ASEAN - 3 ‘trụ cột’ trong phòng chống thiên tai

Để chủ động trong công tác dự báo, ứng phó với thiên tai, các bên liên quan phải chuẩn bị mọi kịch bản một cách sớm nhất, từ nhân lực cho tới vật lực, đồng thời tăng cường thông tin cảnh báo với cộng đồng, hoặc những vùng thường chịu ảnh hưởng, dễ gặp rủi ro về thiên tai.

Theo báo cáo tổng hợp từ Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, 11 tháng đầu năm 2023, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước chịu nhiều thiệt hại về thiên tai. Cụ thể, 156 người chết và mất tích, 141 người bị thương; gần 30.300 ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 94.800 con gia súc, gia cầm bị chết; gần 107.900 ha lúa và 43.700 ha hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính hơn 4.400 tỷ đồng.

Hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, cả Trung ương và địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước cần phải chung tay để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra. Một trong những giải pháp được Việt Nam đưa ra trong năm giữ vai trò làm Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM) là “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường khả năng chống chịu”. Chủ đề này nhằm nhấn mạnh định hướng trong quản lý thiên tai, chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa.

Chia sẻ thêm về quan điểm này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, hành động ứng phó sớm là một thuật ngữ rất cô đọng, trong đó các bên liên quan phải chuẩn bị mọi kịch bản một cách sớm nhất, từ nhân lực cho tới tài lực, rồi tăng cường thông tin cảnh báo với cộng đồng, hoặc những vùng thường chịu ảnh hưởng, cộng đồng dễ gặp rủi ro về thiên tai. Từ đó, cơ quan quản lý sẽ đưa ra những phương án để có thể chủ động ứng phó ngay lập tức, kể cả trong trường hợp khẩn cấp.

“Chúng ta không thể ở trong thế bị động, hay nói một cách khác là phải hành động sớm, sớm ngay từ trong suy nghĩ, phương thức tiếp cận cho đến cách triển khai. Rất may mắn là các quốc gia ASEAN và đối tác đều có chung quan điểm và thống nhất về biện pháp này khi ứng phó với thiên tai”, vị tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết.

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT định hướng, dựa trên những kinh nghiệm trong năm làm Chủ tịch ACDM, Việt Nam thời gian tới sẽ tăng cường phòng tránh hơn là chống chịu thiên tai. Ông quan niệm, rằng “1 đồng bỏ ra để hành động sớm thì đỡ tốn hơn 10 đồng khi khắc phục hậu quả”, chưa kể ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày một nhiều khiến nhiều thiên tai để lại hậu quả quá lớn, vượt khỏi khả năng ứng phó tức thời.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều cơn bão đã khiến Việt Nam thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Tiêu biểu có siêu bão Noru đổ bộ hồi cuối tháng 9/2022 tại vùng biển miền Trung. Siêu bão này di chuyển nhanh, thay đổi liên tục về cường độ, gió giật có thể từ cấp 12 lên tới cấp 17 ở ngoài biển và khi vào bờ có thể đạt cấp 12, cấp 14. Nếu không kịp thời bám sát, dự báo và có phương án đối phó khẩn cấp, thiệt hại sẽ là rất lớn.

Tuy nhiên, chính trong bão Noru, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đúc kết 6 nhóm vấn đề trọng tâm. Một là, cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người.

Hai là, nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng chống bão nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Ba là, chủ động xây dựng kịch bản, phương án phù hợp tình hình và khi xảy ra tình huống thì vận hành các kịch bản, phương án đã đưa ra theo phương châm bốn tại chỗ.

Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Năm là, thông tin, hướng dẫn kịp thời, thông suốt, toàn diện, đầy đủ tới người dân, các cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp.

Sáu là, tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, cũng không lo sợ, hoang mang, hốt hoảng, mất bình tĩnh cùng sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của cả nước với tinh thần đoàn kết, thống nhất, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về tầm quan trọng của hành động sớm giúp phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Video: Quang Dũng.

Trong báo cáo đánh giá thiệt hại do bão Noru, Bộ NN-PTNT cho biết: “Đoàn kiểm tra đi đến đâu, thì từng người dân đều biết nguy cơ cao của bão Noru. Chính vì vậy sự lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương đã ngấm đến từng người dân. Sự chủ động này là yếu tố quan trọng để thiệt hại do bão gây ra giảm đi rất nhiều".

Đây cũng là một trong những tinh thần của việc ứng phó sớm, điều mà trước đó, Việt Nam chưa thể triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt khi chịu ảnh hưởng của bão Ketsana hồi tháng 10/2009, hay bão Xangsane vào tháng 10/2006 khiến hàng chục người thiệt mạng, thiệt hại nhiều nghìn tỷ đồng.

Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam luôn chủ động nghiên cứu để thể chế hóa, kế hoạch hóa những khái niệm như “hành động sớm” hay “nâng cao năng lực cho cộng đồng”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin rằng, trong bối cảnh nguồn lực, công nghệ còn gặp những rào cản nhất định, thì các cơ quan chuyên môn phải xác định rõ đâu là mục tiêu chính để hướng mũi nhọn, tập trung đầu tư, song song với việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ tham gia công tác dự báo, cảnh báo và công tác phòng, chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai xảy ra.

Xác định yếu tố nội lực là cơ bản, quyết định, còn ngoại lực là quan trọng, đột phá, Bộ trưởng kêu gọi các tổ chức sớm thúc đẩy xây dựng một hệ thống quản lý phòng, chống thiên tai, trong đó lấy con người làm trung tâm, lấy cộng đồng làm chủ thể.

Đồng thời, liên tục nâng cao năng lực ứng phó thiên tai trên cơ sở hành động tập thể của các quốc gia trong khu vực ASEAN, nhất là năng lực của cộng đồng đã huấn luyện, đào tạo, tập huấn để mọi người cộng đồng chủ động hơn. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhìn nhận, việc được nâng cao nhận thức kết hợp với những tri thức bản địa của người dân đã sống quen trong vùng thiên tai và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khả năng hành động sớm nằm trong tầm tay.

Ngày 12/10, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, các quốc gia ASEAN đã thông qua Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN. Đây là một sáng kiến của Việt Nam, dựa trên đóng góp một cách thống nhất của các quốc gia trong khu vực và có liên quan.

Tuyên bố dựa trên 3 trụ cột. Thứ nhất, là cải thiện thông tin không phải chỉ trong một quốc gia mà là sự chia sẻ, cải thiện khả năng thông tin từ sớm trong khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, các quốc gia còn chia sẻ những dự báo, cảnh báo cho những quốc gia trong vùng ảnh hưởng thiên tai.

Thứ hai, là nâng cao khả năng lập kế hoạch để vận hành và thực hiện kế hoạch nêu trên, từ cơ quan quản lý phòng, chống thiên tai cho tới chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư.

Thứ ba, là huy động nguồn lực tài chính, trên cơ sở thành lập một quỹ tài chính để các nước có thể chia sẻ, hỗ trợ cho hoạt động chung, hoặc khi thiên tai vượt trên mức thảm hoạ quốc gia. Đây cũng là một cách để các quốc gia trong khu vực ASEAN có thể chủ động hỗ trợ cho cộng đồng và người dân của quốc gia khác.

Trong Tuyên bố Hạ Long, các quốc gia ASEAN nhấn mạnh những nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 về Quản lý thiên tai nhằm đưa ASEAN trở thành tiên phong trong thay đổi nền tảng quản lý thiên tai trong và ngoài khu vực Đông Nam Á, đồng thời củng cố vị trí lãnh đạo của ASEAN thông qua việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, cách tiếp cận sáng tạo, xây dựng mạng lưới, tài chính bền vững, quản trị liên ngành và đa tầng, lấy người dân làm trung tâm vào năm 2025. Tất cả đều nhằm kêu gọi ASEAN thích nghi, ứng phó tốt hơn, và có tính cạnh tranh cao hơn, xây dựng một ASEAN có khả năng chống chịu thiên tai thông qua việc thúc đẩy các hoạt động phát triển dựa trên nhận thức về rủi ro ở tất cả các khía cạnh.

Khung ASEAN về Hành động sớm trong Quản lý thiên tai cũng là một điểm nhấn trong tuyên bố. Trước sự chứng kiến của các đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN cam kết đạt được mục tiêu thúc đẩy việc thực hiện và nhân rộng các phương pháp tiếp cận hành động sớm trong khu vực ASEAN để bảo vệ tính mạng, tài sản và sinh kế của người dân trước các rủi ro thiên tai tiềm tàng có thể xảy ra nhằm giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do thiên tai ở các quốc gia thành viên ASEAN.

Bên cạnh việc tăng cường năng lực cho tất cả các Quốc gia thành viên ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các quốc gia thành viên còn sẵn sàng hỗ trợ Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA) trong việc chia sẻ thông tin về rủi ro thiên tai, đặc biệt là tăng cường Hệ thống Giám sát và Ứng phó thiên tai (DMRS), và Mạng lưới thông tin thiên tai ASEAN (ADINet).

