| Hotline: 0983.970.780

Chua chát vì chanh

Thứ Tư 05/03/2025 , 05:29 (GMT+7)

TIỀN GIANG Chanh loại đẹp 5.000đ/kg, loại xấu chỉ 1.500 - 2.000đ/kg, tiền bán chanh không đủ bù công thuê người thu hoạch nên nhiều nhà vườn thậm chí đổ bỏ những loại chanh xấu xuống sông.

Từ sau Tết Nguyên Đán Ất Tỵ đến nay, giá các loại trái cây có múi như bưởi, cam, chanh tại Tiền Giang giảm mạnh. Hiện thương lái thu mua tại vườn chanh bông tím chỉ với giá từ 2.500 – 5.000 đồng/kg, cam sành từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, bưởi da xanh loại tiêu thụ nội địa 5.000 – 7.000 đồng/kg. Riêng bưởi da xanh hàng đẹp đạt chuẩn xuất khẩu được thu mua từ 11.000 - 25.000 đồng/kg nhưng mặt hàng đạt chuẩn xuất khẩu chiếm tỷ lệ thấp.

Giá chanh đang ở mức thấp nhiều ngày qua. Ảnh: Minh Đảm.

Giá chanh đang ở mức thấp nhiều ngày qua. Ảnh: Minh Đảm.

Hàng dạt chỉ đổ xuống sông

Tại huyện Cái Bè - nơi có diện tích trồng chanh lớn nhất tỉnh Tiền Giang với gần 3.000ha, nông dân lẫn thương lái đều buồn bã bởi quả chanh bông tím thời gian qua rớt giá thảm hại.

Ông Nguyễn Văn Giáp, một nông dân trồng chanh với diện tích 7.000m2 tại xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cho biết giá chanh thời gian gần đây rất bấp bênh. Đặc biệt trước Tết Ất Tỵ giá chanh có thời điểm chỉ 1.500 đồng/kg (giá bán xô). Trong khi đó, chủ vườn phải thuê nhân công hái với chi phí 1.200 đồng/kg và cộng thêm chi phí vận chuyển nên phải bù thêm tiền để thu hoạch chanh.

Sau Tết, giá chanh có nhỉnh lên chút đỉnh nhưng cũng chỉ ở mức 2.500 – 3.000 đồng/kg, trong khi đó cùng thời điểm này năm ngoái giá chanh đạt từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, nông dân lãi to. Theo ông Giáp, nếu giá chanh bình quân đạt 5.000 đồng/kg thì nhà vườn mới hòa vốn. Bởi chanh là cây trồng cần được đầu tư khá nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Hàng tháng, vườn chanh sẽ cho thu hoạch một lần, chanh tơ (2 - 3 năm tuổi) cho thu hoạch 1,5 tấn/công (1.000m2) mỗi tháng, chanh lão chỉ cho thu từ 500 - 700kg/công.

“Nếu nông dân chấp nhận bán xô thì giá chanh hiện chỉ 2.500 - 3.000 đồng/kg. Nếu bán hàng lựa, loại trái đẹp da láng, không ghẻ, quả đồng đều thì 5.000 đồng/kg, nhưng tỷ lệ trái đạt loại này rất thấp, bình quân 1 tấn lựa ra chắc được 300kg. Năm ngoái giá chanh đẹp 18.000 đồng/kg, hàng dạt cũng được 5.000 – 7.000 đồng/kg nhưng bây giờ rẻ quá, hàng dạt là đổ xuống sông luôn chứ đâu ai mua”, nông dân Nguyễn Văn Giáp than.

Chanh dạt phải đổ bỏ. Ảnh: Minh Đảm.

Chanh dạt phải đổ bỏ. Ảnh: Minh Đảm.

Chanh được mùa, sản lượng tăng đột biến

Lý giải nguyên nhân giá chanh rơi vào tình trạng khủng hoảng, ông Phạm Ngọc Vũ, một thương lái chuyên thu mua chanh ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) cho biết do từ dịp Tết Ất Tỵ tới nay miền Bắc - thị trường tiêu thụ chanh rất lớn nhưng tiêu thụ chậm. Mặt khác, việc xuất khẩu quả chanh cũng gặp khó nên đầu ra hạn chế, giải quyết không hết hàng cho bà con. Bên cạnh đó, ông Vũ cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến giá chanh rớt thảm là do sản lượng chanh năm nay tăng đột biến so với mọi năm.

Theo ông Vũ, cùng kỳ này năm ngoái, để chanh có trái nhà vườn phải áp dụng kỹ thuật xử lý cho ra hoa. Tuy nhiên vụ chanh này thời tiết thuận lợi, chanh ra hoa tự nhiên, tỷ lệ đậu trái cao. Nếu năm ngoái mỗi công chanh chỉ cho thu hoạch từ 300kg thì năm nay lên đến 1 tấn/công. Dù năng suất, sản lượng chanh đạt cao nhưng vì trổ bông, đậu trái trong mùa mưa nên chanh xuất hiện bệnh ghẻ nhiều. Từ đó tỷ lệ hàng đẹp để bán được giá cao cũng thấp. Sản lượng lớn trong khi đầu ra hạn chế nên giá chanh rơi vào khủng hoảng.

“Mấy năm trước, mỗi ngày tôi chỉ mua được từ 4 - 6 tấn chanh nhưng bây giờ mỗi ngày tôi thu mua từ 15 - 16 tấn mà vẫn không hết hàng cho nông dân”, ông Phạm Ngọc Vũ nói.

Chi phí thuê nhân công hái chanh hết 1.200đ/kg, cộng với công vận chuyển, nhiều nhà vườn bán chanh không đủ chi phí thu hoạch. Ảnh: Minh Đảm.

Chi phí thuê nhân công hái chanh hết 1.200đ/kg, cộng với công vận chuyển, nhiều nhà vườn bán chanh không đủ chi phí thu hoạch. Ảnh: Minh Đảm.

Chị Hoa, một thương lái cũng ở xã Hậu Mỹ Trinh cho rằng, giá chanh xuống thấp không chỉ nông dân kém vui mà những thương lái như chị cũng không mấy phấn khởi bởi sức mua thị trường kém, giá giảm sâu buôn bán không có lời, mười người bỏ nghề hết bảy.

“Chanh rẻ lắm, có 3.000 đồng/kg hà. Mỗi ngày mình vô vườn mua của nông dân rồi bán cho các vựa xung quanh. Bây giờ ế lắm, không có xe đi nên mình mua ít, chừng 1 tấn mỗi ngày thôi”, chị Hoa chán nản.

Một số vườn lão hóa, nhiễm bệnh

Tỉnh Tiền Giang có diện tích trồng chanh khoảng 5.000ha, tập trung tại các huyện Cái Bè và Tân Phước. Mấy năm trước, chanh bán được giá cao, nông dân có thu nhập bình quân vài trăm triệu đồng/ha. Cây chanh vì thế là một trong những cây trồng mang hiệu quả ở địa phương.

Gần đây giá chanh xuống thấp, nhiều người có tâm lý muốn chuyển sang trồng cây khác nhưng họ cũng đang phân vân không biết chọn cây trồng nào cho thích hợp. Trong khi đó, một số vườn chanh bắt đầu lão hóa, nhiễm bệnh khiến năng suất, chất lượng quả giảm.

Cây chanh nhiều năm qua vẫn giữ được hiệu quả kinh tế cao nhưng nay dội chợ. Ảnh: Minh Đảm.

Cây chanh nhiều năm qua vẫn giữ được hiệu quả kinh tế cao nhưng nay dội chợ. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang đánh giá, diện tích chanh của tỉnh hiện nay không quá lớn khiến sản lượng dôi dư mà vấn đề chủ yếu cho thị trường biến động, tiêu thụ yếu. Ông cho biết ngành nông nghiệp tỉnh tập trung hướng dẫn nông dân chăm sóc để cây chanh đạt năng suất, chất lượng tốt. Đối với

“Mấy năm nay bà con trồng chanh đạt hiệu quả, kỹ thuật trồng chanh bà con cũng rất rành. Thời gian qua giá chanh tụt thấp có lẽ do thị trường tiêu thụ kém, chứ mấy năm trước người trồng chanh ở Tân Phước thu nhập mấy trăm triệu đồng một mẫu bởi trái chanh hầu như ngày nào người dân cũng sử dụng.

Chúng tôi khuyến cáo bà con cần tiếp tục duy trì chăm sóc chanh, không vì thị trường rớt giá cục bộ mà bỏ bê hay chuyển sang trồng cây khác. Khu vực cây chanh bị bệnh cần phải xử lý nấm bệnh sạch mới trồng lại cây mới. Hi vọng mùa khô này chanh sẽ có giá cao hơn”, ông Võ Văn Men nói.

Xem thêm
Giá lợn giống tăng chóng mặt, gần 3 triệu đồng/con

Giá heo hơi tăng cao kéo theo cơn sốt giá heo giống, đẩy chi phí đầu tư của người chăn nuôi lên mức kỷ lục, gần 3 triệu đồng một con.

Thành lập đoàn kiểm tra phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi

BÌNH THUẬN Tỉnh Bình Thuận thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

Tuyến trùng và nấm Fusarium sp: Mối đe dọa thầm lặng đối với cây trồng

Tuyến trùng là đối tượng gây hại thầm lặng rất nguy hiểm, chúng xâm nhập vào rễ, ức chế sự phát triển của cây trồng.

Doanh nghiệp là hạt nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ninh Thuận Những năm qua, với nhiều chính sách ưu đãi cùng khí hậu rất thích hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.

Lựa chọn máy móc, thiết bị phù hợp để cơ giới hóa hiệu quả

Sáng 14/3, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM phối hợp Hiệp hội Nông nghiệp Đức tổ chức Hội thảo 'Cơ giới hóa nông nghiệp xanh và bền vững' trong khuôn khổ AGRITECHINCA ASIA Vietnam 2025.

Đà Nẵng đã xử phạt 33 tàu cá vi phạm khai thác IUU

Từ tháng 10/2023 đến nay, TP. Đà Nẵng đã xử phạt 33 tàu cá với tổng số tiền là 789 triệu đồng. Hiện ngành chức năng đang tiếp tục xác minh, xử lý 12 tàu nữa.

Trồng keo thế nào để hài hòa sinh kế và bảo tồn đa dạng sinh học?

Cây keo đang mang lại sinh kế cho người dân nhiều vùng trên cả nước. Nhưng keo lại là loài ngoại lai, có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái bản địa.