| Hotline: 0983.970.780

Xứ Mường quay cuồng vì lan đột biến

[Kỳ 3] Thông điệp của tỉnh Hòa Bình về lan đột biến

Thứ Tư 07/04/2021 , 08:38 (GMT+7)

'Trồng hoa lan, chăm sóc hoa lan là một lối chơi. Nhưng có người cứ nhắc đến lan đột biến là nghĩ xấu, là lừa đảo, theo tôi cách nhìn đó chưa toàn diện'

Ông Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Vân Đình.

Ông Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Vân Đình.

Phải coi lan đột biến cũng như một giống cây trồng, cái gì được cái gì chưa được. Ông Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Hòa Bình nói.

Thông điệp của tỉnh

Vừa rồi Tỉnh ủy Hòa Bình đã có cảnh báo, nhắc nhở người dân về những rủi ro khi đầu tư vào lan đột biến lúc sốt giá nhưng nhiều chủ vườn đang được hưởng lợi thì không thích điều đó bởi giống như một dòng nước đang chảy lại có tảng đá chặn lại. Vậy cụ thể thông điệp tỉnh muốn nói ở đây là gì thưa ông?

Tỉnh muốn cảnh báo người dân không sa đà vào các nhóm mang tính chất lừa đảo hay đa cấp. Thứ nữa, cứ cho rằng lan đột biến là một lĩnh vực đầu tư mà đã đầu tư phải tính đến rủi ro và quan trọng hơn phải tính đến nguồn lực kinh tế.

Ông cha ta có câu “Không bỏ hết trứng vào một giỏ”. Nếu ta có một nguồn tiền nhàn rỗi và chấp nhận đầu tư mạo hiểm thì để khẳng định có nên làm hay không sẽ không ai khuyến cáo được nhưng từng người dân sẽ phải có ý thức.

Nó sẽ mạo hiểm, giống như đầu tư cái khác thôi, có thể tăng hoặc có thể tụt xuống đáy. Nếu nguồn vốn chính từ đi vay, phải trả lãi nữa mà mua vào lại tụt thì hệ lụy xã hội từ đó mà ra.

Lan cũng là một loại sinh vật cảnh. Trong sản xuất nông nghiệp có ngành hoa-cây cảnh nhưng đến nay chúng ta mới chỉ tập trung cho phát triển cây hoa (bao gồm cả quy hoạch, nghiên cứu giống, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, thị trường…), tuy nhiên với cây cảnh nói chung, cây hoa lan nói riêng thì chưa được quan tâm chú ý. Nếu coi sản xuất, kinh doanh cây cảnh hay cây hoa lan là một nghề thì cách tiếp cận sẽ khác.

Nếu ta làm tốt việc quản lý thì có dữ liệu để thống kê, đánh giá chung trong mức tăng trưởng của ngành trồng trọt. Nếu quan điểm như thế thì nó sẽ ra vấn đề. Tuy nhiên đến nay ngay cả trong phạm vi toàn quốc cũng như Hòa Bình chưa làm được điều đó mà mới chỉ sơ khai, bước đầu, mang tính đánh giá tình hình.

Ở đây, tôi chỉ xin đề cập đến chuyện sản xuất, kinh doanh giống cây hoa lan, còn những chuyện về thuế hay hành vi đồn thổi giá này nọ, đa cấp… tôi không đề cập đến bởi nó thuộc lĩnh vực của thuế hay an ninh, công an họ phải có trách nhiệm làm rõ.

Những chậu lan bé thế này cũng có thể được rao giá rất cao. Ảnh: Vân Đình.

Những chậu lan bé thế này cũng có thể được rao giá rất cao. Ảnh: Vân Đình.

Không phải cứ thích tên gì là đặt

Theo quy định pháp luật hiện nay thì cá nhân có được đặt tên cho cây phong lan của mình không và nếu có phải làm những thủ tục gì thưa ông?

