Tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt là đường sắt răng cưa duy nhất tại Châu Á, là công trình đường sắt răng cưa cổ đại dài nhất và có độ dốc cao nhất trên thế giới.
Tôi ngồi trên chuyến tàu hỏa đang băng băng trên tuyến đường sắt xuyên Việt được hình thành từ thế kỷ XIX. Phong cảnh đất nước và con người Việt Nam hiện qua khung cửa sổ con tàu thật phong phú, thật đẹp. Tôi nghĩ đến hình ảnh Việt Nam khoảng 120 năm trước qua cuốn hồi ký “Xứ Đông Dương” của ông Paul Doumer mà bác A2 đã tặng tôi trong lần về quê ở miền “Trung Trung Kỳ’’. Bác A2 với vẻ tự hào chỉ cho tôi những dòng mà ông Doumer viết về người Việt Nam được in ở bìa cuối cuốn sách: “Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh...”. Tôi đã đọc cuốn hồi ký của ông Doumer trong một thời gian dài. Mỗi khi tôi muốn tìm hiểu một vùng đất nào đó của Việt Nam những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX tôi đều tìm đến cuốn hồi ký dày 649 trang này. Cảnh vật, đời sống con người, phong tục tập quán, nghi lễ, văn hóa... nước ta hiện ra thật sinh động khiến cho tôi như đang được sống trong giai đoạn lịch sử ấy.
Ông Paul Doumer tới Việt Nam năm 1897 để nhậm chức Toàn quyền Đông Dương. Trong nhiệm kỳ 5 năm (1897-1902), ông đã thực hiện nhiều đổi mới về nhiều mặt ở nước ta để khai thác thuộc địa hiệu quả. Ông Doumer viết trong hồi ký về việc khí hậu và bệnh tật đã “kết án và thi hành án” tử hình nhiều người Pháp vì không thích nghi được với thời tiết An Nam khiến tôi bị ám ảnh. Tôi nhớ nhất là câu chuyện về ông phó sứ mà ông Doumer đã gặp khi tới Đà Nẵng. Cuộc đời ông thật ly kỳ và ấn tượng với 3 lần thoát án tử hình ở châu Âu nhưng khí hậu An Nam đã thi hành án tử hình ông một cách không mấy khó khăn. Quá trình di chuyển đầy khổ cực để khảo sát thực tế khắp Đông Dương, ông Doumer đã có nhiều quyết định để phát triển xứ sở này. Trong đó, ông nghĩ phải xây dựng khu nghỉ dưỡng cho người Pháp tại đây. Nhà thám hiểm, bác sĩ Yersin đã viết thư đề xuất với ông Doumer cho xây dựng một thành phố nghỉ dưỡng là Đà Lạt ngày nay. Đây là nơi đã được ông Yersin khám phá ra từ năm 1893, là nơi khiến người ta thấy mình như đang hưởng khí hậu của nước Pháp. Đến nay, thành phố Đà Lạt tròn 130 tuổi.
Lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt cách đây 7 năm trong một chuyến theo mẹ đi công tác 9 ngày. Ký ức về Đà Lạt trong lần đầu đến ấy vẫn đọng lại trong tôi rất nhiều. Ngay từ khi xuống máy bay, một bầu trời mát mẻ ùa vào tôi rất dễ chịu, khác hẳn với Hà Nội đang nắng nóng. Một thành phố rộng lớn với rừng thông và ngàn hoa khoe sắc và những con người thân thiện, tươi cười chào đón chúng tôi.
Khu nghỉ dưỡng của chúng tôi ở trên lưng chừng đồi thông. Tôi và em Cá (con trai của cô Thiên Thanh cùng đoàn công tác của mẹ tôi) chơi với nhau ngoài vườn hoa mỗi khi mẹ tôi họp ở tòa nhà gần đấy. Một hôm, em Cá trêu tôi, tôi khóc chạy đến phòng họp tìm mẹ. Nhưng khi đó tôi thấy mẹ tôi đang phát biểu và không khí cuộc họp rất nghiêm túc nên tôi chỉ dám đứng bên ngoài lấp ló nhòm vào. Đứng ngoài một lúc lâu, mẹ tôi mới chợt nhìn thấy tôi và hớt hải ra ngoài hỏi tôi: “Sao thế con?”. Khi ấy, tôi đã nín khóc và hỏi mẹ tôi về mấy điều tôi tò mò nghe được nhưng mẹ bảo tôi về phòng trước đi, họp xong mẹ sẽ trả lời sau. Đó là lần đầu tiên tôi nghe tới cái tên Paul Doumer và Yersin. Tôi đã hiểu, đó là những người Pháp đầu tiên đã khám phá và khai sinh ra thành phố Đà Lạt này.
