| Hotline: 0983.970.780

Các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú là vốn quý của đất nước

Thứ Tư 06/03/2024 , 13:34 (GMT+7)

Sáng 6/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ trao tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10.

Lễ trao tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức.

Theo công bố từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có 389 nghệ sĩ được trao tặng và truy tặng các danh hiệu cao quý trong đợt này, trong đó có 125 nghệ sĩ nhân dân và 264 nghệ sĩ ưu tú. Các nghệ sĩ được phong tặng thuộc 5 lĩnh vực nghệ thuật: Sân khấu, phát thanh, truyền hình, âm nhạc và múa.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú lần thứ 10. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Về nghệ sĩ nhân dân, cao tuổi nhất là Nghệ sĩ nhân dân Hùng Minh - Diễn viên cải lương TP.HCM, sinh năm 1930 (94 tuổi); trẻ tuổi nhất là Nghệ sĩ nhân dân Hoài Thu - Diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội, Nghệ sĩ nhân dân Hồ Ngọc Trinh - Diễn viên Nhà hát Cải lương Long An, sinh năm 1984 (40 tuổi).

Về nghệ sĩ ưu tú, cao tuổi nhất đối với nam là Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Quý Hải, Nhà hát Kịch nói Quân đội, sinh năm 1932 (92 tuổi); đối với nữ là Nghệ sĩ ưu tú Lê Mai, Nhà hát Kịch Hà Nội sinh năm 1939 (85 tuổi). Trẻ tuổi nhất đối với nam là Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thanh Tuấn, Diễn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam sinh năm 1990 (34 tuổi); đối với nữ là Nghệ sĩ ưu tú Phạm Khánh Ngọc, Diễn viên Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh, sinh năm 1988 (36 tuổi).

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, lịch sử dựng nước, giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam cũng có thể được xem là lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa nghệ thuật, bởi lẽ chính thông qua lao động, dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa tốt đẹp và các loại hình nghệ thuật độc đáo để phản ánh những nhịp điệu của lao động, của đoàn kết, của tình yêu thương, lòng dũng cảm trong chống lại thiên tai, địch họa và những ước mơ tươi đẹp về cuộc sống.

Chủ tịch nước nêu rõ, sự nghiệp đổi mới gần 40 năm qua và những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước chính là nguồn cảm hứng bất tận và là động lực lớn lao cho đội ngũ nghệ sĩ tài năng, mẫn cảm, luôn tìm tòi, đổi mới, sáng tạo nghệ thuật phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, chinh phục được nhiều đối tượng công chúng.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, các nghệ sĩ ở mỗi loại hình nghệ thuật với ngôn ngữ, phương thức biểu đạt riêng đã tạo nên nhiều tác phẩm hay làm cho đời sống văn hóa nghệ thuật ngày càng giàu màu sắc, phản ánh sinh động thực tiễn đổi mới vĩ đại của đất nước, nuôi dưỡng tâm hồn, hướng con người đến các giá trị tốt đẹp chân, thiện mỹ, góp phần quan trọng xây dựng nền tảng tinh thần xã hội.

"Các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú thực sự là “vốn quý của đất nước”, dù ở lứa tuổi nào, thành phần dân tộc nào cũng đều đã đóng góp quý báu cho nền văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân cho các nghệ sĩ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân cho các nghệ sĩ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.

Chủ tịch nước đề nghị, các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa, nghệ thuật và các nghệ sĩ; tiếp tục quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật nước nhà phát huy tài năng, sáng tạo nghệ thuật, say mê cống hiến với ý thức đầy đủ về khó khăn, thách thức và cơ hội trong phát triển, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có chính sách phù hợp để chăm lo các nghệ sĩ, bảo đảm để các nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề. Coi trọng công tác bồi dưỡng tài năng trẻ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đang thiếu hụt lớp kế cận.

Khuyến khích nghệ sĩ tham gia các hoạt động văn hóa đối ngoại, đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới, nâng cao sức hấp dẫn của văn hóa dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bồi đắp thêm sự giàu có của nền văn hóa Việt Nam.

Kịp thời tôn vinh, khen thưởng xứng đáng với cống hiến, lao động của người nghệ sĩ. Rà soát kỹ lưỡng để xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đối với các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, xứng đáng nhưng chưa được vinh danh.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm