Gỡ khó trong quản lý khai thác công trình thủy lợi

Thủy lợi từng là niềm tự hào của ngành khoa học và ngành nông nghiệp Việt Nam, góp phần quan trọng giúp nước ta từ một nước thiếu ăn trở thành cường quốc xuất khẩu lúa gạo. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, những con người đang trực tiếp vận hành hệ thống thủy lợi đang gặp khó, thậm chí nhiều người còn không đủ kiên nhẫn và khả năng kinh tế để bảm trụ với nghề.

Hiện nay cả nước có hơn 86.200 công trình thủy lợi, trong đó khoảng 6.750 hồ chứa, 27.750 cống các loại, 16.050 đập tạm; 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200ha trở lên, 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ hơn 2.000ha. Các công trình thủy lợi đã bảo đảm phục vụ khoảng 4,28 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp; cấp nước cho 686.600ha nuôi trồng thủy sản; ngăn mặn cho khoảng 870.000ha, cải tạo chua phèn cho 1,6 triệu ha.

Những công trình này góp phần quan trọng trong điều hòa nguồn nước, phòng, chống thiên tai như: hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với nước. Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) từng đánh giá, sự tăng trưởng thần kỳ của ngành nông nghiệp Việt Nam suốt 30 năm có vai trò rất lớn của hệ thống thủy lợi được đầu tư bài bản, kiên cố.

Trong xu hướng hiện nay, việc phát triển thủy lợi đa mục tiêu là việc rất cần thiết cho tất cả các công trình thủy lợi, từ khi làm quy hoạch cho đến giai đoạn thiết kế, giai đoạn thi công và sau này quản lý, theo GS.TS Đào Xuân Học, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những yếu tố lịch sử để lại nên những công ty khai thác công trình thủy lợi chưa thể phát huy hết hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, khiến đời sống của cán bộ, công nhân viên bị hạn chế.

Theo ông Học, mức cấp bù thủy lợi phí cũng như giá thủy lợi hiện nay đã “cũ kỹ”, do được ra đời từ cách đây 11 năm. Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng khung giá cũ đã “lạc hậu”. Nếu tính theo mức độ trượt giá là 7%, chỉ trong khoảng 10 năm, chi phí đã tăng gấp đôi. “Với giá cấp bù và thủy lợi phí giữ nguyên suốt 11 năm thì sẽ gây ra tâm tư cho những người làm thủy lợi đang ngày đêm miệt mài làm việc”, ông nói.

Do tác động của quá trình phát triển, nước Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới tập trung khai thác cát để xây dựng, khiến mực nước ở tất cả các con sông hạ xuống rất thấp. Hệ lụy là các công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi ở vùng Đồng bằng sông Hồng lấy nước càng khó hơn. Theo GS.TS Đào Xuân Học, trừ hai lần xả nước từ hồ thủy điện Hòa Bình, các trạm bơm gần như đều gặp vấn đề trong việc lấy nước. Chi phí liên quan đến quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi càng bị đội lên.

Một vấn đề nữa gây sức ép cho các công ty khai thác công trình thủy lợi là quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa xảy ra ngày càng mạnh mẽ tại nhiều địa phương. Ví dụ như hiện nay, hệ thống sông Nhuệ, hệ thống Bắc Hưng Hải đều bị ô nhiễm đến mức không thể chấp nhận và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân tại hai bên bờ sông.

“Thủy lợi từng là niềm tự hào của giới khoa học Việt Nam. Tuy nhiên, trước những khó khăn hiện tại, ngành cần sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cũng như sự đồng lòng, quyết tâm của các bộ, ngành để có thể tháo gỡ những rào cản trước mắt. Bằng không cứ tiếp tục như thế này thì không thể dứt điểm những nổi cộm”, ông Học nói tiếp.

