[Kỳ V] Trạm Khuyến nông chưa đầy 20 năm phải chuyển chỗ 12 lần
Kỷ lục không ai mong muốn ấy thuộc về Trạm Khuyến nông huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Người làm tốt thường bị nhấc đi
Anh Đinh Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình nguyên là Trạm trưởng Trạm Khuyến nông kể từ thời điểm tháng 3/2002 khi được tách ra từ huyện cũ tới nay Trạm đã 12 lần phải chuyển trụ sở làm việc, phải ở nhờ nhiều chỗ rất tạm bợ. “An cư mới lạc nghiệp” được, chuyển đi chuyển lại chưa đầy 2 năm 1 lần như thế cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.
Tôi hỏi anh Thái, kể từ khi sáp nhập 3 Trạm Khuyến nông, Trồng trọt - Bảo vệ Thực vật, Chăn nuôi - Thú y vào thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện năm 2020, thì được và mất những gì? Anh trả lời rằng cái được là tập hợp được nhiều con người, với đầy đủ các mảng về chuyên môn trong nông nghiệp như thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông. Đó chính là sức mạnh của đơn vị để khi cần thiết thì sẵn sàng tham mưu, hỗ trợ cho UBND huyện ở những chức năng mà đơn vị có.
Còn hạn chế là đơn vị không còn chức năng quản lý nhà nước cũng như đội ngũ thú y cơ sở, khuyến nông cơ sở mà chuyển về cho Phòng NN-PTNT nhưng Phòng lại chưa quản lý được, kiểm soát giết mổ, thuốc bảo vệ thực vật không có người thực hiện. Trong khi đó ở Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp có 3 người được cấp chứng chỉ về kiểm dịch động vật, có 3 người chuyên môn về bảo vệ thực vật, thành ra chỗ thừa, chỗ lại thiếu. Mỗi lần Phòng NN-PTNT phải đi làm những việc có liên quan đều lại phải nhờ phối hợp, mượn người.
Theo hướng dẫn của trên, điều kiện làm cán bộ khuyến nông cơ sở phải có bằng đại học trong khi phụ cấp cho họ rất thấp (chế độ chung trong toàn tỉnh Hòa Bình là 1,4 triệu đồng/tháng) nên không tuyển được đã đành mà còn có 8 người của Cao Phong đã bỏ việc vì không có biên chế, không thấy tương lai. Hiện 10 xã, thị trấn trong huyện có 3 nơi khuyến nông cơ sở chuyên trách, còn 7 nơi là kiêm nhiệm trong đó có người ở xã Bắc Phong chuyên môn về sư phạm làm một thời gian rồi lại chuyển công tác, có người ở xã Dũng Phong vốn chuyên môn là công an xã…
Làm khuyến nông phải bám sát cơ sở, cây lúa vừa cấy xuống đã phải theo dõi, ra đồng còn nhiều hơn dân, 2 - 3 ngày 1 lần để dự tính, dự báo xem có bệnh gì không nhưng đội ngũ này chưa làm được điều đó mà chỉ khi huyện về kiểm tra, thấy có bệnh, đề nghị phối hợp thì họ mới tham gia. Với cam, mía là hai cây đặc thù của Cao Phong, chuyên môn của họ cũng chưa đáp ứng được như mong muốn.
Từ khi sáp nhập 3 Trạm Khuyến nông, Trồng trọt - Bảo vệ Thực vật, Chăn nuôi - Thú y vào thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, việc chỉ đạo các khuyến nông cơ sở là khó bởi Trung tâm không còn trả phụ cấp cho họ nữa mà chuyển về cho UBND xã trả. Trung tâm chỉ còn có cách phối hợp với lãnh đạo xã, rồi từ xã người ta chỉ đạo, triệu tập lại họ.
Huyện đã có Nghị quyết về phát triển cây ăn quả có múi, trong đó quy hoạch nêu rõ nên trồng ở những vùng nào và chỉ những gia đình có điều kiện mới nên trồng, tuy nhiên đội ngũ khuyến nông cơ sở phần về chuyên môn còn non, phần do chưa dành nhiều thời gian để thuyết phục dân. Bởi thế, mà tuy quy hoạch rồi nhưng dân vẫn trồng ồ ạt, giống thì trôi nổi, giờ diện tích bị bệnh khá nhiều, giá bán cam lại rất hạ.
“Xã giao thì họ phải nhận vị trí khuyến nông cơ sở đó thôi chứ không có chính sách đãi ngộ hợp lý, chỉ là tạm bợ, ít mặn mà với công việc, thành ra chưa hoàn thành trách nhiệm được giao. Một khi cán bộ khuyến nông lo bữa ăn nhà mình không xong thì làm sao mà đi giúp dân được?
Đội ngũ khuyến nông cơ sở giờ không thể toàn tâm, toàn ý cho công việc bởi những người có bằng cấp làm ở vị trí đó là để mong vào biên chế Nhà nước nhưng không được, cộng thêm phụ cấp thấp nên bỏ đi làm việc khác.
Chúng tôi cũng chỉ thuyết phục họ bằng cách là hướng cho người ta rằng anh làm thì sẽ được đi đào tạo cơ bản phương pháp tiếp cận nông dân, phương pháp làm việc, phương pháp khuyến nông để sau này làm giỏi, có uy tín phấn đấu vào công chức Nhà nước ở cấp xã. Một số người cũng đã thành công, nhưng chỉ là thiểu số nên những người khác không thấy có tương lai, cũng không muốn vào làm khuyến nông”, anh Thái tổng kết.