 Các yếu tố kích hoạt hành động sớm được khuyến nghị đưa vào các Đánh giá rủi ro thiên tai khu vực và xuyên biên giới. ACDM và Trung tâm AHA cũng sẽ có thêm nguồn lực nghiên cứu và xây dựng các cơ chế chia sẻ dữ liệu chất lượng trong khu vực và với các đối tác, đồng thời tăng cường năng lực cho các hệ thống cảnh báo sớm và dự báo dựa trên tác động trong khu vực.

Đánh giá về Tuyên bố Hạ Long, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cấp thiết của việc hợp tác, xây dựng quan hệ đối tác và chuyển giao công nghệ cho hành động sớm với các quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế trong việc tăng cường giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong khu vực, đặc biệt là để hỗ trợ quá trình đào tạo và tăng cường thông tin rủi ro thiên tai, các kế hoạch cũng như các hành động sớm dựa trên bằng chứng và thông về tin rủi ro trong khu vực.

“Có thể coi đây là một trong những dấu ấn ghi nhận sự nỗ lực của Việt Nam trong việc cùng với các nước đưa ra những hành động để giảm nhẹ rủi ro cho thiên tai của các nước ASEAN”, Thứ trưởng nhận xét.

Việt Nam là một trong những quốc gia ASEAN chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai, có lẽ chỉ xếp sau Philippines. Do đó, Thứ trưởng cam kết, Việt Nam sẽ cùng các quốc gia tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố ASEAN về “Một ASEAN, Một Ứng phó: ASEAN ứng phó với thiên tai trong và ngoài khu vực như một thực thể thống nhất (OAOR)”. Cùng với đó, Việt Nam, trong năm giữ vai trò Chủ tịch ACDM, sẽ đẩy mạnh hợp tác liên ngành với các cơ quan khác trong ASEAN liên quan đến tài chính và bảo hiểm rủi ro để thực hiện các sáng kiến phòng chống thiên tai cho khu vực, như Chương trình Tài chính và Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai ASEAN (ADRFI) và Quỹ Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai ASEAN (SEADRIF).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, xưa nay mọi người thường sử dụng khái niệm “phòng chống thiên tai” nhưng hiếm khi đặt vấn đề, rằng liệu có thể chống chịu được với thiên tai hay không. Từ cách tiếp cận ấy, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng cần đầu tư nhiều hơn cho công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, dù đó là nhiệm vụ không hề đơn giản, thậm chí còn khó khăn hơn rất nhiều bởi con người phải đối mặt với những thứ bất định, không biết trước. Ông cũng đặt ra câu hỏi, trong các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ thiên tai thì “phần cứng” hay “phần mềm” là hướng đi chính? Phần cứng ở đây là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, còn phần mềm là nâng cao ý thức toàn dân.

Đặt ra câu hỏi, nhưng Thứ trưởng cũng thừa nhận, là phải có sự điều chỉnh linh hoạt. Ví dụ, ở những khu vực cứ mưa là ngập lụt, thay vì đầu tư hạ tầng thì nên tái cơ cấu mùa vụ, chẳng hạn chuyển cấy lúa sang nuôi trồng thủy sản. Trên quan điểm này, Thứ trưởng tin rằng với điều kiện hiện tại của Việt Nam, có lẽ “phần mềm” sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn bởi điều kiện nước ta còn hạn chế, chưa thể đầu tư hạ tầng một cách xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương.

“Chúng ta luôn phải xác định thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào, nếu không chủ động dự báo, không chủ động phòng tránh thì rất khó khắc phục. Vì thế, cần chủ động phòng tránh ngay từ cộng đồng dân cư. Với những cộng đồng đã xác định “sống chung với lũ”, mọi người dân đều phải được biết, phải nhận thức được một cách đầy đủ, mình cần phải làm gì để an toàn, để đảm bảo tính mạng, tài sản của mình”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cùng nằm bên rìa Tây của Thái Bình Dương như các quốc gia ASEAN, Hàn Quốc Quốc đã trải qua rất nhiều những thiên tai khác nhau và tích lũy được nhiều kiến thức cũng như kỹ năng và kinh nghiệm ứng phó. Tại phiên họp cấp cao với các quốc gia Đông Nam Á, phía Hàn Quốc mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết và kiến thức trong ứng phó và quản lý thiên tai.

Ông Yi Han Kyung, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc chia sẻ: “Nếu chúng ta hợp tác trong quản lý thiên tai, chúng ta có thể cùng đóng góp cho công tác quản lý thiên tai và ứng phó với thiên tai một cách tốt hơn, hướng tới mục tiêu bảo vệ mạng sống con người và tài sản ở đất nước mình”.

  Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Yi nêu 3 phương án để Hàn Quốc có thể hợp tác với khối ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Đầu tiên là tăng cường năng lực cho các cán bộ chuyên môn, chuyên gia, đội ngũ kỹ thuật đang trực tiếp làm việc trong lĩnh vực quản lý thiên tai. Lãnh đạo Hàn Quốc đánh giá, đây là một nội dung rất quan trọng, giúp các bên tham gia ứng phó một cách hiệu quả với thiên tai. Hàn Quốc đã và đang đào tạo cho các quan chức Chính phủ, những người thực hành thực tế trong lĩnh vực này. Qua thực tế hàng chục năm, đất nước Đông Á nhìn nhận, phương pháp này thành công về nhiều mặt và mong muốn mở rộng thêm phạm vi của chương trình để hỗ trợ tăng cường năng lực cho các nước khác.

Thứ hai, là những cơ hội hợp tác về công nghệ. Hàn Quốc có thế mạnh về công nghệ tiên tiến, có đủ khả năng xây dựng được những hệ thống cảnh báo sớm phục vụ và bảo vệ mạng sống của con người trong thiên tai, cũng như ngăn ngừa những tổn thất cả về người và của trước thiên tai. Thứ trưởng Hàn Quốc nhận định, công nghệ tiên tiến là vũ khí tối ưu để bảo vệ con người. Đồng thời, quốc gia này sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN lắp đặt và triển khai các hệ thống cảnh báo sớm.

“Chúng tôi đã có được những kết quả rõ rệt ở vùng dự án đã triển khai hệ thống cảnh báo sớm, cụ thể là ở Việt Nam và Philippines. Chúng tôi mong muốn mở rộng thành tựu này đến các quốc gia thành viên ASEAN khác”, ông Yi bày tỏ.

Vấn đề thứ ba được đưa ra, là các quốc gia có chung mối quan tâm sẽ tổ chức hợp tác nghiên cứu, tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu làm cơ sở xây dựng những dự án mới, để cùng chung tay trong giảm rủi ro thiên tai tại khu vực ASEAN. Đây là cách hữu hiệu để hiện thực hóa được thịnh vượng chung và đảm bảo an toàn cho các quốc gia ở khu vực ASEAN. Dù ở thì tương lai, nhiệm vụ này cũng rất cấp bách bởi không quốc gia nào là ngoại lệ trong bối cảnh biến đổi khí hậu hay nói cách khác là những tác động của biến đổi khí hậu là không có biên giới.

Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đặt ra mục tiêu tham vọng là giảm phát thải khí nhà kính “bằng 0” trong năm 2050. Thứ trưởng Yi Han Kyung đánh giá cao điều này, và coi đây là nhiệm vụ chung của nhiều quốc gia. Để có thể thực hiện được, ông kêu gọi mỗi quốc gia chủ động đưa ra những giải pháp riêng, dựa trên đặc thù của mình để giải quyết các vấn đề trước mắt. Sau đó, các quốc gia sẽ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và cùng đoàn kết để ứng phó với thiên tai.

Cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đưa ra những giải pháp thiết thực để ứng phó sớm với thiên tai. Tại sự kiện Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai (AMMDM) và Trung Quốc lần thứ 3, ông Hao Junhui, Thứ trưởng Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc cho biết, quốc gia tỷ dân đã có nhiều biện pháp tăng cường, thúc đẩy việc thành lập Trung tâm Hợp tác quản lý khẩn cấp ASEAN - Trung Quốc (ACCEMC). Chủ tịch Tập Cận Bình đặc biệt quan tâm và tán thành việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm ACCEMC.

"Trung Quốc và ASEAN đều đang trong giai đoạn tăng cường năng lực ứng phó thiên tai. Do đó, quản lý thiên tai đều là mục tiêu chung của hai bên. Chúng ta đã lập ra kế hoạch hành động trong 5 năm, đồng thời nêu rõ các lĩnh vực trọng điểm và phương thức hợp tác", Thứ trưởng Hao nhìn nhận.

Được đặt tại TP. Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, ACCEMC sẽ phối hợp và bổ sung cho Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thiên tai (AHA) để đưa ra những cảnh báo và hành động sớm trước các thảm họa. Phía Trung Quốc khẳng định, sẽ cung cấp đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất để trung tâm sớm đi vào hoạt động.

Bảo Thắng
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Bảo Thắng - Đinh Tùng
Quang Dũng