Bên dòng Kiến Giang huyền thoại

LTS: Sau các tác phẩm ‘Coi đua thuyền sông Kiến Giang', ‘Đà Lạt và tuyến đường sắt răng cưa’ được đón nhận trên Tiếng Việt Văn Việt Người Việt, tác giả Coca, 12 tuổi, Hà Nội, tiếp tục đem đến những cảm xúc rất đặc biệt về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tôi đi qua cánh đồng lúa mênh mông là thấy thấp thoáng hình ảnh dòng sông Kiến Giang nơi có ông và mệ tôi đang đón đợi.

Mỗi năm, tôi chỉ được về thăm ông, mệ ở Lệ Thủy, Quảng Bình vài lần nhưng mỗi lần về đều để lại cho tôi những kỉ niệm, dấu ấn riêng. Tôi có cảm hứng viết về dòng sông nghịch hà của xứ Lệ nhưng lại bối rối vì cả con người và dòng sông đã cho tôi nhiều cảm xúc làm tôi không biết bắt đầu từ đâu, kết nối những câu chuyện đó với nhau như thế nào nên bài viết cứ như những trang nhật ký không ghi ngày tháng và dài mãi như dòng chảy của sông vậy.

Con đường ven sông dưới tán cây xanh mướt thật bình yên cho tôi cảm giác hoài niệm. Bến Đá là nơi có cây bàng quen thuộc mà mỗi lần tôi về là thấy tán lá khoác một màu áo mới. Tôi nhớ mùa lá bàng đỏ. Những bậc lên xuống bến sông được phủ kín lá rụng. Có lần thăm nhà ông Tịnh về, chúng tôi không đi về bằng đường làng nữa mà bác A2 dẫn đi thẳng ra con đường ven sông. Dòng sông Kiến Giang lồng lộng gió, những tán xanh của cây cối vẫy chào chúng tôi. Bác A2 đưa tay níu cành ổi ven đường xuống và hái một quả. Với ánh mắt và nụ cười hiền hậu, ông mệ nhìn bác như nhìn về một thời thơ bé của các con.

Mấy bác đưa thuyền xuống Bến Đá làm tôi rất háo hức vì đây là lần đầu tiên tôi được đi thuyền trên dòng sông Kiến Giang. Bác Thái - bác A3 làm việc ở Đài Truyền hình Quảng Bình nên do công việc mà mỗi dịp nghỉ lễ cả nhà sum họp thì bác thường về trễ làm ai cũng ngóng bác về. Xong công việc của Đài là bác liền chạy xe từ Đồng Hới về Lệ Thủy. Dù bác có hơi mệt nhưng vẫn hào hứng, hòa nhập luôn vào không khí vui vẻ với cả nhà. Bác A3 khởi động thuyền và là người cầm lái. Mấy bác cháu mặc áo phao, ổn định chỗ ngồi và thuyền bắt đầu di chuyển. Trên Bến Đá, ông mệ mỉm cười dõi nhìn theo chúng tôi đang xa dần. Mũi thuyền rẽ nước chầm chậm ra giữa dòng sông. Bác Mạnh – bác A2 bảo: Ngày xưa đi học mà có thuyền này thì nhất hè. Câu chuyện từ những kỷ niệm thời xưa của các bác được gợi ra và cười đùa vui vẻ. Bác Dân - bác A6 ôm em Bơ vào lòng và chỉ cho em những cảnh vật quanh sông. Có lẽ, bác muốn nhắn nhủ với em rằng, nơi đây không chỉ là nơi ba đã lớn lên mà dòng sông này còn chứng kiến các sự kiện lịch sử từ đau thương đến hào hùng của dân tộc. Tôi phóng tầm mắt ra xa trong mênh mông nắng chiều nhẹ buông trên mặt nước. Con thuyền của chúng tôi đi giữa màu xanh của trời đất.

 

 

Những ngôi làng xanh bình yên với con người hiền hậu, thân thiện bên dòng Kiến Giang luôn có sức thu hút đặc biệt đối với tôi. Có lần ở nhà sách quen từ thuở bé trên phố Đinh Lễ, tôi tình cờ thấy cuốn “Ô Châu cận lục” có tên tác giả là Dương Văn An ở một góc khuất trên giá sách, tôi bất ngờ và mừng như gặp được người quen ở Lệ Thủy. Vì dịp Tết Độc lập, tôi đã được đi dạo dọc sông Kiến Giang và có đến làng Tuy Lộc thăm đền thờ cụ Dương Văn An. Thỉnh thoảng nhớ về Lệ Thủy hay cần tra cứu thông tin về vùng đất Ngũ Quảng tôi vẫn mang cuốn sách “Ô Châu cận lục” ra đọc để biết hơn về núi sông và con người nơi đây ngày xưa như thế nào. Nhiều đoạn tôi thích còn chép ra, học thuộc và tra nghĩa của những từ ngữ Hán Việt mà cụ Dương Văn An đã viết gần 500 năm trước. Tôi thích lời tựa của cụ viết, khá dễ hiểu và thú vị: “Có trời đất này mới có núi sông và nhân vật này. Vì từ khi trời đất hình thành mới có núi sông xuất hiện. Núi sông ổn định nhân vật sinh. Nếu không có núi sông thì lấy gì để thấy rõ công tạo lập của trời đất. Nếu không có nhân vật thì lấy gì để thấy rõ khí hun đúc tốt đẹp của núi sông”.

Cụ đã khẳng định: “Nhân tài vốn do địa khí vun đúc, địa khí lại nhờ nhân tài mà phát lộ”. Dòng sông Kiến Giang trước đây có tên gọi là sông Bình Giang cũng chính là nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn và bồi đắp chí khí cho cụ và cho biết bao nhân tài của đất nước. Đặc biệt, những ngày này, khắp cả nước đang hướng tới kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi nhớ tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Một nhà quân sự lỗi lạc và là người chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ cũng được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Kiến Giang huyền thoại này.

Chúng ta ai cũng biết tới cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, gắn liền với lịch sử xây dựng, trưởng thành và phát triển của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày chiến thắng, nghĩ đến công lao to lớn của cả dân tộc, Đại tướng nói: “Mình chỉ là một giọt nước giữa đại dương”. Câu nói ấy đã thể hiện tính cách khiêm nhường của một vị tướng tài ba trong trận mạc. Trong đời thường, hình ảnh Đại tướng cũng rất giản dị, gần gũi như những người Lệ Thủy mà tôi gặp. Đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng là ông Đào Trọng Khánh có hơn 40 năm làm tư liệu về hình ảnh Đại tướng nên đã trở nên thân thiết. Đại tướng bảo: “Đừng gọi là Đại tướng nữa, gọi tôi là anh Văn!”. Người dân Lệ Thủy với lòng kính yêu, tự hào gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Ông Giáp, Bác Giáp.

Có lần, trên một chuyến tàu tôi nhờ chú nhân viên là khi nào tàu sắp qua sông Kiến Giang của tỉnh Quảng Bình thì nhắc tôi. Tôi đã đòi mẹ cho xuống để về với ông và mệ Lệ Thủy như đã nói nhưng mẹ không cho về. Mẹ vẫn mải ngồi làm việc máy tính mặc kệ tôi dỗi. Tôi nhìn qua cửa sổ con tàu và cứ mong tàu đừng đi nhanh qua vùng đất Quảng Bình. Mẹ dỗ dành tôi, bảo: “Đây, mẹ gửi con lên chuyến tàu này, con được theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Lệ Thủy nhé”. Đó là chuyến tàu trong một bộ phim tài liệu.

