Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.

Trên đường phố Hà Nội, cành đào sau Tết vẫn đang nở thắm trên chiếc xe đạp của bác bán hoa rong như thể ngày Tết vẫn đang được nối dài. Tôi đi trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của Hà Nội cũng như của đất nước. Bên Bờ Hồ, tượng đài “Cảm tử” đã rất quen thuộc đối với tôi. Từ hồi nhỏ, mỗi khi được ra Bờ Hồ chơi, tôi đều bị thu hút bởi tượng đài này. Tôi hỏi mẹ về những nhân vật này là ai, ý nghĩa của tượng đài này là gì? Mẹ tôi đã phân tích ý nghĩa tượng đài “Cảm tử” cho tôi hiểu. Nhưng, đến khi được xem bộ phim “Đào, phở và piano” tôi càng hiểu và biết ơn sự hy sinh của các chiến sỹ, người dân Hà Nội đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong trận chiến 60 ngày đêm với quân đội Pháp cuối năm 1946 đầu năm 1947 để bảo vệ Thủ đô.

 

Bộ phim “Đào, phở và piano” đã thu hút sự lượng lớn khán giả quan tâm. Các bạn học sinh như tôi có được tấm vé xem phim là một niềm vui cho ngày đầu xuân năm Giáp Thìn này. Bộ phim đưa chúng ta trở về mùa xuân năm Đinh Hợi 1947, tại một chiến lũy trên phố cổ Hà Nội, những nhân vật của tượng đài “Cảm tử” như bước vào màn ảnh đầy sinh động.

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến. Không biết bao nhiêu người con Việt Nam đã đổ máu để bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước.

Trở lại bối cảnh lịch sử, ít lâu sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, thực dân Pháp đã tái xâm lược nước ta một lần nữa. Nước ta đứng trước khó khăn do giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm gây ra. Pháp tiến công tại Sài Gòn sau đó đánh chiếm các địa bàn quan trọng như vùng Nam bộ, Nam Trung bộ... Ngày 23/11/1946 tại Hải Phòng, giặc Pháp đã đàn áp, nã pháo làm thiệt mạng hơn 6.000 người mà chủ yếu là người dân thường. Cuộc thảm sát đẫm máu ở thành phố cảng đã thúc đẩy tinh thần chiến đấu của nhân dân ta lên tới đỉnh điểm. Ngày 19/12/1946, Bác Hồ viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tác giả Coca Coca.

Tác giả Coca Coca.

Bối cảnh chính của phim “ Đào, Phở và piano” là một chiến lũy với những căn nhà đổ nát trên phố cổ Hà Nội. Người dân Hà Nội đã hiến các tài sản, đồ đạc trong nhà ra để dựng chiến lũy cho quân ta đánh giặc. Tôi ấn tượng với hình ảnh của hoành phi, câu đối là những thứ ở nơi thờ cúng tổ tiên linh thiêng nhất trong các ngôi nhà cũng được người dân góp vào để ngăn cản bước tiến của địch thể hiện sự quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta.

