Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới được công bố, tỉnh Quảng Ninh xếp thứ nhất/63 tỉnh, thành phố với 72,95 điểm, tỉnh Bắc Giang xếp thứ nhì với 72,80 điểm, Hải Phòng xếp thứ 3 với 70,76 điểm trên thang điểm 100…
Ghi nhận từ cơ sở của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại những địa phương có Chỉ số năng lực cạnh tranh tốp đầu.
Quảng Ninh: Phục vụ người dân không chỉ là hư danh
Quảng Ninh luôn xác định để phát triển bền vững, hệ thống chính trị phải không ngừng đổi mới tư duy, công tác cải cách hành chính, chính quyền thân thiện đặt lên hàng đầu.
Theo kết quả công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ngày 19/4/2023, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu cả nước ở 2 bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2022. Kết quả này tiếp tục khẳng định niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về những nỗ lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; phản ánh thực chất, khách quan các giải pháp đồng bộ mà tỉnh đã triển khai thời gian qua.
Chị Vũ Thị Dung (phường Vàng Danh, TP Uông Bí) có con bị hỏng mắt trái từ nhỏ. Qua tư vấn của cán bộ phường, tháng 10/2022, chị Dung đưa con đến UBND phường làm thủ tục để được hưởng trợ cấp xã hội cho người khuyết tật. Sau khi tiếp nhận đơn của chị Dung, 3 hôm sau đã có cán bộ của Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh Quảng Ninh đến phường để giám định. Và chỉ chưa đầy 20 hôm, hồ sơ của cháu đã được phê duyệt.
"Được cán bộ hướng dẫn cặn kẽ, chi tiết mọi bước thực hiện nên hồ sơ của tôi hoàn thành rất nhanh. Bên cạnh đó, với việc thực hiện các bước lập, gửi hồ sơ trực tuyến như hiện nay, công dân chúng tôi cũng được theo dõi cụ thể các bước giải quyết. Tôi thấy thực sự hài lòng với công tác điều hành, phục vụ người dân của chính quyền tỉnh Quảng Ninh", chị Dung chia sẻ.
Anh Trần Văn Hùng, phường Hoành Bồ (TP Hạ Long) đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh để làm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề thú y. Tại đây, anh được cán bộ tiếp nhận hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục hành chính tận tình, nhanh chóng.
"Hiện nay, các thủ tục hành chính đều được đưa ra giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nên người dân không phải đến các sở, ngành như trước. Đến đây, tôi được cán bộ tiếp nhận hồ sơ của Sở NN-PTNT Quảng Ninh hướng dẫn nhiệt tình, còn tư vấn, hướng dẫn tôi cách nộp hồ sơ trực tuyến đối với một số thủ tục của ngành. Lần sau khi có nhu cầu tôi sẽ thực hiện trực tuyến để tiết kiệm thời gian", anh Hùng phấn khởi.
Bà Vũ Thị Hạnh ở thị xã Đông Triều, bày tỏ: "Tôi muốn mở cửa hàng chuyên kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, khi liên hệ làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận, cán bộ bộ phận 'một cửa' Sở NN-PTNT hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo, hồ sơ giải quyết nhanh gọn trước thời gian quy định".
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, cho biết Sở xác định cải cách hành chính là một trong những giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy ngành phát triển theo hướng hàng hóa.
Thời gian qua, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, từng bước xóa bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
"Chúng tôi xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trách nhiệm là yếu tố then chốt. Sở đã xây dựng quy chế và cải tiến lề lối làm việc; nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ, giao tiếp ứng xử; đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, công chức.
Từ những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, ngành nông nghiệp Quảng Ninh kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh, từng bước nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân và khu vực nông thôn", ông Sơn cho hay.
Chia sẻ về những kinh nghiệm cải cách hành chính, tạo chính quyền thân thiện của tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Những chỉ số đẹp được công bố là những "con số biết nói", nhưng ẩn chứa đằng sau là các động lực thúc đẩy bởi các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực, nhưng tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người. Bằng sự nêu gương, làm gương của người đứng đầu qua hành động thực tế, "nhiệt huyết và truyền lửa" nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
"Đó còn là chính sách thu hút, lựa chọn đúng người thực đức, thực tài trong bộ máy lãnh đạo, quản lý, mạnh dạn bố trí, sử dụng ở các vị trí phải chịu trách nhiệm đứng mũi chịu sào trong bối cảnh đầy khó khăn, thử thách những năm vừa qua.