Ánh sáng và tiếng còi tàu vang trong đêm báo hiệu bắt đầu một chuyến đi. Mở đầu bộ phim tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hình ảnh ông Giáp bình dị như bao người dân lên chuyến tàu hỏa từ Hà Nội về thăm quê cùng với gia đình. Lâu lắm rồi, ông mới đi tàu hỏa như những năm hai mươi, ba mươi của thế kỷ trước. Thời ông Giáp ra ga Mỹ Trạch tạm biệt dòng Kiến Giang để đi tàu vào học trường Quốc Học Huế. Ở giai đoạn này, ông đã gặp những người bạn cùng chí hướng cách mạng với mình như ông Nguyễn Chí Diểu và ông Hải Triều... (Ông Hải Triều chính là con trai của bà Đạm Phương nữ sử và là bố của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm).

Sau mấy chục năm hòa bình, ngồi trên chuyến tàu Thống nhất nối liền hai miền Nam Bắc, ông Giáp gọi đây là chuyến tàu trở về cội nguồn. Tàu đưa ông về quê, về với tuổi thơ, với cánh đồng, với dòng sông Kiến Giang, với ba mẹ, các chị ông như đang đợi. Tàu đi suốt đêm tới sáng. Thỉnh thoảng, tiếng còi tàu vang gọi vùng quê có gió Lào cát trắng. Ông lặng nhìn qua ô cửa sổ con tàu những làng quê trù phú, yên bình. Ông nhớ thương một thời thơ ấu bên ba mẹ, nô đùa bên cồn cát với bạn bè cùng trang lứa.

Về tới ga Đồng Hới, ông Giáp bước xuống tàu đã có rất đông bà con quê hương ra đón. Ông xúc động, mừng rỡ nắm tay từng cụ già, ôm vai từng em nhỏ quần đùi áo cộc hớn hở chen vào đón ông như đón người thân đi xa về. Trẻ con trong làng đi trước dẫn đường ông, vừa đi vừa mừng vui, reo hò. Các cựu chiến binh trong làng bỏ dở công việc mặc quân phục làm hàng rào danh dự chào đón ông trong niềm xúc động, tự hào. Dòng sông Kiến Giang như cũng reo vui cùng dân làng.

Ông Giáp vào nhà thắp hương chào ba mẹ. Đôi mắt của ông như chứa đựng bao nỗi niềm và ký ức. Ông nhớ lại ngày xưa, những đêm đi ngủ, mẹ kể những chuyện về thất thủ Kinh đô. Nói tất cả những chuyện Pháp tàn sát dân mình như thế nào. Kể chuyện Cần Vương lúc Tây đến đánh, mẹ còn bé phải đi di tản như thế nào, ngồi trong thúng gánh đi. Mẹ kể những chuyện như thế. Lớn lên, tôi và một số nông dân, trung nông nghèo cùng nhau bàn bạc, đưa nhau lên núi làm hội kín. Ba ông thì rất nghiêm, bảo: Con làm gì cũng được nhưng phải xem cái thời nó như thế nào. Còn mẹ thì nói tùy các con, con làm hội kín cũng được nhưng đừng để Tây nó bắt làm cho nó.

Khi kháng chiến, nhà tôi bị đốt ba lần. Không có cuộc sống trên mặt đất, nhà cửa bị tàn phá hết. Làng xóm tan hoang, nhà hầm nằm bên hố bom làm nơi ẩn lấp. Các mẹ các em nhặt từng hạt gạo lẫn với mảnh bom và bộ đội bảo: Hạt gạo Quảng Bình nặng hơn hạt gạo ở những nơi khác. Máy bay Mỹ trút xuống cánh đồng. Em gái tôi đi gieo mạ bị chết vì bom bi bên bờ ruộng. Giọng ông nghẹn ngào, đứt quãng, những nếp nhăn xô lại như kìm nén cảm xúc: Nhớ ba, nhớ mẹ tôi, ông tôi, các chị em tôi. Về làng tôi vui, chòm xóm cùng vui nhưng nhớ lại cảnh trước… bùi ngùi lắm – Vị tướng lặng người đi vì xúc động. Ông đi viếng nghĩa trang liệt sỹ, ở nơi đó có ba ông nằm. Ngày ông đi hoạt động cách mạng, ba ông ở nhà bị giặc Pháp bắt, kéo lê sau xe cho đến chết đi sống lại.