Đà Lạt có rất nhiều công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp thuộc mà đến nay vẫn còn giữ được sự cổ kính. Tôi đã được đến các điểm tham quan nổi tiếng của thành phố trong sương này. Trên đỉnh LangBiang, tôi đã không đủ can đảm như em Cá để cưỡi lên lưng con ngựa vằn chơi và chụp ảnh. Tôi chạy quanh trên núi và ngắm toàn cảnh thành phố Đà Lạt với những đám mây trắng mờ ảo. Các điểm đến của thành phố tôi đều nhớ hết nhưng tôi nhớ nhất là đi uống cafe với mẹ và mọi người ở nhà ga Đà Lạt. Mẹ hứng thú rủ tôi chụp ảnh với mẹ bên chiếc tàu hỏa không còn hoạt động nữa. Mẹ chỉ cho tôi đoạn đường sắt răng cưa và nói đây chính là tuyến đường sắt huyền thoại của thế giới. Sau này, tôi tìm hiểu kỹ hơn và được biết đây là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi độc đáo của thế giới chỉ có ở Việt Nam và Thụy Sĩ. Nhưng tuyến đường sắt răng cưa của Thụy sỹ ngắn hơn và độ dốc không bằng của Việt Nam.
Tại chuyến theo mẹ đi công tác Đà Lạt năm ấy, tôi được gặp những người nổi tiếng và am hiểu về Đà Lạt mà sau này thỉnh thoảng tôi vẫn gặp họ trên ti vi. Tôi tiếc vì hồi đó tôi còn nhỏ và chưa hiểu biết gì nên bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc với họ nhiều hơn.
Bây giờ, mỗi khi nhìn thấy ai đó cưỡi ngựa tôi đều nhớ tới hình ảnh ông Doumer với con ngựa An Nam nhỏ bé nhưng sức chịu đựng lớn. Con ngựa mà ông Doumer cũng thương nó và thương cả chính ông khi đi khảo sát ở Trung Trung Kỳ đã cùng phải lội qua những vùng cát ngập đến khuỷu chân ngựa. Có lẽ, việc di chuyển rất khốn khổ của ông Doumer khi đi khảo sát Đông Dương từ những ngày đầu đến nhậm chức đã tạo động lực cho ông xây dựng những công trình giao thông quan trọng để phát triển nền kinh tế xứ sở này. Nước An Nam của chúng ta khi ấy trong mắt ông toàn là những hình ảnh nghèo nàn, kém phát triển. Ông viết trong hồi ký: “Quả thật như vậy là chưa tương xứng với một xứ sở mà chúng ta đã xây dựng từ hơn 10 năm nay. Lẽ ra nơi này phải đang phát triển kinh tế rất nhanh chóng”.
Ông Doumer là người rất chú trọng việc xây dựng các công trình nhà cửa và giao thông, bến cảng nhằm phát triển kinh tế tại các thuộc địa để phục vụ lợi ích cho chính quốc Pháp. Ông cho mở mang Cảng Hải Phòng, cho nhập giống cao su về trồng để xuất khẩu… Dưới nhiệm kỳ ông, Hà Nội là thành phố đầu tiên của châu Á có hệ thống chiếu sáng đường phố bằng ánh điện. Cùng với đường sắt xuyên Việt, ông còn để lại dấu ấn của mình là ba cây cầu đường sắt ở ba miền là cầu Doumer bắc qua sông Hồng (cầu Long Biên), cầu Thành Thái (cầu Tràng Tiền) bắc qua sông Hương và cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn. Những công trình đường sắt mà ông Doumer đã quyết định xây dựng trên đất Việt Nam cách đây hơn 100 năm, đến nay vẫn còn giá trị đối với nền kinh tế nước ta. Vốn là người con của một công nhân hỏa xa nên có lẽ ông càng gắn bó và hiểu tầm quan trọng của giao thông đường sắt đối với phát triển kinh tế. Giới báo chí Pháp thời đó đã gọi ông là người của chủ nghĩa Đường sắt.
Trở lại câu chuyện ông Doumer quyết định xây dựng thành phố Đà Lạt, ông cũng quyết định lập tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt bởi phải có đường giao thông thuận tiện để kết nối từ đồng bằng tới khu vực cao nguyên Lâm Viên này. Năm 1932, trải qua mấy chục năm xây dựng và trải qua nhiều nhiệm kỳ của các “Toàn quyền Đông Dương”, công trình đường sắt dài 84km này mới được hoàn thành. Đó là một nhánh của tuyến đường sắt xuyên Việt. Tuyến đường sắt này được hoạt động, những chuyến tàu từ vùng biển lên cao nguyên rộn rã là mồ hôi và tính mạng của biết bao người An Nam. Những phu hỏa xa khổ cực đã lao động bằng những dụng cụ thô sơ để làm nên một công trình đường sắt huyền thoại của thế giới này.
Được xây dựng đồng thời với tuyến đường sắt là nhà ga Đà Lạt. Ga Đà Lạt là nhà ga nằm ở vị trí có độ cao nhất của nước ta - 1.500 mét so với mặt nước biển. Đến thăm nhà ga Đà Lạt ngày nay, chúng ta sẽ cảm nhận được sự cổ kính qua kiến trúc độc đáo của người Pháp. Tòa nhà ga chính với 3 mái vòm mang nét đặc trưng của kiến trúc Pháp và mô phỏng 3 đỉnh núi trên dãy Langbiang hùng vĩ của Việt Nam. Một người An Nam xuất sắc mà tôi muốn được nhắc tới là ông Võ Đình Dung – người đã thi công những công trình quan trọng trong quá trình người Pháp xây dựng thành phố Đà Lạt. Khi người Pháp tuyển lao động từ miền Trung vào Đà Lạt xây dựng nhà cửa, công sở... ông Võ Đình Dung đã đến Đà Lạt lập nghiệp. Có nguồn thông tin nói ông Dung quê ở Thừa Thiên Huế, có nguồn tin lại nói ông là người Quảng Ngãi nên tôi tạm gọi ông là người quê ở vùng Ngũ Quảng. Năm 1932, nhà ga Đà Lạt được xây dựng, do 2 kiến trúc sư người Pháp thiết kế, ông Võ Đình Dung là người được người Pháp tin tưởng giao làm nhà thầu chính. Ngoài ra, ông Dung còn được giao xây dựng nhiều công trình nổi tiếng khác như Dinh 3 vào năm 1933 để làm nơi ở và nơi làm việc cho vua Bảo Đại mỗi khi đến Đà Lạt.
Tôi nhớ câu chuyện của bác A2 kể về ông bà nội bác đã cùng đến cao nguyên Lâm Viên tham gia xây dựng tuyến đường sắt răng cưa này. Hai người bác ruột của bác A2 đã được sinh ra bên tuyến đường sắt đang được hình thành. Thời tiết, bệnh tật đã khiến họ nằm lại ở Trạm Hành. Câu chuyện này làm tôi lại chợt nhớ tới bức ảnh chụp những người phu hỏa xa đang khiêng khúc gỗ tà vẹt nặng nề với khuôn mặt khắc khổ trên một con dốc cao ngổn ngang đất đá dưới chân đi. Tôi nghĩ đến hàng nghìn người An Nam đã nằm lại nơi rừng thiêng nước độc trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt đặc biệt này mà ngày nay, tuyến đường cũng nằm im trong sự bỏ hoang.
Cuối tuần trước, nhà ga Đà Lạt trở nên rộn ràng và ý nghĩa hơn khi lần đầu tiên có một đám cưới được tổ chức trên một chuyến tàu hỏa. Một không gian ấn tượng với sân ga nhộn nhịp, đoàn tàu đang được mọi người trang trí hoa cưới lộng lẫy. Bên cạnh đó là một triển lãm ảnh đang diễn ra trong tiếng nhạc của người nghệ sĩ đường phố. Du khách trong nước và quốc tế ngắm những bức ảnh đen trắng về lịch sử ga Đà Lạt và hình ảnh những con tàu lăn bánh trên cao nguyên Lâm Viên này từ hơn 100 năm trước.
Cô dâu chú rể là đồng nghiệp trong ngành đường sắt. Họ đã cùng làm việc và gắn bó với con tàu và nhà ga nơi đây. Những hình ảnh về đám cưới ấy tôi xem được từ bài báo mà bác A2 gửi cho tôi khiến tôi cảm thấy bất ngờ và đầy thú vị. Đoàn tàu cưới lăn bánh từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát. Trong toa tàu cổ, tiếng vĩ cầm du dương, chú rể trao nhẫn cưới cho cô dâu và mọi người cùng nâng ly chúc mừng hạnh phúc. Trên VTV1, chương trình “Chuyển động 24h” cũng đưa tin về đám cưới này. Đám cưới đã thu hút được sự chú ý của mọi người.
Với tôi, ý nghĩa của việc tổ chức đám cưới trên tàu là khi cả cô dâu và chú rể đều làm việc và gắn bó với đoạn đường sắt mà họ đã đi trong hôn lễ. Một gia đình mới được thành lập và những đứa con của người đường sắt sẽ được sinh ra, lớn lên chơi đùa trên sân ga. Bác A2 đã trở về từ lễ cưới và mang theo cả niềm vui về Hà Nội. Bác hứng thú nói về ý tưởng tổ chức đám cưới cũng như nói về những việc làm cụ thể mang lại điều tốt đẹp cho ngành đường sắt Việt Nam trong tương lai. Hiện nay, ga Đà Lạt chỉ phục vụ khách du lịch trên tuyến đường 7km đến ga Trại Mát so với tuyến đường 84km đến Tháp Chàm mà ông Doumer quyết định xây dựng để vận tải hành khách và hàng hóa. Ai cũng mong muốn tuyến đường kỳ vĩ này được hoạt động trở lại. Tôi đã thấy Thủ tướng tới thăm nhà ga Đà Lạt trong một chương trình thời sự trước đó và nhiều bài báo viết về lịch sử, vai trò của tuyến đường sắt răng cưa này.
Tôi tin rằng, những người An Nam ở thế hệ ông nội của bác A2, những người đã đổ mồ hôi, xương máu và tính mạng cho tuyến đường cũng rất mong muốn được thấy tuyến đường sắt răng cưa này được hoạt động hữu ích. Những đoàn tàu tấp nập ngược xuôi kết nối thành phố Đà Lạt với mọi miền tổ quốc góp phần phát triển kinh tế nước ta.