| Hotline: 0983.970.780

Mong được bố trí đất ở, sớm an cư lạc nghiệp

Thứ Hai 14/10/2024 , 08:34 (GMT+7)

YÊN BÁI Hàng trăm hộ dân ở tỉnh Yên Bái không thể trở về tổ ấm sau bão số 3, họ mong muốn nhà nước bố trí đất tái định cư để sớm an cư lạc nghiệp.

Tình trạng sạt lở đất làm cho hàng nghìn hộ dân ở tỉnh Yên Bái bị sập đổ và hư hòng nhà ở. Ảnh: Thanh Tiến.

Tình trạng sạt lở đất làm cho hàng nghìn hộ dân ở tỉnh Yên Bái bị sập đổ và hư hòng nhà ở. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhà sạt xuống sông Chảy, dựng lán ở tạm

Gia đình bà Nguyễn Thị Tân ở tổ dân phố số 2, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình đã sinh sống trên mảnh đất ven bờ sông Chảy từ những năm 80 của thế kỷ trước. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng êm đềm cho đến đêm định mệnh 13/9 khi cả nhà bà chứng kiến cảnh tượng ngôi nhà của mình cùng nhà người con trai và 3 gia đình hàng xóm nằm liền kề từ từ sạt xuống dòng sông. Nhiều đồ đạc chưa kịp di chuyển hiện vẫn đang nằm trong đống vụn vỡ. 

Bà Tân bộc bạch, hơn 40 năm sinh sống ở đây chưa từng chứng kiến nước sông Chảy dâng cao và chảy xiết như thế, nguyên nhân bởi mưa lũ lớn trong nhiều ngày, nước từ thượng nguồn dồn về, hồ thủy điện Thác Bà xả lũ hết công suất. Sau khi nước bắt đầu rút, ngôi nhà của gia đình bà và những người hàng xóm phía bờ sông bị sạt trượt xuống sông, cuốn theo nhiều tài sản. Hiện nay, các hộ dân mất nhà phải đi ở nhờ.

Nhà bà Tân và 4 hộ dân liền kề bị sạt xuống sông Chảy trong đợt bão số 3. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhà bà Tân và 4 hộ dân liền kề bị sạt xuống sông Chảy trong đợt bão số 3. Ảnh: Thanh Tiến.

Hơn chục ngày lang thang đi ở nhờ hàng xóm, người quen. Khoảng 2 tuần nay, vợ chồng bà Tân mượn mảnh đất trống của hàng xóm phía đối diện dựng ngôi nhà bằng tấm tôn sống qua ngày. Trong ngôi nhà tạm bợ chật hẹp, cuộc sống của 4 thành viên thiếu thốn đủ thứ. Bà Tân mong muốn sớm được nhà nước bố trí đất tái định cư và hỗ trợ kinh phí để gia đình làm nhà ở mới, ổn định cuộc sống.

Lán tạm là nơi trú ngụ của 4 con người trong khi chờ được bố trí tái định cư. Ảnh: Thanh Tiến.

Lán tạm là nơi trú ngụ của 4 con người trong khi chờ được bố trí tái định cư. Ảnh: Thanh Tiến.

Cũng chung hoàn cảnh nhà bà Tân, ngôi nhà gắn bó hơn 10 năm của gia đình chị Phạm Thị Dung cũng bị sập xuống sông Chảy trong đêm 13/9. Trong đống đổ vỡ, một số tài sản chưa kịp di chuyển vẫn nằm đó nhưng không dám vào thu dọn vì sợ nguy hiểm. Hiện nay, cả gia đình 4 thành viên đang ở nhờ nhà bố mẹ đẻ để vừa kinh doanh trang trải cuộc sống vừa đợi nhà nước bố trí tái định cư.

Chị Dung chia sẻ, đêm hôm đó nghe mọi người hô nhà sập nhưng cũng không dám chạy ra xem vì quá xót xa. Ngôi nhà vừa là nơi sinh sống của 4 người và cũng là nơi kinh doanh hàng hoa. Bây giờ nhà mất, đất cũng trôi xuống sông, chị mong muốn nhà nước cấp đất để có nơi ở an toàn, sau đó sẽ thuê địa điểm để tiếp tục kinh doanh, sớm ổn định kinh tế.

Người dân mong muốn hỗ trợ tái định cư

Trong cơn bão số 3 vừa qua, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình có hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp vì lũ lụt và sạt lở, nhiều hộ dân đã trở về nhà ổn định cuộc sống và sản xuất. Tuy nhiên, đến nay còn 22 hộ chưa thể về nhà vì nhà bị bị sập đổ, hư hỏng.  

Bà Dương Minh Huệ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thác Bà cho biết, đối với 22 hộ dân mất nhà và nơi ở không đảm bảo an toàn, thị trấn đã báo cáo UBND huyện để có phương án bố trí đất tái định cư. Nguyện vọng chung của bà con là được nhà nước cấp đất ở mới và hỗ trợ kinh phí để có thể xây dựng lại nhà ở. Bà con cũng mong muốn nơi tái định cư sẽ gần nơi ở cũ để thuận tiện trong kinh doanh và sản xuất nông nghiệp.

Không riêng ở huyện Yên Bình, vấn đề bố trí sắp xếp dân cư, tái định cư và khắc phục các điểm sạt lở để ổn định cuộc sống đang là yếu cầu cấp thiết và mong mỏi của hàng ngàn hộ dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái.

Ngay trung tâm thành phố Yên Bái, khu vực đường Điện Biên, thuộc phường Yên Ninh, khung cảnh tan hoang, đổ nát vẫn đang hiện hữu suốt những ngày qua bởi sạt lở, những quả “bom đất” vẫn đang nằm cheo leo trên đỉnh đồi, chực chờ lao xuống các ngôi nhà bé nhỏ.

Nhiều ngôi nhà ở thành phố Yên Bái bị sập đổ, hư hỏng nặng do sạt lở đất. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều ngôi nhà ở thành phố Yên Bái bị sập đổ, hư hỏng nặng do sạt lở đất. Ảnh: Thanh Tiến.

Trời tạnh nắng, ban ngày người dân lại trở về nhặt nhạnh, thu vén một số đồ dùng thiết bị, những chiếc máy xúc đào bới tìm tài sản trong đống đổ nát. Đến đêm, cả tuyến phố chìm vào bóng tối, “không điện, không nước, không an toàn” người dân di chuyển đi nơi khác ở nhờ, ở trọ.

Ông Nguyễn Xuân Hưng ở phường Yên Ninh giãi bày, gần 1 tháng nay cả khu phố hoang tàn như khu phố ma, cuộc sống mưu sinh, buôn bán bị đình chệ hoàn toàn. Hai dãy đồi núi phía sau những ngôi nhà cao đến vài chục mét, khối lượng đất khổng lồ. Người dân mong muốn nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí san gạt hạ thấp độ cao, bạt mái ta luy để đảm bảo an toàn cho hàng trăm hộ dân trong khu vực.

Thành phố Yên Bái là địa phương hứng chịu thảm họa kép với cả ngập lụt và sạt lở đất, trên địa bàn có 22 người thiệt mạng do sạt lở, hàng nghìn điểm sạt lở nguy hiểm, nhiều ngôi nhà đã và đang trong tình trạng báo động, người dân thấp thỏm mỗi khi trời mưa.

Tuy nhiên, phần lớn người dân thành phố không đề nghị tái định cư ở nơi khác mà mong muốn nhà nước hỗ trợ kinh phí khắc phục tại chỗ để sinh sống và kinh doanh, buôn bán.

Nhiều hộ dân mong muốn được hỗ trợ kinh phí để bạt mái ta luy và khắc phục hậu quả sạt lở. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều hộ dân mong muốn được hỗ trợ kinh phí để bạt mái ta luy và khắc phục hậu quả sạt lở. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Phùng Tiến Thanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết, để thực hiện khắc phục hậu quả của sạt lở đất, thành phố yêu cầu các xã, phường thông báo đến người dân chủ động tự khắc phục xử lý mái taluy, hót dọn đất sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và ổn định đời sống sinh hoạt của người dân trong thời gian sớm nhất.

Tỉnh Yên Bái chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành 2 văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, các bước tiến hành đối với các khu đất làm tái định cư tập trung, xen ghép và tại chỗ cho các địa phương. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ tối đa về thủ tục pháp lý như: kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đo đạc, chỉnh lý bản đồ, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Đối với các khu đất tái định cư tập trung, tỉnh chỉ đạo các địa phương lựa chọn phải phù hợp với phong tục, tập quán và thuận lợi cả việc ở cũng như sản xuất của người dân. Ưu tiên tái định cư cho người dân bị sập, trôi hoàn toàn trước, sau đó là nhà có nguy cơ mất an toàn cao, phải di dời.

Toàn tỉnh Yên Bái có trên 1.400 hộ dân có nhà cửa bị sập đổ hoàn toàn, hư hỏng nặng và phải di dời khẩn cấp. Để sớm ổn định đời sống cho người dân, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách hỗ trợ với mức 60 triệu đồng/nhà sập, đổ hoàn toàn và nhà phải di dời làm mới; 30 triệu đồng/nhà hư hỏng nặng. Cùng với đó kêu gọi, vận động các nguồn khác hỗ trợ thêm cho người dân.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.