Trước sân nhà quen thuộc, bà con dân làng quây quần bên ông. Ông gặp lại bà con những người còn sống mừng rơi nước mắt. Gặp lại những bạn bè hồi bé giờ đã là những cụ già râu tóc bạc. Ông ra thăm bà con trồng cây ngăn cát. Ông nắm lấy tay mệ Nghèn động viên. Còn một chút sức lực tuổi già cũng phải cùng con cháu giữ gìn đất đai của tổ tiên, cội nguồn đó là sự sống...

Xem xong bộ phim về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến tôi có nhiều suy nghĩ về cuộc sống hòa bình mà chúng ta đang được hưởng. Tôi đã đến thăm nhà ông Giáp ở làng An Xá vào dịp Tết Độc lập và ghi những dòng cảm xúc của tôi vào quyển sổ lưu bút. Tôi nhớ trong đoạn phim trên ông Giáp đã kể rằng nhà ông bị đốt cháy 3 lần, có một lần vào năm 1947 và chính vào năm ấy, tại làng Mỹ Trạch bên sông Kiến Giang quân Pháp đã gây ra vụ thảm sát kinh hoàng.

Tôi không tìm thấy một bức ảnh, một đoạn phim tư liệu và cũng chưa thấy có một bộ phim tài liệu nào nói về vụ thảm sát Mỹ Trạch. Sự yên vui của làng quê hôm nay khiến tôi không thể hình dung ra được cảnh tượng đau thương ngày hôm ấy. Người Mỹ Trạch thà chết chứ không khai báo báo cơ sở Đảng, cán bộ Việt Minh. Quân Pháp đã thiêu rụi 362 ngôi nhà và giết hại 310 người. Nhiều người bị dồn ra chân cầu Mỹ Trạch rồi bị quân Pháp xả súng bắn chết. Sông Kiến Giang nhuộm một màu máu.

Ngày nay, khi đến Lệ Thủy chúng ta sẽ thấy một vùng quê thanh bình, yên ả và nhớ đến không khí lễ hội đua thuyền vui rộn rã trên sông Kiến Giang. Nhưng có lẽ, nhiều người trẻ như tôi chưa biết đến vụ thảm sát dân làng Mỹ Trạch mà ngày trước dòng sông Kiến Giang đã phải chứng kiến và ôm trọn đau thương vào lòng.

Khi thuyền của chúng tôi đi qua cầu Mỹ Trạch, gió sông thổi tóc tôi rối xòa. Tôi đã nhìn về chân cầu và phía trên là khu di tích vụ thảm sát đã được xây dựng khang trang hơn lần trước tôi đến. Chiều tối, tôi được cùng các bác tới làng Mỹ Trạch thắp hương tại ngôi mộ tập thể và nơi tưởng niệm những người dân kiên cường, bất khuất ấy đã nằm xuống cho cuộc sống hòa bình hôm nay. Bác A4 – bác Dương giới thiệu cho tôi biết thêm về di tích này. Rời khu tưởng niệm, chúng tôi ra ga Mỹ Trạch, đợi ngắm một chuyến tàu chạy qua. Ga Mỹ Trạch ngay gần cầu đường sắt Mỹ Trạch bắc qua sông Kiến Giang nối liền trục đường sắt Bắc Nam. Năm 1925, ông Giáp đã đi tàu từ ga Mỹ Trạch đến Huế học ở Quốc học Huế. Ông Nguyễn Chí Diểu ở Huế là một nhà cách mạng lớn, là người bạn học thân nhất của ông Giáp cũng sử dụng phương tiện tàu hỏa đi đến ga Mỹ Trạch và lên thuyền xuôi dòng sông Kiến Giang về thăm nhà ông Giáp ở làng An Xá... Ga Mỹ Trạch nhỏ bé nhưng đã đưa đón những người con của Lệ Thủy đi muôn nơi góp phần viết nên những trang lịch sử hào hùng của dân tộc suốt gần 100 năm qua.

Sau nhiều năm ngừng đón trả khách, ga Mỹ Trạch đã hoạt động trở lại, kết nối mọi miền quê với quê hương Lệ Thủy. Bác A2 bảo là rất vui khi đi tàu cùng tôi từ ga Hà Nội về ga Mỹ Trạch. Khi quê hương Lệ Thủy náo nức đón tiếng còi tàu, bác Đặng Hiếu Dân – bác A6 đã có cảm xúc và sáng tác bài thơ “Tàu về Mỹ Trạch yêu thương”. Tôi chưa được đi hết những địa danh hay biết hết những sản vật của Lệ Thủy được bác nhắc đến trong bài thơ. Nhưng qua những câu thơ của bác, tôi cảm nhận được sự mộc mạc, giản dị trong tình người, tình quê xứ Lệ.

Câu nói “Hạt gạo Quảng Bình nặng hơn nhưng nơi khác” là câu nói của bộ đội đã sống và chiến đấu ở vùng đất lửa làm tôi nhớ mãi. Không chỉ trong thời chiến tranh, mà ngày nay, tôi vẫn cảm nhận được hạt gạo Quảng Bình luôn nặng về nghĩa, nặng về tình. Với thời tiết khắc nghiệt, cây lúa nơi đây cùng bà con trải qua ba chìm bảy nổi trong những đợt bão lũ triền miên rồi những ngày nắng lửa. Rồi cây lúa uống nước sông Kiến Giang tạo ra những hạt thóc, hạt gạo mà tôi đã được ăn. Với tôi, hạt gạo ở đây không chỉ là lương thực mà còn mang giá trị tinh thần, tình cảm của người Lệ Thủy luôn kiên cường vượt qua gian khó và trong hoàn cảnh nào cũng chứa chan tình người.

Nhớ lại khi tôi học lớp 3, năm 2020, Quảng Bình đã bị ngập lụt rất nặng trong một trận thiên tai gây thiệt hại lớn về con người và tài sản. Xem trên tivi những hình ảnh người dân Lệ Thủy bị ngập trong nước phải sống trên gác mái, mái nhà khiến tôi rất lo lắng. Tôi chẳng biết làm gì ngoài việc thật nhanh viết thư hỏi thăm, động viên ông và mệ. Tôi gửi luôn cả mấy quyển báo “Mặt trời nhỏ” mà tôi yêu thích để ông, mệ đọc trong những ngày không có điện. Mỗi lần nghĩ về thời điểm ấy, tôi cảm thấy mình thật cute. Nhưng ngoài sách báo ra thì tôi chẳng có vật chất gì để gửi cho ông cho mệ lúc khó khăn ấy cả. Khi cơn lũ lụt vừa qua đi, những thiệt hại còn chưa được khắc phục hết thì ông mệ vẫn nhớ tới tôi và bác Mỹ Nhàn - Bác A5 lại gửi ra Hà Nội những món quà quê Quảng Bình mà tôi thích như hải sản và những loại rau mệ hái trong vườn. Đặc biệt nhất là mệ gửi cho cả gạo Lệ Thủy nữa. Giờ nhớ lại, tôi vừa vui vừa cảm động. Mỗi khi tôi về ông mệ, tôi lại được hưởng sự ưu ái của cả nhà khiến tôi luôn biết ơn.

