20 năm nay người dân xã Vân Sơn nói riêng và các xã vùng cao của huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) nói chung đã áp dụng cách làm nông nghiệp hữu cơ kiểu Nhật.
Cách làm nông nghiệp hữu cơ kiểu Nhật ấy gắn với một người con gái Nhật Bản đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho Việt Nam, cô là Ino Mayu. Năm 1995, lần đầu tiên cô đặt chân đến Việt Nam khi đang là sinh viên, sau đó chính thức làm cho Tổ chức Tự nguyện Quốc tế Nhật Bản (JVC) để hỗ trợ cho nông dân Việt Nam rồi tự mình sáng lập ra Tổ chức Seed to table (từ nông trại đến bàn ăn) năm 2009. Cô cũng đã có gần 10 năm gắn bó với nông dân các xã vùng cao của huyện Tân Lạc rồi mới chuyển vào Nam công tác.
Ông Bùi Thanh Truyền – cựu Chủ tịch UBND xã Nam Sơn giai đoạn 2004 – 2016 (hiện sáp nhập thành xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc) kể lại mấy tháng trước, VTV đã mời mình cùng hai nông dân xuống Hà Nội tham gia chương trình Giai điệu Việt Nam về chủ đề nông nghiệp hữu cơ. Họ có hỏi rằng: “Trước đây có phải anh làm việc với cô Ino Mayu không?”. Ông trả lời rằng có, hồi xưa cô ấy đã triển khai dự án của Tổ chức JVC tại xã Nam Sơn (cũ).
Dù cùng ngủ chung một khách sạn nhưng Ban tổ chức đã khéo léo sắp xếp để đoàn cán bộ xã và nông dân của Hòa Bình không gặp được Ino Mayu. Chỉ đến khi cô vừa phát biểu trên sân khấu thì người ta mới dẫn đoàn vào, hỏi: “Cô có nhận ra ai đây không?”. Mọi người lúc đó hoàn toàn bị bất ngờ, cảm xúc bỗng trào dâng.
Từ ngày chia tay Nam Sơn 10 năm về trước, ông Truyền không nghĩ có ngày được gặp cô Ino Mayu nữa dù qua mạng họ vẫn thường xuyên liên lạc, mọi chuyện vui buồn của bản Mường ông đều kể cho cô nghe.
Trước đây có những xã vùng cao của huyện Tân Lạc là Bắc Sơn, Nam Sơn, Lũng Vân, Quyết Chiến... được Tổ chức JVC của Nhật hỗ trợ phát triển sinh kế bằng định hướng làm nông nghiệp hữu cơ. Năm 2004, Ino Mayu là trưởng đại diện của Tổ chức JVC đã đến với Nam Sơn. Đó không phải là một trưởng đại diện dạng “chỉ tay năm ngón” như thường thấy mà trực tiếp xuống với bà con. Đến đâu cô cũng được từ người già tới trẻ con quý mến, vẫy tay chào vì biết nói tiếng Mường, biết ăn tất cả các món ăn của người Mường, kể cả là nhái ôm măng.
Trụ sở làm việc ở Hà Nội nhưng mỗi tháng vài lần cô lên với xã, mỗi lần ở tới 2 - 3 ngày để tổ chức nhiều hoạt động như tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thôn, xã; tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt cho người dân; hướng dẫn bà con đào ruộng bậc thang trên đất dốc để tránh rửa trôi, trồng cây ăn quả xen với cây cốt khí để làm cho đất đai thêm màu mỡ. Các mô hình lúa - cá, lúa - vịt; nuôi trâu, bò, lợn được mở ra, tất cả đều được định hướng theo kiểu hữu cơ.
“Hồi đó tôi làm Chủ tịch xã Nam Sơn - một nơi tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 43%. Nông nghiệp hữu cơ thời điểm ấy là khái niệm mới đến nỗi kể cả một số cán bộ xã cũng bảo nghe nó xa vời lắm. Họ đã quen với kiểu sản xuất “mì ăn liền” rồi, hễ thấy cái gì lợi trước, thu hoạch trước là làm thôi chứ không nghĩ tới tác hại đến môi trường, đến sức khỏe của mình, của cộng đồng.
Sở dĩ chúng tôi nói người dân chịu nghe bởi mọi chính sách trước đó như 135, giảm nghèo, từ đầu tư cơ sở hạ tầng đến an sinh xã hội cán bộ đều công khai cho họ biết nên rất tin tưởng”, ông Truyền nhớ lại.
