Ngày 26/3, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
GS.TS Nguyễn Thị Lan (Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Đại biểu Quốc hội Khoa XIV đã có bài phát biểu thảo luận về Dự thảo Báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV.
Quốc hội Khóa XIV luôn sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ
GS.TS Nguyễn Thị Lan đánh giá cao dự thảo Báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV. Bản báo cáo đã được chuẩn bị công phu, chặt chẽ, phản ánh đầy đủ các hoạt động của Quốc hội, từ hoạt động lập pháp đến hoạt động giám sát, từ hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đến hoạt động đối ngoại.
Báo cáo cũng đã làm rõ được các hoạt động nổi bật và các dấu ấn quan trọng mà Quốc hội Khóa XIV đã để lại trong lòng đồng bào và cử tri cả nước.
Đồng thời, báo cáo cũng đã phân tích sâu sắc và súc tích về các nguyên nhân của thành công, những điểm còn hạn chế, bài học kinh nghiệm từ thực tiễn và các kiến nghị, cũng như các giải pháp để phát huy hơn nữa các thành tựu và khắc phục một cách hiệu quả nhất những điểm còn hạn chế.
Báo cáo cũng đã nhấn mạnh, Quốc hội Khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, luôn sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và phương thức hoạt động, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra trên tất cả các lĩnh vực, thể hiện rõ vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.
Những quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, từ lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước.
Vì thế, đã tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Các thành tựu mà Quốc hội đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua đã được Đảng, cử tri, đồng bào cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Hoạt động chất vấn được đổi mới sáng tạo
Đại biểu Nguyễn Thị Lan ấn tượng với nội dung hoạt động giám sát của Quốc hội được đề cập trong báo cáo.
Các hoạt động giám sát của Quốc hội rất đa dạng, bao gồm việc xem xét báo cáo của các cơ quan về việc tổ chức thực hiện Hiến pháp, luật; giám sát chuyên đề; chất vấn và trả lời chất vấn; đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu…
Nhìn chung, các hoạt động giám sát của Quốc hội đã đi vào chiều sâu, hiệu quả cao, tạo động lực nâng cao chất lượng của hoạt động của Quốc hội.
Hoạt động chất vấn của Quốc hội thực sự đổi mới sáng tạo. Các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, có tính xây dựng cao. Cử tri và nhân dân cả nước đánh giá rất cao sự điều hành linh hoạt, quyết đoán của người điều hành, đánh giá cao sự tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội.
Cử tri cũng rất vui mừng với những câu trả lời rất thẳng thắn, chân thành, sự cầu thị và các cam kết của các thành viên Chính phủ khi được chất vấn.
Hoạt động giữ mối liên hệ với cử tri và nhân dân đã được phản ánh khá đầy đủ trong báo cáo. Công tác tổ chức tiếp xúc cử tri đã có sự đổi mới về hình thức và cách thức thực hiện.
Nhiều đoàn Đại biểu Quốc hội đã tổ chức để các đại biểu được tiếp xúc ở nhiều địa bàn khác nhau để nắm bắt sâu sắc hơn, đa dạng hơn, lắng nghe một cách dầy đủ hơn hơi thở của cuộc sống, của thực tiễn, đồng thời tạo điều kiện để cử tri được tiếp xúc đề đạt nguyên vọng trực tiếp với nhiều Đại biểu Quốc hội.
Nổi bật hoạt động đối ngoại
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Lan, hoạt động đối ngoại cũng là một trong những hoạt động nổi bật của Quốc hội.
Quốc hội đã phát huy cao độ vai trò quan trọng của đối ngoại nghị viện, đóng góp vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng lần thứ 41 của Hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia ASEAN (AIPA 41). Trong đó, Quốc hội Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng tại các diễn đàn đa phương lớn như IPU, APPF, APF...
Báo cáo đã khái quát được khá toàn diện hoạt động của Quốc hội và làm nổi bật những thành tựu to lớn vượt trội trong nhiệm kỳ vừa qua. Đã củng cố và làm sinh động thêm niềm tin vững chắc và tình yêu sâu đậm của nhân dân đối với Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.
Nhân dân cả nước đã thực sự quan tâm đến các hoạt động và sự phát triển của Quốc hội. Các hoạt động năng động và sáng tạo, thực chất và trí tuệ của Quốc hội Khóa XIV đã khởi tạo nên một luồng sinh khí mới mẻ trong sinh hoạt chính trị nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung.
Khiếu nại tố cáo còn những vụ việc kéo dài
GS.TS Nguyễn Thị Lan cũng đã nêu các hạn chế nhằm hoàn thiện cho Dự thảo Báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV.
Một là vấn đề giám sát của Quốc hội: Trong thời gian qua, Quốc hội đã làm tốt công tác giám sát, tuy nhiên Quốc hội cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu thêm về vấn đề hậu giám sát một cách thiết thực, cụ thể, với các tiêu chí định lượng rõ ràng, với các chỉ số đo khả tín, tạo niềm tin vững chắc hơn cho cử tri với công tác giám sát của Quốc hội.
Hai là cần xem xét để tăng thêm thời lượng để thảo luận trên nghị trường Quốc hội cho các vấn đề quan trọng của đất nước, của dân tộc ở tầm vĩ mô, tầm chiến lược, tầm quốc gia, tầm thời đại, như các vấn đề về mô hình tăng trưởng, các chính sách đối nội đối ngoại của đất nước, các vấn đề về cạnh tranh kinh tế - tài chính, địa - chính trị, các vấn đề về chuỗi cung ứng, về liên kết vùng, liên kết ngành…
Ba là về công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư giải quyết khiếu nại tố cáo: Mặc dù thực tế Đảng, Chính Phủ, các cấp các ngành đã rất tích cực xử lý những đơn thư nhưng vẫn còn những vụ việc kéo dài.
Rất nhiều vụ việc đã có văn bản ngừng tiếp nhận đơn thư của các cấp nhưng người dân vẫn tiếp tục gửi đơn ý kiến và không muốn ra tòa. Về việc này, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc thực hiện pháp luật hơn nữa, để đạt được hiệu quả tốt hơn.