Tôi đã đọc bài viết của bác A6 viết về gia đình, viết về người chị đảm đang, chịu khó và đầy tình yêu thương với các anh em trong nhà là bác Mỹ Nhàn - bác A5 khiến tôi cảm động. Tôi cảm thấy mọi người cùng trải qua những ngày tháng khó khăn càng thêm yêu thương nhau trong hiện tại. Đặc biệt là bài viết đầy cảm xúc của chú Thành - chú A7 về những quả đào (Hà Nội gọi là quả roi) trong vườn mệ đã nuôi chú ăn học để thành bác sỹ như hôm nay. “Mỗi khi về quê, anh chị em tôi lại quấn quýt bên những gốc đào kỷ niệm. Anh tôi làm cái xích đu cho các cháu ngồi chơi dưới gốc. Lớn lên, biết đâu cháu sẽ quý những cây đào đã góp sức nuôi anh em tôi ăn học ngày ấy. Màu áo blouse tôi mặc hôm nay có màu trắng của những quả đào xưa”. Đọc bài viết của chú tôi càng cảm thấy một cái cây quen thuộc trong vườn cũng trở nên ý nghĩa và phải trân trọng hơn khi mình được biết về câu chuyện của cây.

Nếu ai đó hỏi tôi, âm thanh nào ấn tượng nhất ở Lệ Thủy thì đó chính là tiếng cười nói rộn ràng. Ở nhà ông mệ cũng vậy. Tôi thấy sự vui vẻ lạc quan trong tiếng cười nói của mọi người. Đúng vào dịp Tết Độc lập năm ngoái, đại gia đình ông mệ đón thêm một thành viên mới là công chúa của bác A6. Tôi háo hức nhắn tin cho bác hỏi tên em, bác Dân bảo em bé tên là Mỹ Hạnh. Tôi rất yêu quý em và thích được bế em Mỹ Hạnh.

Ở Hà Nội, ít ai biết rằng tôi còn có một cái tên khác nữa. Một cái tên nhắc tôi nhớ về xứ Lệ: Mỹ Su! Đây là cái tên ôông đặt cho tôi. Hồi bé, tôi rất thích tên “Mỹ Su” vì làm tôi nghĩ tới “Jin - Su” là tên một chị thành viên nhóm nhạc Black Pink của Hàn Quốc mà tôi hâm mộ. Hơn nữa, yếu tố “Mỹ” đều có trong tên các chị Mỹ Duyên, Mỹ Tâm, Mỹ Hoa, Mỹ An... là các cháu nội ngoại của ông mệ. Khi tôi lớn thêm một chút, tôi nhận ra miền quê Lệ Thủy có nhiều địa danh nổi tiếng được bắt đầu bằng chữ Mỹ: Mỹ Thủy, Mỹ Trạch, Mỹ Sơn... Tôi bắt đầu nhận ra ý nghĩa của những cái tên trong nhà nhưng tôi chưa từng hỏi ông. Tôi thích tự mình suy nghĩ và tôi còn biết từ “su” trong tiếng Lệ Thủy còn có nghĩa là “sâu”, sâu sắc, sâu nặng... nên tôi càng yêu quý tên Mỹ Su mà ông đặt cho tôi. Mỗi khi bác A2 gọi tôi là Su, Mỹ Su là tôi cảm thấy hạnh phúc và gần gũi với quê hương Lệ Thủy lắm.

Tôi vẫn thường đạp xe đi dọc bờ sông Kiến Giang rồi đi khắp các đường làng mỗi khi được về ông mệ. Tôi nhớ hình ảnh ông Giáp đi thuyền trên sông và nhớ điệu hát hò khoan Lệ Thủy mà bà con hát cho ông nghe trước sân nhà. Tôi thích cái nắng và gió ở đây vì có gì đó đặc biệt không ở đâu có được. Tôi đạp xe qua chùa Hoằng Phúc linh thiêng cổ kính của vùng đất Tri Kiến mà bác A2 đã giới thiệu cho tôi biết. Tôi đi trên con đường giữa cánh đồng lúa đầy nắng, xa xa là những cây quạt điện gió khổng lồ. Tôi phát hiện ra, hình như khí hậu này đã tạo ra mùi vị quê hương rất khó diễn tả. Mùi của sông, của cây cối, của nắng, của gió... tạo thành sự đặc trưng riêng mà chỉ có về Lệ Thủy tôi mới được hít thở và cảm nhận được.

Tháng 5/2024

Coca
Tiến Thành