Theo Luật Trồng trọt, về quy định tên giống cây trồng đã nói rất rõ rằng tên giống cây trồng không chấp nhận tên trong những trường hợp sau: Chỉ bao gồm chữ số; Vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục; Trùng cách đọc hoặc viết tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, các loại thực phẩm, đồ uống, dược phẩm; Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị, xã hội...; Dễ gây hiểu nhầm về đặc trưng, đặc tính của giống đó; Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả; Trùng với tên của giống cây trồng đã được bảo hộ…

Ngoài những điều đó ra, những cái tên đều có thể được chấp nhận. Nhưng tên giống được chấp nhận chỉ là một phần rất nhỏ trong việc giống đó có được phép sản xuất, kinh doanh hay không...  

Nếu đến vườn lan mà cứ “đè” người ta ra để hỏi giá bán thế nào, bán cho ai chắc chắn chẳng ai nói. Nhưng nếu tiếp cận vấn đề ở khía cạnh muốn tư vấn cho chủ vườn những quy định về quản lý giống cây trồng, về sản xuất - kinh doanh giống cây trồng thì tâm lý họ sẽ khác đi. Nếu chủ giống lan họ chắc chắn là tác giả ban đầu của một giống lan đột biến và có nhu cầu thì chúng tôi có thể tư vấn thêm để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để tự công bố lưu hành, hoàn thiện các điều kiện sản xuất, kinh doanh giống.

Khi đó họ có thể đường hoàng kinh doanh mặt hàng mà mình sản xuất ra. Tuy nhiên hiện nay chưa ai làm điều đó cả. Cơ quan nhà nước còn ngại vào cuộc hay chưa nắm bắt được tình hình còn người sản xuất giống thì có thể chưa biết, chưa hiểu về những quy định đó bởi Luật Trồng trọt mới chỉ có từ năm 2020.

Bên trong một phòng nhân giống lan. Ảnh: Vân Đình.

Bên trong một phòng nhân giống lan. Ảnh: Vân Đình.

Vậy áp dụng cụ thể vào trường hợp thị trường lan đột biến này ra sao thưa ông?

Thì rõ ràng lan không phải là loại cây trồng chính nhưng nếu các vườn tự nhân giống cho vườn của mình, nhu cầu sử dụng của mình thì pháp luật không cấm. Nhưng nếu buôn bán (có người hay dùng các từ như chuyển nhượng, giao lưu mà có thu tiền thì bản chất vẫn là buôn bán kinh doanh) thì giống đó phải được tự công bố lưu hành và việc công bố tự lưu hành phải được cơ quan có thẩm quyền công nhận (ở đây là Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT). Thứ nữa, cơ sở phải đáp ứng điều kiện về sản xuất giống như về nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị…

Có thể một số vườn lan có đăng ký kinh doanh còn hầu hết thì chưa. Mặt khác có đăng ký kinh doanh nhưng liệu đã đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng hay chưa thì phải kiểm tra thực tế mới đánh giá được. Tuy nhiên để kiểm tra được các vườn lan thì không dễ, một mình ngành nông nghiệp chắc khó làm được, không đủ căn cứ, thẩm quyền vì có thể họ không đăng ký kinh doanh, không có biển hiệu, cửa hàng gì. Mặt khác làm sao để chứng minh được họ có giao dịch buôn bán?

Khó nên phải chọn cách làm

Vậy là rất khó để làm thưa ông?

Tôi cho rằng cứ nêu khó như vậy để không làm gì thì không ổn mà cái chính là chọn cách làm, phương pháp tiến hành thế nào. Hiện nay, chúng tôi đã báo cáo với Sở NN-PTNT phải làm từng bước một. Thứ nhất là để có những đánh giá thực tế, trước mắt chúng tôi sẽ bố trí làm việc với Hội Sinh vật cảnh của tỉnh, Hội Lan để tìm hiểu về phong trào sử dụng hoa lan nói chung và các hiện tượng báo chí đã nêu về buôn bán giống lan. Như tôi đã nói, để đi đến gốc rễ vấn đề thì một mình ngành nông nghiệp không làm được mà phải có sự kết hợp với lực lượng quản lý thị trường, công an, chính quyền địa phương.

