 100.000đ là hơi khó.
Tôi được biết ở nước ngoài cũng có những giò lan được định giá cả chục ngàn, trăm ngàn thậm chí cả triệu USD đúng không? Vậy đó phải là những loại lan gì?
Đấy là những cây lan thực sự đặc biệt về gen, quá quý hiếm gần như không tìm ra được như cây hài bóng của Việt Nam được định giá hàng trăm ngàn USD tức hàng tỉ đồng hay bên Đài Loan họ vừa bán một cây hài hằng màu đỏ quy ra cũng khoảng hơn 1 tỉ đồng. Đó cũng là đắt lắm rồi.
Mấy loại 5 cánh trắng của ta họ cũng có chơi nhưng không có giá trị cao đến mức như vậy. Cách chơi của mình cũng bị ảnh hưởng, giống Trung Quốc. Gần 20 năm trước tôi có sang Trung Quốc thấy người ta đấu giá những cây địa lan quy ra tiền Việt cỡ hơn 30 tỉ, tôi nghĩ họ làm trò, họ ngông cuồng, thậm chí, xin lỗi, họ thần kinh. Tôi không nghĩ rằng nay ta lại lặp lại đúng chuyện như thế. Cay đắng phết!
Cay đắng ở đây là cho một thú chơi hay vì cái gì thưa ông?
Tôi chỉ muốn lan cho tất cả mọi người chứ không của riêng ai. Với giá cả tiền tỉ như hiện nay không biết anh có giàu không chứ cả đời tôi chắc không thể mua được một mẩu lan đột biến để mà chơi được, nhiều người khác cũng thế.
Nhưng với giá cao như hiện nay, lãi như hiện nay sẽ có nhiều người lao vào đầu tư lan theo hiệu ứng đám đông, liệu đó có phải một cơ hội để toàn dân tiếp cận với nghề lan dù cách tiếp cận đó là méo mó vì không phải khởi phát từ đam mê?
Tôi không hi vọng ở điều đó vì từ các cơ quan đầu ngành, chủ quản của ta không có chính sách đãi ngộ cho ngành lan. Ví dụ tôi sang Thái Lan cách đây 20 năm đã thấy nông dân nào muốn trồng hoa lan đều có quyền chọn đất và Nhà nước họ rất ưu đãi về điện, đường, trạm.
Các nước, vùng lãnh thổ mạnh về hoa cây cảnh như Nhật, Đài Loan đều theo hướng xuất khẩu, vậy với ta, hoa lan có xuất khẩu được không?
Chúng ta không thể xuất khẩu phi điệp 5 cánh trắng được vì không có thị trường. Thực ra những cây phi điệp 5 cánh trắng ở các nước cũng có chơi, không phải là ít nhưng nó không có giá như ở Việt Nam mà rất rẻ.
Vậy chúng ta muốn xuất sang thì có phải là ngược không? Hoa của họ còn to hơn, đẹp hơn của Việt Nam cơ nhưng người Việt lại bảo không đẹp. Cãi nhau về cái đẹp rất khó.
Người ta có tiền, người ta có sản phẩm, định giá thế nào là do họ nhưng ở đây phụ thuộc rất nhiều vào người mua.
Người mua với mục đích gì? Kinh doanh khác, chơi khác. Không biết mọi người giàu đến đâu nhưng tôi nghĩ bỏ tiền tỉ ra để mua một cái cây không phải là vĩnh hằng thì chắc chắn là chết.
Theo tôi phi điệp 5 cánh trắng rất ít người mua để chơi, tức là như xưa đến mùa hoa mà không có hoa mà ra toàn lá, ki bị các cụ chửi ngay là không biết nuôi trồng. Phải ra nhiều hoa mới là người biết chăm, biết chơi. Giờ ngược lại, cây phải xanh rì, ra nhiều ki con mới là biết, là trồng đỉnh cao.
Không chỉ các nhà kinh tế mà bản thân tôi cũng thấy chao đảo khi người ta lý luận rằng, lan đột biến cũng là sản phẩm tạo hiệu ứng cho nhiều thứ trong đời sống, an sinh như tạo việc làm, tạo dòng chảy của đồng tiền. Và khi người ta kinh doanh có lãi, có thể mua bất động sản, ô tô, các thứ khác.
Đúng là có chuyện đó thật nhưng mặt sau nó là cái gì nữa tôi chưa dám hi vọng là tốt. Nhà nước phải có chế tài làm sao để cho người dân trồng lan và tin tưởng vào nó.
Như tôi cũng có phi điệp đột biến Hai Mùa Hoa, tức mỗi năm ra hai mùa. Hơn nữa, phi điệp bình thường mỗi mắt chỉ có 1-3 hoa cùng lắm là 4 hoa nhưng đây có thể 8-10 hoa và hương thơm của nó cũng rất khác lạ. Tôi giao lưu lan với anh em thân tình giá khác, với những cháu sinh viên tôi cũng vẫn tư vấn cho cách có thể chơi được.
