Chè Việt và hành trình đào thoát khỏi 'bẫy giá rẻ'

Trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam ngậm ngùi: Để đánh giá tổng thể về bức tranh ngành hàng chè Việt Nam vừa rồi chúng tôi tổ chức một hội thảo, có hai vấn đề cốt lõi, thứ nhất là tình trạng sản xuất chè chất lượng thấp của chúng ta vẫn đang phổ biến, thứ hai là năm 2024 này giá chè ở thị trường một số nước tăng, trong khi đó Việt Nam mình lại không tăng.

Từ hội thảo, các chuyên gia nhận định, vấn đề lớn nhất nằm ở chất lượng sản phẩm. Chúng tôi gọi là bẫy giá rẻ. Lâu nay thế giới tìm đến Việt Nam là tìm đến thị trường chè giá rẻ, ít quan tâm đến chất lượng.

Họ mua chè của chúng ta về để đấu trộn với các sản phẩm có thương hiệu, tìm kiếm lợi nhuận ở đó. Còn các doanh nghiệp của chúng ta thì cứ mãi chấp nhận kiểu ăn xổi ở thì, thậm chí là phá giá nhau để kiếm lợi, hoàn toàn không có câu chuyện liên kết, câu chuyện xây dựng hình ảnh, thương hiệu chè Việt. Giá trị bình quân của chè Việt Nam hiện vẫn chỉ ở mức 1,7 USD/kg, trong khi con số này của thế giới là hơn 2,5 USD/kg.

Điều đó phải chăng quá nghịch lý, thưa ông? Nhất là khi tiềm năng, lợi thế của chè Việt Nam luôn được đánh giá khá cao trên bản đồ chè thế giới?

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia nguyên sản của cây chè trên thế giới, cùng với Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar và Ấn Độ. Tự ngàn xưa, cây chè không chỉ là sinh kế, đời sống mà còn là nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Với lịch sử hàng trăm năm phát triển chè công nghiệp, chúng ta từng tự hào khi sản phẩm chè là một trong số những nông sản đầu tiên của quốc gia được xuất khẩu. Tính đến năm 2024, cả nước có trên 120 ngàn ha chè, được trồng tại 34 tỉnh thành với sản lượng hàng năm đạt hơn 1,2 triệu tấn chè búp tươi, tập trung chủ yếu ở khu vực Miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên…

Đặc biệt, với vị thế của một cây công nghiệp có truyền thống lâu đời thì ngành chè nước ta có trên 1,5 triệu người trực tiếp tham gia trồng và sản xuất chè và khoảng 2,5 triệu người gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè. Và đến nay, sản phẩm chè của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, nút thắt và rào cản lớn nhất của chúng ta là tư duy manh mún, vùng nguyên liệu hạn chế, chất lượng sản phẩm thấp, chưa được đầu tư tương xứng, thiếu lợi thế cạnh tranh…

Những nút thắt, rào cản đó khiến giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè và chỉ bằng 55% giá chè xuất khẩu bình quân của các quốc gia như Ấn Độ và Sri Lanka. Mặc dù với sản lượng và số lượng xuất khẩu của chúng ta lớn nhưng giá trị thu được của mặt hàng này chưa cao, tính cạnh tranh của mặt hàng còn thấp, giá cả sản phẩm không ổn định trên thị trường quốc tế và vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường chính.

Đó rõ ràng là nghịch lý, có thể nói là vô lý. Bởi vì theo đánh giá của các chuyên gia và người tiêu dùng quốc tế thì chất lượng sản phẩm chè Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất chè nào trên thế giới. Đặc biệt là chè xanh Việt Nam được rất nhiều khách hàng đánh giá cao như chè xanh Mộc Châu, Thái Nguyên, Suối Giàng, Hà Giang, Ô long Lâm Đồng, các sản phẩm chè ướp hương sen, nhài... Tuy nhiên có một điều đáng tiếc là các sản phẩm nổi tiếng này khi xuất khẩu ra nước ngoài đến tay người tiêu dùng phần lớn lại không mang thương hiệu chè Việt Nam. Nguyên nhân chính là do  khâu quảng bá của chúng ta rất hạn chế, thông tin sản phẩm chưa đến tay người tiêu dùng.

