| Hotline: 0983.970.780

‘Tròng’ chính sách ‘thắt’ doanh nghiệp thủy nông [Bài 9]: Cần nới trần giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi

Thứ Năm 26/10/2023 , 09:14 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Khanh – Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) sau khi đọc loạt bài ‘Tròng’ chính sách ‘thắt’ doanh nghiệp thủy nông trên Báo NNVN.

Các công ty thủy lợi đang hết sức khó khăn

Thưa ông, qua ghi nhận của Cục Thủy lợi, đặc biệt là các công ty khai thác công trình thủy lợi tại địa phương, ông thấy bức tranh tài chính của các doanh nghiệp hiện nay như thế nào?

Qua nắm bắt số liệu từ các địa phương, có thể nói bức tranh tài chính của các công ty khai thác công trình thủy lợi hết sức khó khăn. Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều như vậy, vì nếu nhìn nhận khách quan thì cơ chế tài chính hiện nay vẫn đảm bảo đủ để các doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều vấn đề vướng mắc.

Ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) chia sẻ cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam về thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp thủy lợi và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ. Ảnh: Thanh Thủy.

Ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) chia sẻ cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam về thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp thủy lợi và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ. Ảnh: Thanh Thủy.

Thứ nhất là về cơ chế giá. Đây là trái tim của Luật Thủy lợi. Các cơ quan xây dựng dự thảo và Bộ Tài chính rất kỳ vọng cơ chế giá sẽ tạo đột phá trong công tác thủy lợi nói chung và quản lý khai thác thủy lợi nói riêng. Đây là cơ sở pháp lý để nâng cao doanh thu của các công ty khai thác công trình thủy lợi và có điều kiện để xã hội hóa công tác thủy lợi.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai bị vướng vì hiện nay nhà nước vẫn đang hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi. Tức là ngân sách nhà nước trả thay cho người dân với mức kinh phí theo dự toán (không thay đổi từ năm 2013 đến nay, tức hơn 10 năm giá không thay đổi). Đây là tác nhân chính ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp may mắn có sự quan tâm của chính quyền địa phương hỗ trợ thêm kinh phí sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì. Một số doanh nghiệp có thu từ sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác (cấp nước cho các nhà máy nước công nghiệp, khu công nghiệp, nhà máy nước phục vụ sinh hoạt và nhà máy thủy điện...) thì bớt khó khăn hơn. Còn lại các doanh nghiệp không có nguồn thu khác và không có sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương thì hết sức khó khăn, nguồn chi phí để bảo trì công trình thủy lợi hầu như rất thấp, không tuân thủ quy định tại Thông tư 05/2019/TT-BNNPTNT quy định chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Thứ hai, về chế độ chính sách cho người lao động, nhiều đơn vị không có chế độ ăn ca cho người lao động; không có nguồn để trích quỹ phúc lợi.

Chúng tôi rất mong có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương đối với các đơn vị để bảo trì công trình thủy lợi từ quan trắc, kiểm định đến sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ, sửa chữa lớn và sửa chữa đột xuất.

Chúng tôi được biết, không chỉ các công ty thủy lợi ở địa phương, mà ngay cả các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi của Bộ NN-PTNT cũng rất khó khăn khi đến tháng 8, tháng 9 hàng năm mới được cấp kinh phí, trong khi phải thực hiện nhiệm vụ chống hạn, chống úng ngay từ đầu năm. Vậy đâu là điểm nghẽn dẫn đến thực trạng này?

Hiện nay Bộ Tài chính đang yêu cầu Bộ NN-PTNT và các địa phương chuyển từ phương thức giao nhiệm vụ sang đặt hàng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi. Bộ NN-PTNT đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai đặt hàng đối với các doanh nghiệp thủy nông trực thuộc Bộ. Tuy nhiên hiện còn có 3 vấn đề chưa được Bộ Tài chính làm rõ.

Ngay tại thủ đô Hà Nội, đời sống công nhân Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Tích cũng rất chật vật, thường xuyên bị treo lương, nợ lương. Ảnh: Minh Phúc.

Ngay tại thủ đô Hà Nội, đời sống công nhân Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Tích cũng rất chật vật, thường xuyên bị treo lương, nợ lương. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ nhất là sử dụng giá nào để đặt hàng, vì hiện nay theo quy định của Nghị định 32 về đặt hàng các sản phẩm dịch vụ công đang sử dụng rất nhiều danh từ/thuật ngữ về giá (như: đơn giá, giá tiêu thụ, giá bán) trong khi lĩnh vực thủy lợi hầu như không có quy định tương đồng mà chỉ có giá tối đa, khung giá và giá cụ thể. Do vậy, sử dụng giá nào để đặt hàng là một câu chuyện.

