Canh cánh nỗi lo 'họa núi đè' mùa mưa bão

 

 

Cũng như các tỉnh ở khu vực miền Trung, mỗi năm tỉnh Quảng Nam đều đối mặt với nhiều loại hình thiên tai khác nhau, đặc biệt là sạt lở đất trong mùa mưa bão. Tại tỉnh này, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.000 - 2.500mm. Vị trí địa lý, điều kiện địa hình phức tạp cùng những thay đổi khó lường của thời tiết dưới tác động của biến đổi khí hậu khiến khu vực miền núi tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Mùa mưa ở tỉnh Quảng Nam thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12, với lượng mưa chiếm khoảng 70 - 75% tổng lượng mưa cả năm, nên thường gây ra lũ lụt. Do nhiều tác động khác nhau, khi có mưa lũ, tình hình sạt lở núi ngày càng diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Vài năm trở lại đây, miền núi của tỉnh này hứng chịu rất nhiều trận lở đất, vùi lấp nhà cửa và cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Thiên tai liên tiếp xảy ra, có lúc tưởng chừng ở vùng núi không còn nơi nào là an toàn. Khắp các địa phương như Trà Vân, Trà Leng (huyện Nam Trà My); Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn) và nhiều vùng núi khác, những trận lở đất kèm theo lũ quét xuất hiện liên tục khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ về những giải pháp sắp xếp, ổn định dân cư cho người dân vùng có nguy cơ sạt lở do thiên tai. Video: Lê Khánh.

Gần 4 năm, kể từ sau vụ lũ quét kèm lở đất xảy ra tại Trà Leng (Nam Trà My), dù người dân đã ổn định cuộc sống tại nơi ở mới nhưng nỗi ám ảnh về thời điểm đó vẫn luôn hiển hiện. Trong phút chốc, cuộc sống bình yên tại thôn 1 và thôn 2 (xã Trà Leng) bỗng bao trùm tang thương, đau đớn giữa màn mưa trắng xóa. Và đến nay, vẫn còn nhiều người dân mất tích chưa được tìm thấy.

Ông Hồ Văn Đề (65 tuổi), xã Trà Leng đã mất đi 8 người thân trong trận sạt lở kinh hoàng vào tháng 10/2020 nhớ lại: “Thảm họa ập xuống quá bất ngờ khiến mọi thứ tan hoang. Con trai, con gái, con rể, cháu tôi đều mất hết cả. Bây giờ đã được định cư yên ổn trên vùng đất mới Bằng La với điều kiện đầy đủ, an toàn hơn. Thế nhưng giờ cứ mỗi khi có mưa lớn, tôi vẫn còn cảm thấy run sợ”.

Với tình hình khí hậu ngày càng biến đổi như hiện nay thì mối nguy tiềm ẩn từ sạt lở đất có lẽ không thế nào chấm dứt, nhất là ở các huyện miền núi Quảng Nam khi mùa mưa đã bắt đầu. Cùng với đó, những trận sạt lở đất nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại các tỉnh phía Bắc vào đầu tháng 9 vừa qua lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy từ “họa núi đè”.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3 vừa qua, thì vấn đề sạt lở đất đang là thách thức đặt ra cho cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng, nhất là vào thời điềm mưa bão hiện nay. Do đó, để tránh những thiệt hại to lớn về người và tài sản thì chính quyền địa phương phải đặc biệt lưu tâm.

Trong đó có việc xây dựng các giải pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo an toàn nhất cho người dân, đặc biệt là ở khu vực các huyện miền núi, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Đây là trách nhiệm của Đảng bộ và chính quyền nhân dân Quảng Nam phải thực hiện trong thời gian tới.