Nghĩa là không có sự liên kết, vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm, thưa ông?

Nó có cả câu chuyện liên kết và vấn đề quản lý, quy hoạch. Bên cạnh những địa phương và đơn vị đã và đang thực hiện tốt việc xây dựng uy tín cho người tiêu dùng, khách hàng trong và ngoài nước thì ngành chè vẫn còn phần lớn các doanh nghiệp và hợp tác xã chưa thực sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất vẫn chạy theo số lượng, giá rẻ, không liên kết sản xuất hoặc liên kết hình thức và thiếu kiểm soát về an toàn thực phẩm.

Thực trạng liên kết yếu, nếu không muốn nói tiêu cực hơn là dìm nhau, phá nhau dẫn đến vấn đề nội tại của ngành chè là cạnh tranh nội bộ không lành mạnh từ nguyên liệu đầu vào đến giá bán sản phẩm. Quy hoạch, quản lý cũng đang có vấn đề, hạn chế khi nhà máy chế biến không gắn với vùng nguyên liệu. Số lượng và công suất chế biến của các cơ sở chế biến lớn hơn nhiều so với khả năng đáp ứng nguyên liệu. Cả nước có trên 80% diện tích chè phân tán trong các hộ nông dân, manh mún, nhỏ lẻ. Việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào canh tác còn thấp. Chưa phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, lao động. Đầu tư thấp, chất lượng nguyên liệu thấp, giá trị thấp, chưa kiểm soát được an toàn thực phẩm.

Rất nhiều địa phương chưa có quy hoạch cứng về diện tích đất trồng chè, thiếu quy hoạch đầu tư sản xuất, liên kết sản, cơ sở chế biến chưa thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu... Điều này gây nên những hệ lụy rất lớn. Ví dụ Công ty chè Nghệ An trước đây là một đơn vị xuất khẩu rất tốt, tuy nhiên thời gian vừa rồi không còn bạn hàng nữa. Là do vấn đề quy hoạch, vấn đề quản lý, liên kết. Tình trạng dìm nhau, phá nhau giữa doanh nghiệp và các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, các hộ dân đã dẫn đến tình trạng giá trị sản phẩm rơi xuống đáy. Từ một đơn vị tiếng tăm, bây giờ gần như tê liệt hoàn toàn.

 

Nhiều địa phương khác cũng vậy. Chính quyền thả nổi khâu quản lý, quy hoạch, cứ bảo là để tăng sự cạnh tranh, chống độc quyền nhưng thực chất là dìm nhau, phá nhau, quan điểm sai lầm khiến ngay tại vùng nguyên liệu không thể nào liên kết nổi. Chưa kể vấn đề diện tích chè ở nhiều nơi bị thu hẹp bởi các loại cây trồng khác, bởi dự án du lịch, nghỉ dưỡng mọc trên những đồi chè trăm năm.

Ngày xưa nông trường, nhà máy chè mọc lên ở đâu thì cộng đồng dân cư, thị trấn, bệnh xá, trường học mọc lên ở đó, cũng là giai đoạn chè Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới nhờ sản xuất bài bản, chất lượng cao. Sau giai đoạn Đổi mới, cơ chế thị trường phá vỡ mô hình liên kết nông nghiệp - công nghiệp, để lại di chứng nặng nề cho ngành chè và bây giờ chúng ta lại phải hô hào liên kết để đưa ngành chè thoát khỏi bẫy giá rẻ và thực trạng bi đát. Cạnh tranh bát nháo, thiếu sự quản lý đồng bộ dẫn đến không thể nào xây dựng được chất lượng sản phẩm an toàn. Trong cùng một vùng nguyên liệu, mạnh ai nấy làm, dìm nhau, phá nhau, không có sự liên kết thì còn gì là vùng chè nữa, tan nát hết cả.

