| Hotline: 0983.970.780

[Kỳ VI] Ngôi sao sáng Sơn La đang tan rã hệ thống khuyến nông

Sơn La là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp rất lớn, gần đây nổi lên như ngôi sao sáng ở phía Bắc về chuyển đổi cơ cấu sang cây ăn quả cỡ 80.000ha.

Tăng cường hay giảm thiểu năng lực?

Diện tích đó trước đây chủ yếu là trồng ngô, thậm chí bà con còn cạo trọc nhiều quả đồi, đỉnh núi để làm, hiệu quả kinh tế thấp. Không chỉ chuyển đổi từ ngô sang cây ăn quả, nhiều năm Sơn La lọt vào tốp những tỉnh tốt nhất về quản lý chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, phần công của hệ thống khuyến nông là không nhỏ bởi họ bám sát ở phía gốc của sản xuất, gần dân.

Anh Lò Văn Bình làm khuyến nông của xã Pi Toong, huyện Mường La từ năm 2008. Đầu tiên hợp đồng với UBND xã, phụ cấp chỉ 192.000 đồng/tháng, không được đóng bảo hiểm, lúc này trình độ chỉ là trung cấp trồng trọt. Sau đó anh phấn đấu lên đại học rồi hợp đồng với Trạm Khuyến nông huyện, dần dần phụ cấp được hệ số 2.0 tương đương khoảng 2,8 triệu/tháng, chỉ cố định ở mức đó thôi nhưng cũng yên tâm một phần vì được đóng bảo hiểm.

Xã có 4 dân tộc Mông, La Ha, Thái, Kinh với 10 bản, xa nhất từ trung tâm đi phải 20km. Đầu tuần, anh làm kế hoạch gửi UBND rồi xuống bản hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, phun thuốc cho lúa, thu thập thông tin các vấn đề của sản xuất, nắm bắt tâm tư của bà con.

Anh Lò Văn Bình làm khuyến nông của xã Pi Toong, huyện Mường La (trái) hướng dẫn trồng mít cho người dân trong xã. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lò Văn Bình làm khuyến nông của xã Pi Toong, huyện Mường La (trái) hướng dẫn trồng mít cho người dân trong xã. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phụ cấp thấp không đủ xăng xe để đi làm cả ngày từ thứ hai đến thứ sáu nên anh báo cáo xã xin đi vào buổi sáng, còn buổi chiều dành để giúp đỡ cho gia đình với 2 mẫu ruộng, vài con bò, đàn lợn cùng 3 đứa cháu nhỏ.

Hỏi về chuyện công chức địa chính kiêm nhiệm khuyến nông xã, anh trả lời: “Cho địa chính kiêm nhiệm khuyến nông xã không có hiệu quả mấy bởi thời gian họ dành cho địa chính có khi chiếm 90%, chỉ 10% dành cho khuyến nông mà lại không có chuyên môn gì cả. Tôi đã từng đi nhiều xã có khuyến nông kiêm nhiệm kiểu này, khi trên đồng phát sinh sâu hay trong chuồng vật nuôi phát sinh bệnh cũng không biết, mà khi bệnh phát tán rộng rồi mới báo cáo. Họp hành, bàn về kỹ thuật tôi thấy họ chỉ ngồi nghe thôi chứ không nắm bắt được mấy”.

Anh Lò Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Trai, huyện Mường La kể cách đây 10 năm quê mình được bố trí 2 khuyến nông chuyên trách lo 2 chuyên ngành trồng trọt và chăn nuôi - thú y bởi do có 7 bản tái định cư, điều kiện kinh tế khó khăn, địa bàn rộng tới 5.500ha. Về sau tỉnh chủ trương xã nào cán bộ địa chính có bằng nông nghiệp thì cho kiêm nhiệm luôn nên phải bỏ 2 khuyến nông chuyên trách, được đào tạo bài bản, có trình độ kỹ sư nông học. Nhưng cán bộ địa chính có bằng nông nghiệp vài tháng làm lại bị chuyển đi xã khác, một người mới về không có bằng nông nghiệp mà chỉ biết đi đo đất.