 

 

 

 

Từ thực trạng thiên tai những năm gần đây, các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam đã chủ động tìm giải pháp ứng phó, hạn chế rủi ro cũng như hậu quả nghiêm trọng do mưa lũ và sạt lở đất. Trong đó, tập trung rà soát các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, để cảnh báo cho người dân; đồng thời huy động các lực lượng, phương tiện để sơ tán các hộ nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ông Võ Hồng Siêu, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nam Trà My cho biết, đối với địa phương luôn xác định rằng, thiên tai có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. Ngoài nắng nóng, mưa đá, giông lốc thì nguy hiểm nhất là tình trạng sạt lở đất. Do đó, nhiệm vụ phòng chống thiên tai luôn được huyện quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, liên tục.

 

 

“Hàng năm, ngoài phương án phòng chống thiên tai chung của huyện thì dựa theo đặc thù, mỗi xã đều có thêm các phương án riêng, chủ động trong mọi tình huống. Trong đó, chủ yếu là xác định những vùng có nguy cơ sạt lở và vị trí để sơ tán dân như: trụ sở làm việc của ủy ban, trường học, những nhà kiên cố. Trước khi mưa bão xảy ra, chính quyền địa phương sẽ tiến hành kiểm tra ở các khu dân cư, trên đồi núi nếu xuất hiện các vết nứt thì nhanh chóng đưa người dân đến nơi an toàn”, ông Siêu nói.

Cùng với việc kiểm tra, vận động sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, huyện Nam Trà My chỉ đạo các xã vận động người dân, các cửa hàng kinh doanh tích trữ lương thực tại chỗ, không để xảy ra tình trạng thiếu đói khi có thiên tai. Bên cạnh đó, địa phương này cũng huy động phương tiện, máy móc của các doanh nghiệp ứng trực ở các tuyến đường thường xuyên xảy ra sạt lở để giải phóng bước đầu, không để xảy ra tình trạng các khu vực dân cư bị cô lập nhiều ngày.

Nhờ huy động các máy móc của doanh nghiệp ứng trực mà những năm qua, các đoạn đường xảy ra sạt lở trên địa bàn huyện Nam Trà My đều được thông tuyến sau 1 đến 2 ngày.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, theo dự báo, cũng như kinh nghiệm thì cứ đến năm Giáp Thìn thì thiên tai, bão lũ sẽ khắc nghiệt hơn, gây ra thiệt hại cho người và tài sản nhiều hơn. Nhận thức được vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ chỉ đạo rà soát lại các kế hoạch đã xây dựng và thực hiện những năm trước đây để bổ sung, sửa đổi những tình tiết mới, thực hiện quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn thì mới ứng phó có hiệu quả.  

 

 

Đồng thời, người đứng đầu chính quyền Quảng Nam nhấn mạnh, phải kiểm soát chặt chẽ lại phương châm “4 tại chỗ” bởi đây là yếu tố quyết định đến sự thành công trong công tác phòng chống thiên tai. Thực tế cho thấy những nơi nào không làm tốt “4 tại chỗ” thì khi xảy ra thiên tai, bão lũ bị thiệt hại nặng và quá trình khắc phục cũng lâu dài hơn, gây ra khó khăn lớn nhất cho đời sống của nhân dân. Do đó “4 tại chỗ” phải thực sự mạnh, rõ việc, rõ người, rõ địa chỉ”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, vừa qua, kiểm tra thực tiễn việc chuẩn bị “4 tại chỗ”, một số chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực sự tốt. Để chấn chỉnh tình hình này, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức hội nghị với thành phần tham dự từ tỉnh đến xã để tập trung chỉ đạo cho cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành về công tác phòng chống thiên tai, trước hết là phải nhận thức đúng để có hành động đúng nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

 

 

 

 

Cùng với công tác ứng phó, tỉnh Quảng Nam đã và đang thực hiện hỗ trợ xây dựng các khu tái định cư để di dời người dân ở các vùng sạt lở.

Năm 2021, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết 23 về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ ổn định dân cư miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó ưu tiên cho những hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở chuyển đến nơi an toàn. Bằng cuộc di dân gắn với bố trí, sắp xếp và ổn định dân cư nhằm phòng chống thiên tai, nhiều địa phương miền núi Quảng Nam dần định hình giải pháp ngăn ngừa thảm họa mang tính bền vững.