Yên Bái, Phú Thọ, Nghệ An… hiện rất nhiều vùng chè đang căng thẳng với vấn đề này, rất nhiều hệ lụy từ vấn đề quy hoạch, quản lý, liên kết. Nếu không thay đổi, có thể nhiều địa phương sẽ không thực hiện được Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực, trong đó có cây chè.

Vậy theo ông giải pháp nào để ngành chè Việt Nam xóa bỏ tư duy manh mún?

Tôi luôn cho rằng liên kết sản xuất là chìa khóa để xây dựng  ngành chè Việt Nam phát triển bền vững. Liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm là chìa khóa để xây dựng thương hiệu. Kinh nghiệm ngành chè thế giới đã chứng minh là các cơ sở chế biến phải gắn kết chặt chẽ với một vùng nguyên liệu cụ thể trong một tổ chức, được điều phối tập trung thống nhất tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng liên kết nông - công nghiệp thì sẽ phát triển bền vững, ví dụ như Kenya. 

Hiện nay, trong ngành chè Việt Nam có một số ít mô hình liên kết nông - công nghiệp, đã và đang chứng minh là mô hình phát triển hiệu quả và tương đối bền vững. Như Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Công ty TNHH một thành viên chè Biển Hồ (tỉnh Gia Lai), Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm (tỉnh Tuyên Quang), Công ty Cổ phần chè Than Uyên (tỉnh Lai Châu), các hợp tác xã sản xuất chè an toàn...

Kinh nghiệm của các địa phương có chè, hoặc có doanh nghiệp chè phát triển là  do chính quyền địa phương đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp chè duy trì được liên kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp và chế biến; phân vùng nguyên liệu cụ thể cho từng cơ sở chế biến. Doanh nghiệp và người trồng chè phải cùng có trách nhiệm đến sản phẩm cuối cùng, cùng xây dựng thương hiệu và cùng được hưởng lợi từ sản phẩm đem lại. Doanh nghiệp hỗ trợ người dân, người dân có trách nhiệm với doanh nghiệp.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng lợi thế về trồng chè và có nhiều vùng chè đặc sản chất lượng tốt đang được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Nhưng thực tế hiện nay ngành chè Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trên con đường phát triển. Để ngành chè vượt qua được những khó khăn và thách thức hiện tại, tận dụng được tối đa các lợi ích từ các hiệp định thương mại đã và đang được ký kết thì  sản phẩm phải an toàn, muốn vậy phải tổ chức sản xuất theo chuỗi. Mỗi cá nhân, tổ chức trong chuỗi sản xuất sản phẩm chè phải gắn bó mật thiết trong toàn bộ chuỗi sản xuất theo cấu trúc quản lý thích hợp để kiểm soát được chất lượng và cùng nhau tạo ra giá trị gia tăng, tăng lợi nhuận cho chính mình.

Có thể thấy, thực hiện tổ chức sản xuất liên kết công - nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường, vừa phải bảo đảm các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng, chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng giá trị và lợi nhuận cho người dân và doanh nghiệp.

Cần phải có quy hoạch, giữ bằng được diện tích chè, tăng cường kiểm soát, có chế tài với những tổ chức, cá nhân dìm nhau, phá nhau như hiện nay.

Muốn thoát khỏi “bẫy giá rẻ” thì không có con đường nào khác ngoài nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thưa ông?

Đúng như vậy. Để làm được điều đó không chỉ mỗi khâu sản xuất mà đòi hỏi giải pháp đồng bộ cả về tổ chức sản xuất theo chứng nhận, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm…

Xu thế các nước nhập khẩu chè ngày càng yêu cầu cao hơn về an toàn thực phẩm, do đó các đơn vị sản xuất chè Việt Nam phải tổ chức sản xuất theo chứng nhận. Xây dựng mã số vùng trồng theo thị trường. Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo hướng tăng phân bón hữu cơ, giảm phân bón vô cơ, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và theo quy định của thị trường.