Thứ hai, vấn đề cực kỳ quan trọng đối với công tác thủy lợi hiện nay là mức trợ giá. Quy trình, thẩm quyền, thủ tục và quyết định mức trợ giá hiện nay là chưa rõ. Cụ thể, theo quy định của Nghị định 32 thì mức trợ giá được chủ sở hữu (ví dụ Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh) quyết định theo quy định của pháp luật về giá. Tuy nhiên pháp luật về giá hiện nay chưa có quy định cụ thể về nội dung này. Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Tài chính trả lời, nhưng Bộ Tài chính trả lời chưa rõ ràng. Và chúng tôi biết đây là vướng mắc đối với nhiều sản phẩm dịch vụ công khác. Chúng tôi rất mong tháo gỡ được vấn đề này, vì đối với thủy lợi, nếu chúng ta đối chiếu với giá cụ thể và chi phí quản lý vận hành thì có sự chênh lệch rất nhiều. Không thể sử dụng một mức giá như móng tay để đặt hàng và trợ giá bằng quả đấm. Đây là điều vô lý.

Vấn đề nữa, chúng tôi rất muốn Bộ Tài chính hỗ trợ hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp đặt hàng, nếu không áp dụng phương thức lệnh chi tiền nữa, thì hình thức cấp phát qua kho bạc sẽ được thực hiện theo quy trình, thủ tục như thế nào. Bởi vì chúng tôi đã làm việc với cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính, kể cả trao đổi trước với Kho bạc Nhà nước, thì các cách hiểu cũng đang khác nhau.

Mong mỏi được nới trần giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi

Theo ông, những nội dung nào của Nghị định 96/2018/NĐ-CP cần được sửa đổi để giải quyết khó khăn về cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi?

Liên quan đến Nghị định 96 quy định về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, đây là vấn đề rất mới, là trái tim của Luật Thủy lợi. Mặc dù hiện nay Bộ Tài chính đã đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Giá rồi, nhưng chỉ khác là quy trình sẽ giảm đi và tăng thẩm quyền của các địa phương.

Điều mong mỏi của Bộ NN-PTTN cũng như các doanh nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi là nới trần giá tối đa. Trong quá trình sửa đổi Nghị định 96, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội đề xuất tăng mức giá tối đa (nghĩa là tăng mức hỗ trợ).

Nhiều công trình trạm bơm xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa, dẫn tới giảm công suất, hư hỏng, không đáp ứng tốt yêu cầu tưới tiêu. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều công trình trạm bơm xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa, dẫn tới giảm công suất, hư hỏng, không đáp ứng tốt yêu cầu tưới tiêu. Ảnh: Minh Phúc.

Ngoài việc yêu cầu các địa phương xây dựng về giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, chúng ta còn quản lý bằng phương thức khai thác công trình thủy lợi thông qua giao nhiệm vụ, đặt hàng. Muốn chi gì, tiêu gì phải theo quy trình. Muốn làm như thế nào phải được cơ quan chủ quản xét duyệt nhiều tầng, nhiều quy trình chứ không phải tiền thu về là doanh nghiệp muốn tiêu gì thì tiêu. Đây là những nội dung chúng tôi kỳ vọng qua hội nghị này.

Theo chúng tôi tập hợp phương án giá của các địa phương xây dựng gửi lên, thì giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi tăng từ 1,5 đến 2,5 lần, thậm chí có địa phương đề nghị tăng 3 lần. Tuy nhiên trong văn bản của Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội thì chỉ đề xuất tăng từ 1,3 – 2 lần để các địa phương làm căn cứ triển khai xây dựng phương án giá trong thời gian tới. Nếu không nới được trần giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thì công tác thủy lợi ngày càng khó khăn và chưa biết ngành thủy lợi sẽ đi về đâu.

Tới đây, Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính sẽ tổ chức hội nghị để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thủy nông, ông kỳ vọng hội nghị này sẽ đạt được những mục tiêu và kết quả như thế nào?

Theo thống nhất giữa 2 Bộ thì dự kiến trong tháng 11/2023 sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc Đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi.

Qua hội nghị, chúng tôi mong muốn các địa phương, doanh nghiệp phản ánh được cơ bản những khó khăn, vướng mắc và thẩm quyền xử lý vướng mắc đó ở cấp nào? Bởi vì khó khăn vướng mắc này không chỉ cần được giải quyết ở các cơ quan Trung ương, mà nhiều khó khăn nằm ở nội tại của địa phương.

Thứ hai, chúng tôi cũng mong muốn lãnh đạo các công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động. Chủ tịch, giám đốc công ty phải coi mình là một doanh nhân và luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo, đổi mới, mở rộng phạm vi hoạt động để tăng nguồn thu cho đơn vị.

Thứ ba, qua Hội nghị này, chúng tôi mong muốn cùng với Bộ Tài chính và các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính lắng nghe thêm, thấu hiểu thêm những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị quản lý khai thác để đồng cảm, đồng hành cùng chúng tôi xây dựng các quy định về mặt pháp luật, đảm bảo không sơ hở nhưng cũng không khắt khe đến mức “không thể nào làm được và không biết phải làm bằng cách nào”.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Australia có thể giúp đỡ Việt Nam trong chương trình 1 triệu ha lúa

Chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski và cảm ơn Đại sứ với những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ vừa qua.

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.