Đó còn là việc thiết lập, vận hành cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu lực, hiệu quả để kiên quyết sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giảm sút uy tín, nhất là nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây phiền hà cho người dân", Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký nói.
Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần nâng cao chính quyền thân thiện
Quảng Ninh luôn xác định, trên hành trình cải cách, những nỗ lực phải đến hằng ngày, không chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được, mà luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ, giải quyết với tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, chính quyền thân thiện trong thực hiện cung cấp các dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân và xã hội với chất lượng ngày càng tốt hơn.
Bắc Ninh đặt mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện
Đi sau, về trước, đạt mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện để phục vụ người dân, doanh nghiệp chu đáo, Bắc Giang đã và đang gặt hái thành công.
Giữa tháng 6, bên ngoài nắng như đổ lửa nhưng trong khu vực Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang vẫn mát rượi, hàng chục người dân đang ngồi chờ đến lượt nộp và nhận các thủ tục hành chính.
70 tuổi, ông Trần Văn Đông ra phường từ sớm để làm một số thủ tục, tránh nắng nóng. Hôm nay, ông Đông đi bổ sung giấy tờ chứng tử của người vợ đã qua đời vào hồ sơ cho tặng đất đai và mọi việc rất thuận lợi.
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, chuyện hoàn thiện các giấy tờ với người đàn ông cả đời làm nông này không hề đơn giản, phần vì nhiều từ ngữ hành chính, phần vì chữ nhỏ mà mắt lại kém.
Nhưng khi đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường Dĩnh Kế, nơi in dòng khẩu hiệu “Hành chính phục vụ” rất rõ ràng thì mọi chuyện đơn giản hơn nhiều.
Các đề mục trong hồ sơ được nhân viên hành chính phường hướng dẫn rất cụ thể cho ông Đông. Đến khi hoàn thiện thì có các bạn thuộc đoàn thanh niên của phường và cả những người trẻ đi làm thủ tục hỗ trợ ông.
“Chu đáo lắm, tận tình lắm chú ạ. Đợt này đông người đi làm thủ tục, vất vả đấy nhưng các cô chú vẫn rất niềm nở, tận tình hướng dẫn cho bà con đến nơi đến chốn”, người đàn ông có mái đầu bạc trắng hồ hởi nói.
Với hơn 17.000 nhân khẩu thường trú, Dĩnh Kế là 1 trong 3 phường có dân số đông nhất của thành phố Bắc Giang. Chưa kể, Dĩnh Kế lại là phường Trung tâm của thành phố do vậy lượng khách lưu trú, vãng lai đến làm các thủ tục hành chính rất nhiều.
“Các tháng 5, 6, 7 là cao điểm của thủ tục hành chính. Mỗi ngày chúng tôi có thể đón đến hàng trăm lượt bà con đến giải quyết các thủ tục. Trong đó phần nhiều là các bạn học sinh đến làm hồ sơ thi các cấp, cán bộ đến làm hồ sơ thi tuyển…”, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND phường nói.
Từ cách đây hơn 1 năm, chính xác là 14/4/2022, đồng loạt 16 phường, xã của thành phố Bắc Giang triển khai mô hình chính quyền thân thiện. Theo đó, các khu vực tiếp nhận và trả hồ sơ được cải tạo, nâng cấp để phục vụ nhân dân.
Như ở Dĩnh Kế, trong phòng có đầy đủ điều hòa, cây nước, ghế ngồi cho bà con đến làm thủ tục. Đối với các thủ tục khai trực tuyến, phường bố trí một khu vực đặt máy tính để người dân có thể sử dụng ngay tại chỗ. Ngoài ra, các trang thiết bị hạ tầng của cán bộ cũng được nâng cấp để cải thiện năng suất làm việc.
“Việc sử dụng máy tính và kê khai các thủ tục trực tuyến với nhiều người không đơn giản. Do đó, chúng tôi thường xuyên bố trí cán bộ hoặc đoàn viên hỗ trợ bà con thực hiện công đoạn này, chủ yếu là người già”, Phó Chủ tịch Trung cho biết thêm.
Ở Bắc Giang, các cơ quan hành chính bắt đầu làm việc từ 7h sáng cho mùa hè và 7h30 đối với mùa đông. Trong tuần, các phường còn có nhiều sáng kiến để cải thiện công tác thủ tục hành chính cho nhân dân. Ví dụ như ở Dĩnh Kế có “Ngày thứ Sáu nhanh”.
