Tăng cả về sản lượng và giá trị
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam tháng 9/2024 đạt 13,09 nghìn tấn, trị giá 23,12 triệu USD; tăng 21,3% về lượng và tăng 22,5% về giá trị so với tháng 9/2023.
Giá bình quân chè xuất khẩu trong tháng 9/2024 đạt 1.766 USD/tấn, tăng 0,9% so với tháng 9/2023.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 105,84 nghìn tấn, trị giá 185,65 triệu USD, tăng 29,5% về lượng và tăng 31,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá chè xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 1.754 USD/tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, tháng 9/2024, xuất khẩu chè của nước ta sang hầu hết các thị trường giảm so với tháng 8/2024. Cụ thể, xuất khẩu chè tới Pakistan giảm 21,5% về lượng và giảm 22,4% về giá trị; Đài Loan giảm 33,3% và 32,2%; Indonesia giảm 2,5% và 16%; Hoa Kỳ giảm 51,3% và 58,8%; Malaysia giảm 43,8% và 48,2%...
Trái lại, xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh 245,6% về lượng và tăng 108,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, đạt 10,47 nghìn tấn, trị giá 14,94 triệu USD.
Dư địa rộng mở
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu chè (HS 0902) của thị trường Trung Quốc 8 tháng đầu năm 2024 đạt 35,06 nghìn tấn, trị giá 100,83 triệu USD, tăng mạnh 38,8% về lượng và tăng 9,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, nhập khẩu chè xanh tăng mạnh 106% về lượng và tăng 61,8% về giá trị, đạt 7,4 nghìn tấn, trị giá 11,88 triệu USD; nhập khẩu chè đen đạt 27,66 nghìn tấn, trị giá 88,96 triệu USD, tăng 27,7% về lượng và tăng 4,8% về giá trị.
Đáng chú ý, lượng chè nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc tăng mạnh gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt 8,43 nghìn tấn, đưa Việt Nam vượt qua nhiều thị trường như: Sri Lanka, Ấn Độ, Myanmar, Burundi, Đài Loan… lên đứng đầu trong số các thị trường cung cấp chè cho Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2024, chiếm 24,1% tổng lượng chè nhập khẩu vào Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 5,2% của cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, xét về giá trị, Việt Nam chỉ đứng thứ 2, đạt 12,24 triệu USD, chiếm 12,1% tỷ trọng, thấp hơn nhiều so với mức 39,6% của thị trường cung cấp lớn nhất là Sri Lanka.
Ngoài Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc cũng tăng nhập khẩu chè từ nhiều thị trường khác như: Kenya tăng 345,1% về lượng và tăng 212% về trị giá, Uganda tăng 16,4% và 62,3%, Argentina tăng 122,2% và 92,7%...
Ngược lại, Trung Quốc giảm nhập khẩu chè từ một số thị trường như: Ấn Độ, giảm 15,9% về lượng và giảm 18,2% về giá trị, Indonesia giảm 14,4% và 6,4%, Burundi giảm 35,4% và 42,1%...
Chè là một trong những đồ uống phổ biến nhất trên toàn thế giới. Vào năm 2022, gần 6,9 tỷ kg chè đã được tiêu thụ trên toàn cầu, trong đó gần 1/3 được sản xuất tại Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là nơi khai sinh ra chè, được sử dụng vì lý do y học. Ghi chép đáng tin cậy sớm nhất về việc uống chè ở Trung Quốc có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Trong nhiều thế kỷ, chè đã được coi là thức uống quốc gia của Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng về mặt văn hóa, xã hội và thậm chí là tôn giáo.
Trung Quốc có truyền thống sản xuất và tiêu thụ chè hàng thế kỷ qua. Tổng diện tích đồn điền chè, chủ yếu nằm quanh sông Dương Tử và các vùng phía Nam khác, đạt khoảng 3,39 triệu ha vào cuối năm 2022. Chè xanh, không trải qua quá trình lên men, là loại được sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc. Năm tỉnh sản xuất chè hàng đầu của Trung Quốc là Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Hồ Bắc và Phúc Kiến.
Trung Quốc không chỉ là quốc gia sản xuất chè lớn nhất thế giới, mà còn là nước xuất khẩu hàng đầu, cung cấp hơn 350.000 tấn trà mỗi năm cho thị trường thế giới.
Mặc dù diện tích trồng cây chè tại Trung Quốc là rất lớn, các yếu tố như thời tiết, đất đai, năng suất thu hoạch… lại không cao trong khi nhu cầu từ người dân là rất lớn. Vì vậy, quốc gia này vẫn phải tăng cường nhập khẩu chè từ các thị trường khác, bao gồm cả Việt Nam. Do đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu chè sang Trung Quốc và các thị trường khác trên toàn cầu.