Cần 600.000 tỷ đầu tư hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi

Ngày 24/3/2020, Ban Bí thư (khoá XII) ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (sau đây viết gọn là Chỉ thị số 42-CT/TW).

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), sau 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương và các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần chủ động ứng phó, giảm thiểu tác động do thiên tai, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cũng theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu nên thiên tai thường xuyên gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm trên 300 người chết, mất tích, thiệt hại kinh tế 1 - 1,5% GDP; riêng 10 năm gần đây, thiệt hại về người đã giảm đáng kể với gần 230 người chết và mất tích/năm, song thiệt hại về kinh tế lại gia tăng (thiệt hại trung bình là 22.600 tỷ đồng/năm, trong khi thiệt hại trung bình giai đoạn 10 năm trước là 10.700 tỷ đồng/năm).

Năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường với tổng số 14 cơn bão và 1 ATNĐ; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất…, trong đó bão số 9 mạnh nhất trong vòng 20 năm đổ bộ duyên hải miền Trung; mưa lớn dị thường kéo dài tại khu vực miền Trung gây 4 đợt lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng tại 7 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam, có nơi ngập từ 5 - 9m; lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam; hạn hán, xâm nhập mặn vượt lịch sử tại ĐBSCL.

Thiên tai năm 2020 đã làm 357 người chết và mất tích; 3.429 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra gần 40.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, điển hình là các trận thiên tai lớn, trái mùa như: Mưa, lũ giữa mùa khô kèm dông lốc, sóng lớn tại Trung Bộ; mưa lớn gây ngập lụt tại các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Quảng Nam, đặc biệt là trận mưa gây ngập lụt nghiêm trọng tại TP Đà Nẵng giữa tháng 10/2022; sạt lở đất tại Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đầu tháng 10/2022; rét lịch sử cuối tháng 2/2022; động đất xảy ra liên tiếp tại Kon Tum.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 7 cơn bão, 2 ATNĐ; 274 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 255 trận dông lốc; 190 vụ sạt lở bờ sông; 258 trận động đất… làm 173 người chết, mất tích, 283 người bị thương, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 19.000 tỷ đồng.

Chỉ thị 42-CT/TW được ban hành và triển khai trong bối cảnh các hoạt động kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương phải tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 đã được quyết định phân bổ nên kinh phí để bố trí cho các hoạt động triển khai Chỉ thị 42-CT/TW là rất hạn chế. Trong khi đó, cùng với biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, phức tạp, yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng, chống thiên tai ngày càng khó khăn hơn, nhất là trong những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội bền vững của đất nước.

Để có cơ sở khoa học đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, đảm bảo an ninh nguồn nước và giảm nhẹ rủi ro liên quan đến nước gây ra, lần đầu tiên chúng ta triển khai một đề tài cấp quốc gia về quy hoạch phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo hồ sơ Quy hoạch đang được Hội đồng Quốc gia đánh giá. 

Những ngày cuối năm, chúng tôi được trò chuyện cùng ông Đỗ Văn Thành – Viện trưởng Viện Quy hoạch Thuỷ lợi – đơn vị được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ “chắp bút” để xây dựng dự thảo Quy hoạch đồ sộ này. Theo ông Thành: “Công tác phòng, chống thiên tai do nước không thể tách rời công tác thủy lợi”. Bởi, thiên tai lũ lụt, ngập úng, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn… đều bắt nguồn từ nước, mà thủy lợi là giải pháp khai thác tổng hợp, tức là điều hòa, kiểm soát nguồn nước”.

Xưa kia, Bác Hồ từng căn dặn “nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán”. Bởi vậy, trong Quy hoạch phòng chống thiên tai và thuỷ lợi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tất cả những rủi ro liên quan đến nước trên phạm vi toàn quốc đều đã được tính toán và có giải pháp để khắc chế. Và nếu có khoảng 600.000 tỷ đầu tư hạ tầng phục vụ phòng chống thiên tai và thủy lợi đến năm 2050, thì những mối lo an ninh quốc gia về nguồn nước sẽ được giải quyết, từ đó khai thác nguồn lợi từ nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

 

Thưa ông, các tổ chức thế giới đánh giá thiên tai liên quan đến nước kéo tụt tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam từ 1 - 1,5%, vậy làm thế nào để chúng ta có thể khắc chế được những rủi ro từ nước mang lại?

Qua tổng kết công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam trong khoảng 20 năm gần đây, năm ít thì thiên tai do nước gây thiệt hại dưới 1% GDP, nhưng năm nhiều có thể thiệt hại hơn 2% GDP. Tính bình quân, thiên tai do nước gây ra kéo tụt tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 1 – 1,8%/năm. Có nghĩa là, nếu chúng ta tạo ra được 300 tỷ USD thì mất khoảng 3 tỷ USD do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, chúng ta không thể phó mặc tương lai và số phận cho ông trời. Có những nơi, ta có thể chủ động phòng tránh được.

Hiện nay, ở vùng đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã có hệ thống đê điều khá hoàn chỉnh, đủ năng lực chống được những trận lũ thiết kế trăm năm mới xảy ra 1 lần, do vậy giảm được rất nhiều thiệt hại. Nhưng còn một số khu vực ở miền Trung, đặc điểm các lưu vực sông rất ngắn và dốc, lũ lên rất nhanh và xuống cũng rất nhanh, không có hệ thống đê bao, hồ đập nào ngăn được lũ, quan điểm phòng, chống thiên tai phải khác đi.

Trong quy hoạch phòng chống thiên tai và thuỷ lợi, quan điểm của chúng tôi đưa ra là, đối với những vùng có hệ thống đê điều hoàn chỉnh thì tiếp tục nâng cấp để đảm bảo chống được lũ lịch sử và lũ tần suất rất nhỏ (phải vài trăm năm mới xuất hiện một lần). Ví dụ ở đồng bằng sông Hồng, hệ thống đê điều bảo vệ Thủ đô Hà Nội có khả năng chống được trận lũ 500 năm mới xuất hiện và tiến tới đến năm 2050, hệ thống đê này sẽ được nâng cấp để chống được trận lũ 700 năm mới có. Còn vùng ven Thủ đô và các tỉnh Bắc Bộ có thể chống được lũ tần suất 300 năm.

Vậy Viện Quy hoạch Thủy lợi và các đơn vị liên quan đã nghiên cứu, khảo sát các vị trí xung yếu như thế nào để đề xuất đầu tư các công trình thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai trong dự thảo Quy hoạch?

Quy hoạch phòng chống thiên tai và thuỷ lợi dựa trên cơ sở dữ liệu dự báo về biến đổi khí hậu theo các kịch bản mới nhất của Bộ Tài và Môi trường và của các tổ chức thế giới. Từ đó, chúng tôi tính toán để chọn những tổ hợp bất lợi nhất để đưa vào Quy hoạch.

Theo đó, trong gần 30 năm tới, tức là đến năm 2050, Bộ NN-PTNT đề xuất huy động 130.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình nâng cấp hệ thống đê điều của sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã và sông Cả để chống được những trận lũ theo yêu cầu ngày càng nâng lên cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Còn với những loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở khu vực miền núi phía Bắc như lũ ống, lũ quét và sạt lở đất là rất khó đoán định. Chúng ta cần phải tích hợp và lồng ghép quy hoạch phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác tại quy hoạch cấp tỉnh.

Ví dụ, quy hoạch cấp tỉnh phải phân vùng phạm vi ảnh hưởng của lũ quét, lở đất để bố trí dân cư, bố trí sản xuất hợp lý, kiên quyết không để người dân sống ở các vị trí có nguy cơ sạt lở cao. Bởi, những hiểm họa đó không thể dự báo được. Dù chúng ta có trang bị công nghệ dự báo tiên tiến nhất thì cũng rất khó khăn vì phạm vi quá rộng, khi mưa lớn ấp đến, đất có thể trương nở và sạt lở bất cứ lúc nào.

Các vụ sạt lở có thể gây ra ách tắc dòng chảy, vỡ đê, vỡ đập đột ngột tạo thành thảm họa lũ quét. Do vậy, việc lồng ghép và tích hợp các quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội là rất đúng.

Vậy còn ở những đô thị, khu dân cư vừa mưa đã ngập ở “khúc ruột” miền Trung, làm thế nào để chúng ta chủ động thích nghi, né tránh?

Đối với miền Trung, đặc biệt là các địa phương từ Quảng Bình trở vào, các lưu vực sông có đặc điểm là ngắn và rất dốc, khúc sông đi qua đồng bằng thoải nhất chỉ kéo dài 30 – 40km, còn đoạn ngắn nhất chỉ có 10km. Do đó, lũ lên xuống rất nhanh, ngập vài ngày lại hết. Quan điểm đề xuất của chúng tôi là phải chủ động thích nghi, chủ động né tránh, bởi không có đê nào đắp được ở đấy cả, đập cũng không làm được vì không còn nhiều vị trí phù hợp để xây dựng.

Theo dữ liệu tính toán của chúng tôi, những lưu vực thường xuyên bị ngập nhất hiện nay là ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) nằm ở hạ lưu sông Hương; TP Đà Nẵng và TP Hội An (nằm ở lưu vực Vu Gia – Thu Bồn).

Trên lưu vực sông Hương hiện nay đã xây dựng xong các hồ chứa lớn như: Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền… Tuy nhiên, tổng dung tích phòng lũ của các hồ chứa này chỉ có thể giảm ngập cho TP Huế từ 80cm – 100cm. Với những trận lũ to thì các khu dân cư vẫn bị ngập, như trận lũ năm 1999, trong đại nội có chỗ ngập sâu 3m.

Còn tại lưu vực Vu Gia – Thu Bồn với diện tích 10.000km2, tổng dung tích phòng lũ của các hồ đập chỉ được khoảng 1 tỷ m3. Trong khi đó, với trận mưa lưu lượng 300mm, tổng lượng nước về trên 3 tỷ m3, nên khả năng cắt lũ của các hồ đập không đáng kể gì. Do đó, chúng ta vẫn phải chủ động thích nghi, né tránh. Để chủ động thích nghi, né tránh, phải tích hợp vào quy hoạch hạ tầng của tỉnh.

Ví dụ, đường giao thông phải có cầu vượt để lũ thoát nước ở phía dưới; các tuyến đường huyết mạch cũng phải vượt lũ. Các kho tàng, bến bãi, dân cư không được để nước lũ cao làm ảnh hưởng. Cốt nền khu công nghiệp cũng phải làm cao lên…

Đặc biệt, những khu dân cư ngập sâu tới 3m thì phải di dời vì nơi đó không thể ở được. Khu vực nào ngập tới 2m thì phải xây nhà 2 tầng trở lên, có gác xép để tích trữ lương thực, thực phẩm, hàng hoá, vật tư thiết yếu, đồ điện tử…

Hiện nay, nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt tại các vùng vượt lũ. Các tổ chức quốc tế cũng phối hợp rất tích cực với Tổng cục Phòng chống thiên tai để hỗ trợ người dân xây dựng nhà chống lũ hiệu quả tại các địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế…

Tuy nhiên, trong tương lai cần phải có chính sách chung. Chúng ta không thể dùng mệnh lệnh hành chính để yêu cầu các hộ dân di dời chỗ ở. Thứ nhất người dân đã ở đó từ lâu đời rồi. Thứ hai, người ta không còn đất ở nơi khác để di chuyển. Thứ ba, họ không đủ kinh phí để xây nhà tầng.

Vậy còn đối với những vùng khô hạn ở miền Trung, Tây Nguyên, làm thế nào để có thể cấp đủ nước, “giải khát” và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương?

Chúng tôi đã khảo sát rất kỹ lưỡng và thấy rằng, tính từ Bắc Trung bộ vào Nam Trung bộ có một số vùng hạn. Thứ nhất là vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh, khoảng thời gian tháng 7 – 8 hàng năm, nhiệt độ 40 độ C duy trì cả nửa tháng, lượng nước bốc hơi rất nhiều. Do đó, vùng này thường thiếu nước.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã có những hệ thống thuỷ lợi góp phần giải hạn cho một số diện tích, ví dụ như hồ chứa nước Ngàn Trươi (huyện Vũ Quang) có dung tích trữ 775 triệu m3 nước, do đó phần lớn diện tích trước đây bị hạn nặng của vùng Bắc Hà Tĩnh đã cơ bản được khắc phục tình trạng thiếu nước.