Theo ông Vũ Văn Trung, trong "Ngày thứ Sáu nhanh" đối với các giấy tờ không cần xác minh nhiều như giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh... các cán bộ của phường sẽ đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thiện ngay trong ngày, không để kéo dài sang tuần sau.
Ngoài ra, phường cũng có chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt khi nộp các loại phí thủ tục hành chính hay hạn chế người dân tiếp xúc trực tiếp với cán bộ làm hồ sơ mà qua trung gian là đội ngũ hướng dẫn.
Đặc biệt, trong những ngày thiếu điện xảy ra khắp nơi như hiện nay, các cán bộ của phường Dĩnh Kế vẫn tạo điều kiện hết mức cho bà con đến xử lý thủ tục hành chính.
“Với các thủ tục kê khai trực tuyến, chúng tôi hỗ trợ, hướng dẫn bà con khai báo sau đó sẽ nhập vào hệ thống trực tuyến sau khi có điện trở lại”, ông Vũ Văn Trung nói khi được hỏi về cách triển khai công việc trong những ngày mất điện.
Chấm điểm, gắn sao xã phường thân thiện
Chỉ 15 ngày từ khi khảo sát, lập dự án đầu tư vào Bắc Giang, Cty TNHH VAN HUACHENG đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp với số vốn điều lệ 400 tỷ đồng.
Ông LIU QIANG, TGĐ Cty này vui vẻ cho biết, các cơ quan thuộc UBND tỉnh thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng khó tưởng tượng nổi. Ban đầu, Cty mẹ phía Trung Quốc xác định sẽ phải chờ khoảng 3-6 tháng mới xong thủ tục để tiến hành thuê đất, xây dựng mặt bằng sản xuất. Tuy nhiên, chỉ khoảng nửa tháng, phía Bắc Giang thông báo mọi thủ tục đã xong xuôi và doanh nghiệp có thể tiến hành các bước tiếp theo trong quá trình đầu tư.
“Ngay cả chi phí cho các thủ tục cũng hết sức nhẹ nhàng. Ban đầu chúng tôi xác định chi phí khoảng 100 nghìn USD, nhưng khi được Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển doanh nghiệp của tỉnh thực hiện, số tiền bỏ ra có 15 triệu đồng. Không những nhận được kết quả nhanh ngoài sức tưởng tượng, chúng tôi còn nhận được vô vàn nụ cười từ phía những người thực thi nhiệm vụ của tỉnh Bắc Giang”, ông LIU nói.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang, cho hay, với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cơ sở, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, sau hai năm triển khai xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện”, tỉnh Bắc Giang đã bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Để tiếp tục xây dựng mô hình theo đúng mục tiêu đề ra, Bắc Giang sẽ tiến hành chấm điểm, gắn sao và công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Chính quyền thân thiện từ năm 2023.
Theo đó, nội dung đánh giá, công nhận gồm: Công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tuyên truyền về “chính quyền thân thiện”; thực hiện cải cách hành chính; văn minh, văn hóa công sở và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; tổ chức tiếp xúc, đối thoại và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; mức độ hài lòng của cán bộ, công chức, người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Việc xét đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn được thực hiện định kỳ hằng năm; chỉ đánh giá, công nhận các xã, phường, thị trấn đăng ký đạt chuẩn hằng năm hoặc đăng ký nâng hạng sao hằng năm (đối với các xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn).
Xây dựng chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm chính trị của Bắc Giang trong xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ thông tin vào các lĩnh vực đời sống hướng đến xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Hơn hết là thể hiện quyết tâm chuyển đổi từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ; thay vì cho phép, cấp phép sang được phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bắc Giang sẽ tiến hành chấm điểm, gắn sao và công nhận nơi đạt chuẩn chính quyền thân thiện vào năm 2023
Tính đến hết ngày 13/6/2023, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 1,305 tỷ USD tổng vốn đầu tư quy đổi (chưa bao gồm các dự án khu đô thị, khu nhà ở), tăng 44% so với cùng kỳ. Trong đó, 34 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có số vốn đăng ký đạt 1,053 tỷ USD, gấp 4 lần cùng kỳ; điều chỉnh tăng vốn cho 9 dự án đầu tư trong nước với số vốn bổ sung đạt 426 tỷ đồng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ và 16 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký bổ sung đạt 166,53 triệu USD, bằng 65,3% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước về kết quả thu hút nguồn vốn FDI sau thành phố Hà Nội. Đây cũng là một trong những kết quả được đánh giá là do mô hình chính quyền thân thiện mang lại.