| Hotline: 0983.970.780

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: 'Không phải cứ sạt lở là xây kè'

Thứ Năm 17/08/2023 , 18:17 (GMT+7)

ĐBSCL 'Có những đoạn sạt lở chúng tôi kiến nghị địa phương không kè, cần di dân đi rồi mới kè. Có những đoạn sạt lở chờ ổn định rồi mới kè...', Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp.

ĐBSCL kiến nghị hỗ trợ gần 10.000 tỷ đồng

Tại hội nghị “Đánh giá mức độ sạt lở bờ sông, bờ biển 5 tỉnh ĐBSCL”, gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Hậu Giang diễn ra vào ngày 17/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết hiện nay tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL diễn ra ngày một gia tăng cả về số điểm, tốc độ và phạm vi.

Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ kiểm tra tình hình phòng chống sạt lở tại biển Gò Công. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ kiểm tra tình hình phòng chống sạt lở tại biển Gò Công. Ảnh: Minh Đảm.

Từ năm 2016 đến nay, tại các tỉnh, thành trong khu vực xuất hiện 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km. Trong đó có 281 điểm với 528km sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần phải xây dựng công trình để bảo vệ. Kinh phí để đầu tư các công trình khắc phục lên tới hàng trăm tỷ đồng, vượt quá khả năng của các địa phương bởi đã sử dụng hết nguồn vốn dự phòng để khắc phục những điểm sạt lở khẩn cấp.

Theo đại diện Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 3/2023, các tỉnh ĐBSCL đã kiến nghị Bộ trình Thủ tướng xem xét kinh phí đầu tư phòng, chống, khắc phục sạt lở khoảng 9.700 tỷ đồng.

Tại Tiền Giang, 7 tháng qua xảy ra 84 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 28km. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, địa phương đã bố trí kinh phí để xử lý các điểm sạt lở vừa và nhỏ. Tuy nhiên, còn 10 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng cần phải đầu tư khẩn cấp với tổng chiều dài khoảng 25km, nhu cầu đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, hiện nay còn 2 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại thị xã Kiến Tường và điểm sạt lở trên sông Cần Giuộc cần sự hỗ trợ từ Trung ương. Các tỉnh còn lại như Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang… cũng có hàng trăm điểm sạt lở cần được hỗ trợ để khắc phục.

Thống nhất kiến nghị đầu tư 8 dự án tại 5 tỉnh

Từ ngày 15-17/8, đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở tại 11 khu vực thuộc 5 địa phương. Đây là các khu vực sạt lở diễn biến phức tạp, gây thiệt hại rất nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội.

Qua khảo sát đánh giá tình hình và mức độ nghiêm trọng, các thành viên của đoàn công tác đã thống nhất đề xuất đầu tư dự án phòng, chống sạt lở tại 8 khu vực. Trong đó có những khu vực đoàn đề xuất giảm chiều dài đoạn sạt lở cần phải xử lý. Những công trình còn lại đoàn nhận thấy chưa thật sự cấp bách hoặc nguồn vốn không phù hợp nên đề nghị địa phương bố trí nguồn vốn khác.

Tại tỉnh Hậu Giang, đoàn thống nhất đề xuất đầu tư công trình khắc phục sạt lở bờ sông Lái Hiếu (TP Ngã Bảy) với chiều dài khoảng 250m. Tại Trà Vinh đoàn thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bố trí kinh phí xây kè chống xói lở bờ biển tại khu vực Trường Long Hòa và xã Hiệp Thạnh (thị xã Duyên Hải).

Tại Bến Tre, đoàn thống nhất đề xuất bố trí kinh phí cho dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển Ba Tri, song đề nghị tập trung vào hai đoạn đầu và cuối của đoạn đã được xử lý, giảm bớt chiều dài xử lý. Đoàn cũng thống nhất xử lý cấp bách đoạn sạt lở sông Giao Hòa (dài khoảng 700m). Phần kinh phí đầu tư được chuyển từ phần giảm chiều dài xử lý xói lở bờ biển Ba Tri.

