'Không lựa chọn được người tài vào bộ máy sẽ không thể nào xây dựng chính quyền gần dân, thân dân', ông Lê Thanh Vân chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Thẳng thắn, trách nhiệm, không ngại những vấn đề nhạy cảm, khi chúng tôi đặt vấn đề bàn về xây dựng chính quyền thân thiện, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói: "Theo quan điểm của tôi dù tên gọi nào vẫn phải xây dựng chính quyền dựa trên tư tưởng gần dân, thân dân. Bởi đó là tư tưởng xuyên suốt lịch sử dân tộc Việt Nam. Tư tưởng lớn ở các triều đại hưng thịnh và đặc biệt là ở thời đại Hồ Chí Minh thì tư tưởng đó lại càng được thể hiện rõ".
Vậy theo quan điểm của ông, những biểu hiện rõ nét của một chính quyền có tư tưởng gần dân, thân dân là gì?
Trước hết phải khẳng định chính quyền không phải hữu hình mà là hiện thân của những người cán bộ, lãnh đạo công tác ở trong bộ máy chính quyền đó. Từ xa xưa đến nay, một chính quyền gần dân, thân dân đã được thể hiện qua ứng xử của chính quyền, Nhà nước đối với nhân dân trên ba phương diện chính. Một là ban hành chính sách. Hai là áp dụng chính sách. Ba là xử lý vi phạm.
Ở phương diện thứ nhất, những đường lối, chính sách, pháp luật được Nhà nước ban hành chính là tư tưởng, đường lối của đất nước, của dân tộc, nhân dân và công cụ quản lý xã hội. Phương diện thứ hai từ đường lối đó, chính sách đó được triển khai, áp dụng vào thực tiễn cuộc sống để định hướng, dẫn dắt nhân dân, đưa quốc gia dân tộc phát triển. Phương diện thứ ba là sử dụng chính sách pháp luật, các quy định, chế tài đã được ban hành để xử lý các hành vi vi phạm nhằm quản lý, ổn định xã hội.
Bất kể triều đại nào, chế độ nào thì ba phương diện nói trên là tấm gương phản chiếu cách hành xử, tư tưởng gần dân, thân dân của Nhà nước, chính quyền. Kể cả ở các triều đại phong kiến, cho dù bất bình đẳng, có sự phân biệt giữa quan lại và nhân dân thì tư tưởng đó vẫn được thể hiện khá rõ, nhất là ở các triều đại hưng thịnh. Ví dụ trong bộ luật Quốc triều Hình luật thời nhà Lê quy định: Cùng một hành vi vi phạm, quan lại hay dân đen đều bị xử lý rất nghiêm minh, bình đẳng. Còn ở thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng gần dân, thân dân của Bác Hồ đã được thể hiện rất triệt để. Bác nói “Chính phủ là công bộc của dân” hay “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh, chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Ngày nay, chúng ta xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân là một cách nói khác. Bài bản hơn, nhưng tư tưởng xuyên suốt cũng chính là gần dân, thân dân đó. Bởi gốc rễ của quyền lực Nhà nước là từ tay nhân dân giao phó. Vậy thì ban hành chính sách, áp dụng chính sách phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích nhân dân, lợi ích của quốc gia dân tộc lên trước hết rồi mới đến lợi ích bộ ngành, địa phương. Xử lý các vi phạm của người dân cũng vậy. Cần sự bao dung, khoan hồng, hợp tình hợp lý. Đó mới là chính quyền gần dân, thân dân thực sự.
Nếu đối chiếu trên ba phương diện ông nói, rõ ràng ở đâu đó vẫn còn những biểu hiện, cách hành xử của chính quyền với nhân dân khiến chúng ta không khỏi giật mình. Ông nghĩ sao?
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa rồi tôi đã đặt vấn đề rằng: Quá trình xây dựng luật của chúng ta hiện nay còn một số bất cập, trong đó có tình trạng kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ, quá trình xây dựng chương trình luật còn cài cắm lợi ích... Đó là những biểu hiện hết sức nguy hiểm. Lợi ích của nhân dân, lợi ích của quốc gia, dân tộc chưa phải là trên hết, có thể đã bị đặt dưới, đặt sau lợi ích bộ ngành, lợi ích địa phương hay lợi ích của một nhóm người nào đó.
Chính vì vậy, xét ở phương diện thứ nhất, phải xác định Nhà nước thực chất là do nhân dân bỏ tiền thuế ra để nuôi và Nhà nước phải cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhân dân. Dịch vụ đầu tiên là các đạo luật, chính sách. Không thể phủ nhận chúng ta đã có các đạo luật, chính sách rất tốt nhưng rõ ràng vẫn còn đó những cách ban hành chung chung, thậm chí gây bất lợi cho người dân, doanh nghiệp. Luật thông qua, Chính phủ ban hành Nghị định, Thông tư, Chỉ thị hướng dẫn thực hiện nhưng không ít quy định chung chung dẫn đến thực tế doanh nghiệp, người dân rất dễ vi phạm. Thực trạng đó cần phải nhanh chóng khắc phục.
Ở phương diện thứ hai, áp dụng chính sách, rõ ràng vẫn còn tình trạng ở một số nơi chưa đặt mục tiêu lợi ích nhân dân lên trước. Ví dụ, ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì lợi ích nhân dân trước tiên phải là an sinh xã hội, là đời sống đồng bào chứ không phải tượng đài hay cổng chào.
Phương diện thứ ba cũng vậy. Có những cách hành xử của chính quyền với doanh nghiệp, người dân còn nặng, thậm chí nếu so sánh còn thấy rằng dù quy định có thể bình đẳng nhưng cách xử sự dường như chưa bình đẳng. Người dân ăn cắp mấy con gà bị xử rất nghiêm, đi tù mất mấy năm, còn cán bộ, quan chức làm thất thoát hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng lại lấy đủ thành tích, bằng khen ra để xin giảm tội. Tôi cho rằng như thế cũng là chưa gần dân, thân dân đâu.
Áp dụng pháp luật, xử lý vi phạm, đặc biệt đối với doanh nghiệp, nhân dân, những người làm ra của cải vật chất cho xã hội cần phải xem xét bối cảnh vi phạm, dựa trên quan điểm lợi ích chung. Một người vi phạm pháp luật nhưng không có động cơ lợi ích cá nhân, họ vì lợi ích chung nhưng do pháp luật chưa quy định dẫn đến vi phạm thủ tục, quy trình, những vi phạm mang tính thủ tục hành chính thì khi xem xét, định tội phải nhìn nhận đánh giá yếu tố tích cực, khách quan và công tâm.
Tóm lại là cách hành xử của Nhà nước với người dân phải thể hiện được tinh thần gần dân, thân dân. Nhà nước và nhân dân phải hòa hợp với nhau chứ không phải ở hai chiến tuyến, đến mức phải đối đầu.
Thời gian qua, ở một số vụ việc liên quan đến vấn đề thu hồi đất tôi thực sự rất buồn khi thấy các cuộc đối thoại giữa chính quyền và nhân dân chưa thực sự hiệu quả. Chúng ta vẫn thiên về cưỡng chế quá. Gần dân, thân dân phải làm sao khi cán bộ nói dân nghe và tin. Muốn vậy thì anh cán bộ đó từ lối ăn mặc, hành vi ứng xử phải gần gũi nhân dân, hành động phải vì lợi ích nhân dân thì mới có thể thuyết phục được họ.
Đằng này vẫn có nhiều ông Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh mặc dù đã có quy định tiếp dân định kỳ rồi nhưng vẫn thường xuyên thoái thác, cáo bận. Tôi không biết các vị bận kiểu gì nhưng như thế không thể nào gần dân, thân dân được. Ông ở trong khu cách biệt, ông đi xe cộ đắt tiền, chỉ thích đến nơi sang trọng, dùng đồ hiệu xa xỉ mà không bao giờ đi vào đời sống nhân dân thì gần dân, thân dân làm sao? Và đổi lại, nhân dân chẳng bao giờ tin các ông cả.
Thưa ông, thời gian qua ở một số địa phương đã đưa mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện vào Nghị quyết để thực hiện, thực tiễn như Báo Nông nghiệp Việt Nam khảo sát cũng cho thấy đã có nhiều mô hình, cách làm hay với mục tiêu tối thượng là xây dựng chính quyền phụng sự nhân dân. Theo ông, yếu tố nào là giá trị cốt lõi trong “cuộc cách mạng” này?