Khi tôi hỏi về sự đứt đoạn của hệ thống khuyến nông, từ trung ương, tỉnh, huyện đến xã, anh Thái tỏ ý đồng tình: “Đúng là có sự đứt đoạn rõ khi phân cấp, từ cấp tỉnh về huyện có vẻ không được như ngày xưa. Ngày xưa anh em liên kết rồi họp hành này nọ nhưng từ hồi sáp nhập các Trạm huyện cũng chẳng thấy mấy cuộc, không hiểu do phân cấp hay do thiếu kinh phí nữa.
Các mô hình khuyến nông trước đây trên tỉnh chuyển về cho các Trạm huyện để thực hiện giờ cũng không được tiếp cận. Còn ở cấp xã, do Trung tâm không quản lý đội ngũ khuyến nông cơ sở nữa, hơn năm rưỡi nay, cũng không tổ chức họp giao ban với họ được...
"Những khuyến nông viên cơ sở có chuyên môn tốt thường xã lại nâng người ta đi làm ở vị trí khác, cho vào biên chế, còn thừa lại những người làm kém hay thiếu bằng cấp, thiếu nhiệt tình"
Anh Đinh Văn Thái - GĐ Trung tâm DVNN huyện Cao Phong
Mỗi năm kinh phí sự nghiệp phát triển kinh tế của huyện giao cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp khoảng 200 - 300 triệu để chúng tôi có thể tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình. Vừa rồi đơn vị đã xây dựng mô hình nuôi dê sinh sản, trồng giống mía trắng mới, dự tính dự báo sâu bệnh hại, làm đèn bẫy bắt côn trùng.
Theo tôi, mô hình sáp nhập các Trạm chuyên môn thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cũng khá hợp lý nhưng phải giao thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước như kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật... để còn hoạt động chứ còn không như hiện nay là rất bất cập”.
Chưa làm gì được thì xếp tạm vào khuyến nông cơ sở
Anh Bùi Văn Liển - Chủ tịch UBND xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình cho tôi hay, diện tích đất nông nghiệp của địa phương rộng 570ha, trước có cả cán bộ khuyến nông - khuyến lâm cùng thú y cơ sở. Tuy nhiên, về sau khuyến nông cơ sở sang làm Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, thú y cơ sở sang làm Chủ tịch Hội nông dân. Giờ đây chỉ có anh Bùi Văn Trường trước làm Phó công an xã, với trình độ chuyên môn là trung cấp luật, sau này do bố trí công an chính quy về nên phải chuyển sang công chức địa chính nông nghiệp, đi học thêm tại chức đại học.
Khi khuyết vị trí khuyến nông cơ sở cả năm thì xã cho anh này kiêm nhiệm luôn. Hiện anh này đang phải “diễn” cả 6 vai một lúc gồm địa chính, môi trường, xây dựng nông thôn mới, thú y, giao thông thủy lợi và khuyến nông trong khi lương công chức được khoảng 5 triệu.
“Không ai muốn kiêm nhiệm cả nhưng không có người làm đành phải chịu. Đòi hỏi bằng đại học nhưng trả phụ cấp có 1.0 thì chẳng ai muốn về xã làm cả vì công thợ xây giờ 300.000 đồng/ngày, làm 5 ngày là hơn lương của khuyến nông cơ sở cả tháng rồi.
Ở tỉnh Hòa Bình, do sáp nhập địa giới hành chính từ 210 xã, thị trấn giờ chỉ còn 151, có những nơi 3 xã sáp nhập làm 1, thành ra 3 khuyến nông cơ sở chỉ lấy 1. Do phụ cấp thấp (1,4 triệu/tháng), do địa bàn xã rộng, từ đầu đến cuối xã có khi đi mất cả buổi nên nhiều khuyến nông viên cơ sở đã bỏ việc. Người còn trong hệ thống thì tâm sự: “Chú ạ, bọn anh làm cho vui, vì tình cảm với người dân thì tham gia thôi chứ phụ cấp như thế này không đủ tiền xăng xe, điện thoại”. Quản lý họ về con người là UBND xã nhưng quản lý về chuyên môn có khi chẳng rõ đơn vị nào.
"Chúng tôi mong cấp trên bố trí khuyến nông, thú y chuyên trách với trình độ từ trung cấp trở lên thôi để hỗ trợ cho công chức địa chính nông nghiệp, giúp đỡ địa phương về công tác chăn nuôi cũng như trồng trọt…”
Anh Bùi Văn Liển - Chủ tịch UBND xã Dũng Phong
Khi hình thành đội ngũ khuyến nông cơ sở, tỉnh Hòa Bình đặt ra nhiều kỳ vọng về một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, đảm bảo an toàn thực phẩm từ gốc, đáp ứng cho cả xuất khẩu lẫn nội tiêu. Nhưng bất cập nhất ở chỗ chế độ đãi ngộ không đáng là bao nên giữa chuyện giao trách nhiệm và quyền lợi của họ không gặp được nhau; rồi giữa quyền lợi với kết quả công việc của họ làm được không được tương xứng.
Sự giám sát, đôn đốc công việc, tính chuyên môn hóa của đội ngũ này ngày càng đi xuống. Do thiếu cán bộ khuyến nông cơ sở một số nơi đã cho cán bộ chuyên môn ở lĩnh vực văn hóa, mặt trận, công an, điện lực hay các ngành khác sang làm kiêm nhiệm cho có đầu việc, kiểu chưa làm gì được thì xếp tạm đấy đã. Đó là kiểu làm hành chính chứ không phải đi theo hướng chuyên môn sâu.
Khuyến nông cơ sở rõ ràng là cần nhưng trong thời gian tới phải có sự thay đổi lớn, không thể giữ cách thức làm việc kiểu hành chính, cũng không thể đứng ở ngoài cuộc mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân như hiện nay được.