Còn tại vùng Nam Nghệ An, hiện nhà nước đã đầu tư nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn và hệ thống kênh dẫn nước để phục vụ tưới cho khoảng 43.000 ha/năm vùng hạ lưu khu vực 5 huyện, thành thị: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò, TP Vinh và nước sinh hoạt cho nhân dân.

Hồ Bản Mồng (xây dựng trên sông Hiếu tại huyện Quỳ Hợp) có dung tích trữ thiết kế 235 triệu m3 cũng sẽ sớm được nghiệm thu hoàn thành và tích nước. Đặc biệt, trong tương lai, khi chúng ta hoàn chỉnh hệ thống đập trên sông Lam (và đang nghiên cứu trong quy hoạch đầu tư xây dựng hồ Thác Muối) thì sẽ bổ sung nguồn nước cho vùng Nam Nghệ An. Nếu làm được như vậy thì đến năm 2040, vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh sẽ giải quyết được tình trạng hạn hán, thiếu nước.

Vùng khô hạn thứ hai là Ninh Thuận - Bình Thuận, trong vòng 10 năm qua và giai đoạn 2021 - 2030, chúng ta đã, đang và sẽ hoàn chỉnh toàn bộ các công trình tạo nguồn nước. Với hồ Sông Cái, hồ Sông Than, thuỷ lợi Tân Mỹ và các đường ống dẫn nước khép kín cùng các hồ trữ nước khác, tôi tin đến năm 2030, Ninh Thuận sẽ có đủ nước.

Còn đối với tỉnh Bình Thuận, sau khi xây dựng hồ Sông Luỹ cùng với hệ thống tưới Phan Rí – Phan Thiết, đập dâng Tà Pao và sắp tới đây là hồ thuỷ lợi La Ngà 3 với dung tích trữ hơn 400 triệu m3,  Bình Thuận cũng cơ bản đủ nước.

Trong số các vùng hạn trên cả nước, nan giải nhất là Tây Nguyên. Đặc điểm của vùng đất này là nắng nhiều gió lắm, nhiệt độ khá cao. Hệ thống công trình thủy lợi tưới cho cây công nghiệp vẫn còn rất ít. Tỷ lệ tưới cho cây cà phê bây giờ mới được 18%, tưới hết cỡ mới được 28% thôi.

Để giải quyết được vấn đề này, trong quy hoạch quốc gia, Bộ NN-PTNT đề xuất xây dựng thêm một số hồ chứa lớn và hệ thống chuyển nước. Mấy năm vừa rồi, chúng ta xây dựng được các hồ thủy lợi Krông Buk Hạ, la Mơr, Ea H’leo, bây giờ còn một số vị trí có thể xây hồ, nhưng dung tích không quá lớn.

Chúng tôi đang nghiên cứu các trục kết nối nước từ hồ thuỷ điện lên vùng cao hơn nhưng rất khó. Vì công trình thuỷ điện ở Tây Nguyên thường nằm ở độ cao từ 400m trở xuống. Trong khi đó vùng cần tưới ở độ cao 800 – 900m, bây giờ mà đưa được nước lên là rất tốn kém.

Trong tương lai, cần phải có giải pháp tổng hợp. Thứ nhất là làm hồ chứa nhỏ như ở Lâm Đồng, Bắc Kon Tum (vì ở đó có thảm thực vật). Thứ hai, vùng nào hiện nay nông dân vẫn đang tưới bằng nước ngầm thì vẫn tiếp tục duy trì để tưới cho cây cà phê, hồ tiêu… nhưng phải tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Thứ ba, vẫn phải khai thác nguồn nước từ các hồ chứa thuỷ lợi để tưới cho cây công nghiệp, một số diện tích phải bơm ngược lên để phục vụ sản xuất.

Vậy còn ĐBSCL – vùng đất chịu tác động nặng nề của nhiều loại hình thiên tai, từ lũ lụt vào mùa mưa đến xâm nhập mặn vào mùa khô do mực nước trên các sông vị hạ thấp, làm sao để người dân có thể thích ứng để phát triển bền vững theo tinh thần “thuận thiên”?