Con người. Thể chế do con người tạo ra, sử dụng và vi phạm thể chế cũng do con người, cho nên gốc rễ ở đây là con người. Cụ thể trong vấn đề chúng ta đang bàn chính là cán bộ.
Bác Hồ nói “cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”… Từ cán bộ theo nghĩa xưa là những người chung lưng theo một chính đảng. Sau này chúng ta đưa ra nhiều cách hiểu thêm đó là những người cốt cán, nòng cốt, chủ trì công việc, công tác nhân sự… Đây là vấn đề cốt lõi, gốc rễ của chính quyền gần dân, thân dân.
Nếu cán bộ có tâm trong sáng, nghĩ về lợi ích của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc thì khi khởi xướng, xây dựng chính sách bao giờ cũng đặt lợi ích của nhân dân, đất nước, lợi ích dân tộc lên trên hết. Như thế anh ta sẽ là cầu nối, là sợi dây đưa chính quyền đó gần dân, thân dân, là người cán bộ có phẩm chất như Bác Hồ đã nói là “yêu nước thương dân” hay “yêu nước thương nòi”.
Ngược lại, nếu cán bộ vì lợi ích của ngành mình, địa phương mình, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích bản thân thì khi xây dựng chính sách chắc chắn anh ta cũng hướng chính sách phục vụ những lợi ích đó.
Thứ hai, cũng là yếu tố con người hay cán bộ trong việc áp dụng chính sách pháp luật. Nếu cán bộ vì lợi nhỏ mang tính cá nhân, cục bộ mà bỏ qua lợi ích lớn của nhân dân, của sự nghiệp chung thì rõ ràng anh cán bộ đó không có phẩm hạnh tốt.
Đã là cán bộ không có phẩm hạnh tốt thì cả ba phương diện ban hành chính sách, áp dụng chính sách và xử lý vi phạm trong bộ máy chính quyền anh ta công tác sẽ tồn tại rất nhiều vấn đề. Anh ta sẽ là người xây dựng phe cánh với những người tôn xưng mình như là vua, là chúa trong cơ quan tổ chức. Anh ta đề bạt, cất nhắc những người xun xoe nịnh bợ, hầu hạ, điếu đóm cho mình và lựa chọn những người đó làm trợ thủ, đào tạo bồi dưỡng những con người đó nhằm kế thừa mình… Thế thì làm sao áp dụng chính sách vì lợi ích chung được và anh ta chắc chắn sẽ là mối nguy hại khiến nhân dân mất niềm tin vào chính quyền.
Thứ ba, trong xử lý các vi phạm, nếu cán bộ có hành vi xử lý mang tính chất thù hằn cá nhân, hẹp hòi, đớn hèn thì không thể nào là cán bộ vì lợi ích chung được. Anh ta ganh tị với người tài năng, thông tuệ, uyên bác hơn mình và sẽ luôn tìm cách vùi dập người ta. Anh ta lợi dụng những điều pháp luật chưa quy định rõ để trù dập, tố cáo người khác, bất kể hành vi của người đó như thế nào.
Với nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng vậy. Tại Kỳ họp Quốc hội vừa rồi và cả mấy Kỳ họp trước tôi cũng đã nói nhiều vấn đề này. Đó là trong vấn đề xử lý vi phạm phải xem xét kỹ lưỡng cái nào là vô tình vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật, cái nào do quy định pháp luật chưa đầy đủ để có sự khoan dung.
Bởi vì thực tế pháp luật của chúng ta đôi khi vẫn còn tình trạng “giăng bẫy” khiến bất cứ ai cũng có thể vô tình sa vào. Cho nên khi xem xét vi phạm cần có sự khoan hồng, bao dung và nhìn nhận kỹ càng động cơ, mục đích của người phạm tội đó là gì. Nếu lỗi lầm có thể cải tạo, có cơ hội cho người vi phạm lập công chuộc tội và mang lại lợi ích lớn hơn cho quốc gia, dân tộc thì chúng ta nên xem xét để có hướng xử lý thấu đáo, đó mới là vì lợi ích chung.