Nghị định 31 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng quy định về những hành vi kinh doanh giống ngoài danh mục hay kinh doanh giống không đảm bảo đủ điều kiện sản xuất đều có thể làm được.

Nhưng đó là trên giấy tờ, còn làm sao để áp dụng vào thực tế thì các địa phương đều kêu khó, chưa ở đâu quản lý được việc kinh doanh giống cây cảnh thưa ông?

Trước đây đúng là khó nhưng bây giờ có Luật Trồng trọt năm 2020 là có căn cứ pháp lý để làm. Đúng là khó, ngay cả những điều tôi vừa nêu, nhưng cứ bảo khó rồi không làm thì không hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước. Vấn đề chỉ là cách làm, từng bước tiến hành ra sao.

Phải làm điểm trước để rút kinh nghiệm dần, cách tiếp cận này chưa được thì thay bằng cách tiếp cận khác. Nếu như có sự phối hợp tốt với các cơ quan chức năng thì tôi nghĩ chúng ta có thể làm được.

Chăm sóc lan vào ban đêm. Ảnh: Vân Đình.

Chăm sóc lan vào ban đêm. Ảnh: Vân Đình.

Vấn đề sốt lan đột biến có hai mặt, ngoài rủi ro nó còn là cơ hội để phát triển ngành sinh vật cảnh, quan điểm của ông thế nào?

Tôi cho rằng lan đột biến nói riêng, hoa lan nói chung có vẻ đẹp đặc trưng của từng loại.  Tuy nhiên cái đẹp cũng là quan niệm riêng của từng người. Có thể tôi không thấy vẻ đẹp của lan đột biến mà lại thấy lan thường như đai châu đẹp chẳng hạn. Từ vẻ đẹp mà nhìn nhận ra giá trị. Một sản phẩm người khác không ưa thì giá 1 triệu cũng là đắt nhưng tôi ưa thì 5 triệu vẫn là rẻ. Từ một cá nhân có thể thành một nhóm cá nhân tương tự. Nếu lan đột biến quý, hiếm thì có thể dùng công nghệ để nhân nhanh cho nhiều người được hưởng. Thay vì giá tăng cao ở một vài cá thể lan thì giá giảm nhưng số lượng tăng, nhiều người được sở hữu thì tổng giá trị vẫn lớn.

Nếu chúng ta đánh giá đúng lĩnh vực này, làm quyết liệt để ngăn chặn tình trạng thổi giá mà nhất là lừa đảo thì sẽ góp phần làm lành mạnh hóa thị trường lan đột biến nói riêng và các loại sinh vật cảnh nói chung. Loại trừ yếu tố lừa đảo, nếu chúng ta coi lan đột biến là một ngành trong sản xuất nông nghiệp thì sẽ rất có ích. Mà đã là một ngành thì cần tính ổn định chứ không phải là lướt sóng, đầu năm lan nọ tăng, cuối năm lan kia tăng.

Đến một lúc nào đó thị trường bão hòa ở cả chủng loại lan mới, có hình thức nhân giống mới hay nhu cầu sử dụng thực tế thì các giải pháp, cơ chế chính sách của Nhà nước để phát triển ngành này sẽ có cơ hội hơn để áp dụng.

Ta phải nhìn nhận, một dòng lan quý bởi nó hiếm còn về giá trị sử dụng chưa chắc đã tốt. Một vài loài lan có công dụng về y dược còn hầu hết các loại chỉ có về vẻ đẹp mà thôi. Từ đa dạng của giống lan có những địa điểm có thể kết hợp trở thành các lễ hội của địa phương. Đó là cách ta nên làm, nên khuyến khích.

Xin cảm ơn ông.

Xem thêm
Ngày 17/1 trở thành Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.