Hiện tại trong ngành chè của chúng ta đã có một số công ty, Hợp tác xã xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm và thương hiệu cho nhãn hàng như  Cozy, Shan Nam,  Fìn Hò, Vinatea, Hảo Đạt, Tuyết Hương... Tuy nhiên con số này chưa phải là nhiều. Các doanh nghiệp xuất khẩu chè cần chủ động thay đổi hình ảnh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Đồng thời đầu tư các công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm. Xây dựng hình ảnh và uy tín của công ty như Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm, Công ty Cổ phần chè Than Uyên, Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh...

Tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm chè thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Tham gia các cuộc thi sản phẩm chè thế giới và khu vực. Xây dựng các video về vùng chè, về sản xuất để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về quy mô sản xuất và quy trình sản xuất an toàn của doanh nghiệp, hợp tác xã... Từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu chè Việt trên trường quốc tế. Khẳng định uy tín và chất lượng của chè “made in Vietnam” với nhiều sản phẩm chè đa dạng, phong phú với các dòng sản phẩm chính là chè xanh, chè đen, các sản phẩm từ chè shan rừng, chè ướp hương và chè Ô long...

Trong tương lai, chè Việt sẽ từng bước để bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, thay vì xuất khẩu chè thô, giá rẻ thì chúng ta hướng đến xây dựng thương hiệu chất lượng và nâng cao giá bán cho sản phẩm chè. Việc này không thể làm trong ngày một ngày hai mà chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu đó.

Nghĩa là một con đường thương mại mới cho ngành chè, thưa ông? Và những ai sẽ đi trên con đường đó?

Thực tại ngành chè Việt Nam đã và đang phát triển theo hướng bền vững với rất nhiều đơn vị áp dụng sản xuất theo các chứng nhận quốc tế và hầu hết các đơn vị sản xuất đã nhận thức và nắm bắt được xu hướng tiêu dùng cũng như khó khăn thách thức về các rào cản kỹ thuật mà các thị trường nhập khẩu áp dụng. Mặt khác, tại thị trường nội tiêu, sản lượng tiêu dùng sản phẩm ngày càng tăng, người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tốt, uy tín và có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Điểm mạnh của Việt Nam là thổ nhưỡng khí hậu rất phù hợp với sự phát triển của cây chè, Việt Nam có nhiều vùng chè đặc sản, chất lượng cao như Thái Nguyên, Sơn La, Lâm Đồng... Đặc biệt Việt Nam còn sở hữu gần 20 ngàn ha chè shan rừng. Nhiều vùng chè shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi cho chất lượng cao như Suối Giàng (Yên Bái), Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), Tà Xùa (Sơn La)...

Trong thời gian qua, Hiệp hội chè Việt Nam và các tỉnh cũng đã quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Việt Nam cũng như của từng địa phương. Qua đó góp phần xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất chế biến đạt chuẩn, và quan trọng là thay đổi tư duy, thổi luồng gió mới đến từng vùng chè. Đặc biệt kinh nghiệm cho thấy, nơi nào địa phương quyết liệt, có quy hoạch, chiến lược phát triển bài bản thì nơi đó ngành chè từng bước vươn lên.

Ví dụ tỉnh Hà Giang hiện có gần 21 nghìn ha chè, trong đó hơn 70% diện tích là chè shan tuyết cổ thụ. Xác định đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2016 đến nay, Hà Giang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ với số vốn đầu tư hơn 56 tỷ đồng, trong đó, tập trung cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP cho gần 12 nghìn ha (diện tích chè VietGAP là gần 5.000 ha; diện tích chè theo hướng hữu cơ là 7.000 ha). Tỉnh cũng đã xây dựng, được công nhận chỉ dẫn địa lý "Chè shan tuyết Hà Giang" cho gần 17 nghìn ha chè trên địa bàn.