Hiện nay một số công ty khai thác công trình thủy lợi may mắn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động, cũng như các công tác bảo trì, bảo dưỡng. Một số doanh nghiệp có thêm nguồn thu từ sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác như cấp nước cho các nhà máy, khu công nghiệp, nhà máy nước phục vụ sinh hoạt… Nhờ vậy mà đời sống cán bộ, công nhân viên bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, GS.TS Đào Xuân Học nhìn nhận, con số ấy còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn trên bình diện chung cả nước. Còn lại các doanh nghiệp đa phần vẫn chỉ biết trông chờ vào tiền ngân sách.

Từ thực tế ấy, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp thủy nông năng động hơn nữa trong các chỉ đạo, điều hành hoạt động. Đây là vấn đề không mới nhưng thực tế là có một tỷ lệ nhỏ các công ty khai thác công trình thủy lợi làm được. Ngoài ra, còn là sự đổi mới về tư duy liên quan tới huy động vốn khi quy hoạch, thiết kế các công trình thủy lợi. Có như vậy mới tạo ra các công trình đa mục đích, như làm các công trình thủy điện hoặc chế tạo pin năng lượng mặt trời trên các hồ chứa.

Ngay những ngày đầu về nhận nhiệm vụ tại Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã chỉ đạo tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho hơn 100 đơn vị khai thác công trình thủy lợi. Sau 4 năm, ngành thủy lợi tổ chức hội nghị lần thứ hai về nội dung này vào những ngày đầu tháng 11/2023.

Qua hai lần tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhìn nhận, những khó khăn về cơ bản không mới. Nguyên nhân bởi “Có nhiều vấn đề nhưng nút thắt không nằm trong tay mình”, ông nói.

Một trong số đó, theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT là Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Cho đến nay, Nghị định đã triển khai thực hiện được hơn 5 năm nhưng vẫn còn nhiều địa phương, doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi gặp khó khăn, lúng túng trong triển khai.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, chủ trương của Chính phủ khi tổ chức thực hiện Nghị định số 96 là chuyển từ cơ chế thủy lợi phí sang cơ chế giá cho hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Đó có thể xem là bước đột phá, coi sản phẩm dịch vụ thủy lợi là hàng hóa kinh tế và phải quản lý theo cơ chế giá, tiến tới việc thủy lợi chuyển từ phục vụ sang dịch vụ.

Tất cả nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ thủy lợi, đáp ứng nhu cầu đa dạng của tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp. Quan trọng hơn là thúc đẩy quá trình xã hội hóa, khuyến khích khối tư nhân, khu vực cộng đồng tham gia quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất và quản lý, nhằm sử dụng tiết kiệm nước.

Tuy nhiên, khi thực hiện, nhiều quy định khác từ Luật Thủy lợi, Luật Giá gây ra khó khăn cho công tác hoạt động của doanh nghiệp cụ thể, trong đó nổi cộm là sự không đồng nhất giữa các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Chẳng hạn, Nghị định số 96 quy định chi phí bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa định kỳ hay về các khoản chi phí thực tế phát sinh nhưng không được tính trong cơ cấu giá; việc trích lập hai quỹ khen thưởng, phúc lợi... có nhiều điểm không thống nhất với các thông tư của Bộ Tài chính đưa ra.

Cụ thể, theo Nghị định số 96, chỉ được tính chi phí khấu hao tài sản cố định trong giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi bao gồm phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn, trang thiết bị, hệ thống thông tin quản lý vận hành và máy móc thiết bị quản lý dùng trong văn phòng… Do đó, chi phí khấu hao đối với tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc lại không được tính vào giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi. Điều này mâu thuẫn với Thông tư số 73/2018/TT-BTC ngày 15/8/2018 của Bộ Tài chính.

Những ràng buộc trong văn bản quy phạm pháp luật chỉ là một trong 5 “dây trói” các công ty khai thác công trình thủy lợi. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu thêm 4 khó khăn còn lại.