Tại Tiền Giang, đoàn thống nhất với đề nghị của tỉnh về việc xử lý cấp bách xói lở bờ biển Gò Công (đoạn từ cầu Rạch Bùn đến Đèn Đỏ). Những năm qua khu vực này thường xuyên bị xâm thực, làm suy thoái nghiêm trọng rừng ngập mặn.

Còn tại tỉnh Long An, đoàn thống nhất đề xuất xử lý cấp bách đoạn sạt lở bờ sông Cần Giuộc khu vực xã Phước Lại (huyện Cần Giuộc). Vào tháng 6/2023 tại khu vực này xảy ra sạt lở nghiêm trọng làm sập nhiều nhà dân trên chiều dài 300m và một nửa mặt đường tỉnh 826C dài khoảng 70m. Tuy nhiên đoàn công tác đề nghị giảm phần chiều dài cần phải xử lý và chuyển kinh phí sang đầu tư xử lý bảo vệ bờ rạch Cá Rô dài khoảng 200m nối với hai đoạn kè đã được xử lý khép kín tuyến, đồng thời bảo vệ công trình bờ sông Vàm Cỏ Tây.

Sạt lở ở các sông nhánh đang là mối nguy hơn cả. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sạt lở ở các sông nhánh đang là mối nguy hơn cả. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, xử lý sạt lở cho ĐBSCL cần có phương án tổng thể để và đầu tư dài hạn chứ không đầu tư theo kiểu sạt đâu kè ở đó. Sạt lở ở các sông nhánh đang là mối nguy hơn cả so với sạt lở hai bờ hai sông chính của ĐBSCL bởi có nhiều dân cư, khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng nông thôn sinh sống.

“Chúng tôi sẽ có phương án tổng thể để xử lý vấn đề này. Có những đoạn sạt lở chúng tôi kiến nghị địa phương không kè, cần di dân đi nơi khác rồi mới kè. Có những đoạn sạt lở chờ ổn định rồi mới kè, chứ không phải cứ sạt là kè. Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân từng điểm sạt lở để làm và phải có một dự án ổn định dân cư”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, qua kiến nghị của Bộ Kế hoạch  và Đầu tư cùng với các địa phương, Thủ tướng dự kiến dành nguồn ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống sạt lở tại ĐBSCL từ nguồn tăng thu ngân sách.

Tuy nhiên, Chính phủ đã thống nhất sẽ không chi đầu tư phòng chống sạt lở từ nguồn này mà sẽ dùng nguồn ngân sách dự phòng Trung ương. Do tính chất nguồn vốn khác nhau nên đối với vốn dự phòng các công trình phòng, chống sạt lở phải mang tính cấp bách, nghiêm trọng. Và Trung ương chỉ chi khi dự phòng ngân sách của địa phương không đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện phải gói gọn trong ngắn hạn, một năm. Do đó, các công trình được đầu tư lần này phải có sẵn dự án được phê duyệt.

“Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng các công trình cấp bách cần phải làm ngay, trong đó sẽ báo cáo rõ công trình nào đã lập dự án và công trình nào chưa có dự án. Trong các công trình chưa có dự án, các tỉnh cần phải cam kết lập dự án khẩn cấp bằng ngân sách của tỉnh”, Thứ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng và đề nghị dùng nhiều nguồn ngân sách khác nhau để đầu tư dự án phòng, chống sạt lở bởi có những công trình cần đầu tư dài hạn nên cần dùng nguồn khác.

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động

Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khởi động dự án nhà ở xã hội đầu tiên trong năm 2024 tại Đồng Nai

Đồng Nai Ngày 21/5, tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa (Đồng Nai) diễn ra Lễ khởi động dự án xây dựng nhà ở xã hội, do Công ty CP Chương Dương Homeland tổ chức.