| Hotline: 0983.970.780

‘Tròng’ chính sách ‘thắt’ doanh nghiệp thủy nông [Bài 8]: Lời tâm can của nhà quản trị hệ thống thủy lợi lớn nhất miền Bắc

Thứ Tư 25/10/2023 , 07:26 (GMT+7)

Năm 2022, tháng 8 công ty mới được Bộ Tài chính cấp tiền. Năm 2023 tháng 9 mới được cấp tiền trong khi từ đầu năm phải hoàn thành nhiệm vụ chống hạn, chống úng.

LTS: Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về nỗi khổ của các doanh nghiệp thủy nông do vướng mắc trong triển khai đặt hàng dịch vụ công ích thủy lợi, ông Trịnh Thế Trường – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, cho rằng: “Phải giải quyết được gốc rễ của vấn đề, đó là sửa Nghị định 96 và xây dựng lại giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi”.

Ông Trịnh Thế Trường - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Huy Bình.

Ông Trịnh Thế Trường - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Huy Bình.

Công trình thủy lợi cổ ‘cõng’ nhiệm vụ nặng nề

Chúng tôi được giao quản lý vận hành hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, một hệ thống 65 tuổi và có đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của nông nghiệp nói riêng cũng như là phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội.

Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác quản lý khai thác, vận hành hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải gặp rất nhiều cái khó khăn do sự thay đổi của điều kiện tự nhiên. Ví dụ, trước đây thiết kế mực nước sông Hồng tại cống đầu mối Xuân Quan (Hưng Yên) là +1,85m. Những năm qua mực nước của sông Hồng bị hạ thấp, trong vụ chiêm xuân mực nước chỉ đạt +1,2 ÷ +1,3m, giảm sút 30 - 40% với thiết kế. Đặc biệt, rất nhiều thời điểm mực nước về mức 0,0m, dẫn đến hệ thống tưới bị tê liệt.

Thêm một vấn đề phát sinh nữa, là trong công tác quản lý hệ thống kênh dẫn, chủ yếu là sông trục tự nhiên tổng chiều dài 231km. Những sông này có phần lưu không rất lớn, có nơi lên đến 1.000m, việc lấn chiếm hành lang công trình diễn biến rất phức tạp, phát sinh nhân lực chống vi phạm rất là lớn, không đơn thuần là công tác bảo dưỡng, vận hành đơn thuần như ngày xưa nữa. Công nhân thủy nông làm việc gần như người làm công tác xã hội, một đến hai ngày tuần tra một lần. Đặc biệt, với công nghệ xây dựng như bây giờ thì chỉ sau một thời gian rất ngắn đã mọc lên nhà cửa, hình thành tài sản rồi nên việc giải tỏa rất phức tạp và khó khăn.

Bèo rác bám dày đặc cụm công trình cống Neo - My Động (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Huy Bình.

Bèo rác bám dày đặc cụm công trình cống Neo - My Động (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Huy Bình.

Vấn đề tiếp theo là ô nhiễm nguồn nước. Luật Bảo vệ môi trường quy định rất rõ là trách nhiệm thuộc về ngành Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Hệ thống thủy lợi giống như người bị hại, phải buộc tiếp nhận các nguồn thải, nguồn ô nhiễm chưa được xử lý từ những khu dân sinh, chăn nuôi, làng nghề,… gây khó khăn rất lớn trong việc tưới tiêu của hệ thống. Nhiều khi có nước nhưng ô nhiễm không tưới được, tạo ra tình huống rất căng thẳng.

Điển hình như năm 2023 vừa rồi, vụ chiêm xuân trong tình trạng nước sông Hồng thấp, không có nguồn bổ sung vào hệ thống. Mỗi ngày hệ thống phải tiếp nhận 502.000m3 nước thải, tương đương lưu lượng khoảng 10m3/s chảy cả ngày đêm vào hệ thống, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng. Tháng ba vừa rồi chúng tôi sử dụng trạm bơm Phú Mỹ của Bắc Ninh để cấp nước tạm thời giảm thiểu ô nhiễm cho hệ thống, việc  dẫn dòng từ trạm bơm Phú Mỹ về đến hệ thống kênh trục Bắc Hưng Hải là một câu chuyện và phát sinh nhiều chi phí.

Một cái khó khăn nữa là bèo rác, những năm gần đây chúng tôi tốn rất nhiều công để vớt bèo, vớt rác. Nước ô nhiễm là môi trường rất tốt cho bèo tây phát triển mạnh và anh em công nhân bây giờ đi vớt bèo, làm việc trong môi trường rất độc hại, phải tiếp xúc với nước bẩn, nước ô nhiễm. Nhiều khi đứng ở trên bờ đã không chịu được rồi mà anh em phải lội xuống trực tiếp với điều kiện thiếu thốn mọi thứ. Đó là hàng hoạt vấn đề phát sinh trong công tác quản lý khai thác.

Tuy rằng so với trước đây, cùng với việc đầu tư điện khí hóa đã hỗ trợ rất lớn cho công tác vận hành công trình thủy lợi, nhưng những cái phát sinh khác cũng gây tốn kém rất nhiều. Các công trình đều được xây dựng cách đây hơn nửa thế kỷ, ví dụ công trình đầu mối cống Xuân Quan xây dựng cách đây 65 năm, công trình khác là 60 năm, 63 năm, cũng đều là cổ.