Từ trưởng đại diện là Ino Mayu đến các đồng nghiệp của cô đều trực tiếp mó tay vào phân chuồng, phân xanh để hướng dẫn cho dân cách ủ thế nào. Nguồn phân xanh trong tự nhiên như cỏ, phụ phẩm nông nghiệp rất sẵn, trong khi sản xuất thì bà con chỉ có dùng phân trâu, bò, thậm chí gánh thẳng từ chuồng ra rồi bón luôn, phân vẫn đang bốc khói đã ném ra ruộng, ra nương nên Tổ chức JVC mới hướng dẫn họ cách trộn phân chuồng với cây cỏ để ủ.
Cái khéo của người Nhật là không chê nông dân Việt mà nói: “Qua xem xét các cây trồng của bà con chúng tôi thấy vẫn còn thiếu phân, trong khi đó nguồn phân ngoài tự nhiên rất nhiều, ở ngay trong chuồng trại, trong vườn nhưng không biết tận dụng mà lại chỉ bón phân hóa học. Nếu chỉ bón phân hóa học nó có lợi trước mắt nhưng gây hại về lâu dài, cả về kinh tế lẫn môi trường, chất lượng sản phẩm”. Vậy là bà con nghe theo.
Sau 20 năm, tinh thần nông nghiệp hữu cơ của người Nhật còn lại gì? Tôi hỏi, ông Truyền không đắn đo mà trả lời ngay rằng: “Mọi đường đi nước bước về nông nghiệp hữu cơ mà Tổ chức JVC dạy cho bà con tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Tinh thần, cách làm hữu cơ của người Nhật vẫn còn được nông dân ở đây duy trì hơn 50% như không dùng thuốc trừ cỏ; ủ phân chuồng với phân xanh; canh tác trên đất dốc bằng cách đào hệ thống bậc thang rồi trồng cây ăn quả xen lẫn cây cốt khí để vừa chống rửa trôi vừa tạo độ màu mỡ.
Cũng thời gian đó nhà nước ra chính sách ai đào được hệ thống bậc thang trên đồi để trồng cây thì hỗ trợ cho một ít tiền nên càng kích thích bà con thực hiện để đến nay hầu hết vườn đều kiểu thiết kế như vậy. Ngoài ra, xã còn phục hồi được các giống cây trồng bản địa quý như quýt cổ Nam Sơn, lúa Đài Bắc Tám.
Trong chăn nuôi bà con vẫn chủ yếu tự trồng ngô để làm thức ăn, phần vì đầu tư cám công nghiệp tốn tiền, phần vì đảm bảo chất lượng thịt. Cách bán ngô thông qua bán lợn, bán gà đó giúp gia tăng giá trị kinh tế của cả trồng trọt lẫn chăn nuôi. Gà ở đây chủ yếu là gà ri bản địa, chân nhỏ, da vàng; vịt thì có vịt bầu cổ xanh tương tự như giống vịt bầu Cổ Lũng của Thanh Hóa; còn giống lợn đen Mường thịt rất thơm ngon nữa.
Không chỉ thế, người dân còn biết cách bảo vệ môi trường. Riêng xã Nam Sơn cũ 100% gia đình đều có công trình “ba chuồng bốn hố”, cụ thể chuồng gồm chuồng trâu, chuồng bò, chuồng lợn; hố gồm hố tiêu, hố tiểu, hố rơm, hố rác. Trước đó một số nhà đã có các công trình như vậy rồi.
Năm 2008, Trưởng Trạm Y tế xã đi họp trên huyện điện về, bảo trên muốn lấy Nam Sơn xây dựng là xã đạt chuẩn quốc gia về y tế nhưng khó nhất là công trình vệ sinh tạm bợ bằng cây bương, cây tre người ta không chấp nhận mà tối thiểu ra cũng phải là hố xí hai ngăn xây bằng vật liệu cứng. Tôi mới bảo trên đã quan tâm như thế thì phải nhận mà làm cho bà con hưởng chứ không phải làm cho ông huyện, ông tỉnh nào cả.
Xã họp mấy cuộc, thống nhất đồng tình, ủng hộ, tuyên truyền cho các xóm cùng thực hiện. Khó ở chỗ tiền túi của người dân, làm sao để thuyết phục họ tự nguyện móc ra. Tuy khó nhưng không phải không làm được mà phải nói sao cho họ hiểu, làm cho chính bản thân gia đình họ chứ chẳng phải cho ai cả.
Ban chỉ đạo của xã được lập ra để đôn đốc các xóm, cán bộ xuống tận nơi kiểm tra từng cái hố xí một, động viện hộ làm tốt, hướng dẫn, vận động thêm các hộ làm chậm. Nhờ đó sau một thời gian, 100% các gia đình đã có nhà vệ sinh kiên cố, trong đó khoảng ½ là hố xí hai ngăn, tận dụng phân ủ để bón ruộng, nương. Cán bộ huyện Tân Lạc khi lên trên này, thấy vậy mới bảo: Tuy vùng cao nhưng môi trường của các anh còn tốt hơn các xã vùng thấp, nơi có điều kiện kinh tế thuận lợi hơn, đất đai rộng và phẳng hơn…”.
Nói rồi ông Truyền dắt xe máy ra chở tôi dạo quanh các xóm. Dù đã về hưu nhưng đi đến đâu ông cũng được mọi người chào hỏi rất niềm nở. Anh Hà Văn Luyến ở xóm Bương Bái có vườn cam Canh hơn 200 gốc, trong đó 80 gốc 6 năm tuổi đã cho thu quả, còn lại mới đang thời kỳ kiến thiết. Khu vườn của anh ở trên đỉnh đồi nên luôn được đón những tia nắng sớm đầu tiên cũng như những tia nắng muộn cuối cùng của xóm, nhờ đó mà rất thoáng.
Nhớ lại lời Ino Mayu dạy cho bà con, trước khi trồng, anh cẩn thận đào hố rộng 1m, sâu 1m rồi đổ phân xanh đã ủ lẫn với phân chuồng xuống, lấp một lớp đất lên mới đặt cây giống xuống. Khi cây phát triển, anh định kỳ bón phân bằng cách đào xung quanh theo tán cây chứ không bón bừa như trước bởi tán cây ở đâu là rễ cây ở ngay bên dưới.
Cạnh vườn cam có một chuồng bò, đằng sau được thiết kế làm chỗ ủ phân chuồng với phân xanh, có bổ sung thêm ít lân để quả cam thêm ngọt. Diện tích vườn tuy không lớn, phần lớn cây đang ở thời kỳ kiến thiết nhưng vẫn đem lại cho anh thu nhập khoảng 50 - 60 triệu đồng/năm.
Nói về làm giàu từ cây có múi ở Vân Sơn không thể không nhắc đến xóm Xôm với 44 hộ người Mường, nhà nào cũng trồng quýt, cam với tổng diện tích khoảng 50ha. 50% hộ có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên, số còn lại thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Trong khi đó tiềm năng phát triển kinh tế ở đây vẫn còn nhiều bởi 20ha quýt vẫn đang còn non, chưa cho thu hoạch.
Giữa trưa nắng nhưng khi len lỏi dưới những tán quýt lúc la lúc lỉu quả của vườn nhà ông Bùi Văn Đon tôi vẫn cảm thấy mát. Với tay vặt vài quả quýt đưa lên miệng, cơn khát trong tôi bỗng nhiên tan biến. Giờ mới chỉ là những quả ương, vị vẫn còn chua nhưng thơm, ngon, đậm đà rất khó quên.
Vườn của ông Đon rộng 1,4ha gồm 1.200 gốc, chủ yếu là cam Canh mà bà con ở đây quen gọi là quýt ngọt, còn lại là quýt Hà Giang. Năm kia ông thu được 15 tấn quả, năm ngoái thu được 20 tấn quả, năm nay ước sẽ được 30 tấn quả bởi càng ngày cây càng trưởng thành, sung sức, cho năng suất cao hơn. Năm nay, anh coi như cầm chắc được cỡ 900 triệu đồng, trừ chi phí 100 - 150 triệu đồng, còn lại là lãi. Trong khi đó lao động chỉ gồm hai vợ chồng già và hai vợ chồng trẻ.
Xóm Xôm cách trung tâm xã hơn 6km, trước đây như một ốc đảo biệt lập vì không có đường nên khi Tổ chức JVC triển khai chương trình trồng quýt, ai cũng nghi ngại. Ông Đon làm trưởng xóm liền tiên phong xin làm. Ông dành gần một ngày để đi xe máy xuống tận thành phố Hòa Bình mua giống về trồng.
Khi con đường mà Ngân hàng Thế giới tài trợ mở vào tới xóm, cũng là lúc ông thu lứa quýt đầu tiên, thương lái đánh ô tô đến thu mua tại vườn. Chưa bao giờ trong đời ông lại có nhiều tiền đến thế. Dân mắt thấy, tai nghe, tay sờ, miệng được ăn thử quýt của ông trồng mới chịu tin và trồng theo.
Cách đây mươi năm, khi thấy công việc “vác tù và hàng tổng” làm trưởng xóm quấn chân, níu tay quá, trong khi đó con còn nhỏ nên ông đã xin nghỉ để toàn tâm, toàn ý vào việc làm vườn. Đất của xóm Xôm “nạc”, ở trên cao nhưng lại ít có sương mù như xã bên Quyết Chiến nên rất thuận lợi cho cây phát triển. Thêm vào đó, ông ủ phân chuồng với phân xanh là những thứ cỏ dại cho hoai mục rồi bón cho quýt. Mỗi khi cắt cỏ cho vườn ông lại để luôn tại chỗ, theo thời gian chúng trở thành mùn bã. Ngoài ra ông còn dùng bột ngô để bón cho cây thêm khỏe.
Vì toàn được bổ sung chất hữu cơ nên đất tơi xốp, giun nhiều. Chính những con giun không khác gì lưỡi cày của nhà nông, cần mẫn ngày đêm xới xáo thêm cho đất giúp rễ cây thoáng khí. Chất thải của giun là thứ phân hảo hạng bổ sung cho cây trồng những vi lượng, trung lượng, đa lượng quý hiếm.
Cùng là vùng cây có múi ở Hòa Bình nhưng ở huyện Cao Phong cam, quýt lụi tàn nhanh, nhiều nhà vườn phải rao bán đất vì càng trồng càng thua lỗ, còn ở Vân Sơn (huyện Tân Lạc) thì không, phần bởi thời tiết lạnh ít sâu bệnh, phần bởi được chăm sóc theo hướng hữu cơ.
“Trước đây xóm trồng thử nghiệm nhiều loại cây như mận hậu, mận tam hoa, bương, quế, trẩu nhưng đều không hiệu quả. Thời gian mới trồng quýt tôi xuống huyện Cao Phong để học kinh nghiệm, toàn ngửi thấy mùi thuốc trừ cỏ, trừ sâu nhức đầu, rất khó chịu, chỉ muốn bỏ về.
Khi không dùng thuốc trừ cỏ, hạn chế thuốc trừ sâu thì vào vườn không phải đeo khẩu trang, bảo hộ gì cả mà thoải mái hít thở không khí trong lành. Xưa dân nghèo nên đeo bình đi phun thuốc một lèo là xong, dành thời gian để làm việc khác. Nhưng cái nhàn đó đi kèm với ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường”, ông Đon chia sẻ với tôi trong ngôi nhà sàn bê tông xây hai năm trước trị giá 800 triệu đồng. Gần đó là nhà ông Hà Văn Đoàn - cựu Bí thư xóm mới xây trị giá hơn 900 triệu đồng.
Nhờ có kinh tế từ cây quýt mà các thế hệ trẻ như con của ông Đon tiếp nối nghề một cách vui vẻ, tự nguyện. Tuy nhiên một điều mà họ còn băn khoăn là đầu ra của quả quýt vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, giá bán vẫn không phân biệt giữa hàng an toàn và hàng hóa chất.
“Sản xuất ở đây còn manh mún nhỏ lẻ kiểu tự sản, tự tiêu chứ chưa biết liên kết với nhau thành hợp tác xã. Làm hữu cơ tốn công hơn lại không bán được giá cao hơn thông thường. Bài toán thực sự khó giải. Không giải được nên không kích thích được người dân mở rộng sản xuất theo hướng hữu cơ mà họ vẫn làm những thứ vừa đỡ sức, vừa nhanh và được thị trường chấp nhận.
Ba xã vùng cao của huyện Tân Lạc có hàng ngàn ha đất nông nghiệp với điều kiện khí hậu lạnh đã bị bỏ phí. Định hướng làm hữu cơ thì bà con cứ trồng nhưng đầu ra thì tỉnh, huyện không quan tâm mấy. Không như tỉnh bạn Sơn La, họ tổ chức sản xuất rồi kết nối nông sản xuất khẩu đi khắp các nước.
Sản phẩm hữu cơ muốn đẩy được giá thì nhà nước phải có cơ chế giới thiệu, quảng bá giúp chứ giờ mang ra thị trường thì cứ cái gì mẫu mã đẹp, giá rẻ là người ta mua, còn chưa thực sự quan tâm đến chất lượng, an toàn”, ông Bùi Thanh Truyền tiếc nuối.