Huyện Tây Giang được biết đến như một điển hình trong sắp xếp, bố trí dân cư miền núi. Chính quyền huyện cùng người dân địa phương đã nghiên cứu, chọn địa hình tốt nhất để tạo mặt bằng tái định cư, đảm bảo người dân ổn định đời sống gắn với sinh kế lâu dài.

Lợi thế của Tây Giang là có nhiều khu vực đất đồi khá lý tưởng, vì thế chỉ cần san ủi đơn giản là có thể xây dựng được vị trí ở mới an toàn, ít tác động đến môi trường địa chất. Nhờ vậy, các khu tái định cư ở huyện Tây Giang không chỉ phát huy hiệu quả tạo dựng không gian sống an toàn cho cộng đồng mà còn tránh được thảm họa thiên tai, nhất là lũ quét và sạt lở đất thời gian qua. 

 

 

Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, địa phương đã triển khai 116 điểm khu dân cư mới tại 63 thôn, đáp ứng nhu cầu ổn định nơi ở cho 4.690 hộ/19.000 nhân khẩu. Với tổng diện tích sắp xếp hơn 370ha, nguồn lực đầu tư lên đến hơn 1.500 tỷ đồng.

“Trong quy hoạch sắp xếp dân cư, chúng tôi ưu tiên 2 vấn đề lớn là đất và nước. Đất gồm đất ở và đất sản xuất; nước là điều kiện về nước sinh hoạt cùng các hệ thống thoát nước. Ở mỗi khu tái định cư, chúng tôi lồng ghép, tập trung các nguồn đầu tư hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu như trường học điện lưới, đường bê tông, nhà sinh hoạt cộng đồng”, ông Arất Blúi nói.

Còn tại xã Trà Cang (huyện Nam Trà My) từ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh Quảng Nam, địa phương này đã chọn triển khai sắp xếp dân cư tại làng Tăk Răng (thôn 2) nhằm đảm bảo ổn định chỗ ở cho các hộ dân; giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng thiên tai và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân miền núi.

Làng Tăk Răng có 86 hộ đều là đồng bào Xê Đăng sinh sống lâu đời. Chính quyền xã đã tiến hành sắp xếp 83 hộ dân theo hướng chỉnh trang tại chỗ, đảm bảo các điều kiện sống. Sau thời gian sắp xếp, đời sống người dân cơ bản ổn định; hầu hết nhà ở được xen ghép chỉnh trang tại chỗ nên ít tác động đến địa chất, giữ nguyên các yếu tố “thuần tự nhiên”. Người dân sau khi về chỗ ở mới được hỗ trợ nước sinh hoạt, xây nhà vệ sinh, đất sản xuất… Nhờ vậy, người dân khá an tâm trước thiên tai, mưa lũ.

Trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023, Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh Quảng Nam đã bố trí 210 tỷ đồng triển khai nhóm dự án sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở phòng tránh thiên tai và biến đổi khí hậu. Từ dự án này, đến nay, có 1.648 hộ dân được di dời chỗ ở, chủ yếu là Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My..., góp phần chủ động và hạn chế các rủi ro do thiên tai gây ra.

Sắp xếp dân cư là chủ trương lớn của tỉnh Quảng Nam, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an cư cho đồng bào miền núi trước thảm họa thiên tai.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc sắp xếp dân cư để phòng tránh thiên tai ở miền núi đã được chúng tôi chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều năm qua, đạt được nhiều kết quả tốt. Bên cạnh những địa phương thực hiện tốt thì cũng có nơi làm chưa tốt. Vì vậy, những cơn bão lũ các năm trước xảy ra làm thiệt hại rất nhiều về người và tài sản.