Dạo này không chỉ phi điệp 5 cánh trắng tăng giá mà còn cả dòng lan kiếm như Phan Trí cũng tăng, chỉ trong hơn 1 tháng gấp cả chục lần, cây nào đẹp cũng tiền tỉ. Theo như dự đoán của tôi thì họ đang có dư lượng tài chính nên chuyển sang chơi dòng kiếm cho đa dạng.
Thị trường phi điệp có vẻ như đang bão hòa bởi tràn ngập mặt hoa trong đó có cả những cây được cho là gieo từ hạt bởi công nghệ này Đài Loan, Trung Quốc làm từ rất lâu rồi. Tuy nhiên cũng chẳng sao bởi cây gieo hạt sẽ bị phân ly rất nhiều, mặt hoa không giống nhau.
Tôi cảm giác ông đang cô đơn trong giới chơi lan vì một hướng đi riêng? Nhiều người tiếc rằng ông là chuyên gia về lan mà lại bỏ qua cơ hội kiếm tiền dễ như vừa rồi?
Mỗi người có một lối chơi, người ta thấy lan đột biến là đẹp, là quý, tôi thấy không, thế thôi. Tôi vẫn tôn trọng sở thích, cách làm, giá bán của họ, nó là cái lộc của người ta không nên bài bác.
Tôi cũng đã mua một mảnh đất ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội rộng hơn 4.000m2 với giá 1 tỉ để làm bộ sưu tập đích thực cho ngành hoa lan với số lượng tối đa có thể cho từ sinh viên đến cả người nước ngoài đến thăm. Chính vì không chơi theo trào lưu nên tôi bị chửi là ngu rất nhiều lần. Có khi không bị chửi lại thấy nhớ (cười).
Nhưng ngoài 50 tuổi, các cụ nói ngũ thập tri thiên mệnh, tôi nhìn cuộc sống, thú chơi bình thản hơn. Thế giới người ta có thể tôn trọng anh vì có những cây “ba linh tinh”, hiếm về gen nhưng lại không có mấy giá trị thương mại. Với họ giá trị sử dụng và giá trị thương mại là khác nhau.
Có bao giờ giá trị sử dụng và giá trị thương mại gặp gỡ nhau được không?
Với người Việt Nam thì điều đó hơi khó. Ví dụ như cái xe Honda Dream qua sử dụng vẫn còn rất mới và đẹp có giá hàng trăm triệu nhưng giá trị sử dụng của nó bằng sao được cái xe mới tinh, rẻ hơn. Ở Việt Nam vẫn tồn tại những thứ điên rồ như vậy.
Tuy nhiên, nó vẫn đúng theo cái lý của người ta là cái đấy không còn nữa, nó hiếm thì tôi mua cho không giống người. Chuyện chơi lan này cũng có chút giống nhưng cái xe máy mua về chỉ là một cái xe máy còn lan mua về lại có thể nhân ra, được nhiều cây khác, có lợi về kinh tế.
Bởi thế ai chẳng làm? Tôi cũng muốn làm nhưng còn có nhiều việc khác với tôi quan trọng hơn nên tôi không tôi làm. Nếu làm thế tôi chẳng còn là tôi nữa vì đã cuốn theo một cơn lốc thương mại thuần túy.
Phàm cái gì hiếm thường quý mà quý thì quy ra giá trị, có thể quy đổi ra vàng, đô la. Tây chơi đa dạng, miễn là lan, nuôi trồng được là chơi chứ không thiên về phong lan, địa lan. Tuy nhiên họ dựa trên sự hiểu biết, khi biết chắc chắn rằng loài này hiếm thì mới đề cao, ví dụ như những cây lan hài để đột biến thì rất hiếm nên giá rất đắt.
Thực sự cách đây hơn 20 năm tôi đã bán một cây lan hài đột biến vào loại hiếm trên thế giới, ước chỉ có vài cây với giá trên 10.000 USD tức hơn 200 triệu đồng cho giới chơi của nước ngoài đã là đắt lắm rồi. Bố tôi hồi đó đi nhận tiền về mới bảo tôi rằng: “Con ơi, con có lừa người ta không vậy?”.
Theo ông có cách nào thúc đẩy việc tiếp cận ngành lan của ta ra thị trường thế giới?
Cái đó tôi cũng rất mong muốn. Muốn thế, tiếp cận đầu tiên phải từ giảng đường đại học chúng ta giáo dục ra sao để có thể “chiến đấu” với các hệ lan như vậy.