Hay ở xứ sở chè của tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2017 địa phương này đã ban hành "Ðề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020", tập trung đầu tư, hỗ trợ nhân dân tăng diện tích, thay thế các nương chè cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng tốt hơn; hỗ trợ đầu tư công nghệ chế biến, đóng gói, cải thiện mẫu mã sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Ðến nay, Thái Nguyên có 17.824 ha chè giống mới, chiếm gần 80% diện tích; gần 2.500 ha chè được cấp chứng nhận VietGAP, hàng trăm ha chè được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ…

Ở xã vùng cao Bản Liền, huyện Bắc Hà (Lào Cai) có hơn 300 hộ trồng chè shan tuyết, hộ ít thì có 0,5 ha, hộ nhiều có tới 3 -

4 ha chè đang cho thu hoạch. Nhiều hộ thoát nghèo và đang làm giàu từ chuyển đổi sang trồng chè shan tuyết, làm chè hữu cơ xuất khẩu sang các nước Pháp, Ðức, Hà Lan… Mới đây, có thêm sản phẩm chè Hồng Ðào để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với giá cao hơn, mở ra hướng đi mới cho người trồng chè nơi đây.

Tại Tuyên Quang, Công ty Cổ phần Chè Mỹ Lâm sản xuất các sản phẩm chè bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn EU, làm tăng giá bán chè thành phẩm, giảm giá thành sản xuất, thị trường mở rộng và ổn định. Công nghệ sản xuất đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quản lý của các tập đoàn lớn trên thế giới. Sản lượng sản xuất của công ty đạt 2.050 đến 2.300 tấn/năm, được xuất khẩu ra nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Con đường thương mại mới của chè Việt đòi hỏi tư duy thời đại mới, minh bạch và trách nhiệm với cộng đồng. Trên con đường đó là cả cộng đồng ngành hàng chung tay liên kết với nhau. Các công ty, đơn vị, hợp tác xã và nhãn hiệu sản phẩm đã xây dựng được niềm tin cho người tiêu dùng trong nước như: Hợp tác xã chè Tân Hương, Hợp tác xã chè Tuyết Hương, Hợp tác xã chè La Bằng, Hợp tác xã chè Thịnh An, cơ sở chè Tiến Yên,... tỉnh Thái Nguyên. Nhãn hiệu chè Cozy, Chè Shan Nam. Các công ty đã xây dựng được thương hiệu và uy tín với khách hàng quốc tế như: Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm, Công ty TNHH chè Á Châu , Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh....

Tuy nhiên, cần khẳng định lại số các doanh nghiệp và Hợp tác xã trên so với toàn ngành chè vẫn còn khá khiêm tốn. Bài học ở đây là một điểm chung, đó là tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm, cơ sở chế biến được gắn với vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đều quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, và sản xuất theo chứng nhận. Đó cũng là con đường mà ngành chè Việt chắc chắn phải đi.

Cần chính sách hỗ trợ thế nào, thưa ông?

Ngành chè vừa mới thành lập Ban Thông tin đào tạo và xây dựng thương hiệu, có nhiệm vụ minh bạch tất cả thông tin của Hiệp hội chè Việt Nam và các thành viên. Để làm sao góp phần khẳng định thương hiệu chè Việt - Thương hiệu quốc gia với cộng đồng quốc tế.

Hiện Chính phủ liên tục kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và ngành chè nói riêng, tuy nhiên vẫn còn đó những rào cản về chính sách, cần sự hỗ trợ, ưu đãi để ưu tiên giúp cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã mạnh lên, cũng như có chế tài, giải pháp xử lý những tổ chức, cá nhân làm ăn theo kiểu chộp giật, manh mún, những người đang “phá” giá trị của chè Việt.

Phải có một đề án cụ thể, chi tiết hơn cho ngành chè, mang tầm vóc và sứ mệnh đưa chè Việt Nam trở lại bản đồ chè thế giới.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Hoàng Anh
Tiến Thành
Hoàng Anh - An Khang
Hùng Khang - Phạm Huy