Anh Lò Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Trai, huyện Mường La: Tôi kiến nghị phải bổ sung khuyến nông chuyên trách như cũ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lò Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Trai, huyện Mường La: Tôi kiến nghị phải bổ sung khuyến nông chuyên trách như cũ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đánh giá về đội ngũ khuyến nông chuyên trách vừa bị loại, anh tiếc lắm bởi xã tái định cư nên điều kiện khó khăn, có họ hướng dẫn bà con mới biết cách trồng trọt, chăn nuôi, phòng chống đói rét cho gia súc gia cầm và nuôi thủy sản với 370 lồng bè trên lòng hồ thủy điện.

“Giờ cán bộ địa chính mới bắt kiêm nhiệm khuyến nông thì phải nhận thôi chứ không biết làm, không thích làm và cũng không có thời gian để làm. Tôi ước anh ấy chỉ dành cỡ 5% thời gian cho khuyến nông, khi trên bảo báo cáo thì nhặt ra mấy số liệu cũ của văn phòng thống kê vào để gửi thôi.

Vừa rồi xã có 9 con trâu bò bị bệnh viêm da nổi cục, 45 con lợn bị dịch tả lợn Châu Phi, rất cần cán bộ chuyên môn để phòng chống mà không có nên tôi phải đi thay, tự tay đào hố chôn hay hướng dẫn dân tiêm, che chắn chuồng trại dù chỉ có đôi chút kinh nghiệm.

Chính sách này tỉnh muốn tăng cường năng lực cho khuyến nông nhưng chẳng khác nào làm giảm thiểu năng lực của họ. Tôi kiến nghị phải bổ sung khuyến nông chuyên trách, số lượng từ 1 - 2 người như cũ, nếu được viên chức thì càng tốt vì sẽ đảm bảo cho công việc của họ về lâu dài”, Phó Chủ tịch Lò Văn Hoa giãi bày.

Chị Cầm Thị Ngâu - khuyến nông viên xã Mường Trai đang xem xét đôi bò của một hộ dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Cầm Thị Ngâu - khuyến nông viên xã Mường Trai đang xem xét đôi bò của một hộ dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Quành Đức Tuấn - khuyến nông viên ở xã Mường Chùm mới xin nghỉ, thanh lý hợp đồng vào tháng 9, trong đơn ghi rõ do phụ cấp không đủ chi trả đời sống. Những người chưa đi cũng lắm tâm tư bởi không biết sẽ bị chấm dứt hợp đồng 1 năm ký 1 lần lúc nào hay phải điều động đi xã nào sắp tới, mà huyện vùng cao, đường vào nhiều bản hễ gặp mưa là không thể về được.

Chị Cầm Thị Ngâu - khuyến nông viên xã Mường Trai khi bị chấm dứt hợp đồng đã khóc nấc lên bởi tiếc quá trình công tác 10 năm, tiếc chuyên môn được đào tạo giờ thành ra lãng phí. Bà con La Ha của bản Huổi Ban nơi đi thuyền cả tiếng mới tới nơi khi xưa lúc chị mới đi tuyên truyền còn lạc hậu lắm. Họ trồng ngô không biết bón phân mà đốt nương, chọc lỗ tra 2 - 3 cái hạt rồi phó mặc cho ông trời, nếu kiến không tha, dế không cắn, mưa gió thuận hòa thì mới có thu hoạch. Họ chăn nuôi không biết trồng cỏ voi, ủ chua thức ăn, che chắn chuồng trại mà lợn thì thả rông còn trâu bò nhốt dưới sàn.

Khi khuyến nông vào khuyên, chỉ một số chịu nghe còn đa số vẫn cố cãi: “Các ông cha không biết gì kỹ thuật làm vẫn được ăn, vẫn sống đấy thôi”. Giờ thì họ đã có thay đổi trong nhận thức, chị đến bà con mừng, mời ăn, mời uống như con cháu trong nhà… Công việc ở bản xa cũng như bản gần cứ cuốn chị đi, đến tận trước lúc đẻ 1 tuần mới chịu nghỉ rồi khi hết 6 tháng lại lên đường, lắm lúc không kịp vắt sữa cho con ở nhà nữa. Giờ đây tuy bị cắt việc nhưng chị vẫn tự bỏ tiền đóng bảo hiểm và nuôi hi vọng một ngày được trở lại cùng với bà con.    

Chẳng thấy mặt cán bộ khuyến nông chuyên trách đâu

Mường La vừa qua đã sáp nhập Trạm Khuyến nông, Trồng trọt - Bảo vệ Thực vật, Chăn nuôi - Thú y, Quản lý Chất lượng và Trung tâm Dạy nghề thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện với đa dạng chuyên môn nhưng chức năng, nhiệm vụ chưa rõ ràng. Theo báo cáo của đơn vị trước thời điểm 31/12/2020 đã ký hợp đồng với 26 khuyến nông viên làm việc tại 16 xã, thị trấn, trong đó 13 người trình độ đại học, 13 người trình độ trung cấp.

Bè nuôi cá trên lòng hồ ở Mường La. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bè nuôi cá trên lòng hồ ở Mường La. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thực hiện Quyết định số 2451 của UBND tỉnh ngày 18/9/2017 về khuyến nông xã, Trung tâm đã cho thôi việc 2/3 số này để thay thế bằng công chức địa chính nông nghiệp - xây dựng kiêm nhiệm. Qua gần 1 năm triển khai, đối với các xã không có khuyến nông chuyên trách đã gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai mô hình nông nghiệp và điều tra sâu, bệnh hại cây trồng, vật nuôi cũng như cách xử lý phòng chống.

Sau khi sáp nhập các Trạm thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, 3 năm nay không có mô hình nào của Trung tâm Khuyến nông tỉnh nữa nên cũng ít liên hệ. Mô hình của huyện đưa về cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cũng hạn chế. Các mối liên kết với các công ty như Syngenta, Lộc Trời… để triển khai chương trình không thấy nữa.

Nguyên nhân do công chức địa chính chưa được đào tạo, tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật; Đa số đều thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo vị trí việc làm của xã nên dành ít thời gian cho khuyến nông; Thường xuyên theo định kỳ 3 năm phải luân chuyển, điều động sang xã khác. Hiện toàn huyện 9 xã có khuyến nông chuyên trách và 7 xã có khuyến nông kiêm nhiệm như vậy.

Anh Cầm Xuân Bưởng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mường La nguyên là Trạm trưởng Trạm Khuyến nông khẳng định: Sáp nhập các Trạm là chủ trương đúng nhưng để hoàn thiện ngành riêng lẻ, chuyên sâu của khuyến nông thì đang bất cập. Xưa Trạm Khuyến nông thường thực hiện ít nhất 4 - 5 mô hình, đều đầu xuôi, đuôi lọt cả. Các chương trình ngân sách của tỉnh thông qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh giao cho các huyện triển khai kèm theo dự toán chi tiết.

Về đội ngũ khuyến nông cơ sở, hiện đối tượng kiêm nhiệm chất lượng đang có vấn đề. Tôi đi tăng cường ở xã Ngọc Chiến 6 tháng để chỉ đạo phục hồi giống nếp tan cổ truyền mà chẳng thấy cán bộ địa chính kiêm khuyến nông đi ra đồng cùng mình một buổi nào hết. Dù tôi có đề xuất với xã nhưng anh cứ bảo là bận.

Khuyến nông cơ sở đang xem việc trồng chuối của dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khuyến nông cơ sở đang xem việc trồng chuối của dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

"Cán bộ kiêm nhiệm khuyến nông họ không có thời gian, thứ nữa không hiểu gì về chuyên môn bởi không trải qua các lớp tập huấn khuyến nông, chẳng hiểu “mô tê” gì, bảo đi là đi, bảo đến là đến, còn tuyên truyền như cán bộ khuyến nông chuyên trách là chịu"

Anh Cầm Xuân Bưởng, Phó Giám đốc TTDVNN huyện Mường La

Trước đây Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã phục tráng mấy năm liền giống nếp tan này ở Ngọc Chiến nhưng rồi lại mai một đi, nay Trung tâm phải làm tiếp. Kết quả là sau mấy tháng, chúng tôi đã kết hợp với một doanh nghiệp để trồng theo hướng hữu cơ, trong mô hình có 24ha, còn ngoài mô hình có 150ha, năng suất đạt 6,3 tấn/ha, chất lượng tốt, được công nhận OCOP 4 sao, thóc bán 20.000 đồng/kg, gạo bán 45.00 - 50.000 đồng/kg.   

Nếu không có khuyến nông chuyên trách thì các xã vùng cao khó mà phát triển được bởi họ là người cầm tay chỉ việc cho nông dân, đến tận ruộng nương để hướng dẫn. Mà không chỉ làm thị phạm một lần, còn phải làm đi, làm lại bởi trình độ dân trí thấp, bảo 1 hốc 1 hạt nhưng họ vẫn bỏ 3 hạt ngô bởi trồng để cho cây sống là đủ. Ngay cả chăn nuôi, họ cũng không làm chuồng trại mấy dù đã được tập huấn, thậm chí ở thị trấn vẫn còn nuôi trâu bò dưới nhà sàn. Theo tôi là quay lại như cũ, ít nhất mỗi xã phải có 1 khuyến nông chuyên trách chứ để thế này không hiệu quả”.

Mô hình nuôi dê ở Mường Trai. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mô hình nuôi dê ở Mường Trai. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tin liên quan

[Kỳ I] Những quả đồi chuyển từ sắc trắng sang vàng ở huyện Lục Ngạn

[Kỳ I] Những quả đồi chuyển từ sắc trắng sang vàng ở huyện Lục Ngạn

Đội ngũ khuyến nông cấp cơ cơ sở đóng vai trò rất lớn trong sản xuất nông nghiệp, thế nhưng ở nhiều nơi hệ thống này đang đứt gãy, tan rã...

[Kỳ II] Nỗi niềm của ông Chủ tịch xã và ông Chủ tịch huyện

[Kỳ II] Nỗi niềm của ông Chủ tịch xã và ông Chủ tịch huyện

Cả hai ông đều lo lắng trước cái mốc tương lai đang rất gần, khi đội ngũ khuyến nông cơ sở bị xóa sổ thì tình hình phát triển nông nghiệp sẽ ra sao?

[Kỳ III] Chuyện ở Bắc Giang và tâm sự của những người có trình độ

[Kỳ III] Chuyện ở Bắc Giang và tâm sự của những người có trình độ

Để tiếp nhận thông tin đa chiều về chuyện hết năm 2024 Bắc Giang sẽ giải thể đội ngũ khuyến nông cơ sở, tôi đã liên lạc với một số người trong và ngoài cuộc.

[Kỳ IV] Những lá đơn xin nghỉ việc của 'ông thú', 'ông khuyến' ở Hòa Bình

[Kỳ IV] Những lá đơn xin nghỉ việc của 'ông thú', 'ông khuyến' ở Hòa Bình

Nhiều “ông thú”, “ông khuyến” ở tỉnh Hòa Bình đã đâm đơn xin nghỉ việc, trong khi đó các UBND xã không thể tuyển được người vào các vị trí này vì phụ cấp thấp.