Đất nước của chúng ta dài rộng, dải thực vật vô cùng phong phú tại sao chúng ta không biết lấy cái này lai với cái kia thành ra giống mới mà lại lấy cái người ta đã lai? Lúc đó muộn mất rồi làm sao kịp với người ta được?
Từ một thú chơi rất tao nhã, thị trường lan đã bị bóp méo bao lâu nay do một vài cá nhân hay do cả xã hội với xu hướng làm giàu không khó thưa ông?
Làm giàu là xu hướng của cả loài người ai cũng muốn. Nhà ông hàng xóm giàu thì mình ít nhất cũng phải bằng hoặc hơn. Đơn giản như xây cái nhà ở trên phố, đầu phố nhà này xây mỗi tầng 3m thì nhà bên cạnh ít nhất cũng phải 3m05, cứ thế thì nhà cuối phố phải xây cao đến bao nhiêu?
Chúng ta chưa chịu lắng lọc lại để hiểu chính bản chất của vấn đề và lẽ phải gần như thuộc về kẻ mạnh, kẻ có nhiều tiền, họ nói gì cũng thấy đúng.
Giờ có người ví thị trường lan giống như thị trường tài chính, chứng khoán ở chỗ họ mua sự kỳ vọng, tiền thì thật nhưng mua “lúa non” đầy ảo bởi tận tháng 8, 9 mới có một mầm lan?
Tôi với anh và kể cả những công an ngầm cũng không thể biết được chắc chắn những vụ giao dịch ấy là thật hay không, chỉ có mỗi chủ giao dịch biết.
Có thể, lúc thống nhất mua một giá nhưng lúc tạo sự kiện lại nói một giá khác, không sao cả. Các em út của tôi cũng bảo anh làm quả nổ đi, chúng em bơm vào vài chục tỉ xếp đầy bàn ngay. Không, tôi không thể làm thế được bởi mỗi người một quan điểm.
Tôi muốn ngành lan của Việt Nam sống khỏe mạnh, thành một ngành nghề chứ không phải vừa hình thành xong đã chết yểu. Nước ta cực thuận lợi trong việc nghiên cứu, nuôi trồng lan bởi hệ sinh thái của chúng ta là đa dạng bậc nhất trên thế giới.
Tôi chỉ tiếc là điều đó đã không đạt được bởi từ trong các trường, vụ, viện không đào tạo chính thống, kiến thức thật về lan.
Tất nhiên là tôi biết nhiều giao dịch là thật chứ không phải ảo đâu. Nếu là kinh tế thì “nước trong quá sẽ không có cá”. Chuyện đó là hiển nhiên. Đấy là dòng chảy của cuộc sống, chúng ta không có nhiệm vụ và cũng không thể cản được.
Thị trường lan đột biến hiện nay như một cơn lũ ống, lũ quét ảnh hưởng đến rất nhiều ngành kinh tế. Ông này đang ở ngành nghề nọ thấy lan kiếm được cũng nhảy vào. Ông kia thấy kiếm được cũng nhảy vào. Biết bao nhiêu tiền của xã hội được đổ vào đó.
Nhà nước cần có một chế tài quản lý nhưng tôi nghĩ cũng đau đầu đấy bởi nếu ở các nước phát triển người ta biết chắc chắn cây này nguồn gốc ở đâu thì lại dễ còn ở Việt Nam chúng ta chưa xác định được điều đó.
Giờ mỗi khi có giống lan lạ, hiếm một chút là nhà vườn mua rồi đặt tên những cái tên rất mỹ miều và gọi nó là lan đột biến. Ông bình luận ra sao về chuyện đó?
Đặt tên kiểu đó không hợp pháp trên thị trường thế giới mà chỉ có ý nghĩa trong cộng đồng nhỏ, để mang tính chất giao dịch mà thôi.
Vậy trên thế giới phải có điều kiện ra sao để đặt tên một loại lan? Như tôi được biết ông cũng đã có 4-5 loại lan được quốc tế đặt tên?
Phải có mẫu tiêu bản mô tả lấy ở đâu, độ cao như thế nào, mọi thứ liên quan đến cây lan đó gửi cho các viện nghiên cứu lớn trên thế giới như Vườn thực vật Missouri ở Mỹ hay Vườn thực vật Hoàng gia Anh… để người ta chạy kiểm tra gen xem có phải là một giống mới không rồi họ mới công bố, công nhận.
Hồi ấy chỉ tôi là người làm thuê cho họ. Còn giờ chúng ta đã có những phòng thí nghiệm với những máy chạy gen, chỉ hái một tí lá thôi là biết được. Thế giới họ đặt tên một loài lan mới do người nào đầu tiên phát hiện ra, nếu không có ai phát hiện thì đặt tên theo vùng phát hiện ra…