Vai trò, yếu tố cán bộ chính là ở chỗ đó. Người cán bộ, lãnh đạo phải đạt được những cảm xúc lớn,cái tâm anh phải chứa đựng được cả thiên hạ, cái đầu anh phải nhìn thấu được cả nhân gian. Thế mới là cảnh giới cao nhất của tư tưởng gần dân, thân dân của người cán bộ phụng sự trong bộ máy chính quyền, Nhà nước.
Và cả những biểu hiện, hành vi cần lên án, cảnh báo, thưa ông?
Thực ra Đảng ta đã cảnh báo các nguy cơ cán bộ suy thoái từ rất lâu rồi và sau này những cảnh báo đó dần trở thành hiện thực. Cho nên mới “đốt lò”, mới chống tham nhũng, tiêu cực. Rõ ràng vấn đề suy cho cùng vẫn là cán bộ, yếu tố con người thôi. Chống tham nhũng, tiêu cực bản thân anh phải sạch trước đã. Còn anh nhân danh chống tham nhũng để đi dọa người ta, lén lút ăn tiền hoặc vì một động cơ nào đó không phải vì lợi ích chung thì chống làm sao được. Rồi đến thái độ, hành vi, cách ứng xử với nhân dân, đạo đức công vụ như tôi đã nói ở trên, trên cả ba phương diện. Có như thế mới củng cố được niềm tin của Nhân dân, mới xây dựng chính quyền gần dân, thân dân được.
Gốc rễ là con người, là công tác cán bộ, nhưng để lựa chọn được những người thực sự mang tư tưởng, hành động phụng sự nhân dân dường như luôn là vấn đề khó khăn, thưa ông?
Có nhiều cách lắm, nhưng theo tôi hiệu quả nhất là học Bác Hồ. Sinh thời, để chọn người tài đức, Bác chỉ xét ở 3 tiêu chí. Một là hỏi bạn bè người đó xem học có giỏi hay không. Hai là tìm hiểu xem người đó ứng xử với bố mẹ, anh em họ hàng, làng xóm như thế nào. Ba là thử thách bằng những công việc khó, thậm chí là gian nan, nguy hiểm.
Và nếu bạn bè người đó bảo là học giỏi thì chắc chắn là người giỏi. Nếu người đó hiếu đễ với bố mẹ, nghĩa khí với bạn bè, tình cảm với xóm làng chắc chắn là người có tâm. Nếu giao việc khó mà không từ nan, có thể làm tốt thì rõ ràng là người tài. Chúng ta học Bác là học những điều giản dị và rất hiệu quả như vậy. Còn bây giờ tôi thấy rằng có quá nhiều tiêu chí, vòng nọ vòng kia, đưa lên đưa xuống để lựa chọn nhưng thử hỏi liệu có hiệu quả bằng cách của Bác Hồ từng áp dụng hay chưa.
Bản thân tôi cũng đã từng đi địa phương nên biết. Người ta lấy tiêu chí áp sát, thuận lợi với người họ đã chọn. Rặt những “tứ ệ” như đồng chí Tổng Bí thư đã nói. "Trực hệ, đồ đệ, quan hệ, tiền tệ". Nếu như một bộ máy nhiều “tứ ệ” như vậy thì làm sao xây dựng được chính quyền gần dân, thân dân?
Cho nên, công tác cán bộ, tôi cho rằng phải thật, phải sát. Phải chọn người thực chứng bằng việc tổ chức thi tuyển các chức danh với công tác thật nghiêm ngặt. Người giỏi, người dốt biết ngay. Còn với các chức danh bầu cứ hãy công khai tranh cử để xem khả năng thuyết phục chính sách, khởi xướng chính sách, đề xuất giải pháp của người được bầu vào chức vụ nào đó như thế nào. Chứ một bộ hồ sơ đẹp lý lịch, đẹp bằng cấp, đẹp tỷ lệ phiếu tín nhiệm chưa biết thật giả thế nào thì làm sao chọn được người tài.
Thứ hai, phải có căn cứ thực chứng để đánh giá xem người đó đã làm được những gì cho đất nước, địa phương, cho cơ quan đơn vị… Anh có thành tích gì? Ví dụ ở Trung ương, một Ủy viên Trung ương cả nhiệm kỳ không có đề xuất gì cho chính sách cả thì làm sao vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư được. Một Bí thư Tỉnh ủy lãnh đạo một địa phương mà năm nào cũng cắp rá xin Trung ương hỗ trợ thì không thể nào bầu lên làm Bộ trưởng. Một đại biểu Quốc hội ngủ gật cả nhiệm kỳ, không bao giờ phát biểu, thậm chí khi phát biểu cầm giấy đọc ê a đọc xong vẫn không biết mình nói cái gì thì chọn lựa đại diện nhân dân, cử tri làm sao đây.
