Về miền Quan họ không còn gặp bảo vệ gác cổng

Chính quyền thân thiện bài 4: Về miền Quan họ không còn gặp bảo vệ gác cổng

Ở Thành phố Bắc Ninh, hầu hết trụ sở các Sở, ngành đều không có tường rào, bốt bảo vệ hay barie chặn cổng. Các vườn hoa, công viên cũng không có tường rào.

Học theo chính quyền, các nhà hàng, khách sạn, nhà dân… dọc các tuyến phố của trung tâm thành phố cũng không có tường xây, tường ngăn… Thay vào đó là những bờ rào cây mềm mại, màu xanh mượt mà bạt ngàn khắp thành phố.

Tuyến phố trung tâm của Thành phố Bắc Ninh - đường Lý Thái Tổ kẻ một trục thẳng, hai bên là trụ sở các Sở ngành liền kề nhau: Giáo dục, Y tế, Công thương, Nông nghiệp - PTNT, Kế hoạch Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội…

Dù không theo mô hình liên cơ, tuy nhiên, các cơ quan quản lý cấp tỉnh của Bắc Ninh được quy hoạch tập trung ở trung tâm thành phố, vị trí mặt tiền và liền kề nhau. Điều này giúp cho các tổ chức, người dân khá thuận tiện khi tìm đến làm việc, liên hệ công tác…

Điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng và bất ngờ, đó là các cơ quan, công sở này không có tường rào, không có barie chắn ở cửa ra vào, không có bốt bảo vệ, và không có cổng “cửa đóng then cài”… như các cơ quan công sở nhiều nơi khác.

Thay vì tường rào cứng ngăn cách, mỗi công sở đều trồng một bờ rào cây, chỉ cao quá đầu gối người, phổ biến là cây nguyệt quế - loại cây lá nhỏ như vảy ốc, hoa trắng tinh khôi và mùi thơm dễ chịu, mê đắm như hoa nhài…

Bắc Ninh thực hiện mô hình chính quyền thân thiện từ sớm

Học theo các Sở, ngành, các nhà dân, cơ sở kinh doanh, nhà hàng khách sạn ở thành phố Bắc Ninh hầu hết đều không có tường rào. Những hàng cây hoa, những hàng cau vua thẳng tắp và xanh rì nối nhau thành hàng dài từ tuyến phố này sang tuyến phố khác, khiến thành phố bạt ngàn màu xanh tưởng như bất tận.

Thành phố Bắc Ninh có rất nhiều công viên, cây xanh và sân chơi công cộng: vườn hoa Nguyên phi Ỷ Lan ở trung tâm thành phố; vườn hoa, hồ điều hòa sạch đẹp, khang trang trước cổng Tỉnh ủy - UBND tỉnh, có những hàng ghế ngồi, đèn chiếu sáng, hồ điều hòa… Những con đường lát đá chạy túa dưới những tán cây. Đây là những lá phổi xanh của thành phố, là sân chơi, nơi tập thể dục, hít thở không khí trong lành của người dân.

Tất cả các điểm công cộng này cũng không có tường rào hay dựng bốt để bán vé, thu phí. Bắc Ninh mở cửa để người dân vào tự do gần chục năm trước.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng đặt câu hỏi ngược trước khi tôi kịp thắc mắc: “Nhà báo có thấy thân thiện, gần gũi và có thiện cảm hơn khi các cơ quan, công sở, nhà dân… không có tường rào cứng nhắc… hay không?

Nếu là một người từ tỉnh khác tới Bắc Ninh, hình ảnh đó sẽ cho tôi hai suy nghĩ đầu tiên: thứ nhất, đó là an ninh trật tự của thành phố rất tốt, ý thức của người dân rất cao, thế nên mới không phải kín cổng cao tường, lập bốt có người canh trực 24/24. Thứ hai, đó là sự thân thiện, gần gũi, không có rào cản ở những nơi vẫn được gọi là công quyền".

Từ năm 2015, vườn hoa, công viên tại thành phố Bắc Ninh đã được tháo bỏ các tường rào. Hạ tầng, vỉa hè công viên được xây dựng tạo nên một không gian mở, khiến những con phố ở Bắc Ninh hòa lẫn dưới màu xanh của cây, trở nên mềm mại trữ tình. Bên trong, các không gian chung được quy hoạch sạch sẽ, tươm tất; các dụng cụ tập thể dục ngoài trời, ghế đá nghỉ chân… được đồng bộ.

Bắc Ninh muốn xây dựng chính quyền thân thiện,cởi mở đối với người dân ngay từ những điều nhỏ nhất

Chủ trương xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ người dân được Bắc Ninh ý thức từ rất sớm. Tiếp sau các vườn hoa, công viên, các công sở ở Bắc Ninh cũng lần lượt dỡ bỏ các tường rào ngăn, thay vào đó là bờ rào cây, mỗi công sở đều là “một vườn hoa nhỏ”…

Chủ trương này được các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh triển khai từ rất sớm, đến nay, hầu hết các Sở, ngành đều đã hoàn thành dỡ bỏ tường rào, trồng cây xanh thay thế.

“Khi tôi còn phụ trách lĩnh vực hạ tầng đô thị của Ủy ban Thành phố, nội dung này đã được triển khai. Hiệu quả mang lại nhiều hơn so với kế hoạch đặt ra”, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, chính quyền tỉnh Bắc Ninh muốn xây dựng sự thân thiện, cởi mở đối với người dân ngay từ những điều nhỏ bé nhất, trước tiên bằng sự thay đổi suy nghĩ: người đầu tiên phải gặp, đó là… ông bảo vệ. Sự lạnh lùng, cứng nhắc của (hầu hết) các ông bảo vệ, trực chốt khiến người dân thiếu thiện cảm đã không còn tồn tại. Đến đây, bạn cứ tự nhiên đi vào, sẽ có người hướng dẫn, liên hệ nội dung để cung cấp, xử lý!

Thay thế tường rào, bốt bảo vệ là hàng rào điện tử, thiết bị, camera giám sát 24/24 liên thông trên khắp thành phố. Chính quyền mở, không khoảng cách theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

 

 

Không chỉ xóa bỏ tường rào công viên, công sở sớm nhất, lắp đặt các thiết bị - khu thể dục ngoài trời cho người dân sớm nhất…, Bắc Ninh còn rất nhiều cái nhất khác.

Tháng 9/2020, ông Vương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tham gia điều hành cuộc họp báo trước thềm sự kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi đặt ra trong đó có nội dung vấn nạn ô nhiễm môi trường làng nghề tại Bắc Ninh (như làng giấy Phong Khê, Phú Lâm, làng nghề tái chế, cô nhôm Văn Môn…); dòng Ngũ Huyện Khê đi qua tỉnh này từ lâu đã là dòng sông chết… Giải đáp vấn đề này, ông Tuấn cho biết sẽ xử lý, giải quyết trong 2 tháng nữa.

Đúng như lời hứa của ông Tuấn. Tỉnh Bắc Ninh ngay sau đó đã ban hành kế hoạch xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm nghiêm trọng của các cơ sở sản xuất, chế biến giấy gây ô nhiễm môi trường. Trực tiếp ông Tuấn dẫn đoàn công tác đi cắt bỏ hệ thống đường ống xả thải đầu độc sông Ngũ Huyện Khê của các cơ sở sản xuất giấy tự phát; xử phạt, đóng cửa, buộc di dời; đình chỉ hoạt động sản xuất; đề nghị điện lực cắt điện, ngân hàng ngừng cung cấp tín dụng đối với cơ sở sản xuất giấy bị vi phạm, thậm chí, cần thiết sẽ khởi tố các trường hợp chống đối, không hợp tác, gây ô nhiễm môi trường…

Lần đầu tiên, vấn nạn ô nhiễm tồn đọng nhiều thập kỷ ở Bắc Ninh đã có phương án xử lý, giải quyết và thực sự quyết liệt. Động thái mạnh mẽ của chính quyền khiến người dân thêm tin yêu.

Tháng 7/2021, thời điểm dịch bệnh Covid-19 ở giai đoạn đỉnh điểm và căng thẳng, Bắc Ninh thành lập “Tổ phản ứng nhanh ba nhất” đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Mục tiêu, cùng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tháo bỏ những vướng mắc để duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thực hiện mục tiêu kép: “phòng, chống dịch và tăng trưởng kinh tế”…

Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh được giao phụ trách đã thành lập 3 tổ tiếp nhận, xử lý thông tin hỗ trợ doanh nghiệp; thành lập kênh tiếp nhận thông tin trên nền tảng Zalo Official Account. Trong thời điểm đó, đây là sáng kiến mới, ứng dụng nền tảng công nghệ mạng xã hội, có tính lan tỏa cao, dễ dàng tiếp cận, xử lý các phản ánh, kiến nghị, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp và công dân.

“Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp” thu hút được gần 7.300 doanh nghiệp, người dân quan tâm, đăng ký, theo dõi, tương tác thường xuyên, với hơn 40.000 lượt xem các tin, bài viết; trên 3.000 tin nhắn phản ánh, kiến nghị hoặc vướng mắc cần giải đáp; hàng trăm kênh, nhóm zalo, các tổ tư vấn của các Sở, ngành, địa phương, các xã, phường, thị trấn đã được thành lập, với trên 20.000 lượt người dân, doanh nghiệp quan tâm…

Đầu tháng 6/2023, Bắc Ninh ra mắt 5 tổ chuyên gia gỡ khó, đồng hành cùng doanh nghiệp theo 5 lĩnh vực: Đầu tư; Đất đai - Môi trường; Quy hoạch - Xây dựng; Lao động và An ninh - An toàn, trực tiếp lãnh đạo 5 Sở ngành làm tổ trưởng mỗi tổ. Đây là sự kiện được công bố tại Hội nghị Đối thoại cùng 600 đại diện của 250 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham dự với chủ đề: “Sẵn sàng cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển” với phương châm "chính quyền thấu hiểu".

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, bên cạnh phần mềm tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của người dân đang hoạt động hiệu quả, sắp tới Bắc Ninh sẽ cho ra mắt phần mềm tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp. Hàng tháng, sẽ tổng hợp kết quả, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.

Kiên Trung - Nguyên Huân
Trương Khánh Thiện
Kiên Trung