| Hotline: 0983.970.780

Xứ Mường quay cuồng vì lan đột biến

[Kỳ 2] Yên Thủy sôi sùng sục vì lan đột biến

Thứ Ba 06/04/2021 , 13:40 (GMT+7)

Tôi về quê hương của Hồng Yên Thủy khi dân đang xôn xao về chuyện các chủ vườn lan đột biến rủ nhau đi Hà Nội cùng rước về 13 chiếc ô tô tiền tỉ…

Một chậu lan con con cũng có thể giá bằng cả đàn trâu, đàn bò. Ảnh: VĐ.

Một chậu lan con con cũng có thể giá bằng cả đàn trâu, đàn bò. Ảnh: VĐ.

Tiền tiết kiệm ít vào ngân hàng

Chẳng biết chuyện đó đúng hay sai mà khiến cho dư luận cái xứ “khỉ ho, cò gáy” này bỗng sôi lên sùng sục. Cách TP Hòa Bình hơn 80km, huyện Yên Thủy tuy có cái tên gốc là nước (thủy) nhưng trước đây hầu như năm nào cũng bị hạn cục bộ, sản xuất nông nghiệp rất khó khăn.

Thế mà khoảng 3 năm nay vùng quê nghèo này bỗng bừng sáng bởi những vườn lan rộng hàng trăm, hàng ngàn m2 đèn thắp thâu đêm, bảng màu nhấp nháy, những dàn xe tiền tỉ bóng loáng khiến cho nhiều nông dân phải nuốt nước bọt khan.

Những người vào lan đột biến cách đây mấy năm đã biến một phần lãi thành đất, thành nhà, thành tiết kiệm, thành vàng còn những người mới vào tài sản còn treo trên giàn lủng liểng nhưng hấp lực vẫn rất lớn.

Một người trong giới bảo: “Những người mê lan từ lâu thì không nói làm gì nhưng mấy năm qua có những người sắp phá sản hay cờ bạc bạt mạng, tưởng bị dồn vào chân tường lại có cú bật phi thường, không tưởng, sở hữu khối tài sản hàng chục tỉ thậm chí hàng trăm tỉ”.

Giờ mấy ngân hàng đóng trên địa bàn huyện hầu hết đã hoàn thành xong kế hoạch cho vay. Không một phương án nào cho lan nhưng cũng không thể chắc trên giấy tờ là mua bò bê hay trồng cây lại không bị chuyển một phần sang nó. Thêm vào đó, một tín hiệu bất thường là dòng tiền gửi tiết kiệm đang xuống thấp hơn hẳn so với cùng kỳ các năm.

Ông Bùi Văn Dụng - Trưởng khu phố Cả, thị trấn Hàng Trạm: 'Đến kim cương cũng không đắt bằng lan đột biến'. Ảnh: VĐ.

Ông Bùi Văn Dụng - Trưởng khu phố Cả, thị trấn Hàng Trạm: "Đến kim cương cũng không đắt bằng lan đột biến". Ảnh: VĐ.

Ông Bùi Văn Dụng - Trưởng khu phố Cả thị trấn Hàng Trạm cho hay địa phương có 114 hộ phần lớn dân là người Mường, chủ yếu vẫn làm trồng trọt và chăn nuôi. Là tổ trưởng tổ vay vốn, quản lý hơn 40 hộ vay với tổng dư nợ trên 3 tỉ, ông bảo nói không có đầu tư lan cũng không đúng nhưng nếu có chắc chỉ vài ba hộ bởi một cọng nhỏ loại thường thường đã 50-70 triệu còn loại đắt phải tiền tỉ, đến kim cương cũng không bằng…

Số hộ làm lan gốc gồm 4 anh em nhà anh Trần Văn Tài và Đinh Hùng Mạnh (Mạnh còi) là cháu, giờ thêm 5 vườn nhỏ. Điển hình của sự đổi đời từ lan là Mạnh "còi". Bố mẹ chuyên mổ lợn còn Mạnh là người khuyết tật rất thấp bé chỉ nặng cỡ 27 - 28kg, được hưởng chế độ lúc đầu chỉ hơn 100.000 đồng/tháng giờ hơn 400.000 đồng/tháng.

Khi phong trào chơi cây sanh rộ lên, Mạnh mua đi bán lại thậm chí đấu giá ở các hội chợ rồi vào lan đột biến rất sớm. Từ năm ngoái khi thấy trên mạng đăng bán lan tiền tỉ, dân làng mới ầm ầm lên, Mạnh trở thành nổi tiếng.  

Mạnh và em là Tiến giàu thế nào tôi không rõ nhưng xây nhà, mua đất, mua xe đủ cả. Chỉ có mỗi Mạnh góp một chút chừng 30-40 triệu để làm đoạn đường trong xóm còn những người khác thì không. Những lúc uống nước chúng tôi thường hay nói với các hộ làm ăn được từ lan rằng các ông động viên cho những hộ nghèo, cận nghèo hay người già trong xóm dăm ba trăm ngàn thì họ trả lời: “Em vẫn đang còn khó khăn!”.

Những vườn lan ở khu phố Cả. Ảnh:VĐ.

Những vườn lan ở khu phố Cả. Ảnh:VĐ.

Gặp người tìm ra Hồng Yên Thủy

Khi tôi đến, nhà vườn Thành Trung vừa bán hơn 700 chậu lan thường, chất đầy 3 xe tải được 23 triệu, trung bình chỉ hơn 30.000 đồng/chậu. Vợ chủ vườn than, trước nhà vốn quen buôn lan thường nên vào hàng đột biến muộn, giờ sốt quá mới bán dọn để nhập hàng.

Từ hồi lan đột biến lên ngôi, mọi thứ lan khác dù có đẹp, thơm đến mấy đều thành lan bờ rào hết. Chỉ vào cây Bạch Tuyết bé tẹo cao chừng quá 1 ngón tay, chị bảo chồng mới mua chung mấy tháng trước giá 600 - 700 triệu nhưng giờ đã được trả hơn 2 tỉ rồi nên càng kích thích thêm cho sự chuyển đổi ấy.

Chờ đợi mãi cuối cùng anh Trần Văn Tài cũng về tới nhà để kể cho tôi nghe về chuyện mình năm xưa đã tìm thấy Hồng Yên Thủy tình cờ như thế nào. Cách đây gần 10 năm anh đã chơi cây lan thân lá như Tam Bảo Sắc, Quế Lan Hương, đắt nhất chỉ vài triệu một giò rồi sau đó mới bắt đầu chơi lan đột biến khởi đầu bằng Phú Thọ, Ho, Trắng Sông Bôi.

Mỗi ngày anh đi săn lan bằng xe máy xa trung bình 150-200 km, vào hàng trăm nhà. Hễ nhìn trên các gốc cây thấy không có lan là anh bảo nhầm nhà rồi đi luôn, nếu có lan mới hỏi tiếp để tiết kiệm thời gian: “Năm 2015 tôi đi Núi Thành ở huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình thấy trên gốc nhãn cao 3 - 4m của một nhà có cụm lan hơn 10 ngọn, cái dài nhất cỡ 1,4m, nở chùm hoa màu hồng rất đẹp liền hỏi mua.

Anh Trần Văn Tài - người đầu tiên phát hiện ra Hồng Yên Thủy. Ảnh: VĐ.

Anh Trần Văn Tài - người đầu tiên phát hiện ra Hồng Yên Thủy. Ảnh: VĐ.

Chủ nhà đồng ý bán cho 3 ngọn, mỗi cái chừng 20cm với giá 300.000 đồng, về tôi bán cho anh Dương Hương Ly ở thị trấn được 2,3 triệu. Thấy lãi, ngay chiều hôm đó tôi quay lại mua tiếp 2 ngọn dài hơn với giá 1 triệu về bán cho anh Trường Hà ở Hà Nội được 5,5 triệu. Về sau chủ nhà phần vì bị mất trộm, phần vì bị tôi mua từng ngọn một, từ to đến bé trong suốt 2 năm thì hết. Anh Tấn Phong ở Hà Nội khi mua nó về đặt tên là Hồng Yên Thủy. Khi anh em công nhận mặt hoa này đẹp thì bị săn lùng, giá giờ lên tới 20 triệu/cm loại thân ngắn, cây to, còn thân bé thì 8 - 10 triệu/cm.      

Từ 2015 đến nay Hồng Yên Thủy được nhân lên khá nhiều, các vườn lớn cả nước đều có hàng còn vườn trung bình đều có một vài ki. Bởi nó quý nên rất nhiều người bị lừa vì tham của rẻ. Riêng năm nay khu vực miền Trung có người mua Hồng Yên Thủy bị lừa, sai đến 5.000 ki bởi giá mỗi ki ở vườn uy tín, đã thấy hoa nở đã 40 triệu nhưng mua ở trên mạng chỉ 30 triệu. Riêng trong huyện này tôi ước cỡ 70% có Hồng Yên Thủy, như nhà tôi có khoảng 5 m, có nhà tới 20 - 30m. Còn các loại khác như Phú Thọ tôi có hơn 10m, Ho có 10m, loại đắt như Bạch Tuyết, Á Hậu cây to thì phải chung. Nhờ lan, hai năm gần đây mỗi năm tôi kiếm được 5 - 7 tỉ”.

Anh Tài nhận định: “Thời điểm này thị trường đang hơi nóng, không ai biết trước điều gì. Rất nhiều người mới vào những cây đắt tiền để kiếm nhanh hơn, từ Bạch Tuyết (1 ki 500 triệu), Hồng Bồng Lai (1 ki 600 triệu), khiến cho giá càng đội lên. Họ vào phần lớn là do kinh tế chứ còn yêu lan phải như chúng tôi ngày xưa, đang lên rừng vác gỗ thấy lan là bỏ vác gỗ để lấy về”.

Rải miếng dưa chuột để dử sên. Ảnh:VĐ.

Rải miếng dưa chuột để dử sên. Ảnh:VĐ.

Chơi lan đột biến, càng “sóng” lớn càng rủi ro

Anh Nguyễn Phương Hồng - chủ vườn Lê Sơn đồng thời là Hội trưởng Hội hoa lan huyện Yên Thủy với 25 hội viên khẳng định quy mô nhà giàn giờ so với năm 2015 khi thành lập ước đã tăng ít nhất gấp 10 lần. Còn cỡ 3 lần số đó là vườn không nằm trong hội và hơn 100 hộ nữa gọi là có lan đột biến, có giao lưu.   

Anh cho hay năm 2014 mình đã bắt đầu chơi lan đột biến từ Phú Thọ, Ho, giá hồi đó chỉ cỡ 50.000-70.000 đồng/cm. Cho đến nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có rất nhiều mặt hoa như 5 cánh trắng có cỡ 10 loại, hồng có hơn 10 loại, quý nhất là Á Hậu, Bồng Lai trên 100 triệu/cm: “Cây lan rất dễ để nuôi trồng, hiểu kỹ thuật thì từ 1 ki nuôi 1 năm được 30 - 40cm, tương đương cỡ 15 mắt, lại để nhân tiếp, năm sau được 10 - 13 ki. Cứ thế mà nhân thêm.

Ta chỉ cần thị trường giữ đúng giá trị thực của lan như ban đầu, cách đây 3 năm như 1cm Phú Thọ giá 500.000 đồng, Ho 1 - 1,5 triệu, Hồng Yên Thủy 2,5 - 3 triệu thì mới bền vững. Còn giá hôm nay, ngày mai là do cung cầu. Số lượng người vào lan bây giờ nhiều quá thành ra giá cao nhưng không thể cứ cao như thế được mãi, khi cầu đã đủ rồi thì phải giảm xuống.

Anh Nguyễn Phương Hồng - chủ vườn Lê Sơn đang chăm sóc lan ban đêm. Ảnh:VĐ.

Anh Nguyễn Phương Hồng - chủ vườn Lê Sơn đang chăm sóc lan ban đêm. Ảnh:VĐ.

Người này vào lan thấy có lãi lại xui người khác. Khoảng 50% những người kinh doanh các mặt hàng khác cũng vào, ước số lượng khách tham quan năm nay gấp 10 lần năm 2018. Chính vì thế đẩy giá Ho tăng gấp đôi, Hồng Yên Thủy tăng gần gấp ba, Bạch Tuyết tăng gần gấp mười: “Có hai dòng đột biến, thứ nhất là mũi màu như 5 cánh trắng Phú Thọ, Ho và mũi trắng thì Bạch Tuyết là giá trị thấp nhất của dòng này, cao nhất có Bảo Duy.

Đầu tiên phải bắt đầu với những cây có giá trị thấp để có kinh nghiệm còn kiểu “lướt sóng” chỉ buôn, không có kiến thức thì rất rủi ro. Có nhiều giống tuy đột biến nhưng giá rất rẻ bởi thị hiếu, ví dụ trước Hà Tĩnh 2 triệu giờ còn 500.000 đồng/cm, Trắng Chùa Tiên giá 2,5 triệu/cm giờ 500.000 đồng rồi là Quái Thú, Sơn nữ Đà Bắc, sơn nữ Hòa Bình, Blue Kim Bôi…”. (Còn nữa)

Xem thêm
Guinea muốn học hỏi kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và Việt Nam - Nam Phi - Guinea, thể hiện là thành viên có trách nhiệm về an ninh lương thực, nhất là với châu Phi.

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Sóc Trăng có hơn 600 kênh thủy lợi là 'hồ thuận thiên' trữ nước ngọt

Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có 613 kênh cấp I, II, III, khối lượng trữ nước trên 6,5 triệu m3. Hệ thống này là thế mạnh trữ nước ngọt trong điều kiện xâm nhập mặn.