Hành trình 69 năm ‘chữa bệnh, cứu người’
Tối 26/2, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế phối hợp tổ chức Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần VI nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2024).
Chương trình vinh dự đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến dự và động viên, chỉ đạo đội ngũ y bác sĩ nhân dịp 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành trung ương, địa phương.
Đặc biệt, nhiều cán bộ, chuyên gia y tế, y bác sĩ tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương và địa phương và các nhân vật tiêu biểu trong những tác phẩm đạt giải cùng đến tham dự.
Sự kiện do Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện nhằm tri ân, tôn vinh những cống hiến, hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Phát biểu mở đầu buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ, xuyên suốt chặng đường 69 năm qua, ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Lương y phải như từ mẫu”, các thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế đã không ngừng phấn đấu, vượt mọi khó khăn, thử thách, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó. Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố, mở rộng và phát triển; tiếp tục đổi mới một cách mạnh mẽ, đột phá để hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
“Tự đáy lòng mình, cho phép tôi được bày tỏ sự cảm phục và tự hào về các thầy thuốc, người lao động toàn ngành. Xin cảm ơn các đồng chí đã luôn kiên cường, vượt khó, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để đạt được những kết quả đáng tự hào. Xin cảm ơn các đồng chí đã ngày đêm thầm lặng hy sinh để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ tri ân tới đội ngũ thầy thuốc toàn ngành.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trân trọng gửi tới các thế hệ thầy thuốc, các đồng chí lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế qua các thời kỳ lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, 69 năm qua, thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đã luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng, vượt qua nhiều gian khó, hết lòng, hết sức cho sứ mệnh cao quý "chữa bệnh, cứu người".
“Là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành Y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành, góp phần nâng cao tầm vóc, sức khỏe người Việt Nam, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của đất nước, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và đang vững vàng trong thực hiện các mục tiêu phát triền bền vững đến 2030 của Liên hợp quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cho biết, nhiều thầy thuốc của Việt Nam được đồng nghiệp, bạn bè quốc tế đánh giá cao; đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, điều trị được một số bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới, như tim mạch can thiệp, phẫu thuật nội soi, vi phẫu, ghép tạng, ghép chi, sản xuất vacxin…
“Bằng y đức, trí tuệ, tài năng và khát vọng lớn, đội ngũ Y tế Việt Nam có thể đặt ra những tầm nhìn mới, mục tiêu cao, phấn đấu đưa ngành Y tế Việt Nam nằm trong nhóm đầu các nước trong khu vực và vươn tầm thế giới, góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu về sức khỏe, mang lại hiệu quả xã hội và ý nghĩa nhân văn sâu sắc”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tin tưởng.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, vui mừng với những thành tựu đã đạt được, chúng ta không quên những thách thức, gian khó ở phía trước để cùng dặn nhau rằng: Hành trình trị bệnh cứu người, chăm sóc sức khỏe nhân dân là một hành trình không có điểm dừng, những gian khổ và vất vả của nghề y chưa bao giờ hết, đòi hỏi mỗi bác sĩ, y sĩ, nhân viên ngành Y tế phải luôn khắc ghi lời thề Hyppocrates, kiên tâm, nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa về mọi mặt, kiến thức phải đầy đủ, đức hạnh phải trọn vẹn, tâm hồn phải rộng lớn, hành vi phải thận trọng như danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng chỉ dạy và như lời căn dặn của Bác Hồ: "Lương y phải như từ mẫu".
Vinh danh những ‘Sự hy sinh thầm lặng’
Tại Chương trình, Ban Tổ chức đã tiến hành trao giải cho 15 tác phẩm lọt vào chung kết cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần VI, gồm: 1 giải Đặc biệt, 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba và 6 giải Khuyến khích.
Giải Đặc biệt trị giá 80 triệu đồng đã thuộc về tác phẩm “Bàn tay tài hoa của bác sĩ dám làm việc khó, hồi sinh những mảnh đời bất hạnh” của tác giả Ngô Anh Văn (Báo Sức khỏe và Đời sống).
Giải Nhất là phóng sự “Hành trình nghiên cứu vacxin” của tác giả Phương Thoa đến từ Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.
2 giải Nhì thuộc về tác giả Nguyễn Quỳnh (Báo điện tử Dân Việt) với tác phẩm “Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ” và tác giả Vũ Kim Vân (TP.HCM) với tác phẩm “Cựu điệp viên tình báo A10 về già không muốn thảnh thơi”.
Ngoài ra, toàn bộ tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, bao gồm các tác phẩm đạt giải, được in thành sách với tựa đề “Sự hy sinh thầm lặng lần VI”.
Đây là lần thứ 6 Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng”.
Nhiều năm qua, cuộc thi luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng văn chương, báo chí trên khắp cả nước với nhiều cây bút và những tác phẩm xuất sắc. Cuộc thi năm nay với quy mô lớn hơn, trang trọng hơn tiếp tục chọn lựa những tấm gương, người tốt việc tốt, lan tỏa mạnh mẽ những việc làm cao đẹp không chỉ trong ngành y mà trong toàn xã hội. Từ đó, giúp người dân hiểu hơn và trân quý những cống hiến thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc khắp cả nước.