Nhiều công trình trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải xuống cấp nhưng không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều công trình trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải xuống cấp nhưng không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Ảnh: Minh Phúc.

Chống hạn, chống úng từ đầu năm nhưng tháng 8 - 9 mới được cấp tiền

Kinh phí cho công tác bảo trì, bảo dưỡng, quản lý công trình là rất lớn, nhưng nguồn cấp thủy lợi phí hàng năm rất thấp, phần hỗ trợ tài chính cũng bị hạn chế so với yêu cầu. Những năm gần đây chúng tôi chỉ nạo vét được một chút cửa khẩu, vì nếu không nạo vét các cửa khẩu (khoảng cách khoảng 1,2km) thì không thể tưới được. Còn lại trong nội đồng với tổng số 231km kênh nhưng mỗi năm nạo chỉ nạo vét được vài trăm mét đến dưới 1km.

Có đoạn kênh 15 - 20 năm chưa được nạo vét vì không có nguồn lực nào, có một chút kinh phí để bảo trì thì phải sử dụng để chi vào một số việc bắt buộc: điện, dầu luyn, mỡ nhớt, nạo vét cửa khẩu, gia cố rất nhiều đoạn đê bị sụt sạt trong mùa mưa bão.

Tôi có cảm nhận là chúng ta bắt công trình làm việc thì nó phải làm thôi. Cũng như cái xe máy đổ xăng vào là chạy, còn công tác bảo dưỡng, bảo trì để nó hoạt động bền vững, phục vụ ổn định lâu dài thì đang thiếu thốn đủ bề. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì đương nhiên đến lúc công trình xảy ra hư hỏng lớn, xập xệ rồi thì chi phí sẽ rất lớn, mà đều là tiền của nhà nước cả.

Công nhân thủy nông Bắc Hưng Hải đang kiểm tra, bảo dưỡng máy móc chuẩn bị cấp nước đổ ải vụ đông xuân 2023 - 2024. Ảnh: Minh Phúc.

Công nhân thủy nông Bắc Hưng Hải đang kiểm tra, bảo dưỡng máy móc chuẩn bị cấp nước đổ ải vụ đông xuân 2023 - 2024. Ảnh: Minh Phúc.

Tôi rất mong các định mức kinh tế kỹ thuật, giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi phải làm sao đáp ứng được điều kiện để chúng ta thực hiện nhiệm vụ, ổn định hoạt động của hệ thống, đảm bảo đời sống của người lao động cũng như chăm sóc công trình chu đáo.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là một trong những hệ thống hiếm có, vừa ghi đậm dấu ấn lịch sử - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần về thăm và chỉ đạo trong quá trình xây dựng từ tháng 10/1958 đến tháng 5/1959, và được sự quan tâm rất lớn của Đảng, nhà nước từ lúc xây dựng đến nay. Chúng tôi rất mong có nguồn lực tương xứng để duy trì và phát huy hiệu quả của các công trình này. Còn về giá thủy lợi phí và các nguồn hỗ trợ tài chính, khi chuyển từ cơ chế giao nhiệm vụ, kế hoạch sang đặt hàng, thì hai năm vừa qua, việc cấp tiền rất là muộn.

Năm 2022, tháng 8 công ty mới được Bộ Tài chính cấp tiền. Năm 2023 tháng 9 mới được cấp tiền. Do đó chúng tôi cũng không biết làm thế nào trong khi nhiệm vụ chống hạn, chống úng, tưới tiêu, vớt bèo rác vẫn phải hoàn thành, thậm chí phải nhờ cậy đơn vị bạn giúp sức. Anh em công nhân lương đã thấp, khó khăn rồi còn bị treo lương, vậy thì khắc phục thế nào. Tôi không biết năm 2024 có tiếp diễn tình trạng này không? Doanh nghiệp đã khó khăn rồi lại khó khăn thêm.

Bộ Tài chính thì muốn đặt hàng dịch vụ công ích thủy lợi, nhưng nghị định 96 chưa đủ cơ sở để xây dựng đầy đủ giá đặt hàng, dẫn đến sự lùng nhùng trong việc đặt hàng và giao kế hoạch, cấp kinh phí muộn.

Và đến cuối cùng, chắc chắn phải sửa được Nghị định 96 thì nhà nước mới đặt hàng được các đơn vị cung ứng dịch vụ công ích thủy lợi, còn với cơ chế như hiện nay thì không thể thực hiện được.

"Tôi cứ đặt câu hỏi tại sao nhà nước thực hiện cơ chế đặt hàng để các doanh nghiệp, đơn vị có đủ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng khi thực hiện lại vướng, nhất là cơ chế giá, nhiều cái không thể xác định được? Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động cũng như phục vụ nhân dân trong vùng.

Đặc biệt, còn rất nhiều định hướng phát triển ngành thủy lợi mà chúng ta cần quan tâm, nhất là đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ. Với nguồn lực như hiện nay thì không thể thực hiện được. Tôi cho rằng, cần phải giải quyết vấn đề này từ “gốc rễ”. Chúng ta phải xác định và tính toán cho đúng, cho đủ chi phí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công ích thủy lợi. Bởi Đảng, nhà nước đã xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, mà muốn sản xuất nông nghiệp ổn định thì đương nhiên phải đầu tư cho ngành thủy lợi", ông Trịnh Thế Trường - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm