Cấp bách sắp xếp lại cư dân, di dời khỏi khu vực nguy cơ sạt lở

Những năm qua, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đã và đang diễn biến rất phức tạp, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân và môi trường sinh thái.

Thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), năm 2022, cả nước ghi nhận 21/22 loại hình thiên tai xảy ra. Chủ yếu là bão, áp thấp nhiệt đới; dông, lốc, mưa lớn; lũ, lũ quét, sạt lở đất; động đất; sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Ảnh hưởng của thiên tai trong năm qua đã khiến 175 người chết và mất tích. Hơn 1.200 nhà sập, trôi, hư hỏng hoàn toàn. Khoảng 176 nghìn ngôi nhà bị hư hại, ngập, phải di dời khẩn cấp. Đặc biệt, thiên tai đã khiến trên 550km đường giao thông trên cả nước bị hư hỏng.

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai gây ra. Gần 315 nghìn ha lúa, hoa màu và hơn 79 nghìn ha cây trồng khác bị thiệt hại. Số lượng gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi cũng lên tới con số hàng chục nghìn thậm chí hàng trăm nghìn. Ước tổng thiệt hại khoảng 19.500 tỷ đồng.

Đến 6 tháng đầu năm 2023, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, cả nước xảy ra 1 trận áp thấp nhiệt đới; 20 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận dông lốc, sét, mưa đá. Khu vực giáp biển đã xảy ra 11 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển và khoảng 200 vụ sạt lở, triều cường. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 215,8 tỷ đồng.

Tác động của thiên tai cũng gây ra một loạt vụ sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực ĐBSCL. Theo đánh giá của các chuyên gia, vùng bờ biển ĐBSCL tương đối bằng phẳng, có rừng ngập mặn và hầu hết có hệ thống đê biển bảo vệ dân cư.

Tuy nhiên trước tác động của triều cường trong năm trùng hợp với mùa có bão đổ bộ hoặc các đới gió mùa hoạt động mạnh gây ra hiện tượng nước biển dâng. Hiện tượng này đã tác động mạnh đến các vùng ven biển, là một trong những nguyên nhân gây xói lở bờ biển.

Những năm qua, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đã và đang diễn biến rất phức tạp, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân và các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven sông, ven biển và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Tổng hợp báo cáo từ các địa phương trong vùng ĐBSCL, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đưa ra con số 803 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển được ghi nhận từ năm 2016 đến nay. Tổng chiều dài bị sạt lở lên đến trên 1.000 km, trong đó sạt lở có diễn biến phức tạp cần phải xử lý là 305 điểm.

Thống kê từ Chi cục Thủy lợi các địa phương vùng ĐBSCL cho thấy, trong giai đoạn 2018 – 2022, sạt lở đã làm sập, cuốn trôi ít nhất 2.500 căn nhà ở 5 tỉnh, thành: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau. Tổng thiệt hại từ sạt lở ước trên 304 tỷ đồng, khoảng 20.000 hộ dân sống trong vùng sạt lở ở các địa phương nói trên cần di dời.

Hiện trên phạm vi cả nước, còn gần 3.000 điểm bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 3.472 km. Đặc biệt, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có đến 585 điểm sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 741 km.

Trong đó sạt lở đang có diễn biến phức tạp cần phải xử lý 87 điểm, với chiều dài 135 km. Từ đầu năm 2023 đến nay, 4 tỉnh vùng ĐBSCL đã phải ban bố tình huống khẩn cấp về 3 sự cố sạt lở đê, kè và 9 khu vực bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài khoảng 1.800m.

Ông Tăng Quốc Chính, Trưởng phòng Kiểm soát an toàn thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai nhận định, thiên tai phức tạp đến từ tác động của việc xây dựng hồ chứa ở thượng nguồn. Bên cạnh đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng ven sông, ven biển trong nội vùng ĐBSCL không phù hợp với quy hoạch. Khai thác nước ngầm cũng khiến vấn đề sụt lún ở đồng bằng trở nên căng thẳng.

Ông Chính cho rằng, bên cạnh những giải pháp khắc phục trước mắt, các địa phương đã được bố trí kinh phí xây dựng các công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển cần triển khai ngay và nâng cao tiến độ thực hiện. Về lâu dài, cần quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ven sông, ven biển.

Quan trọng hơn là kiểm soát chặt việc khai thác cát sỏi ở lòng sông. Theo nhận định của ông Chính, khai thác cát lòng sông dẫn đến làm mất cân bằng nguồn cát, lòng sông bị hạ thấp, tác động trực tiếp đến sạt lở bờ sông.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý khai thác cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ bãi sông. Từ đây, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, đặc biệt là khai thác cát lậu. Song song đó, quản lý việc tập kết vật liệu xây dựng cát sỏi ở các khu vực ven sông. Bởi đây là những khu vực thường xuyên chất tải, gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển.

Tiến sĩ Dương Văn Ni nhận định, quy hoạch tốt nhất trong tương lai là thực hiện di dời các hộ dân sống ven bờ sông có nguy cơ sạt lở, nhằm giảm tải, bảo vệ an toàn tính mạng người dân. Chính quyền địa phương cần có chính sách vận động người dân có điều kiện, sống trong vùng nguy cơ sạt lở thực hiện di dời ngay.

ĐBSCL hiện có hệ thống đê bao, bờ bao lớn trên 45.500km. Trong đó, 26.400km chống lũ triệt để và 19.000km chống lũ thời vụ. 3 tỉnh có đê cấp III gồm Long An, Đồng Tháp, An Giang. Hai tỉnh Cà Mau và Trà Vinh cũng đã được phân cấp đê.

 

Vùng cực Nam Tổ quốc, một trong những thách thức của biến đổi khí hậu mà tỉnh Cà Mau đang phải đối mặt là tình trạng xói lở bờ biển có xu hướng ngày càng gia tăng.

Theo số liệu thống kê của ngành Lâm nghiệp tỉnh, giai đoạn 2011 – 2021, sạt lở làm mất rừng ven biển với diện tích 5.250 ha, tương đương với diện tích bình quân một xã trong tỉnh.

Quá trình sạt lở xảy ra mạnh và thường xuyên, không chỉ vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô. Dẫn đến đường bờ lấn về phía đất liền nhanh chóng, rừng ngập mặn dần bị phá hủy.

Tỉnh Cà Mau có hệ thống đê biển Tây chiều dài 108,3km, được hình thành từ năm 1982, ở các huyện ven biển Phú Tân, U Minh và Trần Văn Thời. Trong quá trình khai thác do không được tu bổ, nâng cấp thường xuyên, nhiều vị trí đê bị xuống cấp nhanh chóng, mất khả năng vận hành.

Đến năm 2010, tỉnh Cà Mau triển khai nâng cấp tuyến đê biển Tây theo Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.

Hiện nay, đã hoàn thành đưa vào sử dụng được 51,3km/108,3km. Sau khi hoàn thành tuyến đê biển Tây có nhiệm vụ hết sức quan trọng trong phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ngăn triều cường, nước biển dâng. Bảo vệ cho trên 26.000 hộ dân sinh sống ven biển, gần 129.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Theo Quyết định số 4511/QĐ-BNN-PCTT ngày 19/11/2021 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, tuyến đê biển Tây được phân cấp là đê cấp IV với chiều dài gần 80km, đoạn còn lại chưa được phân cấp.

Dọc theo tuyến đê biển này đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 43,8km kè cơ bản và đang tiếp tục triển khai thực hiện 12,5km kè, kinh phí gần 319 tỷ đồng, để chống sạt lở, gây bồi tạo bãi, khôi phục rừng ngập mặn ven biển.

Đối với vùng đất đầu nguồn khu vực ĐBSCL và vùng Tứ giác Long Xuyên, tỉnh An Giang có hệ thống sông kênh, rạch chằng chịt, thuận lợi cho việc thoát lũ. Bên cạnh đó, việc điều tiết lũ ra Biển Tây thông qua 2 công trình cống Trà Sư và Tha La và một số tuyến kênh trục khác cũng rất thuận lợi.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, đến nay trên địa bàn tỉnh có 699 tiểu vùng đê bao với chiều dài gần 5.800 km, góp phần kiểm soát lũ, bảo vệ sản xuất cho hơn 255.800 ha.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, trước khi được Bộ NN-PTNT phân loại, phân cấp đê cấp III, các tuyến đê này trong vùng dù được cải tạo, sửa chữa, nhưng do nguồn lực hạn chế nên công tác nâng cấp, duy tu không thường xuyên. Dẫn đến hệ thống đê bao bị hư hỏng, xuống cấp, sụt lún thân đê, sạt mái đê.

Sau khi được phân loại, phân cấp đê cấp III, hàng năm, tỉnh An Giang được Bộ NN-PTNT phân bổ kinh phí để tổ chức duy tu, bảo dưỡng, các tuyến đê cơ bản được bảo vệ an toàn. Các trường hợp xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê không còn xảy ra.

Ông Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai) nhận định, hệ thống đê bao, bờ bao của ĐBSCL có đặc thù được hình thành trên các đê cặp kênh, vùng địa chất nền yếu. Do đó, hệ thống này thường xuyên xảy ra sạt lở, hư hỏng và xuống cấp.