Và còn có cả những cách đánh giá đơn giản nhất như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chia sẻ là cứ hỏi dân sẽ biết hết. Chúng ta cần dũng cảm nhìn vào sự thật để chọn người tài chứ không thể theo kiểu dấm dúi lấy tiêu chí bỏ phiếu tín nhiệm ở gầm bàn, căn cứ vào mấy đánh giá của cấp trên là “cậu này có vấn đề”, dù không ai biết vấn đề đó là gì.
Tôi khẳng định, không lựa chọn được người tài vào bộ máy sẽ không thể nào xây dựng chính quyền gần dân, thân dân. Lịch sử dân tộc đã chứng minh giặc ngoại xâm bao phen thất bại là vì cái gì? Chính là vì lòng dân và Nhà nước là một, dưới sự dẫn dắt của người tài được lựa chọn, giao phó đã biến thành sức mạnh vô địch, kẻ thù nào cũng đều đánh thắng. Các thế lực ngoại xâm sợ sức mạnh dân tộc ta chính là sợ sức mạnh của một dân tộc đoàn kết, sợ sức mạnh của một dân tộc nhiều nhân tài.
Thời đại Nhà Trần, giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, vó ngựa đi đến đâu cỏ không mọc được đến đấy nhưng 3 lần đều thất bại là vì sao? Chính là vì Nhà Trần và Nhân dân là một. Muốn có lòng dân thì rõ ràng triều đại nào cũng phải gần dân, thân dân mới có được.
Lựa chọn người tài để xây dựng chính quyền gần dân, thân dân, lựa chọn cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm xây dựng chính quyền thân thiện, thực tiễn thời gian qua chúng ta cũng nói nhiều đến tâm lý sợ sai của cán bộ, quan điểm của ông thế nào?
Trong lúc tranh luận kinh tế xã hội trong Kỳ họp Quốc hội vừa rồi tôi phân “cán bộ không làm gì” thành ba loại. Một là loại không biết gì. Nghĩa là anh ta không có kiến thức, năng lực, có thể đi lên bằng “tứ ệ” để chễm chệ ngồi vào vị trí không xứng đáng nên không biết phải làm gì. Loại thứ hai là không thấy có lợi lộc gì cho bản thân, cho gia đình thì không làm. Loại thứ ba, biết nhưng sợ hãi, sợ có thể bị trừng phạt nên không dám làm.
Tôi cho rằng cả ba loại đó đều đáng bị xử lý, phế bỏ. Cán bộ là do dân nuôi, sao lại không làm gì là thế nào. Thậm chí cần phải xem xét hành vi không làm gì của những người đó đã gây tác hại đến lợi ích chung của nhân dân, của quốc gia dân tộc như thế nào để có hình thức xử lý chứ đừng nghĩ không làm gì mà thoát được lưới pháp luật.
Và ngược lại, chúng ta cũng cần phải quan tâm, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Vấn đề này vào năm 2021, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, một quyết sách rất đúng đắn, kịp thời và cần thiết. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thấy tiếc bởi vì sau 2 năm chúng ta vẫn chưa cụ thể hóa được bằng các văn bản pháp luật.
Đặc biệt là đối với những trường hợp cán bộ có vi phạm. Tôi cho rằng, ngoại trừ những trường hợp hại nước hại dân thì vẫn có những trường hợp cần xem xét ở cả 3 phương diện chúng ta đã nói ở trên. Mục đích ban đầu họ đặt ra cho việc làm đó là gì? Nếu vì mong muốn có ích cho đất nước, có lợi cho dân, không có động cơ lợi ích cá nhân và phương pháp, kết quả những việc làm đó như thế nào. Phương pháp tốt, kết quả tốt thì có thể là do các quy định pháp luật chưa đầy đủ nên họ mới vi phạm. Những người đó đáng được bảo vệ, thậm chí suy tôn, xem xét công chứ không phải tội.
Xin cảm ơn ông!