Trong phim có nhiều nhân vật ở các tầng lớp khác nhau của Hà Nội trong giai đoạn lịch sử ấy. Nhân vật ông họa sĩ đã để lại ấn tượng mạnh. Đầu phim, ông xuất hiện cùng với đội Vệ quốc quân chiến đấu tại chiến lũy. Ông cũng như nhiều người dân ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô bằng những thế mạnh công việc của mỗi người. Ông đã vẽ lá cờ Tổ quốc để phủ lên thi thể của các anh Vệ quốc quân vừa hy sinh như một sự nhớ ơn. Màu đỏ trên Quốc kì tượng trưng cho màu máu của những con người Việt Nam đã hi sinh vì nền độc lập dân tộc. Màu đỏ luôn được cần nhiều nhất trong bảng màu của ông. Anh Vệ quốc quân quyết tâm thể hiện mình xứng đáng được vào đội cảm tử quân và cô bạn gái của anh là một tiểu thư yêu cây đàn piano. Trong căn nhà đổ nát, cô gái chơi một bản nhạc cho các chiến sỹ Vệ quốc quân nghe. Bản nhạc mà cô muốn chơi trong đêm tân hôn nhưng chiến tranh loạn lạc khiến cho mọi thứ thật khó thực hiện. Vợ chồng ông bà bán phở chưa muốn rời đi sơ tán mà ở lại để nấu phở cho mọi người thưởng thức. Trong khó khăn, nguy hiểm nhưng ông bà vẫn cần hành thơm cho đầy đủ gia vị của món phở. Cậu bé đánh giày với lợi thế từ công việc của mình là nắm bắt được nhiều thông tin chiến sự để cung cấp cho ông Phán, cho Vệ quốc quân. Hình ảnh gây cảm xúc là cậu bé đứng ở một góc khuất phía xa và đưa tay lên chào nghiêm trang khi đội tự vệ làm lễ tưởng niệm cho hai chiến sỹ mới hy sinh. Chiếc mũ ca lô của anh Vệ quốc quân tặng cậu bé làm cậu rất sung sướng và luôn cất giấu trong ngực áo như chính ước mơ của cậu là được đứng trong đội tự vệ để bảo vệ Hà Nội. Ông Phán là người đàn ông thuộc tầng lớp tư sản giàu có nhưng rất nhân hậu và quan tâm đến tình hình chính sự của đất nước. Cô ca nương xinh đẹp cũng sẵn sàng gặp nguy hiểm để đánh lạc hướng quân Pháp… Họ luôn đùm bọc hỗ trợ lẫn nhau mà không phân biệt giai cấp giàu nghèo và cùng ở lại đến phút cuối cùng vì họ có chung một tình yêu Hà Nội, tình yêu đất nước.

Nếu như các bộ phim thường có nhân vật giàu và nhân vật nghèo thì người giàu hay là những kẻ kiêu ngạo, nhưng trong phim “Đào, phở và piano”, ông Phán là người thuộc tầng lớp tư sản, trí thức không chỉ giàu về vật chất mà còn giàu về tình người. Ông Phán đã luôn kịp thời giúp đỡ mọi người những lúc nguy nan. Ông xuất hiện trong phim bằng hình ảnh giao tiếp thân thiện với cậu bé đánh giày như những người bạn. Ông rất quan tâm, lo lắng đến tình hình chiến sự của Hà Nội khi cậu bé đánh giày diễn tả quân ta đang yếu thế.

Trong phim, tôi nhận ra trong căn phòng sang trọng của ông Phán có treo một bức tranh nổi tiếng và rất ý nghĩa. Đó là bức tranh “Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân” của họa sỹ người Pháp ở thế 19. Tôi được biết rằng, mọi đồ vật xuất hiện trong phim đều có ẩn ý của đạo diễn và trong phim có nhiều đồ vật khiến tôi có suy nghĩ. Bức tranh là cảnh Nữ thần Tự do giương cao quốc kỳ Pháp trên chiến lũy cùng với mọi tầng lớp người dân nghèo, trí thức, thợ thuyền, trẻ em… cầm vũ khí hừng hực khí thế xông lên phía trước để đòi lại tự do cho chính mình và thoát khỏi chế độ độc tài. Ông Phán đứng trước bức tranh với vẻ suy tư và có lẽ, ông cũng mong muốn đất nước Việt Nam mình cùng vùng lên thoát khỏi chế độ nô lệ của thực dân Pháp. Điều này thể hiện dù bất cứ quốc gia nào một khi có áp bức, nô lệ, ở đó có vùng lên, giành lại sự độc lập.

Sau bao nhiêu ngày chiến đấu bảo vệ Thủ đô, quân và dân ta đã không thể chống lại được quân Pháp nên tất cả đội tự vệ đã được lệnh rút lên chiến khu Việt Bắc để bảo toàn lực lượng và tiếp tục chiến đấu. Trong phim, chỉ còn ông họa sĩ ở lại chiến lũy. Ông họa sĩ là người mang lại cho khán giả nhiều tiếng cười nhất bởi tính cách lạc quan, hóm hỉnh của mình. Giống như ông Phán, ông họa sĩ còn biết tiếng Pháp và có trình độ văn hóa cao được thể hiện qua lời nói, cử chỉ, hành động và trang phục của ông. Khi một anh Vệ quốc quân vô tình có được chai rượu của lính Pháp, anh đã đưa cho ông họa sĩ thưởng thức và ông đã nói: Không phải cái gì của tây cũng là xấu đâu đấy nhé! Tôi nhớ ông toàn quyền Đông Dương Paul Dume từ hơn 130 năm trước đã xây dựng tại Việt Nam những công trình lớn còn sử dụng tới ngày nay. Nghệ thuật âm nhạc, hội họa của Việt Nam và Pháp cùng xuất hiện trong phim như hát ca trù, bản nhạc từ đàn piano, bức tranh “Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân” và cả bức tranh của ông họa sĩ đã vẽ. Cuộc xâm lược Việt Nam là do người cầm quyền nước Pháp quyết định còn văn hóa, nghệ thuật của Pháp là cái đẹp không thể phủ nhận.

Vượt qua bao gian nan, nguy hiểm, anh Vệ quốc quân và cậu bé đánh giày từ xưởng quân giới ở ngoại thành đã trở về được khu phố cổ và chiến lũy. Cậu bé đánh giày đã mang được một giỏ hành thơm cho ông bán phở. Cậu bé luôn tưởng tượng mình được thưởng thức bát phở thơm ngon... Anh Vệ quốc quân mang một quả lựu đạn và một cành đào về cho các chiến sĩ hưởng không khí Tết. Nhưng anh về tới chiến hào thì đội tự vệ đã rút đi hết.

Hình ảnh ông họa sĩ điềm tĩnh thắp từng nén hương trên chiến lũy trong đêm tối thật nhiều cảm xúc. Vừa thắp hương ông vừa nói với anh vệ quốc quân:“Phải có người ở lại mà hương khói cho họ chứ”. Đó là lý do ông không đi sơ tán.

Khi ông họa sĩ vẽ anh Vệ quốc quân cầm bom ba càng đứng trên chiến lũy đầy hiên ngang khiến tôi liên tưởng nhớ tới một họa sỹ nổi tiếng của Việt Nam -  họa sỹ Tô Ngọc Vân. Ông không chỉ nổi tiếng với bức tranh “Cô gái bên hoa huệ” mà ông còn nổi tiếng với những bức tranh vẽ các chiến sỹ nơi chiến trường kháng chiến chống Pháp như bức tranh “Hai chiến sĩ”, “Trú quân”, “Bộ đội và dân công nghỉ trên đồi”... Trong một lần hành quân, máy bay của Pháp ném bom và ông đã hy sinh tại đèo Lũng Lô ngày 17/6/1954. Thật tiếc vì ông không kịp nhìn thấy Hà Nội ngày được giải phóng nhưng những tác phẩm của ông vẫn luôn còn giá trị mãi.

 

Trở lại bộ phim, sau nhiều khó khăn, thất lạc cô gái và anh Vệ quốc quân đã gặp được nhau trong ngày cuối cùng để rút khỏi Hà Nội. Căn phòng cưới là một toa tàu hỏng nằm giữa đường phố ngổn ngang được cô gái trang trí khéo léo có hoa và ấm áp. Sau khi làm lễ cưới tuy đơn giản nhưng đầy đủ nghi lễ cho anh Vệ quốc quân và cô gái tại chiến lũy, ông họa sĩ cùng vị linh mục ngồi trước đốm lửa uống rượu và sưởi ấm. Với men rượu, cảm xúc dâng trào, ông hoạ sĩ đã rút luôn một thanh củi đang cháy như ngọn đuốc rực lửa vẽ lên tường bức tranh cuối cùng. Ông họa sĩ và vị linh mục đã phối hợp với nhau một người thắp sáng, một người vẽ và cùng tạo nên bức tranh lớn bằng tất cả tinh thần nhiệt huyết. Một hình ảnh gây ấn tượng mạnh cho tôi là khi màu đỏ hết, máu từ tay ông linh mục nhỏ xuống để làm màu đỏ cho ông họa sĩ tô Quốc kỳ Việt Nam. Một bức tranh lớn dần hiện ra. Tôi không hiểu rõ chi tiết nội dung bức tranh nhưng nổi bật là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay mạnh mẽ. Đối với tôi, tác phẩm hội họa ý nghĩa nhất, thiêng liêng nhất của người họa sĩ chính là tác phẩm Quốc kì.

Cậu bé đánh giày trong phim “Đào, phở và piano” và tôi chắc là bằng tuổi nhau. Tôi chợt nghĩ, nếu tôi ở trong hoàn cảnh Hà Nội như vậy, tôi sẽ là người như thế nào? Mặc dù luôn mơ được ăn một bát phở thơm ngon, nhưng cậu bé với lòng tự trọng đã dứt khoát từ chối bát phở và bỏ đi khi ông bán phở trêu đùa nói cậu là phục vụ cho tây. Bị lính Pháp phát hiện mũ ca lô trong ngực áo, cậu đã bỏ chạy và hét lên: “Tôi không phải là mọi. Tôi là người Hà Nội. Tôi là người Việt Nam” - câu nói khẳng định, kiên quyết đầy tự hào vê quê hương, tổ quốc của cậu bé với quân Pháp. Một tiếng súng vang lên xé lòng người. Cậu bé đánh giày bị lính Pháp bắn chết, trong tay vẫn nắm chặt chiếc mũ ca lô. Cậu chết khi bụng còn đang đói và ông bà bán phở vẫn đang ngóng cậu về ăn. Trong phim, mọi người có một sự kết nối tình cảm với nhau mà tôi không biết diễn tả như thế nào. Nhưng tôi cảm nhận đó là tình cảm gia đình. Một đại gia đình yêu thương, đùm bọc nhau.

Ông Phán đã vào rừng ôm thi thể cậu bé chạy đi khỏi sự truy đuổi của lính Pháp. Trên chiếc thuyền, ông Phán đặt cậu bé gối đầu vào lòng mình với khuôn mặt buồn bã như người cha đau xót con mình, hai ca nương dựa vào nhau... đó là những con người còn sống sót trong phim. Họ cùng nhau trên một chiếc thuyền nhỏ bé đi giữa đầm sen hết mùa lạnh lẽo.

Ông họa sĩ bị quân Pháp giết hại khi trong tay ông vẫn đang cầm cọ và bảng màu. Anh Vệ quốc quân và cô gái đã cùng hy sinh. Vị linh mục, ông bán phở cũng chết. Phố phường, nhà cửa đổ nát bởi bom đạn của giặc, nhưng một thứ còn nguyên vẹn đó chính là bức tranh vẽ trên tường của ông để lại. Tôi hiểu rằng, đây là ẩn ý của đạo diễn nói về vẻ đẹp, giá trị của nghệ thuật luôn còn mãi. Bức tranh không chỉ đẹp bởi nội dung, bố cục, màu sắc mà nó còn trở nên giá trị vì tinh thần, hoàn cảnh được vẽ ra và nó đã chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử của cả một dân tộc. Bức tranh “Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân” của Pháp là bức tranh nổi tiếng thế giới suốt gần 200 năm qua.