Bên cạnh đó, hệ thống đê bao hầu hết hình thành tự phát, quy mô bao nhỏ, đắp thủ công, vật liệu tại chỗ, chưa bảo đảm nhiệm vụ chống lũ. Một số tuyến chưa khép kín, thiếu trạm bơm, cống nên mức ổn định không cao. Dẫn đến tình trạng bị tràn và vỡ đê bao. Nhiều tuyến không đảm bảo hành lang bảo vệ đê theo quy định.

Đối với các tuyến đê biển, đê cửa sông còn một phần chưa khép kín, mặt cắt đê nhỏ hẹp, chưa hoàn chỉnh.

Với con số đê bao, bờ bao “khổng lồ” trên đòi hỏi nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống đê cho đồng bằng rất lớn.

Ông Tuyên nhìn nhận, những năm vừa qua, Bộ NN-PTNT đã quan tâm, bố trí nguồn lực từ một số chương trình dự án để các địa phương nâng cấp một số tuyến đê trọng yếu. Tuy nhiên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

Quá trình hình thành hệ thống đê bao ở ĐBSCL trải qua rất nhiều năm và đã mang lại nhiều hiệu quả. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, theo ông Tuyên, cần có những đánh giá tổng thể, bài bản từ các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học về vấn đề duy trì hệ thống đê bao, tránh những tác động ngược.

Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL đánh giá, giải pháp công trình có lợi thế tác dụng nhanh, bảo vệ được một số khu vực trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi nguồn lực lớn.

“Giải pháp công trình có hàng loạt nhược điểm là can thiệp ở một nơi sẽ gây ra sạt lở ở nơi khác theo quy luật tìm kiếm sự cân bằng động lực của dòng sông. Sạt lở vì thiếu hụt cát, nếu càng làm công trình càng gây thiếu cát, tạo thành vòng luẩn quẩn. Biện pháp chỉnh trị dòng chảy, hướng dòng chảy khỏi phía bờ bị sạt lở có thể hiệu quả, nhưng rủi ro gây sạt lở bờ bên kia”, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện phân tích.

Theo ông Thiện, giải pháp công trình không nên làm tràn lan, chỉ thực hiện ở những khu vực xung yếu như khu dân cư, đô thị và nơi có cơ sở hạ tầng quan trọng. Những biện pháp mềm như trồng bần ven sông gây bồi, bảo vệ bờ sông chỉ khả thi ở những khu vực ít sạt lở.

Trước bối cảnh sạt lở ở ĐBSCL vẫn còn diễn biến nghiêm trọng, việc cấp bách nhất chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện đưa ra vẫn là di dời người dân khỏi những nơi rủi ro sạt lở cao. Đây là một thách thức lớn về kinh phí, quỹ đất tái định cư, ổn định sinh kế cho các địa phương, nên cần tính đến phương án xã hội hóa.

Ngày 6/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 957/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030. Với mục tiêu giúp các địa phương chủ động quản lý, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Theo đề án, dự kiến trong năm nay sẽ cơ bản hoàn thành bản đồ về hiện trạng sạt lở, công trình phòng chống sạt lở vùng ĐBSCL và duyên hải miền Trung. Đến năm 2025, hoàn thành đối với các vùng khác.

Song song đó, các địa phương cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển, giảm thiểu tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Phấn đấu đến năm 2023, các khu dân cư ven sông, ven biển ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở.

Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, ven biển. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển. Việc sắp xếp này phấn đấu hoàn thành 90% đến năm 2030.

Đối với các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, đề án cũng hướng đến năm 2025 hoàn thành xử lý sạt lở.

Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 đưa ra 6 giải pháp cụ thể. Trong đó, xác định giải pháp căn cơ lâu dài là thực hiện các công trình, phi công trình để phòng chống sạt lở. Đồng thời, xây dựng hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát diễn biến sạt lở, lòng dẫn. Triển khai thực hiện các dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ, nhất là rừng ngập mặn ven biển vùng ĐBSCL. Đề án cũng đặt ra vấn đề đẩy mạnh xã hội hoá công tác đầu tư, quản lý, khai thác phù hợp gắn với trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển.

Nguồn vốn đầu tư thực hiện Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030, gồm: Ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương); Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Trong đó, Ngân sách Trung ương được phân bổ theo quy định của pháp luật để thực hiện một số nhiệm vụ như: Điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu quy hoạch. Xây dựng phương án tổng thể chỉnh trị và phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển cập nhật vào quy hoạch phòng chống thiên tai, thuỷ lợi, quy hoạch vùng. Thực hiện chương trình, đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để phòng, chống sạt lở. Hay xây dựng các công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp để chỉnh trị sông, ổn định cửa sông, vùng ven biển.

Đề án cũng nhấn mạnh, kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, khu vực ven biển, ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép, nhất là các khu vực được cảnh báo có nguy cơ sạt lở.

Kim Anh
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Kim Anh - Văn Vũ
Văn Vũ