ĐBSCL có hai vấn đề lớn cần phải giải quyết, đó là kiểm soát mặn và kiểm soát lũ. Đối với vấn đề kiểm soát lũ ở vùng thượng, theo quan điểm Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL bền vững và ứng với biến đổi khí hậu trên tinh thần thuận thiên. Thứ nhất là đảm bảo an toàn cho khu dân cư với tần suất khoảng 1% (khoảng 100 năm mới xuất hiện trận lũ). Thứ hai là kiểm soát lũ để đảm bảo cho cây ăn trái, các vùng nuôi trồng thuỷ sản, lúa 3 vụ không bị thiệt hại do lũ lớn với tần suất khoảng 2% (tức 50 năm xảy ra một lần). Còn những chỗ khác chúng ta chủ động thích nghi, né tránh.

Còn ở vùng hạ (ven biển) thường xuyên xảy ra tình trạng xâm nhập mặn, chúng ta phải kiểm soát mặn. Thứ nhất, trong tương lai, cần đầu tư hệ thống chuyển nước ngọt từ sông Hậu (đoạn qua tỉnh Hậu Giang) về bán đảo Cà Mau bằng máy bơm công suất 20m3/s cấp nguồn cho hệ thống kênh dẫn dài khoảng 80km. Phương án này đã được đề xuất trong quy hoạch, tuy nhiên chúng ta chưa cần làm ngay.

Hai công trình lớn khác cũng được chúng tôi nghiên cứu và đề xuất đầu tư xây dựng. Thứ nhất là cống trên sông Vàm Cỏ để kiểm soát mặn cho sông Tiền. Nguồn kinh phí để xây dựng công trình này khá lớn vì tại vị trí thi công sông Vàm Cỏ rộng gần 2km, chắc chắn không thể làm trong giai đoạn 2021– 2030 mà phải đầu tư sau năm 2040, khi các bậc thang thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông hoàn thiện và trữ tối đa nước vào cuối mùa mưa, mặn xâm nhập sâu vào đất liền thì chúng ta mới làm.

Trên lưu vực sông Hậu, quan điểm của chúng tôi là không làm cống chặn ngang dòng để kiểm soát mặn, vì đây là sông quốc tế, còn phải thông thủy để tàu thuyền đi Campuchia. Chúng ta chỉ đầu tư xây cống kiểm soát mặn ở những nhánh cấp 1 nối Sóc Trăng, Hậu Giang , Bạc Liêu.

Còn vùng giữa ĐBSCL, chúng ta vẫn tiếp tục chương trình trạm bơm điện của Chính phủ đã duyệt rất hiệu quả. Ở trong đó các địa phương chia ra các tiểu vùng diện tích 100ha, 300ha, 500ha. Lúc mực nước xuống thấp không tưới tự động được thì các trạm bơm hỗ trợ. Lúc nào mưa to không tiêu kịp thì bơm tiêu ra rất tốt, đặc biệt là các vùng An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang.

Theo ông, làm thế nào để chúng ta có thể hạn chế rủi ro thiên tai liên quan đến nước, từ đó xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai?

Để đáp ứng được toàn bộ mục tiêu phòng, chống thiên tai liên quan đến nước, đảm bảo cân bằng nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh và các ngành kinh tế, trong dự thảo Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ NN-PTNT đề xuất huy động khoảng 600.000 tỷ đồng trong vòng 30 năm tới để đầu tư hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi.

Thứ nhất là chương trình nâng cấp hơn 1.000km đê sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả với tổng kinh phí khoảng 130.000 tỷ đồng; Chương trình nâng cấp đê biển với tổng kinh phí 120.000 tỷ đồng; Chương trình chỉnh trị, kè sạt lở (bao gồm nạo vét các luồng lạch, cửa sông) trên các hệ thống sông đảm bảo hành lang thoát lũ tại miền Trung tổng kinh phí hơn 100.000 tỷ đồng. Như vậy, chưa tính đến chi phí trồng rừng thì tổng kinh phí đề xuất đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phòng, chống thiên tai đến năm 2050 khoảng 350 tỷ đồng.

Còn đối với ngành thuỷ lợi thì cần khoảng 300 tỷ đồng, trong đó có các dự án làm hồ đập mới, nâng cao dung tích hồ chứa nước, các hệ thống chuyển nước, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thuỷ lợi và các công trình lớn (các cống cửa sông) để kiểm soát nguồn nước.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam!

Minh Phúc
Trọng Toàn
Phạm Hiếu - Minh Phúc
Minh Phúc