Cuối tuần vừa qua, tôi lại được ra Bờ Hồ chơi, mua sách, đi dạo ở mấy phố cổ và ăn phở. Nhưng lần này, tôi đã dừng lại ở “Bia căm thù” đầu phố Hàng Bún lâu hơn để đọc lại nội dung ghi trên bia về vụ quân Pháp thảm sát làm chết 20 người dân vào ngày 17/12/1946 mà trong phim nhắc tới. Qua căn nhà số 48 phố Hàng Ngang nơi Bác Hồ soạn bản Tuyên ngôn Độc lập. Tôi biết, đó chính là ngôi nhà của ông Trịnh Văn Bô. Ông là một thương gia, nhà tư sản lớn giàu lòng yêu nước đã ủng hộ Chính phủ ta hàng trăm lạng vàng trong khi ngân sách quốc gia lúc đó gần như trống rỗng. Những nhân vật trong phim “Đào, phở và piano” và những sự kiện, con người có thật trong lịch sử cứ luôn xuất hiện trong suy nghĩ của tôi. Bộ phim đã giúp tôi hiểu hơn về sự tàn khốc của chiến tranh, sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ và người dân Hà Nội. Ngay sau khi xem phim xong, tôi đã viết cảm nhận về bộ phim như một thói quen. Những hình ảnh, cảm xúc của tôi về bộ phim thì rất nhiều, nhưng để viết ra được thì cũng khó và mất nhiều thời gian hơn tôi nghĩ. Kiến thức về lịch sử của tôi còn ít nhưng qua bộ phim đã tạo cảm hứng cho tôi tìm hiểu về lịch sử kháng chiến của nước ta nhiều hơn và tôi muốn đi xem lại bộ phim lần nữa.

Coca Coca

Tin khác

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ có một ‘dị bản’ được trao giải thưởng văn học

Tác giả trẻ Nguyễn Đinh Khoa với truyện dài ‘Dị bản’ vừa được Hội Nhà văn TP.HCM trao giải thưởng văn học dành cho các cây bút dưới 40 tuổi.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 16/01/2025
‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ trong ý thức sáng tạo của một người trẻ

‘Minh đạo sách’ là tác phẩm mới của nhà thơ Khúc Hồng Thiện, vừa được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành, mang nhiều suy tư về tinh thần văn hóa Việt.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 15/01/2025
‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ góp một ý tưởng cho bài ca giữ nước

‘Linh khí quốc gia’ là ý tưởng được đại tá Trần Thế Tuyển viết thành trường ca, nhằm kêu gọi hành động thiết thực cho những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 10/01/2025
Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Có 3 vua Quang Trung giả sang mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi năm 1790?

Cuốn sách 'Danh nhân Phan Huy Ích (1751 – 1822)' do Nguyễn Tuấn Cường- Đỗ Thị Bích Tuyển (chủ biên) phát hiện thêm 2 vua Quang Trung giả trong chuyến mừng thọ vua Càn Long.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 09/01/2025
Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Nợ đời - tập truyện và ký gây nhiều suy nghĩ

Trong cuốn 'Nợ đời' Lê Chín còn in những bài viết chân dung, ca ngợi những người tài, những người giàu nhiệt huyết mà tác giả ngưỡng mộ, quý mến.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 07/01/2025
Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ có tiểu thuyết lịch sử được xuất bản tại Ý

Tác giả trẻ Võ Chí Nhất vừa có tiểu thuyết lịch sử ‘Hoàng cung’ được Nhà xuất bản Fiori D'asia Editrice dịch và in tại Ý, với nhan đề ‘Palazzo reale di Thang Long’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/01/2025
Có một người tu hành như thế

Có một người tu hành như thế

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài: 'Có một người đã tu hành như thế và đã truyền cảm hứng sống tốt lành đến nhiều người'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 03/01/2025
Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Lục bát thiền là nét đặc trưng cơ bản được tác giả Trần Lê Khánh chắt chiu thể hiện qua tập thơ ‘Đồng’ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/01/2025
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 26/12/2024
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 23/12/2024
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 21/12/2024
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 18/12/2024