Đó là phương thức đặt hàng, đấu thầu cho các công ty. Trước đây, đa số họ được giao nhiệm vụ theo kiểu "bao cấp". Nhưng trong cơ chế hiện tại, nếu muốn bứt phá từ phục vụ sang dịch vụ và nâng cao năng lực, thì hầu hết đều vướng Nghị định số 32.

Thứ ba là về kết cấu hạ tầng. Do đặc điểm các công trình thủy lợi luôn cần chi phí bảo dưỡng, duy tu lớn nên phần lớn ngân sách đều được dành cho hoạt động này. Việc nâng cấp, hướng đến tối ưu và sử dụng đa mục đích chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Điểm nghẽn thứ tư là về quản lý an toàn hồ đập. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhìn nhận, đây là vấn đề tương đối nhạy cảm với người dân, nhất là khi có các thông tin liên quan tới vỡ đê, vỡ đập sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý cộng đồng. Nhằm đảm bảo nhiệm vụ này, năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 36 về đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Rõ ràng, an toàn hồ đập đã, đang và sẽ luôn là thách thức cho ngành thủy lợi.

Cuối cùng là các vấn đề liên quan tới chế độ, chính sách cho người lao động. Vừa qua, rất nhiều cán bộ thủy nông đã xin nghỉ vì tình trạng nợ lương, thu nhập thấp xảy ra triền miên. "Chúng ta cần đặt mình vào vị trí những người quanh năm nằm cô đơn giữa công trình thủy lợi, để thấu hiểu tâm tư của họ", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 96/2018, với tên gọi là Nghị định Quy định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và chính sách hỗ trợ của nhà nước trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đang trong quá trình hoàn thiện. Nghị định có 5 chương, 31 điều.

Trong đó, tên gọi của Nghị định đã được sửa đổi theo hướng phù hợp với điều 4 của Luật Thủy lợi về chính sách của nhà nước trong hoạt động thủy lợi và bổ sung theo Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách trong nhiệm vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

So với quy định hiện hành Nghị định sửa đổi sắp tới đã cập nhật và bổ sung một số đơn vị tính và tên một số sản phẩm dịch vụ thủy lợi. Bổ sung quy định hệ số quy đổi các sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo diện tích tưới tiêu chủ động bằng động lực đối với diện tích lúa để các đơn vị xây dựng phương án giá.

Đối với quy định về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, Dự thảo Nghị định cũng quy định chi tiết các khoản mục chi phí trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác.

Những nhà làm luật đã cố gắng phân tách các khoản chi phí được tính trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và trong giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác, Nghị định thay thế đã tách riêng các khoản mục chi phí trong giá thành toàn bộ sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và ghi rõ chi tiết từng khoản mục chi phí được tính trong giá hai loại hình sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

“Do đặc thù của ngành thủy lợi đa dạng về địa hình, loại hình sản phẩm dịch vụ, các thủ tục hành chính cần được xử lý theo hướng tinh gọn, tạo điều kiện cho các đơn vị thủy nông hoạt động. Ngoài ra, theo dự thảo mới, các địa phương chỉ cần xây dựng phương án giá cho một loại hình sản phẩm, dịch vụ theo diện tích đã được quy đổi về diện tích của sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đó”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu những kỳ vọng về nghị định mới.

 

Trong quá trình gỡ rối cho các công ty thủy nông, nhiều luật, quy định liên quan đã cập nhật theo tình hình mới. Cụ thể, Luật Giá vừa sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Cùng với Dự thảo Nghị định 96 sửa đổi có thể được thông qua trong thời gian gần, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tin tưởng, rằng Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố sẽ có cơ sở để tự ban hành giá trên địa phương mà không phải thông qua, xin ý kiến của Bộ Tài chính như hiện tại. Từ đó, tạo thế chủ động và vai trò của các công ty khai thác công trình thủy lợi.

“Luật Thủy lợi khi được ban hành năm 2018, kết hợp với Luật giá sẽ từng bước đẩy công ty khai thác thủy lợi khỏi mô hình kiểu bao cấp ngày xưa, đẩy mạnh tư duy tự chủ, đồng thời tạo tiền đề để xã hội hóa một số công trình. Tránh việc xây dựng xong bỏ hoang, gây lãng phí”, Thứ trưởng cho biết.

Phân tích kỹ hơn về Dự thảo Nghị định 96 sửa đổi, Thứ trưởng cho biết có 2 mục: Hướng dẫn phương pháp định giá, hướng dẫn cách xác định khung giá/giá tối đa về sản phẩm dịch vụ công ích, khung giá đối với sản phẩm thủy lợi khác và hướng dẫn cơ chế cấp bù. Trong đó, Bộ Tài chính dựa vào dự toán ngân sách nhà nước giao, rồi các đơn vị bên dưới dựa vào dự toán để xây dựng giá tối đa, tôi cho đó không phải là giá tối đa.

Trong Luật Thủy lợi được xây dựng vào năm 2018 cũng quy định Nhà nước chỉ quy định mức trần, còn giá cụ thể dựa vào từng hệ thống công trình thủy lợi, dựa vào đặc điểm của từng vùng miền. Do đó, để đưa ra được mức giá phù hợp phải căn cứ các trình tự thủ tục, hướng dẫn định giá.

Với quan điểm, Nhà nước không thể đầu tư mãi cho các công trình thủy lợi, lãnh đạo Bộ NN-PTNT chỉ ra rằng, hệ thống thủy lợi trên cả nước hiện đang được cung cấp một cách miễn phí. Từ đó, sinh ra việc Nhà nước sẽ cấp bù một phần nhưng đang tiếc là phần cấp bù chưa đủ so với thực tế.

Theo tính toán của ông, để bù đắp một cách đầy đủ theo giá hiện hành, ngân sách chi cho hệ thống thủy lợi phải tăng lên khoảng 1,7 lần so với hiện nay. Hiện nay Việt Nam đang cấp một năm là từ 6.500 đến 7.000 tỷ đồng cho thủy lợi phí, và nếu cấp đủ thì con số sẽ đội lên tới 14.000 đến 15.000 tỷ đồng. “Đấy là câu chuyện đang gây ra khó khăn lớn nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp thủy nông”, Thứ trưởng nhận xét.

Thực tế trên càng đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự linh hoạt, chủ động từ phía doanh nghiệp. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tin rằng, đơn vị nào muốn hoạt động tốt và muốn nâng cao đời sống người lao động thì phải có các dịch vụ khác. Tức là nguồn thu bị thiếu hụt sẽ phải được “trang trải” bằng những hoạt động như du lịch trên lòng hồ, lắp đặt điện mặt trời…

Nhìn rộng hơn, Thứ trưởng kêu gọi sự thay đổi về nhận thức từ các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Có một thực tế là hệ số sử dụng nước của Việt Nam đang có xu hướng giảm, hiện đứng ở mức thấp so với trung bình của thế giới.

Cụ thể, thế giới sử dụng 1m3 khối nước sẽ tạo ra được khoảng 2 USD, còn Việt Nam chỉ là 0,1 USD. Bên cạnh đó, việc đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí cũng sẽ giảm áp lực lên vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước.

“Khi chúng ta không có tiền để bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thủy lợi thường xuyên, một loạt hệ lụy sẽ kéo đến. Không gì khác hơn ngoài việc các công ty khai thác công trình thủy lợi giờ phải tự cơ cấu lại ngay lại, trong đó có tính toán lại lực lượng lao động phù hợp, đào tạo lực lượng lao động tại chỗ, tăng cường chuyển đổi số, điều hành thông minh để giảm lượng lao động xuống. Có như vậy, đời sống của người lao động mới tăng lên”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bảo Thắng - Minh Phúc
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Bảo Thắng - Minh Phúc
Phạm Huy - Bảo Thắng