| Hotline: 0983.970.780

Quản lý dịch hại tổng hợp gắn với cấp mã số vùng trồng chè

Thứ Ba 29/10/2024 , 18:46 (GMT+7)

HÀ TĨNH Sau gần 2 năm triển khai mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, lượng phân bón vô cơ, thuốc hóa học giảm 20 - 40%, cây chè ít bị sâu bệnh gây hại.

40ha chè đạt chứng nhận VietGAP

Chè công nghiệp tại Hà Tĩnh đã được trồng cách đây 50 năm, đến năm 2012 cây trồng này được Hà Tĩnh đưa vào nhóm cây trồng chủ lực, tập trung phát triển tại 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê và Kỳ Anh với tổng diện tích hơn 850ha.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, thu nhập từ sản xuất chè ước chiếm 30 – 40% tổng thu nhập của hộ dân tại các vùng chè nguyên liệu. Nhiều diện tích liên kết giữa Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh với hộ dân đã khép kín quy trình sản xuất từ khâu cung ứng giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật đến thu mua, chế biến sản phẩm.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 850ha chè công nghiệp. Ảnh: Thanh Nga.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 850ha chè công nghiệp. Ảnh: Thanh Nga.

Tuy nhiên, trong quá trình mở rộng diện tích chè, việc thâm canh tăng năng suất đã làm cân bằng sinh học bị phá vỡ, sâu bệnh hại chè gia tăng, mức độ gây hại ngày càng lớn.

Để phòng trừ các loại dịch hại trên cây chè như rầy xanh, bọ cánh tơ, nhện đỏ, bệnh thối búp, đa số nông dân sử dụng biện pháp phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhiều lần trong năm, dẫn đến tồn dư thuốc trên sản phẩm chè cao.

“Do đó, việc áp dụng hài hòa các nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) sẽ giảm thiểu được tác động của biến đổi khí hậu, giảm thiểu nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV hóa học. Tạo thuận lợi cho việc theo dõi, kiểm soát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu”, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Từ sự cần thiết trên, năm 2023 – 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai thực hiện mô hình “Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chè gắn với cấp mã vùng trồng” quy mô 40ha tại xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) và xã Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh).

Tham gia mô hình, 58 hộ dân ở xã Sơn Kim 2 và 41 hộ ở xã Kỳ Trung được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh trang bị kiến thức về IPM theo hình thức lý thuyết kết hợp thực hành.

Bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”, lấy học viên làm trung tâm, lấy đồng ruộng làm bài học, cán bộ chuyên môn đã hướng dẫn cụ thể ngay trên ruộng của nông dân với những biện pháp đơn giản, dễ làm để nông dân tự thực hành, tự kiểm tra kết quả áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và thấy được vai trò, lợi ích của thiên địch, tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học đến hệ sinh thái đồng ruộng, sức khỏe con người và chất lượng sản phẩm.

“Chúng tôi có tuổi rồi nên khi tiếp cận kỹ thuật bằng cách thực hành trực tiếp trên đồng ruộng sẽ dễ tiếp thu hơn. Vừa qua, các cán bộ hướng dẫn cách phát hiện sâu bệnh trên cây chè và cách phòng trừ rất chi tiết. Từ nay trở đi tôi sẽ hạn chế dùng thuốc BVTV hóa học, thay thế bằng thuốc sinh học, tăng bón phân chuồng để nâng cao tuổi thọ và chất lượng cho cây chè”, bà Trần Thị Sơn, xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn nói.

Gia đình bà Sơn có 2 sào chè vừa đạt chuẩn VietGAP. Theo bà, trước đây diện tích này năng suất chỉ đạt 1 – 2 tạ/sào/tháng nhưng khi thâm canh theo quy trình VietGAP năng suất tăng lên đạt bình quân 3 tạ/sào/tháng. Ngoài năng suất tăng, giá bán chè búp tươi cũng tăng từ 5.500đ/kg lên hơn 7.000đ/kg.

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai thực hiện mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chè gắn với cấp mã vùng trồng tại huyện Hương Sơn và Kỳ Anh. Ảnh: Thanh Nga. 

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai thực hiện mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chè gắn với cấp mã vùng trồng tại huyện Hương Sơn và Kỳ Anh. Ảnh: Thanh Nga. 