“Trong thời gian qua, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết 12 về chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Quảng Nam trong đó một trong những nội dung hết sức quan trọng là sắp xếp dân cư, ổn định cuộc sống cho người dân ở những vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Các khu dân cư được bố trí cho người dân vùng sạt lở được tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá, nước sinh hoạt… và cuộc sống của bà con cũng đang từng ngày trỗi dậy. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều khu dân cư có nguy cơ sạt lở, mất an toàn nhưng chúng ta chưa có điều kiện để thực hiện cho thật tốt. Đây là trăn trở, lo toan của Đảng bộ và chính quyền Quảng Nam. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm tham mưu và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này trong thời gian tới”, ông Dũng khẳng định.

 

 

 

 

Những khu tái định cư mới cho người dân vùng sạt lở ở Quảng Nam được dựng lên trong niềm vui, phấn khởi của nhiều hộ dân. Từ đây, họ không còn phải nơm nớp sống trong nỗi lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ đến. Tại xã Trà Don (huyện Nam Trà My) hiện nay, 51 hộ dân ở làng Tắc Tố đã được chính quyền địa phương hỗ trợ chuyển về nơi ở mới an toàn hơn.

Khoảng 2 năm trước, ngôi làng cũ mà những hộ dân này đã gắn bó hơn 100 năm qua bất ngờ xuất hiện những khe nứt, sau đó thì mạch nước rò rỉ. Nhìn mạch nước như “bom nổ chậm” nằm ngay dưới móng nhà, ai cũng nghĩ đến một trận sạt lở sẽ không tránh khỏi. Không khí hoang mang lo lắng bủa vây khắp làng. Cán bộ xã Trà Don khẩn trương lên phương án di dời làng.

Sau đó, chính quyền xã Trà Don chọn mặt bằng dọc theo tuyến đường tỉnh, an toàn và thuận tiện hơn để làm nơi tái định cư cho các hộ dân. Hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước được đầu tư hoàn chỉnh. Dần dần, những căn nhà mới mọc lên hai bên đường. Bỏ lại bao âu lo, làng mới tràn đầy sinh khí, bà con hồ hởi bắt đầu cuộc an cư mới.

Chị Hồ Thị Lực (SN 1997) cho biết, từ nguồn hỗ trợ của địa phương cùng số tiền dành dụm được, gia đình tôi xây nhà gạch, lót gạch men và tận dụng gỗ từ nhà cũ làm cột, kèo, gác lửng, lợp tôn kiên cố theo kiểu nhà truyền thống. Nơi ở mới này thuận lợi hơn chỗ cũ rất nhiều, đường sá khang trang, xe vào đến tận nơi, đời sống của người dân tốt hơn. Và quan trọng là chúng tôi không còn lo âu sạt lở khi mùa mưa bão về.

 Tại khu dân cư Bằng La, nơi định cư mới cho các hộ dân trong vụ sạt lở ở thôn 1 và thôn 2 xã Trà Leng, đi dọc khu vực này có thể nhận thấy một màu xanh của các loại cây keo, quế… Nhiều hộ gia đình còn mạnh dạn mua thêm các loại cây, con giống mới về trồng, chăn nuôi ở nương rẫy của gia đình, kinh tế từng bước được cải thiện.

Chị Hồ Thị Tiên (khu dân cư Bằng La) chia sẻ: “Giờ đây cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định, vợ chồng tôi cũng trồng được vài sào cây quế, cây cau ở đồi núi, dự kiến vài năm nữa sẽ thu hoạch thì có nguồn thu nhập. Tôi còn chăn nuôi thêm con gà, con vịt để bán lấy tiền lo cho con cái ăn học. Còn lúc nào rảnh tôi lại đi phát rẫy thuê cho người dân ở các xã lân cận để kiếm thêm tiền, trung bình mỗi ngày họ trả tiền công cho tôi được từ 150 đến 200 ngàn đồng”.

Theo UBND huyện Nam Trà My, việc xây dựng các khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở không chỉ góp phần phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai mà còn thay đổi diện mạo thôn, xóm theo hướng khang trang; người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn, có điều kiện để ổn định phát triển kinh tế. Qua đó đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Lê Khánh
Trương Khánh Thiện
Lê Khánh
Lê Khánh