Thôn Tiền Phong là “thủ phủ” chè của xã Sơn Kim 2, khi thực hiện mô hình IPM kết hợp cấp mã số vùng trồng bà con rất đồng tình ủng hộ, tham gia hồ hởi. Trong quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn các hộ lựa chọn, thiết lập vùng trồng đảm bảo yêu cầu, ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, các yêu cầu về sử dụng phân bón, thuốc BVTV.

Bên cạnh đó, hợp đồng với đơn vị tư vấn tiến hành kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu đất, nước, sản phẩm kiểm nghiệm, kiểm tra thực địa, đánh giá chứng nhận vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, hướng dẫn xây dựng hồ sơ tại tổ hợp tác về sản xuất, thiết lập tọa độ vùng trồng và xây dựng hồ sơ cấp mã vùng trồng theo quy định.

“Hiện 40ha chè tham gia mô hình đều đã đạt chuẩn VietGAP, được cấp mã vùng trồng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi nhận thức, phương thức canh tác, từ đó tăng giá trị kinh tế cho người sản xuất”, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phấn khởi thông tin.

Giảm phun thuốc BVTV từ 12 lần/năm xuống 7 lần/năm

Chia sẻ về khó khăn khi thực hiện mô hình, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho rằng, tập quán sản xuất thông thường, lạm dụng hóa chất để nâng cao năng suất là khó thay đổi nhất. Chưa kể, trình độ dân trí của các hộ dân không đồng đều nên việc truyền tải, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gặp nhiều hạn chế.

Bà con cần phải hiểu làm mô hình là vì lợi ích của chính họ, không phải làm cho dự án hay cho cán bộ, từ đó nâng cao trách nhiệm của mình trong việc học lý thuyết, thực hành. Đồng thời, chia sẻ, nhân rộng đến những hộ dân khác để đảm bảo tính bền vững cho mô hình.

Xét về hiệu quả, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp gắn với cấp mã vùng trồng trên cây chè cho năng suất 25 tấn/ha/năm, tăng gần 7% so với sản xuất đại trà; giá trị kinh tế tăng gần 24% so với truyền thống.

Hiện 40ha chè tham gia mô hình được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và đã được cấp mã vùng trồng. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện 40ha chè tham gia mô hình được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và đã được cấp mã vùng trồng. Ảnh: Thanh Nga.

Đặc biệt, số lần phun thuốc BVTV hóa học đã giảm từ 10 – 12 lần xuống còn 6 – 7 lần/năm; lượng phân bón vô cơ giảm 10 - 20%, góp phần bảo vệ môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe người sản xuất.

Ngoài ra, quá trình sản xuất tập trung theo một quy trình còn giảm chi phí đầu vào, tạo sản phẩm hàng hóa lớn, đạt chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Về lâu dài, để đảm bảo tính bền vững, lan tỏa hiệu quả của mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đề nghị chính quyền huyện Hương Sơn, Kỳ Anh thường xuyên chỉ đạo, cử cán bộ phối hợp hỗ trợ nông dân cập nhật tiến bộ kỹ thuật mới, nhân rộng mô hình đến các vùng trồng chè khác trên địa bàn.

Việc cấp mã số vùng trồng là bước đi quan trọng trong việc chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp và mở rộng thị trường cho sản phẩm chè của tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh này tiếp tục chỉ đạo đơn vị chuyên môn hỗ trợ các địa phương và người dân lựa chọn các vùng sản xuất phù hợp, xây dựng hồ sơ, thủ tục để mở rộng diện tích cấp mã vùng trồng tại các xã như Sơn Kim 2, Sơn Tây (Hương Sơn); Hương Trà, Hương Xuân (huyện Hương Khê); Kỳ Trung, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn, Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh).

Xem thêm
Nâng tầm chăn nuôi vùng ven biển: [Bài 2] Đầu tư lớn cho trang trại ứng phó thiên tai

HẢI PHÒNG Là thành phố ven biển, hàng năm Hải Phòng hứng chịu hàng chục cơn bão, để ứng phó với thiên tai, các trang trại chăn nuôi cần đầu tư tương xứng để ứng phó.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 5] Sức khỏe đất của tỉnh Phú Yên và Bắc Ninh

TS Lương Đức Toàn - Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thông tin về kết quả kiểm tra chất lượng đất của tỉnh Phú Yên và Bắc Ninh.